Thời gian đọc: 4 phút.
Đi du lịch xa là bước ra khỏi vùng an toàn, giúp mình có thêm những trải nghiệm mới mẻ, học tập theo một cách hoàn toàn khác. Tuy nhiên đổi lại thì bạn phải đối mặt với một đống vấn đề mới, chấp nhận thay đổi thói quen sinh hoạt, đi lại nhiều hơn, ăn uống những món lạ và gặp những bất tiện trong việc giữ gìn sức khỏe.
Sau khi xác định được lý do và tinh thần cho chuyến đi thì lên đường thôi nào. Ý tưởng chung nhất là bạn hoàn toàn một mình trong suốt chuyến hành trình, không đồng hành cùng ai cả, hãy ý thức điều đó. Yo.
1. An toàn
Đi một mình thì hãy về một mình nguyên vẹn và đầy đủ. Một số chỉ dẫn “đương nhiên” ai cũng biết:
Tự giữ đồ đạc: tiền mặt, thẻ, điện thoại,… cần đi theo bạn mọi lúc mọi nơi,nhất là khi thuê ngủ phòng tập thể (phòng dorm) cho tiết kiệm. Ở kiểu này bất tiện hơn so với phòng riêng vì chật chội, nhiều người, không riêng tư và an toàn dưới 100%. Nếu ở giường tầng trên còn phải leo lên leo xuống lấy đồ phiền phức hơn, bù lại thì đi một mình bạn chả mấy khi về phòng nên không lo.
Chuẩn bị thuốc đau bụng, đau đầu, chống muỗi. Mình bị dị ứng nên cũng mang thuốc theo để đề phòng, chuyện gì có thể xảy ra cơ chứ? Không ai lo thay bạn được nên hãy chủ động đề phòng, hãy “expect the unexpected”.
Luôn giữ pin điện thoại ở mức chấp nhận được, đừng dùng cạn nó. Cho tới năm 2019, điện thoại giống như một trợ lý cá nhân đắc lực của mỗi người vì nó giải quyết được rất nhiều thứ. Hãy yêu thương nó, đừng nên phụ thuộc vào nó quá, chỉ nên dùng những tác vụ cần thiết cho chuyến đi: xem bản đồ, nghe nhạc, gọi điện, nhắn tin, chụp ảnh (ơ thế đã là rất nhiều rồi). Nếu bạn có những thiết bị chuyên dụng khác như máy ảnh hay máy đọc sách thì điện thoại sẽ được giảm tải phần nào. Đi Sơn Trà mình luôn tự nhắc nhở rằng phải để dành pin để chẳng may lạc còn gọi kêu cứu được :D.
Nếu thuê xe máy thì phải kiểm tra thật kỹ 03 thứ: phanh xe, nón bảo hiểm và nhiên liệu để đảm bảo đi về nguyên vẹn. Nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý khi đi một mình, bớt lo những việc này thì sẽ ngắm nhìn xung quanh nhiều hơn. Khi leo lên Sơn Trà mình nơm nớp lo xe hết xăng, thấy có người đi cùng là cuống cuồng bám chặt theo :)), xuống núi mới dám thở phào nhẹ nhõm. Một kinh nghiệm nhớ đời.
Tìm kiếm và nghiên cứu kỹ nơi mình sẽ đi. Kể cả không cần lịch trình và tùy hứng thì cũng nên tìm hiểu nơi mình sẽ tới vì khi đủ hiểu biết bạn sẽ mạnh dạn hơn. Khi biết trước có thể có động vật chạy ngang đường Sơn Trà, mình không chạy quá nhanh và rất mindful, sau đó khi gặp thật cũng không giật mình. Hay vì xem bản đồ trước nên mình cũng tiết kiệm pin bằng cách tắt tính năng Navigation.
Hãy thông báo cho một số người biết lịch trình của bạn: người thân, bạn bè địa phương, lễ tân khách sạn. Chủ nhà sẽ biết khá rõ đường đi nước bước ở đấy, bạn vừa có thêm kinh nghiệm, vừa có thể trông cậy vào họ nếu có chuyện chẳng may xảy ra.
2. Lên lịch trình
Mình cực thích việc lên kế hoạch trước cho một chuyến đi nên mình hay làm một bảng Trello để liệt kê điểm đến, nơi ăn uống, danh sách đồ đạc và tập hợp mọi thông tin quan trọng. Trên thang điểm 10 thì việc này được 9/10 điểm cho lý do mình thích đi. Bên dưới là bảng Trello mình dùng để lên lịch trình cho chuyến Singapore cùng nhóm Sao Nhỏ.
Chú ý đầu tiên là đừng ngủ nướng. Ngủ vừa đủ thôi, thời gian đang trôi và ngày kia thì phải bay về rồi, tới nhà rồi ngủ bù. 😀
Tùy vào mục đích đi mà thời gian sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của cuộc hành trình. Khi chỉ có một mình, “quán tính” rất nhỏ nên làm gì cũng nhanh. Vì thế, bạn nhắm dành nguyên một buổi sáng để ghé thăm một nơi thì nhiều khi chỉ nửa buổi là đã xong xuôi rồi. Vì vậy, hãy dự phòng một danh sách các địa điểm thú vị để bạn có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Sắp xếp cách địa điểm này một cách hợp lý vừa phải để tránh đi vòng vèo, ngang dọc.
Như mình dự tính đi tới và ở hồ Hòa Trung nửa ngày để cắm trại ăn trưa đọc sách nghe nhạc … nhưng đến gần trưa là đã muốn đi chỗ khác. Lý do là vì không có người, nên ăn nhanh, đọc vài trang sách, ghi vài dòng, nghe nhạc nhặt rác xong thì hết lý do để ở lại.
Chọn tuyến đường an toàn ở mức chấp nhận được. Ai cũng muốn thử sức mình thôi nhưng một số con đường bạn phải suy nghĩ trước khi chọn là đường xa, đường vắng, dốc (lên núi), ngoằn ngoèo và dốc (leo đèo), …
Cứ đi đi, và đừng tin Trip Advisor nhiều quá.
Điều khó khăn nhất trong việc lên kế hoạch là có quá nhiều thông tin làm bạn bị choáng ngợp, bạn không biết nên đi đâu và nên làm gì cho đáng với quỹ thời gian ít ỏi mà bạn có được khi ở đấy. Mình cũng từng lo như vậy nên mình tìm và đọc rất nhiều, và mình thấy thật dở hơi.
Trip Advisor hay hàng tá những trang chia sẻ kinh nghiệm khác là cái nhìn chủ quan của người viết, không phải bạn. Tưởng tượng nếu họ cũng đi dựa trên những chia sẻ của người khác thì việc du lịch giống như làm thí nghiệm kiểm chứng chứ không phải tự khám phá ra điều gì đó mới mẻ. Mình gọi đây là tâm lý “Ồ đi thử xem họ nói có đúng không?”. Theo Lỗ Tấn, mạng Internet giúp hình thành những con đường phi vật lý vô hình, những con đường mà người sau đi theo lời khuyên của người trước. Còn theo Đen Vâu, “tận cùng thế giới là gì, đâu có ai mà biết được”.
Tham khảo đủ rồi, đi thôi.
(còn tới 2 phần)
Hải Nguyễn