Trở về từ Trái đất

You are currently viewing Trở về từ Trái đất
Trở về từ Trái Đất

Nghe tiêu đề thật là “ngông cuồng” phải không? Mình cố tình đặt để thu hút sự tò mò của lũ trẻ đấy.

Đây là lần đầu tiên, một cách chính thức, mình được đứng trước đám đông nhỏ tuổi để kể chuyện khoa học.

Câu chuyện về loài người khám phá vũ trụ ra sao và nhân vật chính – tên lửa Falcon Heavy – đã trải qua những chuyện gì trước và sau khi được phóng lên vũ trụ. Vì thế, cần phải làm gì nổi nổi một tí để mấy bạn ấy chú ý, không là hỏng bét.

Nhưng thật may mắn là chuyện đó đã không xảy ra. Phù, mời các bạn đọc một chút chia sẻ của mình về buổi nói chuyện hôm ấy nhé.

Screenshot_4.jpg
Background chương trình (Hình nền: Freepik)

Sau khi đọc được cuốn Endurance của phi hành gia Scott Kelly, mình có sự quan tâm đặc biệt tới du hành vũ trụ. Qua cuốn sách, mình hiểu thêm về cuộc sống của các phi hành gia. Họ đã tập luyện cực khổ để thực hiện ước mơ của mình, đã mạo hiểm mạng sống trên từng chuyến bay. Có những người đang sống xa “nhà”, trong một phòng thí nghiệm bên ngoài vũ trụ đầy những điều thú vị. Kết hợp với việc đọc cuốn tiểu sử của Elon Musk nên mình rất quan tâm tới vụ phóng tên lửa Falcon Heavy.

Nhớ hôm đấy thứ 3, dạy về tới nhà đã hơn 10h đêm. Mình loay hoay google giờ phóng và link webcast từ SpaceX tính thức xem luôn. Quá nửa đêm giờ Việt Nam, theo dõi tình hình thì thấy bị dời lịch phóng nhiều lần, thậm chí còn có khả năng hoãn đến hôm sau nên mình đứt ruột đi ngủ, đợi sáng mai tính tiếp. Sáng 5h vùng dậy xem lại hết vụ phóng, tranh thủ chụp screenshots và đọc nhiều tin tức để cập nhật. Mình ngồi ôm lấy hai chân mà … tim đập thình thịch. Thật là nhiều cảm xúc.

Hôm sau nhân dịp gần Tết học sinh “chán” học, mình in sẵn hình minh họa vào lớp để thuyết trình. Thời đi học, mình luôn muốn Thầy Cô “nhạy bén” với thời cuộc như vậy, tức là thế giới có sự kiện mới thì kể cho mình nghe, liên kết nó với bài học được mà. Và mình đã đúng. Chưa bao giờ mình thấy tụi nhỏ tập trung nghe và hỏi nhiều đến thế. Qua các lớp, gần như mình không phải mất công đợi các bạn im lặng nhiều. Chỉ cần dán cái hình xe hơi đỏ có Starman ngồi đó và nói nhỏ: “Mấy đứa biết không? Hôm qua vừa có một chiếc xe hơi được phóng lên vũ trụ đấy.” Hơn 150 học sinh đã nghe câu chuyện thô sơ ấy một cách chăm chú.

Khi mình chia sẻ lại trên Facebook, chị Thư – chủ nhiệm CLB Khoa học Sao Nhỏ đã hẹn mình một buổi đến nói chuyện với các bạn nhỏ ở đây. Thật là may mắn khi được mời một cuộc hẹn thú vị và quan trọng như vậy nên mình cũng rất áp lực. Hỏi chị đối tượng học sinh xong mình đắn đo rất nhiều trong mấy ngày mới chọn ra được dàn ý mà mình nghĩ là phù hợp.

29315273_906083622892916_521506974128148712_n
Mình thích cái trần nhà của Sao Nhỏ ghê. Rất hợp với chủ đề lần này.

Mình khá căng thẳng vì chủ đề này không phải là lĩnh vực “tủ” của mình (thực ra là giờ không còn gì là tủ nữa!). Nhưng nhờ kiến thức khiêm tốn nên mình chủ động tìm hiểu, tra cứu thêm rất nhiều sách, báo và xem thêm nhiều videos để đảm bảo những gì mình chia sẻ với tụi nhỏ hấp dẫn, kịch tính nhưng phải logic và chính xác. Cộng với việc biết học sinh Sao Nhỏ có tư duy phản biện rất tốt nên mình cũng an tâm hơn, vì nếu có vấn đề là tụi nhỏ sẽ xi-nhan phản ứng liền. 😀

Phần mình ưng ý nhất là nội dung chia sẻ hợp lý và phần quà tặng nhỏ nhỏ xuyên suốt chương trình. Đặt hàng Physics is Magic làm bookmark về #FalconHeavy để làm quà cho các em là một ý tưởng tuyệt hay. Tụi nhỏ nhận ra tấm bookmark mình đang cầm trên tay bắt nguồn từ đâu ngay khi mình vừa nhắc tới hoặc chiếu hình. Chi tiết nhỏ này dường như góp phần rất lớn vào việc khiến cho các em thật sự tập trung trong suốt bài trình bày. Những cái bookmark nhỏ xinh được trao tặng bất ngờ cũng góp phần kích thích các em ấy hỏi. Hỏi rất nhiều.

28947645_906083752892903_3400949657888480542_o.jpg

Phần mình thấy chưa hài lòng nhất là phần kết thúc. Mình đáng lẽ nên hỏi tụi nhỏ xem chúng rút ra được bài học gì trước thay vì áp đặt ý kiến của mình lên. Có lẽ vì vậy mà mình nhận thấy phản ứng của các em lúc này hơi “đơ”. Có thể những bài học mình muốn truyền đạt thì tụi nhỏ lại thấy không gần gũi và hơi giáo điều chăng? Nếu được sửa lại, mình sẽ hỏi học sinh trước. Sau khi các em chia sẻ quan điểm thì mình mới bày tỏ bài học mà mình học được, cùng với một giọng nói trầm và vững chãi, bớt hào hứng như khi giảng thì có lẽ sẽ mang lại hiệu ứng tốt và thuyết phục hơn.

28828170_906083772892901_3840841556453648047_o.jpg

Nhờ Sao Nhỏ mà sáu cuốn sách Bí kíp quá giang vào ngân hà được trao tặng cho sáu bạn nhỏ có bài cảm nhận mình … thích nhất và trí tưởng tượng … xa nhất. Những bạn chưa biết viết thì vẽ lại cái Flacon Heavy. Suy cho cùng thì du hành vũ trụ nghiêm túc cũng nhờ công lớn của Jules Verne, có phải không?

WP_20180327_23_21_08_Pro
Feedback của học sinh. Đạo cụ bong bóng. Bookmark.

À, có một học sinh viết feedback cho mình. Mặc dù trong suốt buổi cậu ta tập trung và hỏi rất xoáy nhưng cũng để ý mình lắm nhé. Đây là một trong những điều thú vị nhất mà mình nhận được sau buổi hôm đó.  Trong ngoặc là lời của mình, sau khi nhờ học sinh giải thích feedback của em ấy.

AS (Ánh sáng): Yếu và xấu
GT (Giới thiệu / Giải thích): Vừa
Dài dòng cực kỳ
LL (Lai lịch): Mơ hồ (Học sinh thấy mình giới thiệu bản thân ít quá.)
Nhầm lẫn hóa (Chưa kịp hỏi)
Sự chuẩn bị: Kém (Âm thanh lúc đầu chương trình mình chuẩn bị chưa tốt)
Thực tế hóa (Chưa kịp hỏi)
Ko liên quan đến slide (Hình chồng lên hình và nói mở rộng nhưng không có hình minh họa.)
Cần đơn giản hóa (Cho các em chưa biết chữ hiểu nữa.)

Lúc xem Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng, mình có kể lại câu chuyện của Scott Kelly về những trải nghiệm của thế hệ phi hành gia thời ông được truyền cảm hứng như thế nào qua sự kiện ấy. Mình cũng mong sẽ truyền được cho học sinh một cảm hứng nào đó, tuy không dám to lớn bằng. Lúc xem đoạn phim về thất bại của Falcon 1 và thảm họa Challenger, mình cũng mong học sinh hiểu được khoa học là thứ gì đó thật sự khó khăn và cũng đòi hỏi sự hi sinh to lớn. 

Nhưng thử thách là để vượt qua mà.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài,

The Too Blue Scientist

This Post Has One Comment

Leave a Reply