So Sánh Bảo Tàng Khoa Học Ở Việt Nam Và Taiwan (P1): Có Gì Bên Trong?

You are currently viewing So Sánh Bảo Tàng Khoa Học Ở Việt Nam Và Taiwan (P1): Có Gì Bên Trong?

So sánh để làm gì?

Kỳ vừa rồi có học môn Comparative Studies so sánh nhiều vấn đề giáo dục khoa học. Dần dần, mình hiểu ra việc nghiên cứu so sánh giữa những nền giáo dục, những chương trình, những học sinh không phải lúc nào cũng để xếp hạng xem ai hơn ai kém.

Đành rằng thứ hạng luôn là cái tin tức và công chúng dễ quan tâm, có định kiến nhất, như VN xếp thứ 8 thế giới về khoa học trong PISA 2015, nhưng phía sau còn rất nhiều câu chuyện để phân tích.

Chuỗi bài này mình sẽ giới thiệu hai bảo tàng khoa học ở hai đất nước, kể lại những gì có bên trong, quan sát khách tham quan rồi rút ra những so sánh của mình. Mời bạn ghé thăm cả hai nơi và cùng chia sẻ với mình nhé.

Hai đại diện mổ xẻ trong bài là:

Bảo tàng
Thiên nhiên
Việt Nam

Vietnam National Museum of Nature
Miễn phí nhé!

Nằm bên trong Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Tuy không có lợi thế về địa điểm nhưng bảo tàng rất biết cách thu hút những ai vô tình đi vào bên trong Viện. Nhìn thấy con khủng long bạo chúa ngay cửa thế này thì có ai cưỡng nổi sự tò mò cơ chứ? Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (VNM) sưu tầm và trưng bày những hiện vật, mô hình về địa chất, sinh vật và nhân chủng gắn bó hoặc có liên quan đến Việt Nam.

Bảo tàng Quốc gia
Đài Loan

National Taiwan Museum
50 TWD/vé người thường
15 TWD/vé siêu nhân

Nằm gần những trung tâm chính trị của Đài Loan, bên trong một công viên lớn, bảo tàng có mặt trước nhìn thẳng ra Ga Đài Bắc cũ. Tòa nhà này cũng là một di tích lịch sử chứng kiến nhiều đổi thay ở đây. Bảo tàng Quốc gia Đài Loan (NTM) gồm nhiều hiện vật và câu chuyện kể lại hành trình khám phá tự nhiên vùng đảo Taiwan hồi xưa của những con người tiên phong. Taiwan có động vật, cây cối và khoáng sản gì? Ai đã thám hiểm những nơi xa xôi để mở rộng “bản đồ tri thức” cho đất nước?

Bảo tàng Việt Nam: cây tiến hóa, đa dạng mẫu vật, chiếu phim minh họa, dẫn Wikipedia, …

Vừa check-in xong, bạn sẽ như lạc vào một thế giới ngầm dưới lòng đất dẫn đến nơi trưng bày. Với diện tích không lớn, VNM được chia làm 03 gian. Trong đó có một gian phòng thiết kế dạng xoắn ốc đi lên với trung tâm là cây tiến hóa chuyển động.

Gian phòng giới thiệu tổng quan về “công cuộc” tiến hóa của thế giới sinh vật. Từ những dạng thể sống nhỏ nhất, xa xưa nhất cho đến những loài trong sở thú ngày nay.

Ngoài hình ảnh khắc trên tường gỗ, một số màn hình minh họa chiếu những đoạn phim dài giới thiệu quá trình tiến hóa của một số loài. Phim hình như của National Geographic bằng tiếng Anh có phụ đề tiếng Việt. Chủ đề của phim chưa liên kết với những hình ảnh gần đó, thêm âm thanh nhỏ và phải đứng nghiêng nên chưa thu hút được người xem.

ben trong bao tang
Dời cây tiến hóa, đi vào gian chính của bảo tàng VNM

Bảo tàng VNM có một nguồn dồi dào các mẫu sinh vật, thật lẫn bản sao. Bảng tên của các loài bao gồm tên tiếng Việt, tên khoa học và nơi thu thập mẫu vật. Bên trái là khu trưng bày mẫu địa chất, hóa thạch tương ứng với từng kỷ trên Trái đất. Mình hơi ngạc nhiên khi khá nhiều thông tin trong thuyết minh ghi trích dẫn từ Wikipedia.

Bên phải trưng bày rất nhiều mẫu động vật ngâm hóa chất, bộ xương một số loài, tiêu bản côn trùng. Khu này có màn hình (không tiếng) giới thiệu về khủng long, đa dạng côn trùng và động vật. Tiêu bản bướm xếp thành hình bản đồ VN nhằm mục đích trang trí chứ không phản ánh sự phân bố.

Ở khu nhân chủng học có hai mô hình đặc biệt. Một là sơ đồ di trú của loài người có gắn đèn LED và một sa bàn có máy chiếu. Tuy nhiên, hôm mình đến thì cả hai cái đều không hoạt động.

Bảo tàng Taiwan: mẫu vật kèm câu chuyện, khủng long hoành tráng, tương tác,…

Hôm mình đến bảo tàng NTM chỉ mở tầng ba gồm 05 gian phòng với những chủ đề như: dân tộc bản địa, mẫu vật tự nhiên và các mốc lịch sử quan trọng. Ngoài ra, họ còn một triển lãm về khủng long ở tòa nhà đối diện.

Mỗi bộ sưu tập giới thiệu nhà khoa học, nhà thám hiểm nổi bật đã có công tìm kiếm và tổng hợp nên. Bảng tên của mẫu vật gồm tên, giới thiệu ngắn về tính chất, câu chuyện hoặc nơi tìm thấy bằng cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh.

Hokutolite
Báu vật quốc gia Taiwan Hokutolite

Khu trưng bày mẫu vật, người ta để một màn hình cảm ứng để người xem tương tác. Muốn xem thông tin thêm về con vật nào thì chọn, sẽ có hình ảnh, đặc điểm lẫn tiếng kêu của nó phát ra.

Khu triển lãm xương khủng long thì quá hoành tráng đi. Người ta nhường hẳn phần sảnh thật to và cao cho đội hình T-Rex, thằn lắn sấm,…

Hành lang và cầu thang xung quanh sảnh bày những “bài học nhỏ”. Chúng giải thích nguồn gốc sự sống, cấu tạo xương khủng long, bản đồ phát hiện hóa thạch khủng long ở Taiwan, …

Vào bảo tàng làm gì?

Bài sau sẽ kể lại một số quan sát của mình về những hoạt động của khách tham quan trong bảo tàng.

Bạn có thường đi bảo tàng không? Bạn nghĩ sao về bảo tàng ở Việt Nam và các nước khác?

Cảm ơn bạn đã đọc. Stay tuned.

The Too Blue Scientist

This Post Has 2 Comments

  1. Yến Phạm

    Wow theo những hình ảnh của anh về bảo tàng quốc gia Đài Loan thì em thấy họ thiết kế rất giống với bảo tàng lịch sử tự nhiên của Mỹ. Có thể nói là phỏng theo luôn. Em may mắn có dịp tới và dành 1 ngày ở đó (chắc cả tuần cũng chưa đủ). Điều làm em thích nhất là những câu chuyện được gắn với các mẫu vật. Hoạt động tương tác có lẽ thu hút trẻ nhỏ hơn là người lớn. Với em thì những đoạn video, story kế bên mỗi hiện vật, hay cách bài trí nói lên rất nhiều về bối cảnh thế giới thời kì đó. Ngày xưa bảo tàng nổi tiếng với bộ xương khủng Long bạo chúa ngay giữa đại sảnh. Nhưng hiện nay nó được di chuyển vào gian bò sát tiền sử, dành chỗ trang trọng nhất cho một mô hình voi kích cỡ như thật. Em thấy thầy đổi này rất hợp thời bởi loài voi đang lâm nạn. Dưới chân mới hình là một loạt những thông tin về tập tính, đời sống và những hiểm họa đối với loài voi hiện nay. Lại nói về mô hình T-rex (khủng Long bạo chúa) nổi tiếng, khi đc mang về gian trưng bày mới lại ko đứng một mình. Cần lưu ý là gian này toàn hoá thạch khủng Long nên việc trưng bày từng chú một riêng rẻ sẽ nhàm chán. Mãi em mới nhận ra T-rex vì nó được sắp đặt trong tư thế đang chiến đấu với một con khủng Long khác. Trong thực tế hai loài này là kẻ thù của nhau. Em rất ấn tượng với ý tưởng này.

    Ví dụ trên cho thấy, trên cả mục đích giới thiệu “những gì thế giới có”, bảo tàng cần phải tái hiện sinh động phần nào “những gì đã diễn ra trong thế giới đó”. Và không chỉ dừng lại ở việc kể tên hiện vật, một nơi lưu trữ lịch sử càng phải là nơi mà khi bước ra khỏi đó chúng ta học được bài học gì đó.

Leave a Reply