Bài này viết gì?
Đây không phải là một bài blog bình thường. Đây là tập hợp của rất nhiều khoảnh khắc mình được chìm đắm trong sự hứng thú (ké) với sự kiện chiếc xe Kiên Trì hạ cánh xuống bề mặt Sao Hoả cách đây một tháng.
Kiên Trì hạ cánh
30/7 năm ngoái, NASA phóng chiếc xe tự hành đời mới tên Perseverance (hay Percy), tức Kiên Trì, từ Trái đất lên Sao Hoả trên con tàu Atlas V.
Trải qua 480 triệu kilomet đường vũ trụ, Kiên Trì tới đây gần như an toàn. Sau 303 ngày Trái đất rong ruổi, chỉ còn một thử thách cuối cùng.
Sao Hoả không phải là một ngôi sao, nó là một hành tinh mang họ Sao tên Hoả. Bầu khí quyển nơi này mỏng dính nên không tạo ra nhiều lực cản đủ để làm cú hạ cánh trở nên nhẹ nhàng hơn.
Đang phóng vào Sao Hoả với tốc độ gấp 16 lần tốc độ âm thanh (cỡ 20000 km/h, đủ để đi vòng rưỡi Trái đất trong một tiếng), toàn bộ con tàu chở hàng Atlas V đang mang một động năng cực lớn.
Nếu không tìm cách tiêu bớt năng lượng đó, nhiều khả năng toàn bộ sẽ nổ tung. Kiên Trì phải bung cái dù kỉ lục thiên hà để bảo toàn tính mạng.
18/2/2021, Kiên Trì đáp xuống Sao Hoả một cái đùng.
Bung dù
Để Percy hạ cánh an toàn, NASA đã buộc dù vào thân Percy. Khi bung dù hạ cánh, camera trên Percy ghi lại được hình ảnh chiếc dù như này.
![](https://thetoobluescientist.com/wp-content/uploads/2021/04/996.gif)
NASA bảo hình ảnh được in trên chiếc dù này là có dụng ý. Những phần màu trắng lẫn màu đỏ này thực chất nhét bên trong một mật mã, thách đố những người tò mò tìm cách giải. Và thông điệp ẩn bên trong là:
“dare mighty things”
dám làm những điều vĩ đại. Khẩu hiệu của Jet Propulsion Laboratory của NASA.
Chàng sinh viên IT Maxence Abela cùng cha mình đã tìm ra thông điệp được NASA cài cắm trên chiếc dù và chia sẻ ở đây.
Hình ảnh đầu tiên được truyền về từ Kiên Trì
![](https://thetoobluescientist.com/wp-content/uploads/2021/04/FLR_0000_0666952977_663ECM_T0010044AUT_04096_00_2I3J01_1200.jpg)
Ingenuity – máy bay không người lái đầu tiên trên Sao Hoả
Đi cùng với Kiên trì trong chuyến khám phá này là máy bay không người lái Khéo Léo (tên tiếng Anh: Ingenuity – Ginny).
Đầu tháng 4, Khéo Léo sẽ cất cánh bay trên bầu trời Sao Hoả. Dưới đây là hình ảnh Khéo Léo núp dưới Kiên Trì để sạc pin.
![](https://thetoobluescientist.com/wp-content/uploads/2021/04/PIA24449-web1-1024x729.jpg)
Và 4/4 Kiên Trì chạy ra xa để Khéo Léo có thể tự đứng sạc pin một mình.
![](https://thetoobluescientist.com/wp-content/uploads/2021/04/EyGQa9IVcAIJSnu-1.jpeg)
Tiền và lợi ích của khám phá vũ trụ #InsteadOfGoingToMars
Cùng sự kiện này, có một trend khác đặt dấu hỏi về những điều mà loài người có thể làm được thay vì tiêu tiền vào việc nghiên cứu Sao Hoả xa tít tắp.
Có một vài thống kê lật ngược lại, chẳng hạn dự án Kiên trì tiêu hết 2.7 tỉ dollar Mỹ, ước tính tương đương với 33 giờ hoạt động của Bộ Quốc phòng Hoa Kì và chi tiêu an sinh xã hội trong một ngày.
Khám phá vũ trụ có nhiều lợi ích của nó. Một trong số đó là nhiều nghiên cứu của NASA được áp dụng vào vận tải hàng không. Khi bạn đang đi máy bay hiện đại, nhiều khả năng bạn đang bay cùng phát minh của NASA.
Ngoài ra, ở trang Vật lý thiên văn, bạn Ngọc Trương, hiện là một nghiên cứu sinh ngành hàng không vũ trụ ở Cornell có dịch một bài giải thích lí do con người cần khám phá không gian vũ trụ.
“Bên cạnh nhu cầu về công nghệ mới, có một nhu cầu rất cấp bách để tiếp tục tìm ra các kiến thức cơ bản mới trong các ngành khoa học, nếu chúng ta muốn cải thiện điều kiện sống của con người trên trái đất. Chúng ta cần thêm nhiều kiến thức về vật lý và hóa học, sinh học và sinh lý học, và đặc biệt trong y học để đối phó với tất cả những vấn đề đe dọa cuộc sống của con người: nạn đói, bệnh tật, ô nhiễm thực phẩm và nước, ô nhiễm môi trường. Một lần nữa, các chương trình không gian với những cơ hội tuyệt vời để tham gia vào các nghiên cứu thực sự ấn tượng như nghiên cứu mặt trăng và các hành tinh, vật lý và thiên văn học, sinh học và y học là một chất xúc tác gần như lý tưởng cho phản ứng thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, cơ hội để quan sát các hiện tượng thú vị của tự nhiên, và vật chất hỗ trợ cần thiết để thực hiện các nỗ lực nghiên cứu.
Mặc dù chương trình vũ trụ có vẻ như dẫn chúng ta xa rời Trái Đất, đến với mặt trăng, mặt trời, các hành tinh và những vì sao, tôi tin rằng không một vật thể vũ trụ nào có được sự quan tâm và nghiên cứu bởi những nhà khoa học vũ trụ nhiều như Trái Đất của chúng ta. Đây sẽ là một Trái Đất tốt đẹp hơn, không chỉ bởi tất cả những kiến thức khoa học và công nghệ mới chúng ta sẽ áp dụng để làm cuộc sống tươi đẹp hơn, mà còn bởi chúng ta đang trân trọng sâu sắc hơn Trái Đất, cuộc sống và nhân loại.”
Nhạc: Mars Landing
Sleeping At Last đã sáng tác một bản nhạc dài 303 giây đánh dấu thời điểm lịch sử này. Tiện thể, tác giả cũng giải thích từng ý tưởng mà ảnh đã nhét vào bản nhạc của mình liên quan tới Kiên Trì và Khéo Léo như thế nào.
Tuy cùng đam mê, nhưng những người khác nhau lại có cách bộc lộ thật khác nhau. Thật phục anh ý.
Cập nhật tin tức về Kiên Trì và Khéo Léo
Bạn có thể liên tục cập nhật hình ảnh về hai em này ở đây: https://mars.nasa.gov/mars2020/multimedia/raw-images/ và tin tức ở đây: http://jpl.nasa.gov
Hình ảnh trong bài viết sử dụng của NASA JPL/Caltech.
The Too Blue Scientist
mình nghĩ tên bài viết này nên là “Kiên trì cuối cùng cũng đến được Sao Hỏa”