Cuối tuần này, mạng xã hội các nước vùng cận cực tràn ngập màu sắc hồng, đỏ, và xanh lá của cực quang. Mọi người í ới khoe hình họ chụp, hoặc hỏi han nhau cách quan sát và công thức đặt máy ảnh ghi lại. Cực quang tuy rất đẹp và ngắn ngủi, nhưng không được thông báo rộng rãi như nhật thực hay nguyệt thực, có thể vì khó mà dự báo chính xác thời điểm diễn ra.
Trước khi hiểu về cực quang, hãy cứ ngắm nhìn nó cho thỏa thích cái đã bạn nhỉ?
Bức hình này chụp chùm cực quang phương Bắc vào Thứ Sáu ngày 10 tháng 5 tại Estacada, bang Oregon, Hoa Kỳ. Nguồn: AP Photo/Jenny Kane.
Bức ảnh này được đưa bởi Tân Hoa Xã, cực quang phương Bắc được chụp tại Nanshan, phía tây bắc vùng tự trị Tân Cương vào ngày 11/05/2024. Nguồn: Chen Shuo/Tân Hoa Xã qua trang tin của AP.
Cực quang quan sát được ở thành phố Chicago, Hoa Kỳ. Nguồn: r/JWSkaterViking.
Ở Montana, Hoa Kỳ. Nguồn: r/JayGlacier
Ở Colorado, Hoa Kỳ. Nguồn: r/itsaberglund
Sau bức màn đêm tưởng như tĩnh lặng, vũ trụ không hề yên bình. Ngoài thiên thạch, bụi vũ trụ, thì các tia vũ trụ chứa các hạt mang điện cũng bay loạn xạ. Mặt Trời, bản thân là một quả cầu khổng lồ đầy plasma nóng sáng, cầm đầu.
Plasma là một trạng thái vật chất phổ biến khắp vũ trụ nhưng khá kín tiếng. Các dạng vật chất ta thường thấy được ở ba trạng thái quen thuộc: rắn (như nước đá), lỏng (như trà sữa) và khí (như phần trà sữa trong ly nay đã không còn). Còn plasma lại ở tít trong ánh đèn neon, phát sáng cho quán trà sữa bạn đang ngồi. Có thể gọi plasma là dạng khí có khả năng dẫn điện.
Mỗi khi Mặt Trời phát tán mạnh mẽ plasma và các hạt mang điện, người Trái Đất hay gọi đây là bão Mặt trời (solar flare/solar storm). Những cơn bão Mặt Trời mạnh nhất cách nhau theo chu kỳ khoảng 11 năm, và chúng ta đang sắp trải qua một giai đoạn như thế.
Trái Đất có bị ảnh hưởng trước những cơn bão này?
Trái Đất nhìn vậy thôi chứ mang đủ loại áo giáp, một trong số đó là từ trường. Ngay ở độ cao tầm 16,000 kilomet tính từ mặt đất, chiếc áo giáp này chặn được phần lớn các hạt mang điện từ ngoài vũ trụ bay tới. Nhờ vậy mà chúng ta và đống thiết bị điện tử tạm được yên thân.
Khi những hạt mang điện từ Mặt Trời bay tới, lớp áo giáp từ trường kéo chúng về phía hai cực từ của Trái Đất, nơi từ trường mạnh nhất (gần cực Bắc và cực Nam địa lý), rồi va vào khí quyển. Tùy vào loại khí va phải mà tạo ra màu sắc rực rỡ huyền ảo ta chiêm ngưỡng nãy giờ. Càng ở gần hai cực, nhiều va chạm mạnh thì cực quang càng rõ với mắt thường. Còn nếu người quan sát ở các vùng cận cực có thể cần dùng máy ảnh hoặc ống kính điện thoại để ngắm rõ hơn.
Các hình ảnh chụp cực quang phần lớn đều được phóng đại về màu sắc và độ sáng qua các kỹ thuật nhiếp ảnh, như điều chỉnh độ chênh lệch sáng tối hay cho nhiều ánh sáng hơn đi vào máy trong thời gian lâu hơn.
Có thể coi cực quang là ánh sáng huy hoàng cho chiến thắng của từ trường Trái Đất trước các hạt mang điện ngoại lai. Tuy nhiên, các cơ quan thiên văn, năng lượng, và truyền thông của nhiều quốc gia vẫn phát đi thông điệp đề phòng. Trong lịch sử, bão từ đã có ảnh hưởng tới lưới điện cao thế và vệ tinh, khiến hoạt động sinh hoạt của người Trái Đất bị gián đoạn.
Cực quang ở miền Nam nước Đức. Nguồn: r/tegucigalpa1337
Ở New Zealand, 9h tối. Lúc này, đây sẽ gọi là cực quang phương Nam. Nguồn: r/Professional-Paper75
Các vùng gần xích đạo như Việt Nam không thể quan sát hiện tượng này, khiến một số ít người ghen tị.
Ở Việt Nam, cũng tối tầm đấy. Nguồn: tôi chụp.
Tham khảo:
Strong Solar Storm Disrupts Communications – Phys.org
Sách Conceptual Physics – Paul Hewitt
Nguồn hình ảnh đặt dưới mỗi hình.