Khi Cho Tụi Nhỏ Làm Giáo Dục (16+)

You are currently viewing Khi Cho Tụi Nhỏ Làm Giáo Dục (16+)

Câu chuyện 1

Nếu bạn có xem Sex Education, hãy giơ tay cho mình biết 👋. (Spoiler)

Trong TV series này, tụi nhỏ (tuổi cấp 3) chúng nó làm loạn. Trên sân khấu hôm tổng kết, chúng hóa trang và quẩy tưng bừng bằng thứ lễ hội phồn thực minh họa cho một vũ trụ hứng tình song song với Romeo và Juliet của Shakespear. Chúng mang hết bộ phận này, tư thế nọ lên, trước mặt ông cha, bà mẹ và vị hiệu trưởng Groff.

“Tiên sư tụi nhỏ – Groff “nhẹ nhàng” bảo vậy rồi vội bước vào cánh gà xốc cổ áo ông thầy biên kịch lên đòi dừng lại. Nhưng ông thầy đó không phải người chỉ huy, tổng đạo diễn là cô bé Lily cơ.

Điên tiết, Groff lao lên sân khấu, tống hết tụi nhỏ đang lồng lộn trên đó xuống và đổ hết lỗi cho một tham vấn viên về sức khỏe tình dục mới của trường. Ổng gào lên một câu mình nhớ hoài:

“Tụi nó là trẻ con, trời ạ. Tụi nó chả biết chúng muốn cái gì cả.”

Hiệu trưởng Groff.

Ồ. Mình nghi ngờ về chuyện này. Tụi nhỏ có thật là không biết mình “muốn” gì không?


Câu chuyện 2

Mùa hè năm nay mình được học trường hè về phát triển bền vững. Những bài giảng hướng tới những vấn đề to lớn như tự do thương mại, chính trị quốc tế, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, và giáo dục chỉ là một phần nhỏ trong đó. Nhiều bạn học đến từ các quốc gia khác nhau như Anh, Thái, Guatemala, Congo, Malaysia, Indonesia, Haiti, Taiwan, Ấn Độ, Việt Nam, … với điểm chung là đều mắc kẹt ở Taiwan hè này.

Một giáo sư có một bài giảng và thảo luận hùng hồn xứng tầm Havard, ui hay cực ý, về an ninh lương thực (Food Security) và tự do thương mại (Trade Liberalization). Kết bài, vị giáo sư trẻ ấy có nói.

Các bạn là tương lai của chúng tôi. (You’re the future of us.)

Các bạn có thể thay đổi thế giới. (You can change the world.)

Hãy làm một cuộc cách mạng đi. (Make a revolution.)

Giáo sư trẻ 👨🏼‍🎓

Khí thế hừng hực, cảm hứng bừng bừng, đúng chưa? 👏🏼

Ở góc lớp có một vị giáo sư khác ngồi quan sát. Sau 10 phút giải lao, cô sẽ giảng bài kế tiếp về Giáo dục để phát triển bền vững.

Rất nhẹ nhàng, câu đầu tiên cổ nói khi bắt đầu khiến cả lớp lặng người đi.

Các bạn cảm thấy thế nào? (How do you feel?)

Khi giáo sư ấy yêu cầu các bạn làm cách mạng, các bạn cảm thấy ra sao? Một gánh nặng đúng không?

(When the teacher asked you to make a revolution, how did you feel? A burden, right?)

Giáo sư lớn tuổi hơn 🧙🏼‍♀️

Cổ làm tham vấn tâm lí, tiếp xúc với nhiều học sinh, sinh viên, giáo viên trong ngành giáo dục. Các em còn đang gặp rất nhiều khó khăn và phải loay hoay với đường đi của chính mình đây. Vậy mờ người ta còn bảo tụi em làm cách mạng cho họ cơ đấy.

Nhưng, thế hệ mà được yêu cầu làm cách mạng đấy, đang được giáo dục như nào? Cổ hỏi hội trường ba câu hỏi mở đầu mà mình có hỏi lại bạn bè trên Facebook cá nhân. Kết quả có ở đây.


Khi cho tụi nhỏ làm giáo dục

Rồi giáo sư yêu cầu tụi mình quên hết những thứ đã được dạy (unlearn) và thiết kế một môi trường giáo dục và những thứ tụi mình thực sự muốn học. Đập đi xây lại hết.

Cả lớp vừa hào hứng, vừa thấy khó tin, vừa cười trừ nghĩ trong đầu và nói ra miệng: đây là fantasy, là mơ mộng, hão huyền và phi thực tế. Nhưng cứ thử xem sao? Mình hào hứng với câu hỏi này nên có ghi lại kết quả thảo luận của các nhóm.

Và dưới đây là những mô hình giáo dục lạ đời do tụi trẻ (tuổi từ năm 1 đại học tới PhD) nghĩ ra.


Thiên nhiên – Nghệ thuật – Thời gian ít lại – Cá nhân hóa

Giờ học bắt đầu muộn hơn và chỉ nửa ngày thôi. Nhóm này muốn học trong và học từ thiên nhiên, học bằng việc chơi và làm (đụng tay đụng chân hơn là lí thuyết). Chủ đề học thú vị và linh động hơn.

Học tiếng Anh sớm hơn. Giờ văn học có nhiều phần tranh biện (debate) hơn. Học nhiều môn nghệ thuật hơn. Được học cách giải quyết vấn đề.

Mỗi học sinh được phân tích cá nhân hóa kết quả học tập, điểm mạnh điểm yếu, để từ đó xác định được tài năng, mong ước và công việc sớm hơn.


Nhiều không gian – Học tự chọn (thật)

Nhóm này muốn học ở nhiều không gian và môi trường khác nhau: có hồ nước, công viên, rạp chiếu phim. Ngoài những môn thường thấy, học sinh sẽ được học cách đọc, học thiền định (meditation), học code, học tự vệ bản thân, học đồng cảm – thấu cảm, … À nhóm không thích có môn học bắt buộc.


Tự do – Cá nhân hóa – Không điểm số – Chung sống – Được không đi học

Nhóm này thì hình ảnh rõ rồi.

Học cách học, học cách ứng dụng vào cuộc sống, học cách chung sống với những sinh vật khác. Gần gũi với thiên nhiên. Cá nhân tự do hơn, không đồng phục, được bộc lộ chính mình. Thậm chí … được quyền chọn không đi học.


Giờ học bắt đầu muộn hơn – Chia cấp độ

Tiểu học học chữ và giáo dục thể chất.

Trung học cơ sở được khám phá nhiều hơn: nhảy, nghệ thuật, nhạc nhẽo, thiết kế, …

Trung học phổ thông: học sinh được chia sẻ và nghe chia sẻ (hai chiều 🔄) về trải nghiệm sống của các em. Chính phủ hỗ trợ tiền để tạo nên những chương trình khám phá tiềm năng của các em kết hợp với nhà trường.


Trí tuệ – Sáng tạo – Cảm xúc – Lãnh đạo – Làm người

Nhóm này muốn phát triển đều các mặt này này. Trong đó có nhắc là phát triển tư duy là nhiệm vụ của trường học. Ngoài ra còn có vai trò của gia đình và xã hội nữa.

Một số ý tưởng mình thích là: gia đình dành nhiều thời gian với trẻ hơn, dạy học dựa trên thử nghiệm, dạy cách bày tỏ ý kiến cá nhân, dạy về cách ứng phó hoặc sử dụng bối cảnh của những vấn đề khoa học – xã hội (social scientific issues).


Trường học nhỏ – Học kiến thức địa phương – Tôn trọng ý muốn của học sinh

Nhóm này có ba ý tưởng mới.

Trường học nhỏ thôi để giáo viên thực sự theo sát được học sinh. Mỗi học sinh có một kim chỉ nam ở bên trong, kiểu không biết vì sao nhưng cứ thích làm và học cái đó. Hãy tìm hiểu và tôn trọng cái inner compass đó.

Không đánh giá một người qua điểm số.

Và một bạn người Indonesia, quốc gia có hàng trăm ngôn ngữ và văn hóa, nói với mình chuyện ngoài tiếng Anh và khoa học (những thứ thuộc về toàn cầu hóa, được chấp nhận chung) thì những kiến thức, ngôn ngữ của địa phương cũng cần được coi trọng.


(không dám) Kết luận

Khác nhau nhưng lại có điểm chung

Điều khiến mình nghĩ nhiều nhất, (và cả giáo sư cũng nói nữa), là tại sao các bạn tới từ rất nhiều quốc gia khác nhau lại mong ước một nền giáo dục có nhiều điểm chung đến vậy? How come?

Thế giằng co (Dilemma) giữa …

Khi nghe về chương trình giáo dục (curriculum) của một quốc gia, bao giờ cũng thấy đi kèm với sự chỉ trích.

Nhưng khi đọc và nghiên cứu về bản chất curriculum, mình thấy mọi người đang cãi, tranh luận, thậm chí chỉ trích nhau dựa trên những quan điểm và mục tiêu hoàn toàn khác nhau của việc giáo dục và sự tồn tại của trường học.

Nền giáo dục công lập và trường học tồn tại có mục đích gì?

Mục đích thực tế của trường học, biết đâu là để giữ trẻ trong trường cho người lớn đi làm? Mục đích của giáo dục là đào tạo trẻ thành công nhân, thợ lành nghề? Là trở thành lao động trí thức? Hay trở thành người đi tiên phong, làm cách mạng? Hay để khiến trẻ trở nên hạnh phúc?

Giáo dục cho một quốc gia hay cho chính cá nhân ấy?

với “Cần” và “Muốn”

Người lớn nghĩ trẻ cần học cái này. Nhưng trẻ muốn học cái kia hơn.

Một xã hội bị lái bởi đam mê (cảm xúc) khi cá nhân chỉ làm cái mình muốn thì có trật tự không ta? Hay là cũng không có một hình thái xã hội nào hoàn hảo cả?

“Cái gì cũng muốn?”

Haha, bài này đã đi hơi xa. Quay lại nào.

Giờ học chính trên trường (formal education) chỉ chiếm đâu đó một khoảng thời gian nhỏ. Còn lại là bên ngoài, gia đình, khu phố, phường, quận huyện và xã hội nữa.

Như vậy chuyện “dạy” một người không phải chỉ là trách nhiệm của một giáo viên, một lớp học, một trường học, một gia đình nữa rồi.

Thay vì chỉ trích một thứ không làm tròn vai (không thể mà!) thì chi bằng ta đừng gán hết tất cả trách nhiệm lên nó và gọi tên vai trò của nó ra. Trường học để làm gì? Gia đình để làm gì? Đứa trẻ cũng sẽ phải làm gì chứ?


(dám) Kết luận

Ít ra là những bạn bè mà mình hỏi trên Facebook đã và đang biết mình muốn gì và họ sẽ “tự học” lấy điều đó.

Ôm các bạn. 🤗

The Too Blue Scientist

Nguồn hình ảnh:
http://www.remediality.com/sex-education-season-2-episode-8-review/
https://www.bustle.com/p/how-sex-education-created-the-horniest-intergalactic-shakespeare-play-ever-staged-20883170