Hồi xưa học Khơi nguồn sáng tạo khóa đầu tiên cô Tô Thị Hoàng Lan hỏi cả lớp “Tại sao học sinh phải học môn các bạn sẽ dạy?”. Mình đớ người cười trừ. Ủa cô hỏi gì kì ghê, tụi em cần đi dạy thì học sinh phải học chứ. 😊)) Câu hỏi đó theo mình đến bây giờ, nhiều khi nghĩ lại mình cũng chưa thực sự biết tại sao.
Giáo dục STEM được nhắc đến nhiều hơn và kéo theo rất ý kiến tranh luận lý do vì sao Việt Nam nên đẩy mạnh giáo dục STEM, giáo dục “nội dung số”. Ken Robinson lên TED Talks bảo ừ STEM cực quan trọng đấy, nhưng thế văn học, hội họa, ca múa nhạc, những thể loại ấy thì không nên đẩy mạnh à? Học sinh có phải cái máy đâu, ai cũng có hướng đi, sở thích của riêng chúng chứ. Rồi giáo dục Mới (thực ra đã có từ lâu) lấy học sinh làm trung tâm cũng được các nhà giáo dục, chủ trường ở cấp học nhỏ hơn thực hiện với các trường kiểu Montessori. Người bảo nên học hết lớp 9 thôi là đủ, người thì mong ước con vào được đại học để nở mày nở mặt. Cùng trong lúc nhiều góc nhìn giáo dục mới xuất hiện thì hệ thống trường công vẫn hoạt động bình thường.
Vậy thì cái gì là đáng được đem ra dạy cho học sinh, ai quy định điều này? Liệu có một chương trình học nào one size fits all không? Nếu bạn là người thiết kế chương trình thì bạn dựa vào đâu? Việc của giáo viên thực sự là gì?
Học kỳ này mình học môn International Comparative Studies chuyên đem việc học ở các quốc gia ra mà mổ xẻ, so sánh. Mới học về phần so sánh curriculum nên mình thích quá lược dịch trong sách (Adamson & Morris, 2014) với bổ sung một số ví dụ dựa trên sự hiểu của mình.
Đầu tiên, có nhiều quan niệm khác nhau về chương trình học được hình thành từ: hệ tư tưởng xã hội, niềm tin về vai trò của việc học, bản chất của kiến thức và việc học tập, và vai trò của giáo viên và người học.
1. Tư tưởng duy lý học thuật nhấn mạnh vai trò của việc đưa người học vào các ngành học tách biệt chứ không phải tích hợp. Như là học chuyên, nghiên cứu sâu thì phải là chuyên lý, chuyên toán, khó mà có gì gọi là giáo dục “chuyên STEM”. Người học cũng ở trong vai trò bị động tiếp nhận khối kiến thức mà người dạy truyền tải: kiến thức đấy, học đi rồi còn thi nữa.
2. Tư tưởng hiệu quả kinh tế xã hội: quan điểm này coi trọng việc phát triển năng lực của một người sao cho họ mang lại giá trị gì đó cho xã hội. Chương trình học bắt nguồn từ nhu cầu của xã hội và được thiết kế để đào tạo người học đáp ứng được những tiêu chuẩn kiến thức kỹ năng, mục đích cuối cùng là phát triển xã hội thịnh vượng và phát triển kinh tế. Đây là lý do phát triển STEM ở Mỹ và Việt Nam cũng vừa có chỉ đạo liên quan.
3. Tư tưởng tái thiết xã hội mặc định xã hội đang gặp vấn đề, đào tạo người học có nhận thức về vấn đề này và bắt tay vào hành động. Như là biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giới hay khôi phục kinh tế sau chiến tranh.
4. Tư tưởng orthodoxy sử dụng trường học để giáo dục về quan điểm chính trị hoặc tôn giáo.
5. Tư tưởng Mới của các lý thuyết học tập Jean Piaget, John Dewey hay Montessori coi người học là trung tâm. Chương trình học phải dựa vào nhu cầu, sự yêu thích, khả năng của mỗi cá nhân mà phát triển.
6. Tư tưởng đa nhận thức (conigtive pluralism) coi chương trình học phải đáp ứng được nhiều loại trí thông minh và đào tạo được đa dạng các năng lực sao cho người học có thể thích ứng được với nhu cầu đang thay đổi chóng mặt và khó dự đoán hơn.
Có 7 quan điểm lớn về chương trình học của Marsh và Willis (1995) như sau. Chương trình học có thể được coi là:
1. Các tác phẩm kinh điển theo thời gian, trong đó lưu trữ những kiến thức văn học, toán học, triết học hay quan điểm của những bậc vĩ nhân. Như Trung Quốc có Tứ thư, Ngũ kinh. Người học chỉ cần học hết những tác phẩm này đi thi phân tích được là đỗ ra làm quan (như trong phim), coi như là đã nắm được hết trí khôn của người xưa.
2. Hệ thống kiến thức được xây dựng thành các lĩnh vực hoặc môn học có khuôn khổ rõ ràng và tách biệt: vật lý, hóa học, toán học, … Trong mỗi lĩnh vực có xác định những nền tảng nào mà làm học sinh thì nên biết: bảng cửu chương, bảng chữ cái….
3. Hệ thống kiến thức có ích cho xã hội. Xã hội đang cần cái gì thì người học nên được đào tạo cái đấy. Như học toán biết cộng trừ nhân chia được rồi, mấy ai sử dụng tích phân đạo hàm đâu. Học phân tích văn học rất nhiều nhưng không viết được đơn từ, CV hay resume. Quan điểm này cho rằng nên dạy cái gì có ích mà học sinh dùng được trong tương lai.
4. Mục tiêu học tập được định sẵn. Liệt kê ra những mục tiêu học tập cụ thể như kiến thức, kỹ năng (ví dụ: tư duy phản biện) và thái độ (ví dụ: dũng cảm) và xây dựng những hoạt động học tập để đảm bảo người học đạt được mục tiêu trên, bỏ qua những giá trị khác biết đâu có thể đạt được trong quá trình học. Việc học không thể không có kế hoạch và tập trung vào đánh giá kết quả (có đạt được hay không), bỏ qua quá trình.
5. Việc học tập nhờ trải nghiệm. Quan niệm này ghi nhận tất các trải nghiệm của người học trong quá trình học, có kế hoạch và không có kế hoạch, có mục đích lẫn tình cờ. Ngoài việc học, ở trường bạn còn được kết bạn, học kỹ năng đối phó với căng thẳng trong phòng thi dù không chương trình nào dạy bạn cái đó.
6. Biến đổi cá nhân. Bên cạnh những trải nghiệm có được, sau khi học xong thì giáo viên và học sinh thay da đổi thịt như thế nào?
7. Trải nghiệm trong đời hay trường đời. Quan điểm này xem tất cả điều gì xảy ra trong đời đều là yếu tố của một chương trình học. Chắc đây là Trường Đời mà mọi người hay nói.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Mời bạn chia sẻ quan điểm của mình nhé.
Hải Nguyễn