ĐỌC ĐỂ VUI – VUI ĐỂ ĐỌC – ĐỂ ĐỌC VUI

You are currently viewing ĐỌC ĐỂ VUI – VUI ĐỂ ĐỌC – ĐỂ ĐỌC VUI

Bài này nằm trong blog xoay quanh chuyện đọc được gửi hàng tuần cho cư dân của Bộ lạc sách MindTriibe.

Đọc mất vui

Mỗi người đều mắc kẹt ở một vài cuốn sách, không thể đọc tiếp.

Chẳng lẽ bỏ không đọc nữa? Lỡ hơn một nửa rồi.

Thôi, dừng đọc lại, làm việc khác. Khi nào đọc xong cuốn này thì mới được tới cuốn khác.

Hôm rồi mình dọn Goodreads và phát hiện ra nhiều cuốn mình bỏ dở từ đời nào. Trong Kindle, số cuốn có phần trăm đã đọc ở giữa giữa còn nhiều hơn.

Đây là hai trong số hàng chục cuốn bỏ dở của mình 😭

Thỉnh lướt qua chúng, cảm nhận được 10% ngán ngẩm + 30% chán chường + 40% quá sức + 20% tội lỗi. Cũng hơi khó khăn để bắt đầu một cuốn sách mới. 😔

Ta bị kẹt ở đâu đó, không phải trong cuốn sách cũ, mà ở quan niệm về cách đọc sách. Ta có rất nhiều dặn dò bên trong cho bản thân: phải đọc hết, phải đọc theo thứ tự phần – chương – trang, phải đọc cho đỡ phí tiền mua, phải đọc xong cuốn này mới đến cuốn kia, …

Uh oh. Hãy để đọc là một hành trình khám phá của riêng bạn 🎒.


Vui để đọc

Nếu không còn đi học một cách chính thức thì bạn không PHẢI đọc vì bị ÉP nữa. Bạn đọc vì tò mò, vì muốn thưởng thức cảm giác chìm đắm trong những câu chữ và tưởng tượng hình ảnh trong đầu, đọc vì thấy hứng thú.

Vậy thì hãy để hứng thú dẫn bạn đi, không phải kỉ luật. 🤤

Rất nhiều biển báo đều chỉ về hướng đi theo hứng thú và hạn chế sử dụng ý chí vì sẽ gây hao tổn tâm sức.

Đồng ý là những cuốn sách chất lượng đem lại nhiều giá trị cho người đọc, kích thích bạn suy nghĩ sâu, nhưng đồng thời thì cách đọc sách cũng phải vui chứ nhỉ? Hãy đọc như vui chơi.


Để đọc vui

Cho phép mình bỏ cuộc và bỏ qua

Johny bảo: “cứ khi nào tôi nghĩ về một cuốn sách thú vị, tôi sẽ thấy hứng thú trong một tuần, và rồi lại tự nhắc nhở với mình, này này còn chưa xong cuốn kia kìa. Và rất nhanh chóng niềm hứng khởi đó chuyển thành cảm giác tội lỗi.”

Mình đồng cảm lắm khi nhớ lại Thế giới của Sophie đã đọc hai lần mà vẫn bỏ đâu đó ở 30 – 50%. Công sức và thời gian đã tiêu tốn để lật được đến đây rồi và lỡ có gì sau trang đây hay ho thì sao nhỉ? Chẳng lẽ dừng?

Khi đang đọc cuốn Meditation in plain English, mình chỉ muốn đọc phần Practice cho nhanh, vì mình biết thiền là gì rồi. Nhưng điều khó khăn nhất với mình khi đọc nhảy cóc từ chương này qua chương kia là cảm giác khó chịu vì nghĩ rằng “lỡ bỏ qua gì hay thì sao?” Kết quả là dám nhảy cóc, nhưng phần Practice sâu hơn mình tưởng, vẫn cần quay lại để đọc cho có nền tảng.

Để dũng cảm bỏ qua cần hiểu về hai loại sách.

Sách Fiction (Hư cấu) và Non-fiction (Fi hư cấu)

Sách hư cấu có mở đầu ở A, qua hàng loạt tình huống với cao trào – kịch tính và dẫn dắt thay phiên nhau xuất hiện để độc giả nhìn thấy hành trình biến đổi của nhân vật chính ở Z. Có lẽ đây là kiểu sách mà ta ít muốn đặt xuống ngang xương nhất. Tuy nhiên, sách này đòi hỏi mình phải làm quen với nhiều nhân vật mới. Ai là Harry, Ron, Hermione đâu? Ra điểm danh đi. Nản nhất là khúc bắt đầu, sau đó thì tự có quán tính đọc tiếp. Nói chứ lâu rồi không đọc Fiction.

Sách phi hư cấu, nhất là thể loại self-help, truyền động lực thì dễ đoán hơn. Mỗi chương sách bắt đầu với một câu chuyện của Tom và Jerry nào đó. Từ câu chuyện đó tác giả rút ra bài học ở giữa chương. Bài học này sau đó được nhắc lại 10 lần, không bằng những dẫn chứng, ví dụ và lập luận mới thì bằng những câu văn giống giống nhau. (Cứ thử đọc Ba người thầy vĩ đại sẽ thấy, OMG sốt ruột).

Những sách phi hư cấu khác, như Lược sử loài người Sapiens (Yuval Noah Harari) hoặc Creativity (Mihaly Csikszentmihalyi ♥️ Google) không mang áp lực phải thuyết phục người đọc làm theo sách nè các bạn, mà đơn thuần là giới thiệu kiến thức dưới một góc nhìn. Mình thích loại này hơn.

Một cuốn sách hay, theo mình, khi giá trị của nó được trải đều khắp cuốn sách. Cứ mỗi vài trang lại có một câu, một đoạn đáng highlight chẳng hạn. Đọc đến đâu não được nở ra đến đấy.

Như vậy, không nhất thiết phải đọc hết cuốn sách, từ bìa này tới bìa kia, để lấy được ý tưởng từ đống thời gian và công sức mình đã đổ vào. Kể cả phải tiếc nuối dừng lại sau 300 trang thì hãy tin là bạn đã gặt hái được một chút. Còn lại để sau cũng được.


Đọc đúng thời điểm

Thời điểm ở đây do bạn xác định, có thể rõ ràng như lí do tìm hiểu một thứ gì đó. Hoặc chỉ đơn giản là thấy cái gì đó hay hay ngộ ngộ là đủ. Đi theo hứng thú của bạn.

Tích trữ đa dạng sách

Nào, Accio 🧙🏻‍♂️! Hư cấu, phi hư cấu, tình cảm, khoa học, viễn tưởng, tâm lí, …

Tác giả Rosie Nguyễn cũng từng chia sẻ việc đọc xen kẽ hư cấu và phi hư cấu trong cuốn Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu.

Nhưng đừng dừng lại ở đó. Hãy làm giá sách đa dạng hơn nữa. Độ dài. Chủ đề. Tác giả. Bìa. Độ khó. Format sách: sách giấy, sách điện tử, sách audio. Để làm gì? Để …

books in black wooden book shelf
Photo by Pixabay on Pexels.com

Đọc theo tâm trạng

Bạn đang cảm thấy gì? Buồn? Chán? Vui sướng? Hi vọng? Cô đơn? Năng lượng cao hoặc thấp? Buồn ngủ? Mệt mỏi? Nào, cuốn theo chiều gió đi. Trong giá sách có cuốn nào hợp tâm trạng bây giờ của bạn chưa?

Có sách theo tâm trạng nghĩa là bạn không cần phải đợi đến khi vui mới được đọc. Bất cứ khi nào, thấy gì bạn cũng có thể đọc được. Mệt mỏi và khó ngủ, hãy vớ lấy Thế giới của Sophie 🤣. Thấy chán đời, hãy đọc Totochan. Thấy tò mò, hãy đọc về thứ bạn tò mò. Muốn một liều mới mẻ, đọc cái gì thật mới. Psychedelics chăng?


Đọc nhiều sách cùng lúc

Nếu bạn nhanh chán, nếu sự tập trung (attention span) của bạn không cao (đây không phải lời chê!) thì tội gì mà không tận dụng đọc nhiều cuốn sách cùng một lúc? 5, 10, 15 thậm chí 20 cuốn cùng lúc?

Thay vì một năm đọc 20 cuốn sách, từ 1 tới 20. Bạn có thể đọc cả 20 cuốn trong vòng một năm. Được chứ sao không, nhỉ? Như nhà đầu tư Naval nóiJohny đã thử nghiệm.

Đọc nhiều sách cùng lúc đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều góc nhìn, và dễ kết nối những ý tưởng xa lạ lại gần với nhau. Chẳng hạn đọc sách về nghệ thuật, tiền bạc và sức khỏe cùng lúc thì liên quan đến việc học ngoại ngữ như nào nhỉ?


Tìm hiểu ngay khi tò mò

Trên Goodreads có một giá sách mặc định tên là Want-to-reads. Một cách lí tưởng thì đây sẽ là “của để dành” phòng khi nhà hết sách để lướt chọn mua bổ sung. Khi nghe ai nói về cuốn nào đó hay, mình sẽ tìm và lưu lại vào đây. Có thể coi đây là tấm lưới lọc đầu tiên của việc chọn sách và tìm trong đây trước khi không biết mua sách gì.

Nhưng hiếm khi mình bới lên để xem. Đây gần như là “mồ chôn” tò mò của mình vì nhiều khi xem lại mình không nhớ vì sao mình muốn đọc nó nữa.

Hay thôi, lần tới nếu đang tò mò về điều gì hãy đi theo nó luôn cho tới khi hết thì thôi nhỉ?


Đọc lâu để nhớ dai

How do SRS (Spaced Repetition System) works? - Quora

Ừ, nếu bạn muốn học hỏi từ sách mà không chỉ giải trí đơn thuần thì đây là vấn đề lớn nếu việc đọc hơi tản mát.

Hồi xưa hay phải thi cử, ta hay gặp tình trạng thi xong rồi quên ngay. Một phần nguyên nhân có thể là ta lưu kiến thức ở bộ nhớ ngắn hạn thay vì bộ nhớ dài hạn. Phương pháp ôn tập lặp lại giãn cách (spaced repetition) được cho là hiệu quả trong việc lưu trữ thông tin vào bộ nhớ dài hạn. Nếu một cuốn sách quan trọng với bạn, việc “ngâm” nó lâu trong thời gian dài là có ích.

Đọc một cuốn sách trong vòng một năm chắc sẽ thú vị lắm, nhỉ?

Ngoài ra, ghi chú khi đọc và tổng hợp chúng vào chung một chỗ, dần dần xem lại sau cũng là một cách để tăng kết nối giữa các mảng kiến thức rời rạc.


Đọc mục lục trước

Hãy cho trang đặc biệt này một cơ hội dẫn bạn đi. Hãy bắt đầu ở nơi bạn quan tâm nhất, nơi giải quyết vấn đề của bạn ngay. Bắt đầu ở chương 9 xem nào, chương 3 để sau.

Lướt qua sách, hãy tìm chỗ bạn hứng thú nhất. Hãy khám phá trước, rồi bình tĩnh mà đi vào sâu hơn. (Oh what am I talking about?)

Đi nhà sách offline nhiều hơn

Dù giá đắt hơn mua hàng online, nhưng khi đi nhà sách, bạn được sờ sách, xem mục lục và đọc thử vài ba lần. Bạn có thể sẽ ra những quyết định tốt hơn khi mua hàng tại đây.

Và ngụy biện kẻ sưu tầm thì sao?

Nếu bạn còn nhớ ở bài trước, MindTriibe đã viết về việc đọc với một định hướng rõ ràng và ngụy biện kẻ sưu tầm (mua về đấy chứ không đọc). Nay lại bảo mua nhiều sách theo hứng thú, đọc theo tâm trạng. Ba điều này có mâu thuẫn với nhau không nhỉ? Note lại để hôm sau bàn.

Cuối cùng, suy nghĩ gốc bắt nguồn từ việc “đọc như thế nào?”

Nhiều người nhìn những người đọc sách và nghi ngại rằng họ không có những suy nghĩ gốc bắt nguồn từ chính họ (original thoughts). Họ không authentic.

“Những suy nghĩ bạn có được là do sách, không phải từ bạn. Bạn chỉ nói như sách nói.”

Some wise men 😭

Well, có thể đúng, cho tới khi bạn thực sự đọc nhiều, đôi khi bạn sẽ chỉ tay vào một cuốn sách và bảo, “Không đáng đọc.”

Một trong những điều “gốc” nhất của việc đọc là chọn sách và chọn cách đọc. Bạn nhìn list sách Bill Gates khuyên nhưng không hào hứng thì thôi, vì bạn không phải ổng. Bạn tò mò về những điều khác. 😋

Đọc là một hành trình khám phá của riêng bạn. Và thi thoảng, hãy chia sẻ nó với mọi người. Tham gia một nhóm đọc sẽ nâng cao trải nghiệm đọc của bạn.

Vui chơi với sách nào 😁

MindTriibe X The Too Blue Scientist

Lấy cảm hứng và tham khảo

Podcast dài hơn 1 tiếng: https://fs.blog/knowledge-project/naval-ravikant/

Bài viết: https://hackernoon.com/everything-i-knew-about-reading-was-wrong-bde7e57fbfdc