100 câu hỏi quan trọng nhất về thực vật

You are currently viewing 100 câu hỏi quan trọng nhất về thực vật

Sự sống trên Trái Đất phụ thuộc vào thực vật. Dù là ăn chay hay mặn thì bạn và mình đều dựa vào cây và sản phẩm của chúng để sống. Không có thực vật, khí quyển sẽ sớm hết oxy, động vật sẽ đói, và có thể loài người sẽ khốn cùng ít lâu sau.

Trong hoàn cảnh khí hậu biến đổi như này, ngành khoa học thực vật càng trở nên quan trọng. Nó có thể giải quyết nhiều thử thách, nhất là đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm cho dân số Trái Đất còn đang tăng. Thậm chí để đưa con người vào không gian, ta cũng cần tìm cách mang cây theo.

Tuy vậy, những gì chúng ta biết về thực vật thường chỉ dừng lại ở các kiến thức phổ thông và ít cập nhật. Chẳng hạn như cây có cơ chế quang hợp (lấy vào CO2 và thải ra O2) để tạo thức ăn cho chúng và các sinh vật khác hưởng sái. Hay số vòng trong mặt cắt thân cây cho biết tuổi của cây. Hết rồi.

Có một nghiên cứu rất thú vị mới được công bố giúp lấy lại sự quan tâm dành cho ngành khoa học này, dự án “Một Trăm Câu Hỏi Quan Trọng Ngành Khoa Học Thực Vật Đang Đối Mặt”.  Đây là kiểu nghiên cứu khám phá vấn đề “quét chân trời” (horizon scanning) khi nhóm tác giả muốn biết về những câu hỏi về cây đang được quan tâm.

Ngoài chuyện hỏi các nhà khoa học thực vật dày dặn kinh nghiệm là dĩ nhiên thì cả cộng đồng … “mọt cây”, là những người đam mê thực vật tột cùng, cũng được mời cho ý kiến. Bạn có thể tưởng tượng đến những cô nàng tóc đỏ Poison Ivy trong Batman nhưng là … người tốt.

Kiểu nghiên cứu horizon scanning này tạo điều kiện cho công chúng không chuyên được tham gia vào quá trình nghiên cứu thay vì thờ ơ. Vì những vấn đề sống còn ở thực vật này ảnh hưởng trực tiếp tới chính những người dân bình thường.

Kết quả nghiên cứu là có hơn 600 câu hỏi xoay quanh thực vật được gửi về từ khắp 15 quốc gia thuộc 5 châu lục. Sau đó, một Ủy ban sàng lọc chọn ra 100 câu hỏi quan trọng nhất và đồng đều theo các khu vực địa lý. Trong đó, ta có thể chia thành ba loại câu hỏi chính.

Một là, nhiều câu hỏi quan trọng hoàn toàn chưa được nghiên cứu. Ví dụ như loài cây nào có thể hấp thụ được CO2 tốt và lâu bền nhất? Hay loài cây lương thực nào có thể phát triển trong điều kiện khí hậu biến đổi ở mỗi vùng?

Hai là, nhiều vấn đề tuy khoa học đã trả lời thỏa đáng vẫn được hỏi lại. Chứng tỏ việc truyền thông khoa học đang có chỗ không ổn.

Ba là, những câu hỏi cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực để trả lời. Chẳng hạn, chúng ta có thể làm gì để nâng cao nhận thức cộng đồng về sự tuyệt chủng của thực vật?

Tuy nhiên, điều làm mình thấy có hi vọng nhất là đây. Khi so sánh với nghiên cứu tương tự cách đây 11 năm (Grierson et al. 2011), mình nhận thấy một sự thay đổi lớn: biến đổi khí hậu (Climate Change) đang rất được quan tâm ở khắp các châu lục và có liên kết tới rất nhiều vấn đề khác.

1

2

Khi biết rằng cả các nhà khoa học lẫn “mọt cây” đều quan tâm tới biến đổi khí hậu, mình tin tưởng rằng chỉ cần chấp nhận nó có thật và do hoạt động của con người gây ra, thì chúng ta có thể chung tay khắc phục.

Vẫn còn kịp.

Cuối cùng, trong 100 câu hỏi quan trọng nhất, 11 câu mang tính đại diện cho các lĩnh vực được mình lược dịch ở bên dưới.

  1. Biến đổi khí hậu sẽ tác động như thế nào đến sự phong phú, năng suất, vùng sinh sống của thực vật và toàn hệ sinh thái?
  2. Khoa học trong cộng đồng: Làm sao để đảm bảo các mục tiêu và nhu cầu đa dạng của các xã hội trên Trái Đất được các nhà khoa học thực vật hiểu và nghiên cứu?
  3. An ninh lương thực: Làm sao có thể tận dụng sự đa dạng di truyền hiện có để tạo ra các loại cây trồng nhanh thích ứng với khí hậu?
  4. Đa dạng sinh học: Sự đa dạng loài phát triển ra sao trong các hệ sinh thái mới như các vùng đất nông nghiệp, rừng, đồng cỏ và vườn được phục hồi?
  5. Tính bền vững: Liệu mồi bảo vệ thực vật (plant defence priming) có là nền tảng cho một cuộc cách mạng xanh mới?
  6. Tương tác giữa các loài thực vật diễn ra như thế nào?
  7. Bệnh thực vật: Chúng ta nên chuẩn bị gì cho những mầm bệnh mới của cây trồng và môi trường tự nhiên?
  8. Hệ vi sinh vật của thực vật ảnh hưởng đến khả năng chịu đựng những yếu tố bất lợi ra sao?
  9. Tính thích nghi của thực vật: Tính khả biến trong quá trình phát triển (biểu sinh) của thực vật trông ra sao?
  10. Phản ứng với căng thẳng ở thực vật: Cách thực vật đối phó với các yếu tố gây bất lợi cho sự sinh trưởng là gì?
  11. Dịch vụ hệ sinh thái: Những vật liệu tự nhiên nào cần được đầu tư vì một tương lai sản xuất và phát triển dân cư bền vững hơn?

Còn bạn, bạn đang có hứng thú với câu hỏi nào về các loài thực vật?

Nguồn tham khảo: (Armstrong et al., 2023)
Hình ảnh featured: phannhi
Hình ảnh trong bài: The Too Blue Scientist

This Post Has One Comment

  1. Thuy-Duyen

    Mình đọc xong bài thấy mở mang hơn. Khi nghĩ về thực vật, cây cối mình sẽ nghĩ đến quang hợp, vòng tuổi đầu tiên; mình đã cười vì trúng tim đen. Nhưng rồi mình có nghĩ thêm về đa dạng sinh học về sự cần thiết của nó nữa. Dù gì thì cũng đúng như bạn viết, mình biết khá ít về thực vật và những gì mình biết chỉ khu trú nhất định trong lĩnh lực này, chứ ít mang tính liên ngành.

    Khi đọc 11 câu hỏi lược dịch, mình rất tò mò về câu số 10 – Cách thực vật đối phó với các yếu tố gây bất lợi cho sự sinh trưởng là gì? Thực vật là một loài sống, không biết cơ chế đối phó với sự thay đổi của chúng có điểm nào giống con người, và có wisdom nào từ chúng mà con người có thể học hỏi.

    Cám ơn bạn vì bài viết bite-sized thú vị.

Leave a Reply