Bài này viết gì?
Năm 2020, thế giới đang đầy ắp công nghệ số và hứa hẹn sẽ còn phát triển chóng mặt. Là những người quan tâm đến sự an toàn, sức khỏe thể chất và tinh thần của con mình hơn ai hết, chắc cha mẹ nhiều khi cũng băn khoăn và gặp nhiều khó khăn trong hướng dẫn trẻ sử dụng công nghệ.
Nếu làm tốt việc này, trẻ sẽ có thể phát triển được những kĩ năng và thói quen để sẵn sàng trở thành một công dân số. Thông cảm với cha mẹ, bài viết này dành cho những người lớn đang có trách nhiệm chăm sóc trẻ em.
Tuy nhiên, bài viết không hướng dẫn thao tác sử dụng điện thoại hay máy tính, thứ mà trẻ vốn đã tiếp thu rất nhanh chóng từ người lớn. Người viết hướng tới chuyện đảm bảo an toàn và lành mạnh cho trẻ khi sử dụng máy tính và Internet.
Có 04 nguyên tắc và những mẹo rất cụ thể có thể sử dụng như một danh sách (checklist) để cha mẹ, thầy cô kiểm tra lần lượt xem môi trường hiện tại đã an toàn với trẻ chưa.
Điện thoại thông minh = máy tính!
Đừng để bề ngoài nhỏ gọn, bóng bẩy, thân thiện của điện thoại thông minh hay tablet đánh lừa. Chúng đều là máy tính cả. Bên trong chúng có sức mạnh của những chiếc laptop (máy tính xách tay) và desktop (máy tính để bàn).
Chỉ với một chiếc máy tính bảng, lập trình viên có thể viết mã code; nhà thiết kế có thể vẽ vời, chỉnh sửa video, tạo hình ảnh 3D, … Những công việc trước đây cần đủ đồ nghề to đùng để làm thì giờ chúng có thể bỏ túi được.
Từ đây về sau, người viết sẽ dùng từ “máy tính” để gọi chung cho “điện thoại thông minh, máy tính bảng”.
Máy tính và Internet sinh ra để làm gì?
Máy tính là CÔNG CỤ. Ban đầu, máy tính được phát mình để hỗ trợ con người trong quá trình sản xuất vì nó tính toán rất khỏe. Cuối những năm 50s chúng chuẩn bị được mọc thêm cánh nhờ sự xuất hiện nhen nhóm của Internet với mong muốn kết nối để truyền thông tin giữa những máy tính với nhau.
Năm 1989, Tim Berners-Lee chắc không biết rằng mình sẽ làm thay đổi định nghĩa về chia sẻ thông tin của một nửa dân số trên trái đất bằng việc phát minh ra World Wide Web. Dù mục đích ban đầu chỉ để chia sẻ thông tin giữa các trường đại học, Internet giờ đây đã rất khác.
Vấn đề nằm ở đâu?
Khi kết hợp hai phát minh này lại ta được một thứ công cụ tuyệt vời.
Trước đây, chúng chủ yếu giúp con người làm việc, tạo/xây/dựng nên điều gì đó. Put something out there. Out-put. Làm phim, sáng tác, thiết kế game, đánh văn bản, nói cho người khác nghe.
Bây giờ, chúng cũng có thể giúp con người tiêu thụ/giải trí bằng việc xem/nghe/nhìn/đọc những văn hóa phẩm. Put something in there. In-put. Xem video, nghe nhạc, chơi game, đọc status, nghe người khác nói.
Như vậy vấn đề không phải là sự tồn tại của máy tính và internet. Ta cũng không kiểm soát được chuyện này.
Vấn đề là trẻ em dùng máy tính và Internet để làm gì? Để tạo ra một công trình, tác phẩm hay tiêu thụ văn hóa phẩm? Câu hỏi này không phải để phân biệt tốt – xấu hoặc khuyên nên – không nên giải trí mà để người đọc gợi nhớ một chuyện:
Không phải thời gian sử dụng máy tính nào cũng như nhau. Tiếp thu thụ động video trên YouTube khác với việc sử dụng máy tính để làm video chẳng hạn.
Những chuyện cha mẹ không lường trước
Quảng cáo trên trang web và trong ứng dụng. Google theo bạn mỗi khi bạn tìm kiếm. Trình độ quảng cáo thì ngày càng tinh vi, rất có thể bạn muốn một thứ Google … muốn bạn muốn.
Sức khoẻ thể chất: sức khỏe mắt, cân nặng, máy tính sử dụng pin (có chất hóa học và điện).
Sức khỏe tinh thần: nội dung không phù hợp, bắt nạt trên mạng, thông tin không được sàng lọc.
Sự tập trung, sáng tạo và trí tưởng tượng: quá nhiều thứ đã được cung cấp sẵn, não bộ của trẻ có khi không phải làm gì mà hoàn toàn tiếp nhận thụ động.
Vì vậy, người lớn cần cân nhắc rất kĩ trước khi giao vào tay con trẻ một thứ nhiều quyền năng to lớn như vậy. Vì ngoài việc trẻ có thể tự gây ra thương tích cho mình, vẫn có một số người dùng máy tính để làm chuyện không tốt mà trẻ cần tránh.
Những nguyên tắc hướng dẫn trẻ dùng công nghệ
Nguyên tắc 0: Phù hợp với lứa tuổi
Mình muốn nhấn mạnh về trẻ nhỏ: trong 03 năm đầu đời là giai đoạn cực kì quan trọng để trẻ phát triển kĩ năng ngôn ngữ, cảm xúc, giao tiếp xã hội và vận động. Vì thế mà chuyện tiếp xúc với THẾ GIỚI THỰC quan trọng hơn rất nhiều so với những tương tác qua màn hình máy tính.

Quả cam thật thì tốt hơn đống trái cây 3D trên YouTube.
Con chó, con gà thật tốt hơn video con chó con gà biết hát.
Người lớn có thể đọc thêm cuốn Luật trí não dành cho trẻ để hiểu hơn.
Trẻ thuộc độ tuổi khác có thể được hướng dẫn theo các nguyên tác dưới đây.
Nguyên tắc 1: Đảm bảo cân bằng giữa… 🎮🥋
- Thời gian offline và online.
- Thời gian chế tạo/xây dựng/học tập và thời gian giải trí trên máy tính.
- Thời gian cá nhân và gia đình.
- Thời gian trong nhà và ngoài trời.
- Giải trí bằng máy tính và hoạt động thể chất, sáng tạo khác
- Kết nối với người khác qua máy tính và việc gặp mặt nói chuyện trực tiếp.
Sẽ không thể và không nên cấm hoàn toàn thời gian sử dụng máy tính. Và cũng không nên đánh đổi khoảng thời gian dùng máy tính thay cho hoạt động thể chất – ngoài trời – với con người trực tiếp.
Sự cân bằng này có thể đã bị ảnh hưởng nếu trẻ có những dấu hiệu sử dụng không lành mạnh sau:
- Trẻ than chán hoặc không vui vẻ gì khi không được sử dụng máy tính
- Có xuất hiện cơn giận dữ hoặc phản kháng gay gắt khi cha mẹ đặt ra giới hạn thời gian khi sử dụng máy tính
- Thời gian sử dụng máy tính ảnh hưởng tới giấc ngủ, tới việc học tập và giao tiếp trực tiếp
Tất nhiên, chuyện xử lí mỗi khi những dấu hiệu này xuất hiện cũng cần hết sức cân nhắc. Dùng uy lực, vũ lực để ÉP trẻ là điều cần tránh. Gì thì gì chứ mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái quan trọng hơn chuyện ai đúng – ai sai.
Dù có nhiều ý kiến xung quanh chuyện tiếp xúc bao nhiêu với máy tính và internet là đủ cho từng độ tuổi, cha mẹ vẫn cần đề xuất những ranh giới không gian và thời gian nhất định. Ví dụ:
- Không gian: trên bàn ăn, trong trường học, khi tham gia giao thông, khi đi du lịch với gia đình, phòng ngủ, …
- Thời gian: sau 9h tối, trước 8h sáng …
Riêng về khoảng thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời được cho là có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa cận thị.
Nguyên tắc 2: Đảm bảo chất lượng nội dung 🎞 và tương tác 😖
Những câu hỏi để đánh giá chất lượng nội dung mà trẻ con theo dõi. Và cha mẹ cũng nên thường xuyên tham gia cùng để đánh giá với con. Một lần nữa lại nhấn mạnh vào mối quan hệ 👆🏼.
- Những ứng dụng này có nội dung phù hợp với tuổi của con không?
- Những ứng dụng này có tương tác và kích thích trẻ phải suy nghĩ không? Hay chúng chỉ đáp ứng cho việc tiếp thu thụ động? Nhắc lại, Không phải thời gian sử dụng máy tính nào cũng như nhau. Tiếp thu thụ động video trên YouTube khác với việc sử dụng máy tính để làm video.
- Thiết lập bảo mật và chế độ riêng tư có đảm bảo bí mật danh tính của con với người lạ không?
Nguyên tắc 3: Cha mẹ làm gương 👨👩👧👦
Trẻ nhỏ học qua bắt chước. Cha mẹ phải chịu khó đoạn này lắm đây. Ngoài việc phân chia thời gian cho công việc và thời gian cho gia đình thì có một số thời điểm cha mẹ cần dành toàn bộ thời gian tập trung cho con và đặt điện thoại qua một bên:
- khi đưa đón con đi học – về,
- sau khi làm việc về nhà,
- trong bữa ăn,
- khi đi chơi ngoài trời cùng nhau.
Nguyên tắc 4: Cùng nhau 🎢
Cũng giống như những chuyện to lớn khác, hãy cùng nhau bàn bạc, cùng nhau làm, cùng nhau chơi.
Cùng nhau trải nghiệm trên máy tính
Còn cơ hội nào tốt hơn để bạn biết con làm gì trên máy tính bằng việc chơi cùng nó? Nếu con trẻ còn nhanh nhạy hơn bạn trong công nghệ thì đừng ngại, hãy hỏi con. Một cơ hội để cập nhật những chuyện trong thế giới của trẻ.
Mỗi trẻ có tính cách và sở thích khác nhau
Thay vì giả định con mình giống con nhà người ta, đứa con một giống đứa con hai thì có thể tìm hiểu sự khác biệt đó và điều chỉnh phương pháp cho phù hợp. Lứa tuổi của trẻ cũng rất quan trọng. Trẻ cùng một tuổi không có nghĩa là có cùng mối quan tâm. Cùng nhau khám phá.
Trước khi đổ lỗi
Khi con có biểu hiện (hành vi thể hiện ra bên ngoài) mà cha mẹ nghĩ là sai, hãy tìm hiểu nguyên nhân trước khi kết luận. Cùng nhau khám phá.
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng
Lại nhắc lại, làm sao để cha mẹ sẵn sàng cởi mở với con, và con cũng có thể cởi mở được với cha mẹ? Chuyện thiết lập những quy tắc, luật lệ ở trên có nhắc tới rất cần được bàn bạc với cả nhà để đều đạt được sự đồng thuận.
Tôn trọng quyền riêng tư của trẻ: quản lí khác theo dõi
Cụ thể, cần dạy gì cho trẻ trước khi dùng máy tính? ✅
✅ An toàn thể chất
- Máy tính, máy tính bảng, điện thoại có điện và chất hóa học.
- Cách sử dụng như nào? Tránh tác động lực quá mạnh: đập, quăng, ném.
- Các thiết bị sử dụng kèm với điện thoại, máy tính: chuột, bàn phím, tai nghe, loa, … dùng ra sao?
- Tránh xa đồ ăn, thức uống, chất lỏng khi sử dụng máy tính.
- Bao bọc lấy điện thoại để chống va đập.
- Thấy hư hỏng thì phải nói với người lớn.
✅ An toàn tinh thần
- Có ai đó gửi tin nhắn, giao tiếp với trẻ trên mạng làm trẻ không vui, lo lắng, giận dữ không? Khi gặp những chuyện này thì nên nói với ai?
- Những thông tin nào là thông tin cá nhân? Tên, ngày sinh, địa chỉ nhà, tên trường học, số điện thoại và email của em và cha mẹ, …
- Những thông tin nào là thông tin riêng tư (private information): mật khẩu, ngày sinh, tài khoản ngân hàng, …
- Những thông tin cá nhân này có thể là chữ ABC XYZ, cũng có thể là hình ảnh.
- Ai là người quen, người lạ trên internet?
✅ Mặt tối của Internet
- Không phải điều gì em đọc/xem được trên Internet cũng đúng. Người viết có thể vô tình hoặc cố tình viết sai.
- Không phải ai trên Internet cũng đáng tin cậy.
- Có thư điện tử của những người hoàn toàn lạ mặt gửi tới em dù em không muốn nhận.
✅ Giải trí
Có cách nào tốt hơn không?
Vì tính di động và đa năng, smartphones nhanh chóng bước chân vào làng giải trí với một vai trò lớn: giúp người ta đỡ chán.
Chúng được sử dụng để điền vào chỗ trống giữa khoảng thời gian chết dù là nhỏ nhất. Là phương án nhanh gọn và tiện lợi nhất có thể cho tất cả mọi người. Nhất là bố mẹ. Còn gì khỏe hơn là đưa cho trẻ một chiếc máy và mình thoải mái, rảnh rỗi làm chuyện của mình?!
Để giải trí còn có cách nào khác không? Điện thoại có phải là cách tốt nhất chưa? YouTube? Tốt nhất hay tiện nhất? Gợi ý này: đọc sách cho trẻ nghe!
Máy tính không phải là tất cả!
Có những thứ con người làm rất xịn: thấu hiểu cảm xúc con người, giải quyết vấn đề, nghệ thuật và sáng tạo, chế tạo, xây dựng nên nhiều thứ mới, chịu trách nhiệm, … Trẻ cần được biết và được học để làm những điểu này.
✅ Cư xử trên Internet
- Biết lịch sự và thông cảm: Người ta sẽ cảm thấy thế nào khi đọc được những dòng mà trẻ viết ra? 💓
- Nói, viết như thể người nghe/đọc ở trước mặt vậy.
- Có trách nhiệm: thấy chuyện nguy hiểm, bất bình, sai trái thì sau khi cân nhắc kĩ hãy thông báo (report).
- Nếu thấy có dấu hiệu nguy hiểm thì phải báo ngay cho ai?
✅ Mẹo thiết lập môi trường internet an toàn cho trẻ
Trang tìm kiếm: Sử dụng Kiddle. Đây là một trang tìm kiếm được tùy biến một số lưới lọc bớt những kết quả không phù hợp với lứa tuổi.

Chặn quảng cáo trên trình duyệt web bằng một số công cụ như AdBlock, uBlock.
Hướng dẫn trẻ tìm kiếm thông tin: Em đọc có hiểu không? Thông tin có ích với em không? Em có thể tin được thông tin đó không?

Chế độ Gia đình, Cha mẹ: nhiều điện thoại thông minh, máy tính bảng đã có tính năng thiết lập tài khoảng của trẻ em và người lớn trên cùng một thiết bị. Hãy tìm hiểu sử dụng chúng.
Theo dõi thống kê thời gian sử dụng thiết bị, ứng dụng: gần như các thiết bị hiện nay đều đã có phần này. Sử dụng nó để biết trẻ đang dùng vào chuyện gì nhiều nhất.

Tập sáng tạo với máy tính thay vì chỉ tiêu thụ: hướng dẫn trẻ chụp ảnh, làm phim, thiết kế game, lập trình từ Swift Playground, Scratch, vẽ bằng Sketch; thuyết trình bằng Powerpoint, viết thư cho bạn qua email, …
Kết
Trước đây khi còn đi dạy, cứ dịp cuối năm là mình được chứng kiến các em học sinh lớp 3 – 5 đua nhau mang điện thoại vào lớp học. Cuối năm không học gì đã đành, nhưng cái mình lo hơn là các em sử dụng mà không có những hiểu biết tối thiểu về những thứ chúng tiếp xúc trên mạng. Lúc đấy mình bức xúc với cha mẹ các em lắm.
Dần dần mình được gặp gỡ nhiều người lớn có bảy tỏ những khó khăn họ gặp phải khi giúp trẻ em duy trì mối quan hệ lành mạnh với công nghệ.
Cách đây hơn một năm khi tham gia tổ chức một thử thách khoa học cho học sinh, mình có đưa ý tưởng hướng dẫn học sinh tìm kiếm và lọc lựa thông tin vào nhưng chưa thể làm được tới nơi tới chốn. Nay đã làm được.
Chúc cả người lớn lẫn trẻ con sáng tạo/xây dựng được nhiều với máy tính.
Tham khảo
Sách giáo khoa môn Computing của nhà xuất bản Oxford
https://www.nytimes.com/guides/smarterliving/family-technology
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4451516/
https://insights.osu.edu/health/myopia
Nếu thích bài viết này,
Bạn có thể:
👉 Chia sẻ bài viết