Bài viết từ tháng 6/2020.
Đâu đó trên Twitter có câu này: “Learning the peak of procrastination.” Sự học là đỉnh cao của sự trì hoãn.
Mình vừa lập một hệ thống quản lí những gì muốn đọc để khi lướt chỗ này chỗ kia mà thấy hay hay thì sẽ lưu lại để xử lí dần. Và trong hơn 3 tuần gần đây, mình đã lưu tới 146 bài viết! Giật mình một tí. Mình không nghĩ là mình lại tiêu thụ nhiều input đến thế. Đấy là những input được trau chuốt kĩ càng rồi, không biết những input từ nguồn khác thì sao.
Điểm lại thì chỉ một ít trong số đó đã được đụng đến. Điều này làm mình nghĩ chuyện đọc và ích lợi thật sự mà nó mang lại. Làm sao để vừa vui vừa hiệu quả?
Ngụy biện Kẻ sưu tầm hay còn gọi là The Collector’s Fallacy. Gọi là ngụy biện, bởi vì đôi khi cảm thấy rằng “mình đang thực hiện điều đó đây còn gì” nhưng không phải.
Đã từng trải nghiệm qua chứng ngụy biện này mà giờ mới gọi tên được. Mình quan sát được mỗi lần chụp xong trích dẫn từ một trang của một cuốn sách giấy thì mình hài lòng, đắc chí lắm 😄. Bức ảnh đã nằm ở đây, trong điện thoại rồi. Đọc xong một cuốn sách thì thư viện ảnh trong điện thoại lại đầy lên. Yes! I am on fire 🔥. Nhưng xong rồi thì ảnh cứ chất đầy bộ nhớ máy. Mỗi khi dọn dẹp lại mệt mỏi vì não luôn phải chạy một “thuật toán” giữ hay bỏ. Nhưng thôi chuyện đó nói sau.
Đấy, mình đang đọc rất tập trung và rất hiểu cái mà tác giả muốn nói tới đây. Nhưng có chắc không?
Xong rồi mình nhớ lại thời luyện thi IELTS. Đã từng lang thang khắp nhóm này tới hang ổ nọ . Nhóm này hay hay đông đông đúng không, tham gia liền. Trên nhóm có bạn này cho link tải đúng không, tải liền. Có bạn photo sách bán giá rẻ (bản quyền 🚦), mua liền. Nhưng khổ nỗi sau đấy thì không đụng tới bao giờ, và có đụng cũng được vài trang.
Mình đang học IELTS rất chăm đây, nhưng có chắc không?
“Sưu tầm, bản thân nó, là một thú vui gây nghiện.” Ta sở hữu cho mình một đống sách “có vẻ hứa hẹn”, một đống bookmark trên trình duyệt, một đống tab hay một đống hình ảnh trích dẫn. Nghĩ là đã capture được, chiếm lĩnh được và lưu vào đâu đó. Có cảm giác là mình đã đọc nó/hiểu nó/biết nó.
Nhưng việc “biết một cái gì đó” và “biết về một cái gì đó” khác nhau. Nhà vật lí học Feynmann gọi là “know the name of it” – biết cái tên của nó thôi. Còn Cristian – admin của forum Zettelkasten gọi nó là “fake-knowledge” – giả tri thức. Và ảnh bảo:
“Những tri thức giả này ngăn trở chúng ta đến với sự xuất sắc thật sự. Cho tới khi chúng ta thực sự gộp – kết nối những nội dung, thông tin, ý tưởng và suy nghĩ của người khác vào hệ thống tri thức của riêng mình, thì trước đó chúng ta không học được gì cả.”
Học = Thay đổi. Có-thay-đổi mới là thực-sự-học-được. Cũng nhọc nhằn thì mình mới nhận ra thực sự rằng kiếm được nhiều thứ để đọc không thôi thì không giúp mình đi tới đâu cả.
Biết cách học của người khác, cách họ làm việc chưa đủ. Mình phải làm thử mới biết nó có phù hợp với mình hay không. Lúc làm thử ấy là lúc mình mang “hệ thống của họ” tích hợp vào “hệ thống làm việc” của mình. Pomodoro đúng không? Duyệt. Chia ngày thành hộp thời gian đúng không? Duyệt. Dậy sớm 5 giờ sáng đúng không? Thôi cho xin. Ví dụ thế.

Vì sao ta lại khoái “sưu tầm” như vậy?
Vì khi ấn nút chụp, ấn share status hay ho trên facebook người khác để lưu về trang cá nhân, ấn copy và paste, ấn tải tài liệu, … có một cảm giác thỏa mãn chạy trong người vì thấy được thành tựu ngay lập tức: “Ồ đống tài liệu dày lên rồi kìa”, “kệ sách dày lên rồi kìa”. Và cứ thế nó hình thành một cái mệnh đề: Nếu sưu tầm được thì sướng.
Làm sao để khắc phục ư? Nói thế nào nhỉ? Đến khi thực sự cần thì sẽ tự hết chăng?
Điều dễ hiểu này ai cũng biết: đọc tập trung, chú tâm để lấy ý tưởng của tác giả; ghi lại những suy nghĩ của mình khi đọc bằng lời của mình. Khi ngồi xuống ghi lại thành câu chữ đủ ý để biểu đạt ra những ý tưởng của riêng mình hẳn hoi, lúc ấy thì thực sự chữ nghĩa của tác giả đã va chạm đùng đùng 💥 vào “hệ thống” não bộ của mình rồi.
Biết nhưng khó làm. Nên chắc là khi thực sự có nhu cầu thì sẽ đọc và tiếp nhận thông tin khác đi chăng. Không nên lấy chuyện “mình đọc chưa đủ sâu” ra làm áp lực, vì đọc thì vui mà.
Trở lại, học có phải là trì hoãn không nhỉ?
The Too Blue Scientist
Nếu thích bài viết này,
Bạn có thể:
👉 Chia sẻ bài viết