Qui tắc nói chuyện với trẻ của Mr. Rogers

You are currently viewing Qui tắc nói chuyện với trẻ của Mr. Rogers

Qua đoạn phỏng vấnbài phát biểu này mà mình biết đến Mr. Rogers. Bộ phim tưởng nhớ ông do Tom Hanks vào vai còn làm mình xúc động và ấn tượng hơn nữa. 

Cách Mr. Rogers và đoàn làm phim hướng dẫn trẻ làm quen, hiểu biết và phản ứng với cảm xúc của chúng một cách tích cực nên là hình mẫu cho các chương trình giáo dục trẻ, cho cả người lớn có trẻ. 

Chương trình Một ngày đẹp tuyệt ở khu em sống (A Beautiful Day in the Neighborhood) không hề mang lại cảm giác lảng tránh hay làm trẻ mất tập trung. Nói một cách khác, nó không gây nhiễu. Trái lại, chương trình nhìn thẳng vào những thứ quan trọng căn bản là cảm xúc và sự phát triển của các em rồi trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ mà chúng hiểu. Thông điệp rằng trẻ hãy tự tin vào bản thân, tin rằng các em đặc biệt và đều xứng đáng được yêu thương luôn được nhắc nhớ.  

IMG 6549

Đoạn dưới đây được mình dịch từ bài viết này, tường thuật về qui tắc mà Mr. Rogers cùng cộng sự dựa vào để chỉnh sửa, trau chuốt lời nói với trẻ qua màn hình TV. Mình tô đậm những từ khoá và in nghiêng ví dụ.

  1. Nói lên ý tưởng bạn muốn biểu đạt một cách rõ nhất có thể, dùng từ ngữ mà trẻ nhỏ có thể hiểu được. Ví dụ: Chơi ngoài đường như thế nguy hiểm lắm.

  2. Chỉnh sửa lại lời nói theo một hướng tích cực. Ví dụ: Chơi ở đâu đó an toàn là tốt nhất/là được.

  3. Chỉnh sửa lại lời nói trên, nhớ là trẻ nhỏ chưa thể phân định rạch ròi được và cần sự hướng dẫn của người lớn mà chúng tin cậy. Ví dụ: Hỏi cha mẹ em xem nơi đâu an toàn để chơi.

  4. Chỉnh sửa lại lời nói trên, lược bỏ những từ ngữ ra mệnh lệnh, quy tắc, chi phối và dạy bảo. Trong ví dụ trên, đồng nghĩa với việc loại bỏ từ “Hỏi”: Cha mẹ em sẽ nói em biết chơi ở đâu thì an toàn.

  5. Chỉnh sửa lại lời nói ở trên, lược bỏ những từ ngữ khẳng định chắc chắn. Trong ví dụ trên, thay thế từ “sẽ” thành: Cha mẹ em có thể nói em biết chơi ở đâu thì an toàn.

  6. Chỉnh sửa lại lời nói ở trên, lược bỏ những từ ngữ có thể không áp dụng cho mọi trẻ. Ví dụ, không phải trẻ nào cũng biết cha mẹ chúng, nên sửa thành: Những người lớn em thương có thể nói cho em biết chơi ở đâu thì an toàn.

  7. Thêm một ý động viên để cho trẻ lí do để nghe lời người nói. Ví dụ: Những người lớn em thương có thể nói cho em biết chơi ở đâu thì an toàn. Và nghe lời họ là đúng.

  8. Chỉnh sửa lại lời nói ở trên, lặp lại bước 1. Lưu ý là chữ “đúng” biểu trưng một sự đánh giá đạo đức dựa theo chủ quan (value jdugement), có thể sửa lại là: Những người lớn em thương có thể nói cho em biết chơi ở đâu thì an toàn. Cố gắng lắng nghe lời họ là một điều quan trọng. 

  9. Chỉnh sửa lại lời nói lần cuối, đổi sang những yếu tố phản ánh sự phát triển mà trẻ có thể hiểu. Có thể là: Những người lớn em thương có thể nói cho em biết chơi ở đâu thì an toàn. Cố gắng lắng nghe lời họ là một điều quan trọng và lắng nghe rất cần thiết để em lớn lên.

Khi dịch xong và đọc lại những dòng trên, mình vừa thấy nhẹ nhàng, vừa thấy “sến” in a way. Đây có vẻ là ái ngữ mà Sư Ông Thích Nhất Hạnh nhắc. “Sến”, nghe có vẻ không tự nhiên vì mình ít thực tập sử dụng khi nói chuyện hay khi dạy, chứ không có nghĩa là không chân thành.

Ngoài ra, đọc lại mình cũng thương người lớn, cha mẹ, ông bà và giáo viên. Họ cũng làm người lớn lần đầu, mẫu giáo người lớn á. Ngoài đời khác với trên TV, tình huống nào cũng chớp mắt chứ khó mà uốn lưỡi lựa lời trau chuốt được.

Và “trau chuốt lời nói” thực sự là làm gì, hành động cụ thể ra sao? Muốn nói được câu số 9 từ câu số 1, mindset, ý niệm tôn trọng trẻ và kiến thức của chúng ta về trẻ cần được tập nhiều.

Cảm ơn Bơ ở MindTriibe và John Green đã chia sẻ những tư liệu trên với mình. 

Nếu bạn chưa xem phim, hãy xem đi nhé. 

Mr rogers

This Post Has 2 Comments

  1. Ha Bao

    bạn bày cách tạo một trang web và cách vẽ mấy hình minh họa cute của Mindtriibe được không.

    1. hi Ha Bao, mình vẽ bằng phần mềm Notability hoặc GoodNotes, sử dụng bản vẽ Wacom. Bạn cũng có thể làm tương tự trên iPad nhé.

Leave a Reply