Chó còn làm gì khi xúc động?

You are currently viewing Chó còn làm gì khi xúc động?

Một cuộc trò chuyện gần đây của với một chị họa sĩ lan tận đến chủ đề tiến hóa. Chúng mình cùng đồng ý là răng khôn không quan trọng bằng đuôi, vậy hà cớ gì tiến hóa bỏ đi chiếc đuôi nhưng vẫn để lại bốn cái răng mọc muộn cho chúng tôi chịu đau, lại tốn đống tiền không được bảo hiểm trả? Tưởng tượng nếu người còn đuôi thì có phải cuộc đời đỡ phức tạp biết bao không? Cứ như loài chó ấy.

Ta biết tỏng loài chó muốn gì qua “cơ quan” đuôi của chúng. Khi chiếc đuôi quạt trái phải lia lịa, chúng đang hào hứng, sẵn sàng với mấy trò tinh nghịch. Chiếc đuôi đang yên bỗng phe phẩy nhẹ nhẹ chứng tỏ ta đây cũng bắt đầu quan tâm đấy, nói tiếp xem nào. Đuôi đang cụp xuống giấu giữa hai chân với ý biết sợ rồi, đừng giận nữa nha. Còn nếu tự dưng xù lông dựng đứng lên thì liệu hồn đừng lại gần tôi. 

Ở người, chắc bộ phận truyền thông là đôi mắt. Tự chúng ta biết lúc mình đang xúc động, nước mắt chực trào ra thế nào. Theo ngôn ngữ khoa học mà nói, tuyến nước mắt đang gia tăng thể tích trong điều kiện cảm xúc được kích thích. 🗣️ Đôi khi tôi phá cười lên khi đọc thứ tiếng này.

Quay lại, với loài chó, trên cùng cái cơ thể lông lá thì chiếc đuôi như một đứa hướng ngoại to mồm, luôn dễ dàng giao tiếp ý đồ của mình. Còn đôi mắt có vẻ yên lặng và bình tĩnh hơn. Hiểu biết của chúng ta về đôi mắt của chó, hay của các loài động vật có vú khác, trong sợi dây nối với cảm xúc của chúng còn hạn hẹp. Chưa có nghiên cứu nào ở động vật làm rõ mối liên hệ giữa việc mau nước mắt và sự xúc động cả. Cho đến một nghiên cứu gần đây được đăng trên tạp chí khoa học Current Biology.

Một nhóm nhà khoa học người Nhật muốn tìm mối liên hệ trên. Họ so sánh thể tích tuyến nước mắt của 22 chú chó trước và trong khi gặp lại người chủ sau nửa ngày xa cách. Cái đuôi quẫy tưng và nhảy chồm chồm lên thì dễ thấy rồi. Nhưng điều thú vị là tuyến nước mắt của tụi nó cũng tăng lên đáng kể.

Để xác nhận hiện tượng này lần nữa, họ tiếp tục cho chó gặp lại người quen nhưng không phải chủ. Lúc này, thể tích tuyến nước mắt của chó không thay đổi so với bình thường. Chứng tỏ chó mau nước mắt hơn chỉ khi gặp lại chủ của mình, không phải một người ngẫu nhiên nào khác.

Nhưng điều gì bên trong khiến chó mau nước mắt? Câu trả lời có thể là hormone oxytocin. Oxytocin là hormone hình thành cảm giác khăng khít và kết nối. Khi hai người nhìn vào mắt nhau lâu, cảm tình có thể xuất hiện do cơ thể sản sinh nhiều oxytocin. Còn người và chó thì sao? Trong một thử nghiệm độc lập năm 2015, một nhóm nghiên cứu cho chó và chủ bốn mắt nhìn nhau, lượng oxytocin đo được tăng lên ở cả hai. Có vẻ qua quá trình tiến hóa mối quan hệ với người, loài chó đã học hỏi được điều này: Khi nhìn lâu vào mắt chủ, chó được cưng hơn. 

Trong thí nghiệm mới đây, các nhà khoa học nhỏ hai loại dung dịch lên mắt những chú chó. Một chứa oxytocin và một chứa nước muối loãng. Sau khi nhỏ oxytocin, tuyến nước mắt của chó tăng lên, tương tự như thí nghiệm trước đó. Chuyện này không xảy ra với dung dịch còn lại. Vì vậy, rất có thể oxytocin là thứ trung gian trong thí nghiệm đầu tiên. Tức là, việc gặp lại chủ sản sinh oxytocin, và oxytocin này làm tuyến nước mắt tăng thể tích. Wow, vậy là ta đã biết thêm rằng ngoài chiếc đuôi hay đôi tai, loài chó còn thể hiện cảm xúc qua đôi mắt nữa.

Cơ chế của phản ứng này ở chó là gì, có liên quan giống như chuyện hai mắt nhìn nhau không? Muốn biết điều này, ta lôi người chủ vào làm nghiên cứu. Nhóm nhà khoa học bắt đầu cho người chủ xem hai bức hình của chó nhà mình. Một bức chụp khi mắt chó ráo hoảnh. Một bức chụp sau khi chó được nhỏ nước mắt … nhân tạo lên. Kết quả là khi trông thấy bức hình chó nhà mình rưng rưng, người chủ ghi nhận được cảm xúc tích cực và mong muốn chăm sóc cho nó. Phát hiện này có thể xác nhận là loài chó rưng rưng để làm tăng cảm giác gần gũi của chủ với nó.

Như vậy, bằng chứng từ những nghiên cứu này tìm thấy mối quan hệ giữa người và chó cũng chịu ảnh hưởng của oxytocin, gần giống như mối quan hệ giữa người và người. Chúng ta chưa tìm thấy sự khăng khít này ở các loài gần-giống-chó-nhà khác.

Hóa ra, không chỉ có con người đã tiến hóa. Mối quan hệ của chúng ta và động vật xung quanh cũng khác đi rất nhiều dọc đường phát triển.

Mời độc giả xem nghiên cứu gốc tại:

https://www.cell.com/current-biology/fulltext/S0960-9822(22)01132-0

https://www.science.org/doi/full/10.1126/science.1261022


✨Niềm vui ✨ khi viết bài này phóng lên không trung 🌏 🚀, vượt qua cả đường Kármán, nhờ được tiếp thêm nhiên liệu từ sự ủng hộ 🧧💸 của Hoàng Tâm, Yến Phạm, Ngân và An, Rosie, chị Linh Trịnh, chị Quỳnh Như, Mắt Bét, Saoline, Law, Trân, Diên An, cô Vân, Thảo, Vân Anh và nhiều bạn đọc khác.