Học vì tò mò thôi
Một trong những môn mình thích nhất trong kỳ đầu tiên ở NTNU lại là của ngành TESOL. Giáo sư phụ trách bất ngờ vì mình học Science Education, thường có hướng nghiên cứu khác hẳn. Môn này không có trong danh sách bắt buộc nên chăm chỉ đến đâu cũng không được tính. Dù vậy, mình vẫn quyết tâm dự thính, còn dành thời gian kha khá trong tuần để chuẩn bị cho nó. Mỗi khi hết 3 tiếng lại háo hức để học buổi tiếp theo.
Đó là môn Qualitative Research Method hay Phương pháp nghiên cứu định tính. Giáo sư bảo học xong các bạn sẽ có thể tìm ra “mình là ai?”. Bằng cách nào nhỉ?
Không có thi thì học cái gì?
Để chuẩn bị cho một buổi học, học viên phải đọc lượng tài liệu khá “dày”. Thường là vài chương của 1 – 2 cuốn sách, bằng file PDF lăn chuột mỏi tay mới hết. Không đọc thì xác định lên lớp bơi trong đống chữ thật.
Trong giờ, lần lượt từng nhóm được phân công hướng dẫn sẽ điều khiển buổi học. Không phải kiểu thuyết trình (presentation) trên đọc dưới không thèm nghe, mà luôn luôn là tương tác hai chiều. Chính nhóm sẽ quyết định đi sâu vào vấn đề nào (guided reading) và đưa ra câu hỏi gì để cả lớp thảo luận. Đôi khi có các hoạt động thực hành tương ứng với chủ đề hôm đó. Khi cần thiết, giáo sư mới tham gia vào cuộc thảo luận. Có hôm lên lớp là để xem nguyên một bộ phim Dance with Wolves khi học về thể loại Ethnography. (Phim này nên xem, nên xem.)
Đánh giá cuối khóa sẽ là một portfolio chia sẻ về hành trình của bạn, từ một tay mơ tới nhà nghiên cứu định tính. Được sử dụng bất kỳ hình thức nào: ghi chú, vẽ vời, hát hò, diễn kịch, làm video, … Lớp này dành cho Thạc sỹ đó nha. Để đánh giá quá trình, giáo sư đưa ra vào các nhiệm vụ nhỏ (mini task) thường là mô phỏng việc thu thập dữ liệu định tính. Mình sẽ kể lại hai nhiệm vụ học và hành khiến mình “sáng mắt” nhất.
Mini Task 1a: Quan sát
Nhiệm vụ đầu tiên được đưa ra trong buổi học thứ 2. Hãy chọn một nơi tùy thích, và quan sát chăm chú trong vòng 30 phút. Nghe xong cả lớp hoang mang nhìn nhau kiểu như nghe sót chữ nào đấy. Giáo sư phải nhắc lại đến mấy lần. Nè, ngồi yên một chỗ, quan sát bất cứ cái gì trong vòng 30 phút. Miễn là không ngồi “quan sát” TV là được.
Buổi học sau cả lớp chia sẻ lại trải nghiệm của mình. Rất nhiều địa điểm đã diễn ra cuộc quan sát kỳ lạ: thư viện, quán ăn, ở nhà, ngoài đường, … Có hai trường hợp được chọn để phân tích kỹ hơn. Một bạn đứng trên tàu điện khi về nhà quan sát những hành khách xung quanh. Bạn nói bây giờ thấy ai cũng cầm điện thoại và tập trung vào nó. Mỗi người giống như đang ở trong thế giới của riêng họ, không bận tâm tới xung quanh. Bạn nghĩ có hai lý do: người ta không có việc gì làm, chán nên giải trí bằng điện thoại. Hoặc họ ngại không muốn người bên cạnh bắt chuyện nên dù không có gì cũng giả vờ nhìn vào đó.
Một bạn khác cũng đi tàu. Trên MRT ở Taipei mỗi toa sẽ có vài ghế khác màu dành cho người được ưu tiên (người già, phụ nữ có thai). Suốt quãng đường mấy chục phút, bạn để ý không có ai ngồi vào đó, dù giờ cao điểm chật cứng người. Bạn nghĩ có thể người ta đứng vì không muốn bị phiền hà khi có người khác cần tới. Hoặc những người trẻ sợ bị đánh giá nếu ngồi vào, người già nhưng không muốn nhận mình già.
Sau khi cả lớp chia sẻ xong, giáo sư hỏi: Tại sao, dù không được nói là quan sát cái gì, hai bạn lại chọn quan sát những sự việc đó? Tại sao nghĩ tới việc người ta không muốn tự nhận mình già? Tại sao nghĩ rằng họ ngại bắt chuyện với người lạ? Hình như, mỗi người đều có cảm nhận chắc chắn về “cái mình muốn nhìn thấy”, đúng không? Điều này có ngẫu nhiên không? Có ai cảm thấy hoang mang hoặc lo lắng vì không biết phải quan sát cái gì không?
Bước đầu tiên một nhà nghiên cứu định tính cần làm là “bước chân vào vùng của những thứ không được biết trước” (the field of the unknown). Bạn phải tập quen với “The Unknown”. Khác với nghiên cứu định lượng trả lời câu hỏi về mối quan hệ giữa hai biến số, có hoặc không và bao nhiêu. Nhà nghiên cứu định tính phải quan sát thật nhiều trước khi tìm được câu hỏi cho mình. Nếu bạn vào The Unknown với một cái đầu chắc chắn, có thể bạn sẽ không nhìn thấy được những điều khác.
Mini Task 1b: Tiếp tục quan sát
Buổi học tiếp theo. Vừa vào lớp giáo sư yêu cầu mọi người đi tìm chỗ ngồi yên quan sát trong vòng 1 tiếng rồi quay lại. Lần này phải ghi chép tất cả những gì quan sát được vào sổ, liên tục không được ngừng. Cả lớp lại nhìn nhau, không tin vào tai mình, còn mắt thì tròn xoe: quan sát gì bây giờ đây?
Sau khi trở lại, mọi người chia sẻ những gì quan sát được. Haiz, không hiểu nghĩ gì mình lại chọn ngồi ngay ngã tư, xe cộ và người đi bộ phóng qua vèo vèo. Chỉ ghi lại mô tả chứ không kịp xử lý hay nhận xét gì.
Chia sẻ của mỗi người xoay quanh phong cách ghi chú như thế nào? Bạn ghi hết tất cả những gì quan sát được như một cái camera? Hay vừa quan sát, vừa tự đánh giá rồi ghi lại cả hai? Hầu hết mọi người đều rơi vào một trong hai kiểu này, kèm sự hoang mang: Không biết nên ghi gì. Ghi thế này có đúng không? Tay ghi mà đầu cứ nhận xét và đánh giá.
Làm nghiên cứu định tính mất rất nhiều thời gian, kể cả khi đã tìm được chủ đề rồi. Phải chịu khó ngồi quan sát, về phân tích lại. Cứ như thế cho đến khi tìm ra được dấu hiệu gì đó đáng để nghiên cứu thì thu hẹp lại và tìm hiểu kỹ hơn.
Giáo sư hỏi có ai khó chịu khi phải làm hai bài tập này không? Mình giơ tay bảo hơi căng thẳng vì không biết làm thế này thế kia có đúng không. “There are need-an-answer kind of people và deal-with-uncertainty one.” Có người muốn câu trả lời chắc chắn có hoặc không ngay, có người lại có thể đương đầu với sự không chắn chắn. Nhà nghiên cứu định tính cần có đức tính thứ hai.
Phản tư (Reflection on yourself)
Học viên được khuyến khích rèn luyện thói quen ghi chú càng nhiều càng ít (tốt), mọi lúc mọi nơi để tập tành làm nhà nghiên cứu định tính. Người học thường sẽ ghi những gì họ cho là quan trọng trong giờ để lưu lại sau này tra cứu. Đây là ghi chú bài học (Lesson Note). Tuy nhiên, giáo sư còn yêu cầu mỗi người phải ghi chú cả cảm nhận của mình (reflection) sau khi thực hiện mỗi nhiệm vụ kể trên.
Cảm nhận của bạn khi thực hiện chúng là gì? Hào hứng, chán nản, stress, khó khăn hay dễ dàng. Điều gì bạn thấy mình làm ngon lành? Điều gì còn dở? Cần phải cải thiện cái gì? Kỳ vọng của bạn trước khi làm là gì? Cái gì xảy ra ngoài mong muốn? Đây là ghi chú của nhà nghiên cứu (Researcher’s Note).
Mình bắt đầu lờ mờ hiểu ra cách đi tìm rồi thì phải.
Mini Task 3: Phỏng vấn
(Mình sẽ kể tiếp.)
Cảm ơn bạn đã đọc bài.
Hải Nguyễn
Pingback: Long Mu kí sự 1 – Tô Đậm mùa 7 - The Too Blue Scientist
Pingback: Metaphors của nghiên cứu | The Too Blue Scientist