Mới đây Jojo Rabbit của Taika #Waititi đạt #Oscar cho kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Khi xem phim có rất nhiều chi tiết làm mình liên tưởng đến công việc giáo dục đang làm. Mình sẽ chia sẻ với bạn những chi tiết ấy. Những gì mình viết ra đều dựa trên phim, không phải những sự kiện lịch sử.
Hai nhóc 10 tuổi nói chuyện Hitler
Jojo thần tượng Hitler, cả con người lẫn lý tưởng. Sống trong thời đại ấy trẻ con không nói chuyện Minecraft, Hội ngộ danh hài hay Liên minh huyền thoại. Chúng nói về Do Thái, về Hitler muôn năm, về sự thượng đẳng hay vinh quang nơi chiến trường. Về súng đạn. Thay vì nằm giữa điện thoại thông minh màn hình sáng chói, Jojo và Yorki trong đống dao, túi dết, đèn pin và bi đông đựng nước.
Mình thấy có sự ảnh hưởng qua lại giữa con người và thời đại. Lịch sử cho phép mình nhìn về quá khứ, thú vị đấy chứ.
“Đấy là những thứ mà bọn tao được học trên trường”
Đã là thương binh nên Jojo không được ra chiến trường ném lựu đạn nữa. Loanh quanh ở nhà, cậu phát hiện ra cô gái Elsa người Do Thái được mẹ cứu sống nhờ giấu cô trong bức tường. Tranh cãi đến dí dao vào mặt nhau, Elsa bảo những gì mà Jojo nói về dòng dõi của mình là bịa đặt. Jojo đáp lại “Đấy là những gì bọn tao được học trên trường.”
Trẻ con thì phải đi học đã đành. Nhưng mà được dạy gì và dạy như thế nào là quyền của ai? Bạn dạy trẻ bằng roi vọt, quát mắng thì trẻ sẽ bắt chước như thể chúng là những cách giải quyết vấn đề tốt nhất.
Đốt sách
Sau buổi sáng học được một đống thứ mới mẻ và hay ho về người Do Thái, để phụng sự tốt trong bối cảnh thế này thì tụi nhỏ không cần phải học thêm gì nữa. Chỉ cần xác định sự thượng đẳng vĩ đại của chủng tộc mình, sự man rợ và thấp kém của kẻ thù, tặng kèm một tấm lòng tràn ngập hận thù lẫn sợ hãi nữa là đủ.
Hôm trước tâm sự với bạn, rằng biết tự đọc sách là một trong những kỹ năng tự học quan trọng nhất mà mình trang bị được. Kể cả đọc xong không nhớ hết chữ đi nữa thì cũng biết chỗ để mà tự tìm hiểu thêm. Nhờ vậy mà giọng nói “Có thể lắm chứ!” vang lên trong đầu mỗi khi gặp khó khăn. Biết đọc sách tức là biết đặt câu hỏi, biết tư duy, biết phản biện và biết tự học.
Có lần đi dự tọa đàm văn hóa đọc, thầy Nguyễn Quốc Vương có nói rằng hồi xưa để dân có văn hóa thì nước ta tuyên truyền xóa mù chữ. Bây giờ có chữ rồi mà không đọc sách thì cũng giống như mù chữ, vì kiến thức nằm trong sách rất nhiều. Xót xa nhưng ngẫm lại thấy đúng đúng.
“Cứ chạy ra kia và bắn tất cả những ai nhìn khác với chúng ta”
Quân đồng minh ập tới Đức. Rahm phát cho đám quân tí hon của mình đứa cái súng, đứa quả lựu đạn và ra lệnh như thế. Chết đến đít rồi nề hà gì nữa.
Khi thiếu hiểu biết, thiếu đồng cảm, thiếu tình yêu thương, khi thấy ai đó khác biệt chúng ta sợ. Cho dù không ở trong cuộc chiến nào, có khi rất nhanh chóng ta hạ quyết tâm “bắn hết mấy đứa khác biệt đi”.
Tên phim Jojo Rabbit chắc dịch sát nhất phải là Jojo Thỏ đế. Đấy là biệt danh lũ trẻ lớn trong quân đội đặt cho Jojo khi cậu bé không dám giết một chú thỏ.
Lúc xem phim, mình tưởng tượng một cảnh thế này. Thay vì chế giễu, lũ trẻ đó chấp nhận Jojo, coi việc không giết được con thỏ ở lần đầu tiên là bình thường. Và chúng dìu dắt, hướng dẫn để em có thể làm việc đó tốt hơn trong những lần sau thì câu chuyện sẽ như nào nhỉ? Nhân văn trong sự kinh hoàng.
Làm sao để dạy cho trẻ tôn trọng sự khác biệt giữa mình và con nhà người ta?
“Mọi chuyện kết thúc rồi. Tớ về đây. Tớ cần một cái ôm”
Cậu bạn Yorki ra chiến trường cầm súng lựu như ai nhưng dường như chả hiểu gì về cuộc chiến. Khi nghe Jojo kể về cô bạn gái người Do Thái, Yorki còn chúc mừng nữa. Có lẽ, vốn trong Yorki chưa không có sự phân biệt rõ ràng Đức vs. Do Thái. Cậu chỉ biết đến tình bạn dành cho Jojo mà thôi.
Mọi chuyện kết thúc ở đây rồi. Tớ cần một cái ôm,
The Too Blue Scientist
Cảm ơn anh đã chia sẻ :3 Nay tình cờ lướt thấy nên e đã xem, trong khi hôm trước đọc bài xong tìm không được link xem phim.
Cảm ơn Ha Thanh
Bạn thấy phim thế nào? 😀
Hình ảnh đẹp! Em hơi tiếc cái chết của bà mẹ :(( Em đang đọc cuốn 1984 nên cảm thấy phim như phiên bản “dễ thương” hơn vậy! 😀 Trong phim, bên phát xít tuyên truyền thông tin sai lệch về người Do Thái để tụi nhỏ tin vào tư tưởng sai lệch đó, còn 1984 thì là giữa các phe chính trị khác nhau. Tại sao dạo này e lại đọc với xem những cái tương tự nhau như thế?! :v