Đang viết về cuốn Deep Work mình nghĩ nếu mà thực sự thích công việc thì deep work là đương nhiên, còn gì mà bàn nữa. Bản thân công việc đó mình có thấy thú vị không? Có thì deep work được, không có thì thôi, làm sẽ nửa nạc nửa mỡ, mất tập trung hoặc bỏ giữa chừng.
Sau khi áp dụng thì mình nghĩ ngược lại cũng đúng. Đó là khi chủ động làm việc sâu, tự nhiên công việc đó trở nên lôi cuốn mình hơn. Nghe thật fantasy, nhưng đúng thật.
Ủa, vậy thì có vẻ ép buộc mình làm việc mà mình không thích từ ban đầu? Chà, chỗ “không thích” thật khó nói, bởi vì nó bị che bởi quá nhiều lớp cảm xúc, trong đó có “trì hoãn”.
Có chuyện mình muốn kể.
Trong buổi học đầu tiên mà phải chuẩn bị bài viết trước ở nhà của lớp Academic Writing (viết học thuật), mình hết sức khó chịu.
Được yêu cầu viết phần Tổng quan (Introduction) của một paper dù chưa hề có ý tưởng rõ ràng, ở nhà mình đã rất khó khăn để “ép buộc” 🤼 mình ngồi vào bàn viết.
Mình cảm nhận được sức ì rất lớn. Rõ ràng là lúc đó mình không hề thích viết. Và rất nhanh chóng, ông bạn trong đầu nhảy ra và chỉ trích bản thân lười biếng, ham làm mấy chuyện không đâu, việc chính thì không lo, không chịu khó chịu khổ,… 😱 Hừm, I felt bad about myself. Mình không thích / không phù hợp với viết học thuật.
Rồi mình nhận ra lí do là khối lượng công việc quá lớn đi: vừa đọc tiếng Anh, đôi khi cần dịch ra tiếng Việt, tóm tắt nhiều bài đọc bằng tiếng Anh, lập dàn ý tiếng Việt + tiếng Anh, viết một câu thì phải tìm ra cách để củng cố nó ở câu thứ hai, … Vì vậy mà mình trì hoãn và đã tạo cho mình một ác cảm đối với việc viết học thuật.
Thế là lên lớp mình mạnh mẽ nói với giáo sư: “I was not so happy writing this.”
Rồi may quá, không bị cấm túc như trong Harry Potter, giáo sư phân tích từng vấn đề mà mình gặp rồi gợi ý giải pháp. Để viết phần Tổng quan thì không thể chỉ 1 – 2 ngày là xong, mà cần một quá trình. Bắt đầu từ đọc trước, trong khi đọc thì ghi chú. Sau đó, viết lần một thì chỉ cần copy từ ghi chú sang. Viết lần hai thì tóm tắt và tổng hợp bài một theo ngôn từ và cách hiểu của mình. Viết lần ba thì trau chuốt và viết thật. Sau đó thì chỉnh sửa (edit) cho trọn vẹn hơn. Đây được gọi là phương pháp Annotative Bibliography, rất giống với Progressive Summarizing, tiền đề của Knowledge Management. Ngoài ra thì còn một số mẹo khác như: làm nóng (warm-up) trước khi viết, viết thường xuyên, …
Bài học chính là lần tới, nếu bạn thấy trì hoãn, hay có cảm xúc, thái độ tiêu cực, đừng vội chỉ trích hay đổ lỗi cho bản thân mình. Well, đổ lỗi là cách dễ nhất, nhỉ? Điều gì là nguyên nhân bên dưới? Hả … mình?
Giờ thì viết hoài cũng được. No, just kidding. 😭
The Too Blue Scientist