Tóm tắt (TL,DR)
Mark Boyle tự nhận mình là Moneyless Man, hay Kẻ sống không cần tiền. Uầy, làm sao mà sống không cần tiền được, mơ à? Vậy là để chứng minh cho thiên hạ thấy là anh ta không hâm, anh sống thử lối sống ấy trong một năm và (có vẻ như là) tới tận bây giờ.
Những chuyện anh ấy nói mình nghĩ ai cũng biết, chỉ là không ai làm theo. Mark và cộng đồng của anh đang đi ngược lại dòng người khổng lồ. Những tư tưởng trong sách sẽ buộc bạn phải suy nghĩ, hoặc ủng hộ hoặc phản biện vì chủ đề liên quan mật thiết tới cách sống của bạn: tiền.
Sách viết theo dạng tự truyện đều đều, không có cao trào miêu tả cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên cũng vì vậy mà nó chân thực và đáng tin cậy.
Bài viết tóm tắt và bàn luận về ý tưởng của tác giả.
Vấn đề của loài người là đông quá, có đúng không?
Hồi xưa con người sống nhờ săn bắn và hái lượm mà có nguồn thức ăn rất đa dạng và giàu dinh dưỡng. Họ thân thiện với thiên nhiên vì đây là tất cả những gì họ được ban tặng. Khi có thể tự trồng trọt và chăn nuôi, can thiệp vào tự nhiên, trong cuốn Lược sử loài người nổi tiếng, Yuval Noah Harari cho rằng loài người đã mắc vào một cái bẫy.
Cây lương thực không thể tự nảy mầm, bò không tự chảy ra sữa. Nông nghiệp cần con người, rất nhiều người thì mới nên cơm cháo. Mà rất nhiều người lại cần thật nhiều thức ăn. Cứ thế nông nghiệp và loài người ngày một lớn mạnh.
Những cuộc cách mạng sau này đều nhằm tăng năng suất, nhanh hơn, mạnh hơn, tạo ra nhiều thứ và tốn ít sức người hơn. Có phải tất cả đều sẽ tiến đến một tương lai xác định không?
Tiền khiến Thanos phải búng tay
Mark tin rằng tiền là nguyên nhân chính dẫn tới chủ nghĩa vật chất, sự phát triển nhanh vèo vèo không bền vững, thói tiêu dùng vô độ; tiền góp phần gia tăng sản xuất, sử dụng cạn kiệt tài nguyên và làm ô nhiễm môi trường.
Khi dùng một vật ngang giá như tiền tệ, mọi thứ trôi qua tay (và qua đầu) người ta dễ dàng tới mức làm cho họ đánh giá sai giá trị thực của những món đồ và không biết quý trọng.
Ví dụ, trồng trọt vất vả như thế mà một bó rau chỉ được định giá vài đồng, có cách nào để vẫn có lãi? Người nông dân đành phải dùng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, … Món đồ công nghệ bạn đang dùng do ai làm ra? Có phải Samsung/Apple không? Hay do những đứa trẻ ở những đất nước thứ ba khai thác khoáng sản? Khi không ai tự tay làm ra một món đồ nào cả, không hiểu hết được công sức của người chế tạo nên cũng dễ dàng lãng phí hơn.
Giá trị của quả táo hay của Apple cao hơn? Cái gì quan trọng, resort hay rừng?
Ý tưởng Không cần tiền
– Ôi đúng quá đi, nói gì được nữa!
– Nhưng mà làm sao khác được?
Đầu mình như cái công tắc nhảy qua nhảy lại giữa hai suy nghĩ này khi đọc. Có lẽ ai cũng biết rõ những chuyện “tất nhiên” trên nhưng ít ai dám làm giống Mark. Một niềm tin vào cách thế giời vận hành nhờ tiền đã ăn sâu vào bản năng của chúng ta, không tin vào một viễn cảnh thiếu tiền. Tư tưởng ngược đời của Mark Boyle thu hút được rất nhiều sự quan tâm những người khác. Người ta tò mò, hứng thú, ủng hộ, nghi ngờ, chế giễu và phản bác lối sống của anh. Mark và những người trong cộng đồng của anh đang đi ngược dòng.
Cơ chế hoạt động của lối sống này như sau:
– Bạn tự làm mọi thứ. Muốn ăn bánh mì thì trồng lúa mạch, lấy hạt xay bột, nướng bánh.
– Bạn chia sẻ những gì bạn có thể và nhận lại từ người khác.
– Bạn nhặt lại những thứ bị bỏ đi có thể còn dùng được để dùng.
– Bạn cần gắn bó với một cộng đồng nhỏ.
– Sống sao cho ít ảnh hưởng tới Trái đất nhất, bền vững nhất.
Thực tế tí đi
“Thực tế” là từ mà trong review nào của cuốn này người đọc cũng nhắc tới.
Mình đọc cuốn sách này trong hai ngày ở một nơi ít người, không có siêu thị hay trung tâm thương mại. Ra chợ mua rau quả (một phần) hái tại vườn về nấu ăn. Đúng rồi, vẫn dùng tiền. Một thế giới song song không tiền chắc chắn sẽ rất khác, nhiều khi còn không “phát triển” được như thế giới này.
Nếu không thể sống không tiền, thì cơ chế hoạt động của lối sống có tiền cần như thế nào để Trái đất bớt tổn thương?
Một vài bài học mà Mark Boyle rút ra được mình có viết trong một bài khác. Còn mình phải học cái đã, khi nào rút ra thì sẽ viết tiếp. Còn bạn nghĩ sao về ý tưởng Sống không cần tiền? Chia sẻ quan điểm cho mọi người biết nhé.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Hàng tuần mình có hai bài viết mới, mời bạn theo dõi blog của mình bằng cách nhập email của bạn vào ô dưới đây. Mình sẽ gửi bài viết đến bạn.
ờ khi đọc bài viết này, mình cũng nghiệm ra là sống ít cần đến tiền cũng thật hợp lí, khi bớt phụ thuộc vào tiền vào các thói quen tiêu vặt hàng ngày, mình thấy mình không chỉ hưởng thụ vật chất mà mình còn hưởng thụ giá trị lao động của vật chất do chính mình tạo ra. Lúc đầu mình toàn ăn chè ni ngoài chợ giá 10k, lúc bà mình mua đỗ về pha mình mới biết là chỉ có 20k cân đỗ, mà là đỗ tươi, bà dạy mình cách ngâm chè, đun chè cho nhừ ra được khoảng những 7-8 cốc, uống mãi không chán. Từ sau đó mình cũng bớt tiêu vặt vào chè chén và hiện tại mình đang tính chồng mấy giá đỗ ngoài chậu sao cho bõ tiền mua đỗ ngoài chợ, chỉ chờ dịp được đánh chén,… rồi tương lai nữa sẽ là rau,… sẽ là gạo,…chẳng mấy chốc sẽ có đôi gà cho mà xem!
ờ khi đọc bài viết này, mình cũng nghiệm ra là sống ít cần đến tiền cũng thật hợp lí, khi bớt phụ thuộc vào tiền vào các thói quen tiêu vặt hàng ngày, mình thấy mình không chỉ hưởng thụ vật chất mà mình còn hưởng thụ giá trị lao động của vật chất do chính mình tạo ra. Lúc đầu mình toàn ăn chè ni ngoài chợ giá 10k, lúc bà mình mua đỗ về pha mình mới biết là chỉ có 20k cân đỗ, mà là đỗ tươi, bà dạy mình cách ngâm chè, đun chè cho nhừ ra được khoảng những 7-8 cốc, uống mãi không chán. Từ sau đó mình cũng bớt tiêu vặt vào chè chén và hiện tại mình đang tính chồng mấy giá đỗ ngoài chậu sao cho bõ tiền mua đỗ ngoài chợ, chỉ chờ dịp được đánh chén,… rồi tương lai nữa sẽ là rau,… sẽ là gạo,…chẳng mấy chốc sẽ có đôi gà cho mà xem!