Cần gì để phản biện? – Review sách Phản biện như một chuyên gia

You are currently viewing Cần gì để phản biện? – Review sách Phản biện như một chuyên gia

(Bài viết của mình được đăng trên báo Khoa học và Phát triển, số ra ngày 09/08/2024.)

Nhiều năm gần đây, tư duy phản biện (Critical Thinking) là một từ khóa nóng trong xã hội. Các báo cáo nguồn nhân lực quốc tế khẳng định nó quan trọng trong một thế giới ngày càng khó lường. Các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành tuyên bố họ cần nhân sự có kỹ năng này. Nhiều trường đại học tại Việt Nam đã đưa nó vào danh sách học phần bắt buộc.

Là một giảng viên của bộ môn này, tôi đau đầu chuyện tìm giáo trình phù hợp cho sinh viên của mình. Các giáo trình kinh điển từ các quốc gia nói tiếng Anh có khung xương lý thuyết về nền tảng logic học và thông hiểu bản chất thông tin (information literacy) sâu sắc và khoa học đã đành. Nhưng các ví dụ trong ấy, là phần hồn của cả môn học, vẫn không thể lấy lòng cả tôi lẫn sinh viên, dù có được biên dịch cẩn thận đến đâu. Chúng tôi không quan tâm lắm đến bầu cử tổng thống Mỹ, việc sở hữu súng đạn, hay hình mẫu ngờ nghệch của các cô gái tóc vàng hoe. Các giáo trình kinh điển của các tác giả Việt Nam thì đào sâu vào mảng logic hình thức và phù hợp hơn với các môn về logic học đại cương. Nhưng chỉ với logic thì không đủ để tư duy phản biện. Tư duy phản biện là cố gắng nhận thức hiện thực. Logic chỉ cho bạn cảm giác hợp lý về nguyên nhân – kết quả của một câu chuyện, nhưng nó không đảm bảo câu chuyện ấy có thực. Một cú lừa đảo có thể có dữ kiện rất ăn khớp nhưng sai sự thật. Bạn cần tìm bằng chứng và biết đánh giá bằng chứng để lọc ra sự thật giữa muôn vàn hư cấu.

Giống chúng ta, chú cún này cũng đang kiểm chứng.

Sinh viên tuy không ngại khó, nhưng cần hứng thú mới thực học. Sưu tầm học liệu gần gũi, dễ hình dung, và thậm chí thách thức các em động não đã là một nửa thành công rồi. Biết thế, dù đã cố gắng đọc nhiều, xem nhiều nhưng tôi thấy chưa đủ. Lấy được một ví dụ hay còn cần cả óc quan sát, vốn sống và kiến thức rộng – những thứ mà tôi còn yếu. Cuốn sách Phản biện như một chuyên gia của tác giả Lang Minh mới ra mắt đã ngay lập tức đáp ứng được nhu cầu của tôi, và tôi tin là, cho nhiều bạn đọc khác.

Cuốn sách mỏng bất ngờ (200 trang) nhưng có dung lượng tri thức lớn. Ngoài khung lý thuyết cơ bản về tư duy phản biện đủ dùng, ở mỗi khía cạnh, Lang Minh tuyển chọn nhiều bài viết chất lượng cao làm ví dụ để ngồi lại cùng bạn đọc phân tích. Tác giả của các bài viết mẫu mực ấy là các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực. Họ trăn trở về các vấn đề kinh tế – văn hóa – xã hội của nước nhà: pháp luật về thịt chó, văn hóa thần tượng, an ninh kinh tế, an toàn trên mạng, y tế cho người có thu nhập thấp, nữ giới trong khối ngành kỹ thuật,…

Các ví dụ này thách thức vừa đủ với sinh viên. Tôi đồng ý với Lang Minh, rằng sinh viên không hề lãnh cảm với những vấn đề khó, trái lại, các em rất khao khát lên tiếng cho riêng mình. Từng chứng kiến các em hưởng ứng các chủ đề tương tự, tranh luận như thể sống còn với mình, tôi trông đến ngày mang những ví dụ trong sách lên lớp cho học kỳ tới.

Không chỉ cho mỗi giảng viên và sinh viên, tôi tin bạn đọc là ai cũng đều nhận được điều gì đó từ cuốn sách. Nếu bạn là người đọc bình thường, hay nói “sao cũng được” vì chả có nhu cầu phản biện gì cho cam, bạn hoàn toàn thu lượm được một danh sách mấy chục bài viết, được giám tuyển cẩn thận. Nếu bạn muốn cắt nghĩa rõ hơn về “tư duy phản biện”, một cụm từ sắp bão hòa đến nơi khi người người nhắc về dù chưa thực sự hiểu, thì có thể cùng phân tích ví dụ với tác giả để xem thế nào là phản biện. Và nếu bạn muốn nghiêm túc rèn luyện lối tư duy này, sách kèm theo các bài tập cho bạn thực hành luôn các thao tác tư duy. Tiện thế chứ.

Bên cạnh các không gian thực hành, mỗi chương, tác giả Lang Minh còn gợi ý những tiêu chí tương ứng với mỗi khía cạnh của tư duy phản biện mà ta có thể dùng để tự nhìn nhận về năng lực này ở mình. Nếu học và hành theo sách, bạn đọc có thể có được kiến thức cơ bản của học phần tư duy phản biện mà tôi đang dạy cho sinh viên, tất nhiên là nếu bạn chăm làm bài tập trước khi xem đáp án.

Ngoài ví dụ đa dạng và thực tế, một đóng góp khác của cuốn sách là hệ thống khái niệm. Cuốn sách giúp người đọc kết nối các thành phần của tư duy phản biện bằng từ ngữ tiếng Việt quen thuộc, như: lập luận, luận cứ, lý lẽ, bằng chứng, tuyên bố,… Vốn đọc nhiều tài liệu tiếng Anh, tôi vỡ ra nhiều điều khi đối chiếu các thuật ngữ của hai thứ tiếng với nhau, và qua đó càng thấm hơn. Dùng nhóm từ vựng này quen, bạn đọc có thể tự mình tiến tới, phản biện các vấn đề khác mình đang quan tâm.

Bên cạnh nội dung chất lượng, lối viết của Lang Minh đem lại nhiều “phần thưởng” cho người đọc. Đọc sách, tôi lắc đầu cười suốt. Hài hước nhưng không hề thừa thãi. Nét dí dỏm chạy ngầm, giải tỏa không khí căng thẳng do các ví dụ sắc bén chẳng may gây ra. Bà hàng xóm, nhân vật khách mời bí ẩn mà ai cũng biết là ai, xuất hiện từ đầu tới cuối sách cho chúng ta thấy thiên kiến cá nhân và định kiến xã hội không chừa ai cả, ta cần nhìn nhận và chung sống với nhau. “Tư duy phản biện” thoạt nghe khô cứng và lý tính, không hề ở lì trong “tháp ngà”, mà ngay trong cái ngõ ngách cụt của khu phố nhà ai cũng có, cũng cần.

Có một điều tôi muốn làm rõ thêm với bạn đọc, dù tác giả có thể đã truyền đạt điều này đâu đó: Tư duy phản biện kỳ thực là… rất mất thời gian. Tư duy phản biện nghĩa là chậm lại để xem xét chuyện gì đang xảy ra, hiện thực là gì. Bằng cách đọc cuốn sách này, bạn đang cam kết mình sẽ chậm lại. Nếu ngồi đủ lâu với cuốn sách, từ tốn với các ví dụ, và thử sức với các bài tập, tôi tin chúng ta sẽ cùng tư duy và hành xử thấu đáo hơn khi gấp sách lại. Hiểu mình, hiểu người, hiểu vấn đề trước, cố gắng nhìn nhận “điểm mù” của mình. Hiểu rồi không nhất thiết phải lên tiếng, nhưng đã lên tiếng thì chất lượng. Không phải để thắng, mà để hiểu nhau hơn.

Leave a Reply