Những điều mình để ý về tiếng Anh

You are currently viewing Những điều mình để ý về tiếng Anh
Hinh vẽ của Sydney Pink

Từ “học” hay được hiểu là lấy từ ngoài đắp vào bên trong. Khi học, mình hay chừa không-thời gian cho nhiều thứ hay ho tràn vào và cố gắng tiếp thu càng nhiều càng tốt.

Gần đây, mình nhận ra “bản thân mình” cũng có rất nhiều cái cần được hiểu.

“Để-ý bản thân”, phản tư, (hay self-noticing, self-awareness, reflection) là một phần không thể thiếu trong khi “học”.

Học tiếng Anh, giống những kĩ năng khác, là chuyện rất cá nhân và đòi hỏi nhiều thử nghiệm. Một cuộc hành trình chọn lọc ra những phù hợp khỏi những thứ không phù hợp. Chưa kể “sự phù hợp” đó còn luôn thay đổi chứ không cố định mãi.

Thay vì đọc thêm nhiều mẹo học tiếng Anh từ bên ngoài, mình bắt đầu để ý nhiều hơn về “tiếng Anh của mình” và ghi ra đây.

Nếu bạn cũng để ý và có thấy gì thì chia sẻ nhé với nhau nhé. Mình từng chia sẻ khó khăn khi đọc tiếng Anh ở đây.


Mindset người bắt đầu

Với tiếng Anh, mình luôn mang mindset là một người mới bắt đầu (beginner). Kiểu khá tỉnh để bắt chước kiểu nói, từ ngữ của người này người kia mà không thấy tội lỗi.

Mình sẵn lòng lấy từ vựng hoặc cấu trúc câu mà bạn A dùng để sử dụng trong một cuộc hội thoại khác với bạn B. 🤣


Bí từ 🎃

Hồi trước, khi nói chuyện bằng tiếng Anh, mình hay chết đứng khi không biết dùng từ nào để diễn tả một thứ đã có sẵn tiếng Việt trong đầu.

Ví dụ, “tớ muốn học cách phát cầu đi là là mặt lưới nhưng vẫn vượt qua vạch trắng đầu tiên.” Mình chứng kiến nhiều người gặp khó khăn tương tự.

Những lúc này, mình thường nói vòng vòng một chút, tìm từ tương đương để mô tả thay vì gọi thẳng tên cái đó ra.

Dùng từ điển để chọn từ đúng có thể dùng vào lúc khác. Với mình, duy trì mạch hội thoại quan trọng hơn.

Học một ngôn ngữ khác giúp mình hiểu được giá trị của việc tìm-bằng-được cách truyền đạt thông điệp của mình ra thế giới bên ngoài. At-all-cost.


Chiếc hộp từ ngữ 📦

Cảm giác giải thích thành công một khái niệm, kể được một câu chuyện bằng một tiếng Anh rất đã.

Giống như cầm cái hộp bị khoá loay hoay tìm cách mở. Khi mở được hộp, kể xong chuyện cho người đối diện hiểu rồi cười cười thú vị lắm.


Người đối thoại rất quan trọng

Tuỳ người đối diện mà mình nói có chuẩn hay không. Nghe lạ ha. Cứ tưởng năng lực tiếng Anh do mình quyết định chứ. Nhưng hình như vậy chưa đủ.

Ở Taiwan, mình gặp nhiều bạn đến từ nhiều nơi khác nhau. Với phần đông trong số họ, tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ. Tuỳ vào trình độ tiếng Anh của người đối thoại mà lời mình nói trôi chảy hoặc vấp váp theo. Sự chuyển mình từ hai thái cực này đôi khi xảy ra trong tích tắc.

Thành ra ở đây có hai ý. Trình độ nghe-nói tiếng Anh sẽ không cố định mà thay đổi rất nhanh. Và nếu muốn tập nói trôi chảy thì cần tìm những người tương đương.

Mình không biết tới khi nào thì trình độ tiếng Anh của mình mới trở nên khách quan, không phụ thuộc vào người đối diện, nhưng đây cũng là một điều đáng quan sát.


Trạng thái dòng chảy (Flow state) 💦

Khi nói chuyện với người sử dụng tiếng Anh trôi chảy, có những lúc mình cảm giác đang trôi theo “dòng chảy” (flow).

Tức là hoà mình vào câu chuyện và thông điệp được truyền đạt trong cuộc hội thoại thay vì đứng ở bên ngoài để nhận xét xem mình nói thế này đã đúng chưa, người kia nói sai chỗ nào.

Văn viết, văn nói, và văn nghĩ

Đôi khi mình sử dụng giọng văn viết trong lúc nói. Như dùng “In addition”, hay “Moreover” khi liệt kê.

Tiếng Anh trong TV Shows không có sự cứng nhắc này. Nhiều người dạy tiếng Anh bản xứ hay liệt kê đây là một lỗi sử dụng tiếng Anh cứng. Mình đoán là do phản xạ, viết nhiều thành quen.

Khi xem nhiều TV Shows, câu chuyện họ kể ảnh hưởng lên suy nghĩ của mình. Dần dần suy nghĩ trong đầu hiện hình bằng tiếng Anh khá nhiều. Thành ra giờ khi viết tiếng Anh, mình cũng thường sử dụng văn nói-văn nghĩ.


Tiếng Anh ảnh hưởng đến lối sống và cách nghĩ

Với tiếng Việt, học không cần cố gắng gì. Với tiếng Anh thì ngược lại, mình dành rất nhiều nỗ lực cho nó. Vì vậy mà nó luôn được ưu tiên phát triển hơn.

Nhất là chuyện thường xuyên tạo bối cảnh chìm trong tiếng Anh. Nghe podcast, xem TV shows, nghe nhạc, đọc blogs, tham dự các diễn đàn, mạng xã hội, đọc sách (lại còn sách triết học), nói chuyện, …

Rất nhiều input quan trọng mình chọn để nhận về mặt tư duy là đến từ tiếng Anh. Ngoài ra, từ lâu mình còn “bị” hình thành phản xạ tìm kiếm bằng tiếng Anh.

Điều này vừa hay vừa không.

Đôi khi mình cảm thấy hụt hơi khi không bắt kịp dòng chảy nền văn minh ở Việt Nam, và rất nhớ input cảm giác có tiếng Việt chất lượng. Ừm, nói nghe buồn cười lắm.

Hoá ra, bạn có thể đi nước ngoài ở ngay trong nước mình.

Bây giờ với mình, việc diễn đạt bằng tiếng Việt cũng quan trọng không kém tiếng Anh. Vì vậy, năm nay mình muốn đọc tiếng Việt nhiều hơn chút.


Người bản xứ

Dự đoán: cũng như mình khoái ai nói được tiếng Việt hay người Hoa, người Đài thích mình bập bõm tiếng Trung, thì người nói tiếng Anh có vẻ không quan tâm đến lỗi tiếng Anh của mình lắm.

Nên cứ xác định là người bắt đầu (beginner) thì mình sẽ tự tin hơn.

Tự tin

Cái nào đến trước? Tự tin mới nói được hay nói được rồi mới tự tin?

Với Feynman thì tự tin cái đã, nói được hay không tính sau. Feynman áp dụng sự tự tin này trong tiếng Ý, tiếng Bồ, và tiếng Nhật.

Chưa cần biết hiệu quả như nào nhưng mình thấy tự tin thì vui hơn.

Việc nói một ngoại ngữ giống như đi qua một vũng nước có để sẵn những viên gạch: mình có thể đi rón rén lên từng viên mà vẫn không vui bằng nhảy nhót chân sáo, dù có mạo hiểm hơn.


Học XONG tiếng Anh

Ngay từ buổi học đầu tiên của môn Marine Science, mình đã nhận ra điều này.

Không thể học XONG tiếng Anh được.

Trong môn này xuất hiện một loạt từ vựng mới, cả thuật ngữ khoa học lẫn từ bình thường. Mà khổ nỗi đây có phải là lớp học tiếng Anh đâu. Thành ra mình và Saoline phải tra từ điển liên tục.

Học ngoại ngữ liên quan đến động lực. Động lực dính tới nhu cầu. Mà nhu cầu lại không phải là thứ để dành. Kiểu nhu cầu “cứ học đi biết đâu có ngày dùng tới” chắc sẽ không tồn tại được lâu. Nhưng nếu nhu cầu có thể đi đây đó, học vì vui, để ra oai, để kiếm tiền, để học-hiểu một lĩnh vực nào đó, … sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Nếu bạn đang trì hoãn làm một việc gì đó vì lí do “không có tiếng Anh” (hoặc một ngôn ngữ khác), có thể tiếng Anh chưa phải là thử thách thực sự khiến bạn “lười” đâu.


Học theo chủ đề

Từ trên dẫn đến một ý tưởng khác: học tiếng Anh nên diễn ra theo chủ đề hay lĩnh vực mà người học quan tâm.

Ví dụ, nhờ học lớp Marine Science, lớp Environmental Science, hay trước đó khi học Vật lí ở Việt Nam, tiếng Anh chuyên ngành Vật lí (do thầy Đông Hải dạy) rất cuốn hút mình hơn nữa.

Khi đó, tiếng Anh đến với mình theo một “gói” chứa đủ thứ: từ vựng, cấu trúc câu, cách viết, các nguồn đọc và nghe, bối cảnh, bạn học, môi trường xung quanh, … Học không để đấy, mà để có thể áp dụng được để đọc, hiểu, trình bày nữa.

Nếu bạn thích một chủ đề nào đó mà cũng cần học tiếng Anh, cùng học hai thứ một lúc có thể sẽ thú vị hơn. Thời trang, nghệ thuật, văn học, triết học, marketing, tổ chức sự kiện, … cái gì tiếng Anh cũng có.


Phong độ nhất thời

Mình để ý phong độ nói tiếng Anh sẽ giảm khi nghỉ hè. Đây là thời gian mình không dùng tới nó nhiều vì ít gặp giáo sư và bạn học.

Khi quay trở lại sau kì nghỉ thì “mất nghề”, nói năng chán hẳn đi, phải mất một thời gian để lấy đà.

Có vẻ năng lực ngôn ngữ cũng không cố định mà thay đổi, lúc lên lúc xuống.

Đọc

Việc đọc giúp mình cải thiện tiếng Anh rất nhiều.

Mình thích đọc nên không cảm thấy nó là nhiệm vụ phải làm.

Có những cuốn sách biến việc đọc thành giải đố. Tác giả nhét ý tứ của họ vào lối nói ẩn dụ giàu hình ảnh, khiến đọc sách như đi xem triển lãm nghệ thuật ý.


Phân biệt giữa học, thi và sử dụng tiếng Anh

Gần đây mình mới nhận ra điểm khác biệt này.

Nếu đi thi tiếng Anh, bất kì hình thức hỗ trợ nào cũng bị cấm.

Nhưng giờ mình không phải đi thi tiếng Anh nữa 🤟🏼. Mình có thể tự hỗ trợ bằng bất cứ công cụ gì trong quá trình nghe – nói – đọc – viết để tiếp nhận hoặc truyền đạt tốt nhất ý tưởng của mình tới người tiếp nhận.

Bảng động từ, mẫu câu, từ nối, từ điển, … bring ’em on. Nếu chưa rõ, mình biết là có thể hỏi lại. Đến thời kì sử dụng tiếng Anh rồi.

Nếu bạn đang ở trong thời kì vất vả học một ngôn ngữ, mình biết nó rất khó.

Chúc bạn vui và có thể tận hưởng được trái ngọt của nó dọc đường.



✨Niềm vui ✨ khi viết bài này phóng lên không trung 🌏 🚀, vượt qua cả đường Kármán, nhờ được tiếp thêm nhiên liệu từ sự ủng hộ 🧧💸 của Hoàng Tâm, Yến Phạm, Ngân và An, Rosie, chị Linh Trịnh, chị Quỳnh Như, Mắt Bét, Saoline, Law, Trân, Diên An, cô Vân, Thảo, Vân Anh và nhiều bạn đọc khác.

🖼 Hình vẽ tuyệt đẹp của Sydney Pink.


Nếu thích bài viết này,

Bạn có thể:

👉 Chia sẻ bài viết

🍎 Ủng hộ The Too Blue Scientist ở đây

💌 Đăng kí nhận bài viết mới