“Tôi đứng đây để nói quí vị biết rằng: chẳng có tí khoa học nào được dạy ở Brazil cả.” Năm 1963, trong bài chia sẻ trước khi rời Braizil, Feynman nói thế trong sự sững sờ của các giáo sư và quan chức cấp cao nước này.
Người Brazil bất ngờ. Họ vẫn đang dạy vật lí, hoá học cho học sinh mà. Tại sao Feynman nói không phải?
Vậy dạy-học khoa học là làm gì? Đây vẫn là câu hỏi nhận được nhiều đáp án. Bài viết này sẽ giới thiệu tới bạn vài góc nhìn về định nghĩa “dạy – học khoa học”.
Định nghĩa
“Khoa học” là một trong những cách suy nghĩ, khám phá của con người để biết, giải thích và hiểu về thế giới xung quanh. Từ “khoa học” ở đây là phương pháp hay cách tư duy.
“Kiến thức khoa học” là những kiến thúc thu lượm được bằng phương pháp này.
Việc bạn định nghĩa một thứ ra sao ảnh hưởng rất lớn tới tác động của bạn lên chúng. Vậy “giáo dục khoa học” là gì?
Feynman nói về giáo dục khoa học
Trong sự kiện trên, Feynman tiếp tục minh hoạ cho nhận định của mình bằng việc lật ngẫu nhiên một trang trong sách giáo khoa vật lí của Brazil rồi đọc lớn.
“Triboluminescence. Sự phát quang do ma sát là hiện tượng ánh sáng phát ra khi các tinh thể bị nghiền nát…”
“Bạn có nghĩ đây là khoa học không? Không. Bạn mới chỉ nói một từ có nghĩa gì trong bối cảnh với các từ ngữ khác. Bạn không nói gì về bản chất của chúng cả. Bạn thấy học sinh nào về nhà tự làm thí nghiệm liên quan chưa? Chúng không thể. Không có ai giải thích những thuật ngữ này ra thành từ để học sinh hiểu cả.
Nhưng nếu bạn nói ‘Lấy một nắm đường (sugar), nghiền nó trong bóng tối, bạn sẽ thấy vài tia sáng phát ra. Vài tinh thể khác cũng có cùng tính chất này với đường. Người ta gọi nó là triboluminescence.’ Đấy, giờ thì có thể một vài học sinh sẽ về nhà tự làm thử nè.”
Trước khi làm rõ định nghĩa của cụm “giáo dục khoa học”, ta cần xét về mục tiêu của nó.
Mục tiêu của giáo dục khoa học
Giáo dục là cho tương lai của người học. Vì vậy, trong quá trình quyết định dạy- học cái gì và đánh giá việc dạy-học ra sao, có một câu hỏi quan trọng luôn cần tâm niệm:
Học sinh của chúng ta cần những kiến thức và kỹ năng gì cho tương lai của mình?
Giáo dục khoa học không nhất thiết phải hướng học sinh trở thành các nhà khoa học hay kỹ sư. Các em có thể làm ngành nghề khác nhưng vẫn nên là những công dân hiểu biết về khoa học, công nghệ, kĩ thuật để sẵn sàng tham gia bàn luận hoặc ra quyết định cho những vấn đề liên quan.
Vậy, cụm từ “giáo dục khoa học” đã và đang được hiểu như thế nào? Cụm này sau đây sẽ được thay thế bằng “học khoa học” (Learn Science) cho gọn.
Sự chuyển mình của giáo dục khoa học
Trước đây
Trong quá khứ, khi dạy-học khoa học, chúng ta tập trung nhiều vào việc tìm hiểu kiến thức khoa học. Học sinh hay được học về định nghĩa, tính chất, (tên) ứng dụng, sự việc (facts), … liên quan tới các hiện tượng khoa học.
Từ quan điểm này, ta có phương trình sau:
Learn Science = Learn Knowledge of Science.
Học Khoa học = Học Kiến thức khoa học.
Tuy nhiên, quan điểm về giáo dục khoa học đã trải qua nhiều thay đổi.
Có thay đổi gì?
Gần đây, chúng ta đang dần chuyển từ thời kì coi “học” là tiếp nhận kiến thức sang kỉ nguyên khuyến khích học sinh tham gia vào việc xây dựng kiến thức đó.
Chi tiết hơn, chúng ta đang hướng học sinh học cách khám phá khoa học qua việc dạy chúng cách thực hiện tìm hiểu, nghiên cứu khoa học.
Tức là học sinh sẽ được tham gia vào quá trình quan sát, nêu câu hỏi, xác định và kiểm soát các biến số, lập kế hoạch và tiến hành các thí nghiệm, thu thập và giải thích dữ liệu, tóm tắt và truyền đạt các phát hiện khoa học của chúng cho người khác.
Vì thế, ta có phương trình mới hơn:
Learning Science = Learning (Inquiry + Knowledge) of Science
Học Khoa học = Học cách làm khoa học + Học kiến thức khoa học
Học vẹt 🦜 và làm vẹt 🦜
Học thuộc mà không hiểu hay được gọi là học vẹt (rote learning).
Làm thí nghiệm khoa học theo danh sách các bước cho sẵn mà không hiểu cặn kẽ cũng có từ dành cho nó: làm vẹt (rote doing).
Để tránh hiểu lầm “qui trình nghiên cứu khoa học” một cách cứng nhắc, trong khi học cách làm khoa học, học sinh cần hiểu nguyên nhân vì sao các thí nghiệm khoa học lại được tiến hành theo trình tự như vậy. Hoặc vì sao các lí thuyết khoa học lại bền vững nhưng vẫn có thể bị thay thế. Hoặc tại sao cần liêm chính trong khoa học.
Những kiến thức này được gọi là Bản chất của khoa học (Nature of Science).
Ta lại có thêm một phương trình nữa:
Learning Science = Learning (Inquiry + Knowledge + Nature) of Science
Học Khoa học = Học Cách làm khoa học + Kiến thức khoa học + Bản chất của khoa học.
Nhân tố mới: ngôn ngữ khoa học
Trong quá trình tìm hiểu khoa học, việc đọc rất quan trọng. Trong cuộc đời nghề nghiệp của mình, các nhà khoa học đã đọc rất nhiều tài liệu liên quan đến các công trình của họ trước khi thực sự thử nghiệm.
Ngoài ra, trải nghiệm đích thực khi làm khoa học chủ yếu là về các ý tưởng hoặc khái niệm khoa học. Làm việc tay chân, thí nghiệm đã đời, cuối cùng kết quả của khoa học vẫn cần được phản ánh và truyền đạt bằng ngôn ngữ.
Khoa học cần được tiếp xúc qua giao tiếp, bằng cách đọc, viết, nói, vẽ, biểu diễn, … Vì vậy, sử dụng ngôn ngữ khoa học là điều bắt buộc để đạt được sự hiểu biết đầy đủ về khoa học và bản chất của nó.
Cuối cùng, ta được một phương trình đầy đủ hơn.
Learning Science = L.I.N.K in Science = Learning (Language + Inquiry + Nature + Knowledge) of Science.
Học Khoa học = L.I.N.K trong Khoa học = Ngôn ngữ khoa học + Quá trình tìm hiểu, nghiên cứu khoa học + Bản chất của khoa học + Kiến thức khoa học.
Tóm lại: L.I.N.K in Science
L.I.N.K là một quan điểm về việc dạy-học cái gì/như thế nào trong khoa học.
Trong ví dụ của Feynman, có vẻ mới chỉ chữ K trong phương trình được đáp ứng.
Những phong trào nghiên cứu khoa học trong giới học sinh và sinh viên đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam là cần thiết để thúc đẩy việc phát triển L.I.N.K trong dạy-học khoa học.
Ngoài L.I.N.K, chương trình giáo dục khoa học ở Hoa Kì (K-12 SE Framework) hay khung bài thi PISA cũng nhấn mạnh vào sự kết hợp bốn yếu tố này.
The Too Blue Scientist
Cảm ơn: chị Trầm Kha, anh Quan Thành đã đọc và cho ý kiến về bài viết.
✨Niềm vui ✨ khi viết bài này phóng lên không trung 🌏 🚀, vượt qua cả đường Kármán, nhờ được tiếp thêm nhiên liệu từ sự ủng hộ 🧧💸 của Phan Nhi, cô Lan Anh, Hoàng Tâm, Yến Phạm, Ngân và An, Rosie, chị Linh Trịnh, chị Quỳnh Như, Mắt Bét, Saoline, Law, Trân, Diên An, cô Vân, Thảo, Vân Anh và nhiều bạn đọc khác.