Hướng dẫn viết luận bởi Jordan B. Perterson: Hoàn thành hơn hoàn hảo (Phần 2)

You are currently viewing Hướng dẫn viết luận bởi Jordan B. Perterson: Hoàn thành hơn hoàn hảo (Phần 2)

Mời bạn đọc phần 1 của tài liệu này tại đây.

PHẦN HAI: CÁC CẤP ĐỘ CHI TIẾT

Từ, câu, đoạn, và nhiều hơn thế

Một bài luận tồn tại đồng thời ở nhiều cấp độ chi tiết. Đầu tiên là việc lựa chọn từ. Thứ hai là việc tạo lập câu cú. Mỗi từ phải từ chính xác, đúng vị trí trong mỗi câu. Mỗi câu cần trình bày một phần ý tưởng được diễn đạt trong đoạn văn, đúng ngữ pháp. Cấp độ chi tiết thứ ba là mỗi câu cần được sắp xếp hợp lý và trình tự bên trong một đoạn văn. Theo nguyên tắc chung, một đoạn văn nên có ít nhất 10 câu hoặc 100 từ. Đây có thể là một quy tắc bậy bạ vì nó vô căn cứ. Tuy nhiên, bạn nên làm theo nguyên tắc cho đến khi hiểu rõ hơn.

Quy tắc ra đời là có lý do. Bạn chỉ được phép phá vỡ chúng nếu bạn đã là chuyên gia hay bậc thầy. Nếu chưa phải một bậc thầy, đừng nhầm lẫn sự thiếu hiểu biết với sáng tạo hoặc phá cách. Việc viết tuân theo các quy tắc sẽ giúp người đọc dễ đọc hơn, vì họ biết trước tiếp theo có gì đáng đọc. Vì vậy, để bắt đầu, hãy sử dụng các quy tắc sau.

Ví dụ, đặt mục tiêu viết một đoạn văn của bạn dài khoảng 10 câu hoặc 100 từ. Một đoạn văn nên trình bày một luận điểm duy nhất, sử dụng nhiều câu. Nếu bạn không thể nghĩ ra 100 từ để nói về ý tưởng của mình, có thể nó không phải một ý tưởng hay, hoặc bạn cần suy nghĩ thêm về nó. Nếu một đoạn văn của bạn dài từ 300 từ trở lên, có thể nó có nhiều hơn một ý và nên được chia nhỏ hơn.

Tất cả các đoạn văn phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lý, từ đầu đến cuối bài. Đây là cấp độ chi tiết thứ tư. Có lẽ bước quan trọng nhất khi viết một bài luận là sắp xếp các đoạn văn theo thứ tự thích hợp. Mỗi đoạn văn là một bước đệm đi đến kết luận cuối cùng của bài luận.

Cấp độ chi tiết thứ năm là toàn bộ bài luận. Mọi yếu tố của một bài luận đều có thể đúng, từng từ, từng câu và từng đoạn – thậm chí cả thứ tự của mỗi đoạn trong bài – nhưng bài luận vẫn có thể không thành công, vì nó không thú vị hoặc không quan trọng. Không có câu trả lời cho câu hỏi “chính xác thì tôi đã mắc lỗi ở đâu?” Đơn giản là một bài luận như vậy chưa tốt. Một bài luận không độc đáo hoặc kém sáng tạo có thể vì rơi vào lỗi này.

Đôi khi một người sáng tạo hay không thành thạo về kỹ thuật viết có thể mắc sai lầm ngược lại: họ chọn từ ngữ không phù hợp, sử dụng cấu trúc câu kém, các đoạn văn không được tổ chức mạch lạc, các đoạn văn không dính dáng, liên quan gì tới nhau – nhưng nhìn chung bài luận lại có thể thành công, vì có những ý tưởng giá trị nhưng bị mắc kẹt bên trong.

Những mức độ khác

Bạn có thể cho rằng bài luận không còn gì ngoài năm cấp độ chi tiết trên, nhưng bạn đã nhầm. Một bài luận còn có người đọc đọc và hiểu nó. Tức là, bài luận còn tồn tại trong bối cảnh diễn giải, được tạo thành bởi người đọc (cấp độ thứ sáu)văn hóa mà người đọc ở trong (cấp độ thứ bảy). Hai cấp độ này tạo nên các giả định mà người đọc mang vào bài luận. Cấp độ sáu và bảy có nguồn gốc sâu xa từ trong sinh học và văn hóa.

Viết lách mà không màng tới độc giả là một sai lầm. Tuy một phần mục đích của bài luận là giúp bạn suy nghĩ mạch lạc, nhưng phần khác quan trọng không kém, là truyền đạt tới độc giả. Để bài luận thành công, nó phải đáp ứng đồng thời ở tất cả các cấp độ chi tiết này. Điều đó rất khó, nhưng chính trong cái khó đó mới tồn tại giá trị của việc viết.

Cân nhắc về tính thẩm mỹ và hứng thú viết lách

Vừa rồi chưa phải là tất cả những gì bạn cần để ý khi viết luận. Bạn cũng nên cố gắng diễn đạt ngắn gọn và hiệu quả, trình bày thẩm mĩ, viết sao cho có âm điệu du dương trong ngôn ngữ viết của mình. Cuối cùng, bạn không nên cảm thấy nhàm chán khi viết. Nếu viết mà thấy chán, thì chắc chắn là có gì đó đang sai và khiến người đọc chán theo.

Hãy nghĩ về nó theo cách này: bạn cảm thấy buồn chán là có lý do, và có khi là lý do chính đáng. Có thể, bạn cảm thấy buồn chán khi viết bài luận của mình bởi vì bạn đang dối trá với bản thân về những gì mình đang làm và tại sao bạn lại làm điều đó. Tâm trí của bạn độc lập với nghị lực. Nó không thể bị lôi cuốn vào một việc mà bạn cảm thấy không thú vị hoặc vô dụng. Nên một cách tự động, viết luận không tạo được sự chú ý với tâm trí và khiến bạn thấy chán.

Nếu bạn chán viết luận, có thể do hoặc bạn đã chọn sai chủ đề (chủ đề không có gì quan trọng với bạn hay người khác), hoặc bạn đang tiếp cận một chủ đề hay theo cách không phù hợp. Cũng có thể bạn bực do bị ép phải viết luận, hoặc tự nghĩ mình lười biếng, dốt nát, hoài nghi quá mức, kiêu ngạo, hoặc trạng thái cảm xúc nào đó tương tự.

Bạn sẽ cần đặt mình vào một trạng thái tinh thần phù hợp để viết hay. Trạng thái tinh thần là một phần của yếu tố thẩm mỹ. Hãy nghĩ rằng khi viết luận, bạn đang cố gắng tạo nên một thứ có giá trị, vẻ đẹp và tinh tế. (Có thể lúc đang viết, bạn thấy bản nháp vừa viết là một thứ gớm ghiếc, nhưng bài luận cuối cùng sẽ đẹp hơn thế rất nhiều. – Lời người dịch.)

Bạn phải chọn một chủ đề quan trọng với mình. Nó nên là một câu hỏi bạn muốn tìm câu trả lời. Đây là phần khó nhất khi viết luận: lựa chọn chủ đề/vấn đề/câu hỏi thích hợp. Có lẽ giảng viên đã cung cấp cho bạn một danh sách các chủ đề, và bạn nghĩ mình không hứng thú với chúng. Có thể hoặc không. Bạn hãy thử tìm cách viết về một trong những chủ đề được giao theo cách hấp dẫn bạn nhất. Đây thật sự là một nỗ lực về mặt tinh thần và đạo đức của bạn.

Khi xác định đúng thứ mình quan tâm rồi, bạn đã đặt mình vào đúng trạng thái tinh thần cần để viết. Tinh thần sẽ nói cho bạn biết bạn có thực sự quan tâm về chủ đề được chọn hay không. Bạn, hoặc một phần của bạn, thấy mình cần câu trả lời – và cuộc sống của bạn phụ thuộc vào chúng. Ví dụ, ai đó tuyệt vọng sẽ thấy câu hỏi “Sống để làm gì?” đáng quan tâm và rất cần một câu trả lời để đủ kiên cường đối mặt với khổ đau trong cuộc sống. Không nhất thiết mọi câu hỏi mà bạn cố gắng trả lời trong bài luận ở mức độ vô cùng quan trọng này, nhưng cũng không nên lãng phí thời gian với những chủ đề không phù hợp.

Vì vậy, thái độ cần có là sự hứng thú và nhạy cảm về mặt thẩm mỹ.

Sau tất cả những gì được đề cập, đây là điều cuối cần nhớ: hoàn thành đánh bại hoàn hảo. Hầu hết mọi người thất bại trong một khóa học hay trước một bài tập hoặc một dự án không phải vì họ viết dở, đạt điểm D hoặc điểm F, mà bởi vì họ không viết gì cả và nhận điểm. Số 0 tệ lắm. Chúng là hố đen của những con số. Số 0 khiến bạn thất bại. Số 0 làm hỏng cuộc đời của bạn. Các bài luận được nộp, dù dở đến đâu, vẫn có thể đạt ít nhất điểm C. Vì vậy, đừng tự làm khó mình. Viết xuống và nộp bài, bất kể bạn nghĩ bài mình viết dở đến mức nào (và cho dù bạn có đúng bao nhiêu trong nhận định này).

PHẦN BA: CHỦ ĐỀ VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO

Câu hỏi trọng tâm mà bạn đang cố gắng trả lời qua bài luận là câu hỏi chủ đề. Dưới đây là một số câu hỏi về chủ đề có thể gây thú vị cho bạn:

  • Cái ác có tồn tại không?
  • Có phải tất cả các nền văn hóa đều đáng được tôn trọng như nhau không?
  • Một người nam và một người nữ nên đối xử với nhau như thế nào trong một mối quan hệ?
  • Điều gì làm cho một người trở nên tốt đẹp? 

Trên đây là những chủ đề rất chung chung, trừu tượng khiến chúng trông có vẻ triết học. Các chủ đề tốt không cần phải quá chung chung. Dưới đây là một số chủ đề hay và cụ thể hơn:

  • Những sự kiện chính trong thời kỳ cai trị của Julius Caesar là gì?
  • Ý tưởng quan trọng trong thuyết tiến hóa của Charles Darwin là gì?
  • “Mặt trời vẫn mọc” của Ernest Hemingway có phải là một tác phẩm quan trọng không?
  • Lý thuyết về tâm lý của Carl Jung và Sigmund Freud có thể tương phản nhau như thế nào?
  • Newton và Einstein quan niệm về thời gian khác nhau ra sao?
  • Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine gần đây là chính đáng hay phi nghĩa? (Người dịch sửa để hợp bối cảnh.)

Bạn có thể bắt đầu quá trình viết luận của mình theo hai cách khác nhau. Cách Một – Bắt đầu từ chủ đề: Liệt kê các chủ đề được giao, hoặc liệt kê mười câu hỏi mà bạn muốn trả lời, nếu bạn được chọn chủ đề của riêng mình. Cách Hai – Bắt đầu từ danh sách đọc: Xây dựng và hoàn thiện danh sách đọc của mình. Nếu bạn đã có thể xác định một số chủ đề tiềm năng mình quan tâm, hãy bắt đầu với Chủ đề. Nếu bạn không chắc chắn, hãy bắt đầu xây dựng Danh sách đọc của bạn.

Chọn bắt đầu từ Chủ đề hoặc Danh sách đọc

Chủ đề

Viết chủ đề dưới dạng câu hỏi như mẫu ở trên.

1.

2.

3.

4.

5.

Nếu chưa thể làm điều này, thì bạn cần đọc thêm một số bài đọc (mà bạn sẽ phải làm để hoàn thành bài luận). Nhân tiện, không có thứ gọi là “bí ý tưởng” (dịch từ writer’s block – Lời người dịch). Nếu bạn không thể viết, đó là bởi vì bạn không có gì để truyền đạt. Bạn không có ý tưởng. Trong tình huống như vậy, đọc cái gì đó đi. Nếu chưa hiệu quả, hãy đọc thứ khác – những thứ hay hơn. Lặp lại cho đến khi “quả bí” 🎃 biến mất.

Danh sách đọc

Liệt kê xuống dưới đây những gì bạn cần hoặc muốn đọc. Nói chung, đây phải là sách hoặc bài báo thường thức hoặc bài báo khoa học. Nếu chưa biết những bài báo hoặc cuốn sách nào hữu ích, thì bạn có thể bắt đầu với Wikipedia hoặc các nguồn bách khoa toàn thư và xem danh sách tài liệu tham khảo của chúng để có ý tưởng về việc đọc thêm. Những nguồn này rất cần thiết khi mới bắt đầu.

Nếu thấy ai đó có cách viết đặc biệt thú vị với bạn, thử tìm ra những tác giả mà họ ngưỡng mộ và đã đọc bằng cách ghi chú xem họ đã giới thiệu ai, trong các bài viết hoặc trong danh sách tài liệu tham khảo của họ. Đây là một cách học rất thông minh.

Bạn có thể cần đọc 5-10 cuốn sách hoặc bài báo để viết được 1000 từ. Một trang đánh máy có khoảng cách đôi (double space) thường chứa khoảng 250 từ. Liệt kê các nguồn tham khảo của bạn bên dưới, kể đại cũng được. Bạn luôn có thể chỉnh sửa danh sách này sau.

Bài đọc 1.
Ghi chú: (xem phần tiếp theo để biết Lưu ý về Ghi chú):

Bài đọc 2.
Ghi chú:

Bài đọc 3.
Ghi chú:

Bài đọc 4.
Ghi chú:

Bài đọc 5.
Ghi chú:

Bài đọc 6.
Ghi chú:

Bài đọc 7.
Ghi chú:

Bài đọc 8.
Ghi chú:

Bài đọc 9.
Ghi chú:

Bài đọc 10 (lặp lại nếu cần).
Ghi chú (lặp lại nếu cần):

Một lưu ý về Tâm lý và vài lưu ý về Ghi chú

Trong khi đọc, hãy để ý xem có bất kỳ điều gì thu hút sự chú ý của bạn không. Đây có thể là: điều bạn nghĩ quan trọng, điều bạn rất bất đồng, hoặc điều gì đó bạn luôn muốn biết thêm. Bạn phải để ý rất cẩn thận đến phản ứng cảm xúc của mình mới thấy được.

Bạn cũng cần ghi chú. Bạn có thể đặt ghi chú của mình bên dưới các bài đọc mà bạn đã liệt kê ở trên.

Khi ghi chú, đừng làm mấy việc ngu ngốc như highlight hoặc gạch chân các câu trong sách giáo khoa. Không có bằng chứng khoa học cho thấy mấy việc này hiệu quả. Chúng chỉ trông giống như việc có ích thôi chứ thực ra là vô ích. Việc bạn cần làm là đọc để hiểu. Đọc một chút, rồi viết ra những gì bạn đã học được hoặc bất kỳ câu hỏi nào nảy sinh trong đầu bạn. Đừng bao giờ sao chép từng từ từng chữ. Phần quan trọng nhất của việc học và ghi nhớ là tái tạo những gì bạn đã đọc bằng ngôn ngữ của mình. Đây không phải đơn giản chỉ là việc “sử dụng câu từ của riêng bạn.” Đây là cách để bạn nói chuyện với tác giả của những cuốn sách hay bài báo bạn đang đọc. Đây là nỗ lực của bạn để nói lại với tác giả rằng “đây là những gì tôi hiểu về cái ông/bà đang nói.” Đây là nơi bạn trích dẫn ra ý chính của bài đọc.

Nếu ai đó hỏi bạn về ngày hôm nay bạn thế nào, bạn sẽ không nói, “Chà, đầu tiên tôi mở mắt. Sau đó tôi chớp mắt và xoa mắt. Rồi tôi đặt chân trái trên sàn, và sau đó là chân phải”. Bạn sẽ chôn sống họ. Thay vào đó, loại bỏ những chi tiết thừa và tập trung vào những gì quan trọng. Đây là những gì cần làm khi ghi chú trong hoặc sau khi đọc. Tốt hơn hết là sau khi đã đóng sách lại, để bạn không bị cám dỗ sao chép từng chữ của tác giả và để bạn khỏi tự đánh lừa mình khi nghĩ sao chép là đang làm việc.

Nếu bạn thấy khó ghi chú theo cách này, hãy thử cách sau. Đọc một đoạn văn. Nhìn đi chỗ khác. Sau đó, hãy tự nói to hay thì thầm (nếu bạn đang ở trong thư viện) ý nghĩa của đoạn văn. Lắng nghe những gì bạn nói, và sau đó nhanh chóng viết nó ra.

Ghi chú nhiều lên vì bạn sẽ cần chúng cho bài luận. Bạn có thể cho rằng việc này không hiệu quả, nhưng không đâu. Để viết về điều gì đó một cách dễ hiểu, hoặc truyền đạt nó một cách thông minh, bạn cần biết nhiều hơn những gì bạn thực sự truyền đạt. Điều đó giúp bạn nắm vững cấp độ thứ sáu và bảy được mô tả ở trên – về bối cảnh mà bài luận sẽ được đọc-hiểu. Trong số các ghi chú có được, bạn có thể tìm ra 8-10 câu hỏi chủ đề. Hãy làm vậy đi. Hãy nhớ rằng ta có thể chỉnh sửa các chủ đề ấy sau. Ghi xuống trước đã.

(Còn tiếp. Còn dài. Còn hay.)


✨Niềm vui ✨ khi viết bài này phóng lên không trung 🌏 🚀, vượt qua cả đường Kármán, nhờ được tiếp thêm nhiên liệu từ sự ủng hộ 🧧💸 của Hoàng Tâm, Yến Phạm, Ngân và An, Rosie, chị Linh Trịnh, chị Quỳnh Như, Mắt Bét, Saoline, Law, Trân, Diên An, cô Vân, Thảo, Vân Anh và nhiều bạn đọc khác.