Loài người tìm thấy nhựa trong máu mình

You are currently viewing Loài người tìm thấy nhựa trong máu mình

Vật liệu nhựa dẻo, nhẹ, rẻ nhưng bền và tiện hơn cao su, lại dễ rập khuôn. Nghe là biết nó là một phát minh xuất sắc của thời đại công nghiệp chừng 100 trăm trước. Nhưng cuối cùng loài người cũng nhận ra nhựa mất rất lâu để phân huỷ. Những đồ vật làm bằng nhựa trong suốt hay bóng bẩy qua thời gian bị phá vỡ, từ cấu trúc lớn thành những mảnh nhựa nhỏ tí. Sự khó phân huỷ cộng với kích thước nhỏ biến nó thành tên gọi của một nỗi lo không hề mới trong chục năm gần đây: microplastics, là những hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm, cỡ 1/4 đốt ngón tay người lớn. Nhỏ hơn 1000 lần nữa thì gọi là nanoplastics. Trong tiếng Việt, ta hay gọi chung chúng là các hạt vi nhựa.

Theo một cách nào đó, hạt vi nhựa được phổ biến rộng khắp hơn cả video đứng đầu top trending YouTube. Nó đã được tìm thấy trên khắp Trái đất. Từ trên mặt, trong lòng và tận đáy biển cả (1) , (2) cho đến nóc nhà Everest (3). Từ nước sông (4) sang nước máy (5). Ta tìm thấy vi nhựa bên trong ruột những chú cá (6) lẫn trong côn trùng biết bay (7). Và nếu bạn lo lắng rằng sớm muộn thì con người, một thành viên tích cực trong chuỗi thức khổng lồ ấy, cũng có nhựa trong mình thì bạn đúng đấy.

Thực vậy, năm 2018, các nhà khoa học tìm thấy hạt vi nhựa trong ruột và được loại bỏ ra (một phần?) trong chất thải của người, à ừ 💩 (8), và phát hiện ra trẻ em mang hạt vi nhựa (không phải vi chất hay vitamin) với tỉ lệ cao hơn người lớn (9).

Trong một nghiên cứu mới được công bố cách đây ít ngày, các nhà khoa học còn tìm thấy hạt vi nhựa trong máu người. Lần đầu tiên. (10)

Nhóm các nhà khoa học từ Hà Lan này đã lấy mẫu máu cho bởi 22 tình nguyện viên trẻ khoẻ, nằm trong nhóm dân số bình thường để xét nghiệm. Kết quả là hạt vi nhựa được tìm thấy trong 17 mẫu. Nhóm nghiên cứu hướng tới việc tìm các hạt vi nhựa có kích thước cỡ 0.0007 mm tới 0.5 mm. Nhỏ hơn 10.000 lần định nghĩa tiêu chuẩn vi nhựa. Họ có lí do của mình khi 0.0007 mm là kích thước mà vật chất có thể ngấm qua các lớp màng trong cơ thể người. Thử tưởng tượng rằng bạn đi chơi bowling, thì quả bowling với kích thước 0.0007 mm bạn ném đi có thể húc bay những những con virus màu trắng cuối đường chạy. Hạt vi nhựa được tìm thấy trong máu lần này nhỏ cỡ virus đấy.

Họ phân tích máu để tìm 05 loại nhựa thì ra 4 loại. Trong đó có 50% là polyethylene terephthalate (loại nhựa PET giống những chai nước khoáng dùng một lần), polyethylene (loại nhựa giống túi nylon dùng một lần), polymers of styrene (nhựa PS số 6 của hũ đựng sữa chua, của miếng xốp trắng chêm đồ điện tử hoặc hộp đựng cơm tấm) và poly methyl methylacrylate (PMMA). Đây đều là những dòng nhựa được sản xuất với số lượng rất lớn mỗi năm. 

Nhóm nghiên cứu đưa ra một vài dự đoán cho nguồn gốc của những hạt vi nhựa này. Ngoài những nguồn ta đã biết như không khí, nước và thực phẩm, chúng có thể đến từ kem đánh răng, son môi, những sản phẩm nha khoa thẩm mĩ, mực xăm mình và thuốc.

Điều làm các nhà khoa học lẫn những người đọc tin như mình lo ngại là các hạt vi nhựa nhờ máu mà đi khắp cơ thể giống như công viên nước. Chúng có thể ra vào các cơ quan nội tạng và thậm chí ở lại bên trong. Ở chuột, ta phát hiện ra rằng sau khi bị phơi nhiễm với vi nhựa, cơ thể những chú chuột tích tụ những hạt này trong phổi, gan, thận và ruột (11). Còn ở người, có bằng chứng cho thấy những vật chất ở tầm kích thước này có thể thấm vào nhau thai (12).

Vậy số phận của những hạt nhựa sau khi chơi trong công viên nước cơ thể người sẽ ra sao? Tuỳ duyên. Đùa chứ, nhóm nghiên cứu dự đoán chúng có thể đi ra ngoài sau được lọc bởi thận hoặc bài tiết bởi mật, giống như những nghiên cứu được dẫn ra ở trên. Nhưng cũng có thể chúng bị giữ lại trong gan, lá lách hoặc các cơ quan khác. Nguy hiểm hơn, liệu chúng có vượt qua hàng rào máu não (blood-brain barrier) không? Đây là lớp hàng rào ngăn chặn các tế bào hay các phần tử khác từ máu bơi vào khu vực nhạy cảm vô cùng của hệ thần kinh trung ương (13). Và giả sử nếu tích tụ bên trong, tới mức độ nào thì sẽ làm xuất hiện những triệu chứng bệnh? Sẽ cần nghiên cứu nhiều mẫu máu từ nhiều người, nhiều vùng để biết thêm về độ nhiễm vi nhựa và hành trình của chúng trong cơ thể người.

Nhựa là một phần không thể thiếu với con người kể cả sau thời kì công nghiệp. Cho đến thời điểm này, không ai trong chúng ta dám chắc mình có thể miễn nhiễm với vi nhựa nữa.

Bạn thấy sao khi biết tin này?


Tài liệu tham khảo

(1) https://iopscience.iop.org/article/10.1088/1748-9326/10/12/124006/meta

(2) https://www.geochemicalperspectivesletters.org/article1829

(3) https://www.cell.com/one-earth/fulltext/S2590-3322(20)30550-9

(4) https://www.nature.com/articles/s41561-018-0080-1

(5) https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S004565352030686X

(6) https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/gcb.15533

(7) https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0048969718327669

(8) https://tinyurl.com/y7dfcgtz 

(9) https://pubs.acs.org/doi/abs/10.1021/acs.estlett.1c00559

(10) https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0160412022001258

(11) https://www.nature.com/articles/srep46687?u…ontent=deeplink

(12) https://ehp.niehs.nih.gov/doi/full/10.1289/ehp.0901200

(13) https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fneng.2013.00007/full

(14) https://www.theguardian.com/environment/2022/mar/24/microplastics-found-in-human-blood-for-first-time