Sau đây là 5 điều mình học được trước 25 tuổi, sau khi không còn lành lặn gì nữa. Mình viết cho mình nhưng có thể bạn cũng thấy bạn trong đó đấy, vì Yuval Noah Harrari có nói, chúng ta cũng không đặc biệt lắm đâu :D.
Chúc bạn đọc vui.
Nhận biết mình đang so sánh
Gần đây khi nói chuyện với một số bạn bè, mình nhận ra được có mầm mống so sánh bên trong mỗi người với công thức: “Mình muốn được như nó”, trong suy nghĩ hoặc lời nói. Có đứa muốn cân nặng giảm và giữ yên ở đó như mình, mình muốn dễ tăng cân như nó. Nó muốn đi du học để thay đổi không khí và môi trường, mình lại mong có thể về sớm để được bắt tay ngay vào xây dựng cái gì đó, không phải đi học nữa. Ơ hóa ra là mỗi người đều ao ước cái gì đó của người khác à?
Việc nhìn thấy niềm vui, sự thành công, hình ảnh lộng lẫy của người khác vô tình ảnh hưởng đến suy nghĩ của mỗi người về chính bản thân họ. Mạng xã hội góp phần lớn vào việc này. Giống như tảng băng trôi, người ta chỉ thấy được 1/10 ở trên và đem so sánh với 9/10 ở dưới. Đây không phải là lòng đố kị hay ghen ghét gì đâu, nó là cảm giác “chưa bằng lòng”, mong muốn mình “tốt hơn” thôi. Suy nghĩ này giúp người ta phát triển, nhưng cũng kéo theo nhiều điều không hay. Mình mới xem bộ phim Eight Grade kể về cô bé lớp 8 làm YouTuber khao khát sự công nhận của người khác và luôn so sánh khiến cô trải qua thời gian bị căng thẳng tâm lý.
Những mối quan hệ
Những mối quan hệ người với người: gia đình, tình yêu, bạn bè, đồng nghiệp, xã giao, … rất quan trọng với mình. Nhưng đồng thời những liên kết này cũng quan trọng với người khác nữa. Chúng ta không phải trung tâm của vũ trụ, không nên coi mối liên kết này là điều dĩ nhiên (take it for granted): gia đình phải thế này, bạn bè phải thế kia. Nếu muốn (không muốn thì chịu thôi) một mối quan hệ vững bền thì cả hai bên cần phải tròn đầy, độc lập và không dựa dẫm hay ỷ lại vào người kia.
Những mối quan hệ người với loài khác. Hãy thử một lần đi dạo trong công viên, trong rừng ẩm ướt (nhớ mặc đồ chống muỗi và vắt), nghe tiếng thác chảy, hít không khí không bụi bặm, không nghe tiếng còi xe, không có tiếng người cười nói, mà nghe tiếng chim hót, tắc kè kêu, ếch ộp ộp, … bạn sẽ thấy ngộ lắm. Đừng bao giờ đánh mất hẳn kết nối này.
Dám nói ra - Biết lắng nghe
Nói ở đây là truyền thông, còn bằng hình thức nào cho người ta hiểu trọn vẹn ý của mình cũng được.
Dám nói ra những chuyện trong lòng thấy không ổn. Nhiều khi mình trải qua cảm giác bị phật lòng khi ai đó không làm đúng như mong muốn của mình dành cho họ. Đã bày tỏ thái độ như thế rồi sao không chịu hiểu đi chứ. Mình muốn họ tự nhận biết, tự ý thức về hành động của mình để làm gì đó cho mình. Cuối cùng người ấm ức lại là mình. Thôi bỏ đi, muốn gì thì nói ra ngay khi nó vừa nhen nhóm.
Dám nói ra ý kiến của mình trong tổ chức. Khi chấp nhận tham gia vào một phần của một tổ chức cần: biết rõ mục tiêu của tập thể, xác định mục tiêu cá nhân và chọn vai trò của mình trong tập thể là gì. Nếu muốn đóng góp, hãy thẳng thắn, đàng hoàng nói ra mong muốn và ý kiến của mình. Có thể được hoặc không nhưng ít ra là mình đã cố gắng tới hết trách nhiệm của mình.
Dám nói khi muốn hỏi thăm, quan tâm tới người khác. Khi những người mình quan tâm xung quanh gặp chuyện không vui, họ rất cần sự chia sẻ. Nếu bạn biết thì một cử chỉ, một mong muốn giúp đỡ, một lời chào hỏi động viên đặt cái tâm của mình vào đó ít nhiều sẽ giúp đỡ họ. Tất nhiên khi hỏi thăm thì phải bỏ thời gian ra rồi, chịu khó lắng nghe chứ không cần giải quyết bằng được vấn đề đấy cho họ.
Dám nói ra khi cần sự giúp đỡ. Đừng cố quá.
Chú ý đến bản thân mình
Có sách nói hiểu về chính mình mới không tạo ra hỗn loạn, sách khác lại bảo kẻ chỉ biết tới mình là ích kỷ. Có sách nói hãy kỷ luật với bản thân thì mới thành công, sách khác viết hãy yêu thương lấy bản thân mình. Ai cũng đúng cả thôi, tới tầm tuổi này, haha, mình nhận ra có nhiều thứ không thể đúng hay sai 100%.
Nhiều lúc người ta nhờ những việc mình không muốn làm nhưng vì nể mặt mà nhận. Biết giới hạn của mình nhưng vì một lý do nào đấy mà chấp nhận làm theo. Có tâm sự mà không chịu giải quyết tận cùng. Làm thật nhiều việc tới mức căng thẳng. Tất cả đều để lại hậu quả.
Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho mình là một cách để bảo vệ cơ thể. Từ khi tập yoga (nay đã chuyển môn khác) mình biết lắng nghe cơ thể mình hơn. Biết khi nào nó lên tiếng thì mình liệu hồn mà chỉnh sửa.
Chuyện kinh nghiệm và chấp nhận trả giá
Mình vừa trải qua đợt một ngày vào Google Scholar chục lần. Một câu nhỏ dưới thanh tìm kiếm của Newton thì phải: Stand on the shoulders of giants. Đứng trên vai người khổng lồ, theo mình hiểu, là dựa vào kinh nghiệm đã có của người đi trước để với xa hơn và làm tốt hơn. Với điều kiện là nếu người đứng chọn làm thế chứ không bị bắt phải đứng trên đấy, thì sẽ là một trải nghiệm hoan hỉ.
Trong một buổi chia sẻ sách mình khởi xướng, một bạn chia sẻ chủ đề “Không đọc sách…” :)) (chết không cơ chứ :))). Bạn lập luận rằng sách là do người viết dựa trên quan điểm và kinh nghiệm cá nhân, bài học của riêng họ mình đọc là lĩnh hội thôi, chỉ khi trải qua thật mới thực sự thành kinh nghiệm của mình.
Sau khi đã trầy trật thì mình đành đồng ý.
Người lớn đã trải qua gần hết trong cuộc sống của họ. Biết gì sẽ hay, sẽ dở. Biết là lấy người ở tỉnh này sẽ sướng, rước bà kia về nhà là nghèo luôn nhá. Biết là không có từng ấy tiền thì không thể nuôi con, cho nó học trường quốc tế được đâu,… nên tham gia này nọ, hay làm NPO không sống được đâu.
Nhưng khổ nỗi tụi trẻ như mình không nghe mấy đâu, nên đọc mấy cuốn sách như Khuyến học, hay Bạn đang nghịch gì với đời mình thấy những đau khổ hồi xưa bây giờ vẫn đầy.
Nên bài viết này để bạn đọc và tham khảo thôi, vì là chuyện của mình mà.
“Ai cũng có bài học của riêng mình.”
Cảm ơn bạn đã đọc,
Hải Nguyễn
cảm ơn bạn đã chia sẻ!hihi 25 tuổi mà ngộ được tới 5 điều này thì quá tuyệt rồi tác giả ạ!
Have fun!
Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của mình.
Chúc bạn vui.
“một cử chỉ, một mong muốn giúp đỡ, một lời chào hỏi động viên đặt cái tâm của mình vào đó ít nhiều sẽ giúp đỡ họ.” phải có cái tâm đặt vào thì mới có ý nghĩa 🙂
Đúng rồi. Nhiều lúc hỏi cho có, nghe cho có thể là sự khiên cưỡng không thoải mái từ chính mình. Quan tâm và muốn hỏi thăm thì điều cần nhất là thực sự làm thôi.
Cảm ơn bạn 🙂