Già đi từng năm, mới hơn mỗi ngày

You are currently viewing Già đi từng năm, mới hơn mỗi ngày

Trước hôm mình về Việt Nam hai ngày thì ông nội mất. Mình chỉ kịp theo gia đình đưa ông về quê an táng.

Ông nội là một tấm gương sáng trí mình luôn muốn học hỏi. Ông nghỉ học-nghỉ hưu từ lâu nhưng chưa bao giờ ngừng học. Những ngày về nhà ông bà, ông gọi mình xuống kể chuyện gia phả và tỉ thứ phức tạp khác. Được dịp, mình quan sát thói quen ghi chú của ông. Đầy ở mặt sau những tờ lịch tường xé theo ngày và chồng sổ giấy kẻ ô ly dày cộp. Mình tin, và sau này đọc Luật Trí não được củng cố thêm, rằng thói quen ghi chú động não tổng hợp thông tin là một yếu tố giúp ông luôn minh mẫn, cả vào lúc cơ thể hao mòn nhất.

Qua ông, mình để ý về tuổi già từ khá sớm và dạo gần đây thì nhiều hơn. Nhất là khi mình mấp mé 30, còn người nhà bắt đầu bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Nhìn quanh thấy những bài học về sự “già”, mình cảm thấy cần “lão hoá có chuẩn bị” và chuẩn bị nghiêm túc.

Thứ “lão hoá” mình quan tâm không hoàn toàn nằm ở mặt hay sự chảy xệ những chỗ khác mà các chị (anh) em hay lo, dù thật ra nó vô cùng quan trọng. Nhưng bài này viết về ba góc nhìn của lão hoá: sinh học, tâm lý học, và văn hoá-xã hội.


Từ xưa đã có những khao khát muốn “trường sinh bất tử”. Ngẫm lại thì cũng đúng thôi. Vì vào những năm đầu 1900, tuổi thọ trung bình của loài người chỉ vào khoảng 30-40 tuổi [1]. Giật mình chưa? Trước đó còn thấp hơn nhiều. Với sự hiểu biết ngày một tăng, hơn 100 năm sau tính tới 2020, loài người khắp nơi đã tự kéo tuổi thọ của mình lên rất đáng kể: 72 năm [1]. Giờ đây, nếu sống đến 65 tuổi, có tới 60% cơ hội bạn sẽ sống tiếp đến 80 tuổi [2]. Đã có lúc mình nghĩ khát vọng giữ cho con người không chết không còn cấp thiết nữa, phần vì loài người đã sống lâu hơn, phần vì tuổi già cũng không dễ chịu gì.

Này nhé, về sinh học, dễ thấy nhất là bề ngoài xuất hiện nếp nhăn trên da và tóc bạc. Rồi các hệ cơ quan bắt đầu suy yếu đi chức năng mà chúng từng thành thạo: mất trí nhớ, mất thính giác, mất thị giác, mất cơ. Đến một lúc, như trong cuốn Ngày thứ ba với Morrie miêu tả, người ta mất đi sự độc lập. Bạn-khi-rất-già không còn tự làm những điều cơ bản riêng tư nhất được nữa. Rồi các chứng bệnh liên quan đến tuổi tác như ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch, đột tử, … xuất hiện. Cuối cùng, có những chấn thương, nhiễm trùng không nhất thiết xảy ra do già nhưng trầm trọng và khó lành hơn ở lứa tuổi này. Bạn gãy xương năm 15 tuổi thì bạn bè vô tư kí tên lên băng bó bột, gãy xương năm 85 tuổi họ sẽ ghi tên lên phong bì.

Nhưng hoá ra mình nhầm. Tìm hiểu sâu mới thấy chuyện nghiên cứu về tuổi già đang rất phát triển. Nhà khoa học Andrew Steele cho rằng lão hoá không phải là một hiện tượng phổ quát mà loài nào cũng mắc. Hình như không phải động vật nào cũng…chết [4]. Anh ấy ước tính thuỷ tức có thể sống đến 1000 năm! So với 72 năm tuổi thọ người thì đây là bất tử thật. Hay ngoài số tuổi, các nhà khoa học còn sử dụng một đơn vị nữa để đo tốc độ lão hoá là “nguy cơ tử vong”. Ở người sau 10 tuổi, mỗi 8 năm nguy cơ tử vong sẽ tăng gấp đôi. Một số loài động vật có tốc độ lão hoá thấp hơn rất nhiều. Như loài rùa Galápagos thể sống tới 177 năm mà cơ thể không có nhiều dấu hiệu già, chức năng sinh sản vẫn hoạt động tốt [6]. Nguy cơ tử vong của chúng gần như không đổi trong một thời gian dài. Loài chuột dũi trụi lông tuy chỉ sống quãng đời 31 năm nhưng không hề mắc bệnh tật và miễn nhiễm với ung thư. Nói cách khác, chúng có già đi nhưng không … lão hoá.

Khái niệm “quãng đời khoẻ mạnh” (health-span hay healthy life-span) được dùng để đo sự “trẻ”. Nó bổ sung cho khái niệm “quãng đời” nói chung (life-span) khi bao gồm cả khoảng thời gian đau bệnh. Mình đem câu này đi hỏi MindTriibe về hai lựa chọn: bạn muốn (a) sống khoẻ lâu dài nhưng chết nhanh, hay (b) sống lâu hơn, trải qua giai đoạn đau ốm bệnh tật rồi chết từ từ. Phần lớn cư dân đều chọn (a). Chúng ta chấp nhận mình sẽ già nhưng không muốn mình già yếu. Khát khao bất tử của con người có thể bắt nguồn từ ý muốn được “trẻ” lâu hơn.

Okay, giả sử tất cả bạn đọc của trang blog này sẽ sống tới 65 tuổi rồi bắt đầu nghỉ hưu. Một nửa trong số chúng ta sống tiếp tới 85. Thử chia quãng đời 85 năm này ra làm 4 phần thì 8000 ngày cuối đời trông như thế nào? Đi du lịch khắp nơi, tham gia các hoạt động cộng đồng, đi tu tập, ở nhà loanh quanh đếm xe chạy ngang, bế cháu hoặc đòi bế cháu. Mình không cố ý chia rẽ phong cách sống nhưng nhận ra một điều sau khi quan sát kĩ. Câu hỏi mà tụi mình học vỡ lòng tiếng Anh hồi xưa “What do you do in your free time?” trở thành một câu hỏi triết lý đối với những người lớn tuổi, Ông/Bà làm gì trong thời gian rảnh rỗi? Câu hỏi này đưa mình tới khía cạnh tâm lý của người cao tuổi.


Tuổi già giống như một cơn đau. Mình không thể tả nó mà chỉ có thể so sánh với một cái khác, “đau NHƯ THỂ là …” Trông vẻ bên ngoài một người, mình dễ đoán được họ có cao tuổi không. Họ có nhăn nheo, khom lưng, chậm chạp, dễ nhầm lẫn không? Nhưng mình không biết được họ cảm thấy như nào bên trong. Đồng cảm, một trong những phẩm chất “đinh” của loài người, rất cần trí tưởng tượng. Với mình, cảm nhận một cơ thể già cỗi nằm ngoài sức tưởng tượng thành ra không đồng cảm được với người lớn tuổi. Như mình không thể cảm nhận được thị giác của một chú chó hay hiểu nỗi lòng cha mẹ khi chưa có con.

Vậy làm sao để hiểu cảm giác của những người già?

AgeLab là một phòng thí nghiệm thuộc viện công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ). Nơi đây phát triển một bộ đồ đặc biệt tên là AGNES [3, 5], tạm dịch là … Hệ thống mặc vào già liền. Vì mặc nó tâm hồn bạn được nhét nút vào một cơ thể già nua 70 tuổi.

Bộ đồ AGNES trông thế này:

Adam Gopnik, tác giả tờ The New Yorker, miêu tả bộ đồ như sau. Một cái kính tròng vàng tạo cảm giác của một đôi mắt già cỗi. Một cái đai đeo cổ gây khó khăn khi chuyển động xương sống vùng cổ. Dây quấn quanh cổ tay, cùi chỏ, và đầu gối mô phỏng sự tắc cứng ở các khớp quan trọng. Đôi giày cao cổ gắn đệm tạo ra sự mất cảm giác địa hình. Hai đôi găng tay làm giảm cảm nhận bề mặt, đồng thời hạn chế di chuyển của các ngón tay. [8] Nút tai làm giảm thính lực và còn nhiều nhiều bộ phận khác.

Mặc AGNES vào rồi đứng lên, người mặc dần cảm nhận được một chút nặng nề và mất cảm giác. Tích tắc sau, nó sẽ làm bạn nổi khùng. Bộ đồ bẻ cong ý chí bạn như bẻ chiếc cột sống vậy. Như người mẹ trẻ la mắng đứa con lần đầu nhớ lại cảnh chính mình bị mẹ mắng, người mặc nhớ về những người già trong đời mình và vỡ oà.

Để thực hiện tất cả những tác vụ dù là nhỏ nhất, bạn-khi-già phải dùng rất nhiều nỗ lực. Mỗi hành động bạn làm đòi hỏi tập trung cao độ. Bạn không đơn giản chỉ lấy một lọ hạt nêm. Bạn phải rướn mình vươn tay chạm tới cái lọ rồi run run chầm chậm nhấc nó lên và vặn mãi nắp mới xoay. Mình hỏi bạn tên gì, bạn giật mình vì không thấy mình đâu do tầm nhìn mắt bị hạn chế, bảo không nghe thấy gì hết nói to lên!

Người già đi siêu thị mua sắm thế nào? (Nguồn: AgeLab MIT)

Bộ đồ AGNES giúp ta trải nghiệm khó khăn của cơ thể mà người già gặp phải. Nhưng hay nhất là, nó khoác lên trạng thái tinh thần và cảm xúc thường trực của người già, bất lực và bực bội, khi tất cả những cựa quậy dù nhỏ nhất đều gặp cản trở. Và từ bên trong, bạn-khi-già có thể chả nghĩ vấn đề ở mình. Bạn phóng chiếu sự chán nản của mình lên thế giới bên ngoài. [8] Đi đứng giữa đường thế thằng kia! Mày nói to lên xem nào! Cái máy giặt phức tạp thế! Mấy đứa choai choai ba lăng nhăng!

Trong mô hình Tư duy thiết kế (Design Thinking), có pha Cảm nhận để thấy được vấn đề mà đối tượng cần giúp đỡ đang mắc phải. Mặc AGNES vào, các nhà nghiên cứu, nhà thiết kế và phát triển sản phẩm, kĩ sư, sinh viên, … có cơ hội hiểu hơn về những giới hạn của người già rồi tìm cách hỗ trợ đúng đắn. AgeLab dùng AGNES để nghiên cứu điều chỉnh phương tiện giao thông công cộng, nhà cửa và đồ gia dụng bên trong, các bài tập luyện, hay cửa hàng mua sắm để thân thiện hơn với người lớn tuổi [6].

Người già đi tàu điện thế nào? (Nguồn: AgeLab, MIT)

Okay, thế tại sao lại phải để ý đến người cao tuổi vào lúc này? Câu trả lời là dân số thế giới đang già đi, người già ngày càng đông (9).

Nhưng nếu họ chậm chạp trong một xã hội nhanh đùng đùng thì kiểu gì cũng “bị đào thải” bởi “chọn lọc tự nhiên” hay “chọn lọc xã hội” thôi mà? Không đâu, những tiến bộ khoa học y sinh phần nào nới rộng quan điểm “chọn lọc tự nhiên” rồi. Thứ lập luận “chọn lọc xã hội” thực ra chỉ là lí do biện hộ để không phải quan tâm đến một đối tượng nữa, trẻ em “hư” hay người già.

Đây không phải là lần đầu tiên vị trí của người cao tuổi trở nên lung lay trong xã hội loài người [10]. Người già đang ở trong một thế giới không thật sự dành cho họ. Quảng cáo thuốc tràn lan khắp nơi. Các thiết bị kĩ thuật số và ứng dụng “thông minh” đẻ ra hàng loạt các tính năng mới với cài đặt và ngôn ngữ khó hiểu. Về nhà mấy tuần, mình hướng dẫn mẹ sử dụng vài dụng ngân hàng và thấy rất nản. Không phải nản với mẹ mà với apps. Mấy anh chị em làm app Every-Bank Every-Pay Every-Fin có bố mẹ, ông bà trên 60 tuổi dùng app mọi người làm không? Khi nào họ dùng được thì anh chị em hãy tin là nó dễ dùng nhé.

Rất nhiều đồ vật vật lý đáng lẽ có thể phục vụ người cao tuổi tốt lại có cơ chế phức tạp [8]. Bạn phải ấn mạnh cỡ nào để mở lò vi sóng? Bạn phải giặt đống chăn màn này ở chế độ nào? Nhà cao tầng với cầu thang bộ bậc cao như thể leo núi đến phòng ngủ. Đây đều là những vấn đề chưa được giải quyết. Thiếu sự đồng cảm ở trên thì tuổi tác có khi lại được nhìn nhận là lỗi: ai bảo già thì ráng chịu. Khi chỉ có giới trẻ khởi nghiệp thì họ hay giải quyết vấn đề của người trẻ mà thôi.

Mình nghĩ người già cần những sự giúp đỡ tử tế. Thay vì ăn mừng thành công của người trẻ thôi, như Forbes 30 Under 30s, ta cần thêm 60 Over 60s nữa, nơi tôn vinh những người lớn tuổi giải quyết vấn đề của chính họ và bạn bè. Ở Nhật, bà cụ Masako Wakamiya học lập trình ở tuổi 81 xong thiết kế game cho … bạn bè đồng trang lứa chơi [11]. Như AgeLab có một hội nghị thường niên tên 85+ Lifestyle Leaders (Lãnh đạo phong cách sống tuổi 85,) sợ chưa? Hay ngoài văn nghệ, những Hội Người cao tuổi có thể mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn, sẽ ra sao nếu ta có một mentor hướng dẫn chuyện nghỉ hưu? Một tổ chức hướng nghiệp tại Việt Nam vừa có workshop hướng nghiệp cho người nghỉ hưu nữa. Thật hay.

Còn người trẻ thì cần lão hoá có chuẩn bị. Mình lập nên MindTriibe một phần bởi mong muốn thực tập phát triển cộng đồng. Khi về già có thể tìm người cùng chơi cùng học. Hay những phong trào nghỉ hưu sớm cũng bắt người trẻ phải đối diện sớm hơn với “câu hỏi triết học”: bạn làm gì trong thời gian rảnh? Và ta cũng có thể kết bạn từ nhiều thế hệ để có thêm quan điểm và học hỏi lẫn nhau. Có chuẩn bị có khác.


“Nhà em có nuôi một ông nội.”

Câu mở bài tập làm văn này gây hài nổi đình đám trên mạng thời mình còn học phổ thông. Đến nỗi nó là câu mình nhớ nhất tới bây giờ khi ngồi xuống viết về bài này. Nó hài vì chả ai lại đi nói là “nuôi ông nội” cả. “Chăm sóc” ông nội mới đúng.

Emily Dickinson viết: “We turn not older with years, but newer every day.” Chúc cho chúng ta hiểu mình (làm gì khi rảnh?), hiểu nhau (đồng cảm), và hiểu về lão hoá hơn.

The Too Blue Scientist

(1) https://ourworldindata.org/life-expectancy
(2) https://www.hamiltonproject.org/charts/probability_of_a_65_year_old_living_to_a_given_age_by_sex_and_year
(3) AGNES: viết tắt của Age Gain Now Empathy System. Hệ thống cảm thông cho sự gia tăng tuổi tác
(4) https://www.youtube.com/watch?v=fX9P1xuIJGg
(5) https://www.youtube.com/watch?v=czuww9rp5f4&t=58s
(6) https://en.wikipedia.org/wiki/Galápagos_tortoise
(7) https://www.youtube.com/watch?v=nwLxTWzvSkw
(8) https://www.newyorker.com/magazine/2019/05/20/can-we-live-longer-but-stay-younger
(9) https://ourworldindata.org/age-structure#data-sources
(10) Sapiens, Yuval Noah Harrari
(11) https://www.youtube.com/watch?v=UFYJ2DE9wlM

Leave a Reply