Chủ nghĩa tối giản công nghệ – Digital Minimalism

You are currently viewing Chủ nghĩa tối giản công nghệ – Digital Minimalism

Về tác giả

Cal Newport là một giáo sư khoa học máy tính, tác giả của cuốn Deep Work khá nổi trong nhóm sách Productivity. Trong cuốn Digital Minimalism mới xuất bản, anh chia sẻ về phong cách sống tối giản trong thời đại công nghệ hiện nay. Cal không dùng một mạng xã hội nào và bạn đọc chỉ có thể tương tác với anh qua blog cá nhân.

Về mình

Mình có nhiều email: một để liên lạc với con-người, còn một đống chuyên đăng ký các dịch vụ, ngân hàng để tránh bị spam (mình tắt thông báo). Một tài khoản Instagram phục vụ sở thích chụp ảnh linh tinh, một để chụp ảnh công việc. Mình dùng blog, Facebook (active), YouTube, Netflix, Google Drive, One Drive, không đọc báo, …

Hừm, để xem một tác giả có vẻ cực đoan và bảo thủ với mạng xã hội và công nghệ nói gì về chúng. Bài viết này mình sẽ bình luận thêm về những ý tưởng trong sách rồi tóm tắt một số tips mà tác giả có nhắc tới.

Công nghệ và mạng xã hội

Lưu ý, từ “công nghệ” trong bài ám chỉ mạng xã hội, website hay những dịch vụ dính tới tương tác với màn hình máy tính và điện thoại giúp ta giải trí, kết nối hay cập nhật thông tin.

Hồi còn là sinh viên, Cal nghe tiếng thefacebook.com của Harvard khi thấy mọi người chuyền tay nhau sử dụng nó. Sau đó vài năm iPhone ra đời. Lúc ấy cả hai đều là những phát minh mới mẻ và chắc ít ai nghĩ từng rằng mười mấy năm sau, thời lượng mỗi người dành cho màn hình điện thoại và các sản phẩm của Facebook lên tới vài tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Có nhiều lý do khiến chúng ta bắt đầu sử dụng công nghệ: giải trí, duy trì mối quan hệ với người thân, tìm kiếm cộng đồng, theo dõi những người có ảnh hưởng, kết bạn hay kết bạn với bạn của bạn,… Nhưng dần dần chúng chiếm lấy cuộc sống của ta hồi nào không hay.

Thời gian & sự chú ý = tiền

Các công ty công nghệ kiếm tiền nhờ vào người sử dụng công nghệ của họ. Dù những “lợi ích” bạn nhận được tạm gọi là miễn phí thì thời gian và sự chú ý bạn dành cho chúng được quy đổi thành tiền qua quảng cáo, thông tin bạn cung cấp và sản phẩm bán trực tiếp. Để có được nhiều tiền hơn, họ đầu tư vào thiết kế dịch vụ sao cho giữ đôi mắt của bạn nhìn lên màn hình lâu hơn và nhiều lần trong ngày hơn. Một số tính năng như infinity scroll (lướt không giới hạn), thông báo bằng màu sắc tương phản hay suggestion (đề nghị liên quan).

Mới đầu mình không đồng ý với lập luận này lắm vì có vẻ tác giả hơi chụp mũ riêng các sản phẩm công nghệ. Không phải đây là cách “kiếm tiền” sao? Đâu cứ gì mạng xã hội, website tin tức, thậm chí blog (blog này thì chưa có gì :))), hay các sản phẩm truyền thống như điện ảnh, âm nhạc, sách vở, … đều mong sẽ lấy được sự chú ý của người khác còn gì? Công nghệ phục vụ nhu cầu của bạn thì phải lấy cái gì đó cho họ chứ. Ừ đúng, nhưng nếu cộng thêm ý dưới đây thì khác.

Công nghệ và sức khỏe tinh thần

Tương tác với công nghệ theo hai chiều nhận và cho đều có thể ảnh hưởng tới tinh thần của bạn. Với bản năng ưa thích cái mới, bạn muốn biết chuyện gì xảy ra xung quanh mình nên công nghệ cung cấp những phần thưởng này mỗi khi bạn sử dụng. Càng kéo xuống, càng thấy những tin tức mới, hình ảnh vui vẻ, thành tựu cá nhân, những lời nói, quan điểm hay ho của mấy trăm bạn bè và những người nổi tiếng. Bạn like và comment tạo nên những cuộc đối thoại chất lượng thấp (low-quality conversation). Đôi khi bạn cũng thấy hơi choáng ngợp.

Cùng lúc, bạn cũng là một người khởi tạo nội dung. Việc không biết mình sẽ nhận lại phản hồi ra sao làm tăng thêm sự hưng phấn sau khi ấn “Post”. Bạn lo lắng được bao nhiêu like hay comment nhỉ, đi kèm cảm giác hồi hộp một chút. Bạn tập trung vào cố gắng lấy được sự chú ý vì cho rằng phản hồi này là sự thừa nhận mà “cư dân mạng” dành cho bạn.

Hai điều trên đây tạo nên “một chứng nghiện mới” khiến bạn khó làm chủ tình hình hơn: bạn không thể lựa chọn có hoặc không. Theo tác giả, một số khảo sát và nghiên cứu cho rằng có mối liên hệ giữa công nghệ và tình trạng chuyển biến xấu của sức khỏe tinh thần trong những năm gần đây, nhất là thế hệ sinh vào năm 1995 tới 2012 khi phải đối mặt với những rối loạn liên quan đến căng thẳng từ sớm.

Dựa vào những lập luận trên, Cal đề xuất 03 điều luật của chủ nghĩa tối giản công nghệ.

Chủ nghĩa tối giản công nghệ: Lựa chọn kỹ, Tối ưu cách sử dụng, Bỏ qua FOMO

Luật thứ nhất: Chi phí của một thứ được định nghĩa là tổng những gì bạn cho là quan trọng trong cuộc sống (tiền, thời gian, …) cần để có được nó, tính cả trả ngay hay trả góp. Vậy bạn muốn gì khi sử dụng Facebook? Liệu đó có phải là cách tốt nhất để kết nối với người khác chưa? Bao nhiêu chi phí là đủ cho bạn có lãi khi sử dụng chúng? Hoặc khi có một công nghệ mới ra đời, giá trị nó mang lại có đáng để bạn mất thêm một chi phí nữa không? Sử dụng quá nhiều thiết bị, ứng dụng, nền tảng và dịch vụ (bừa bãi về số lượng và thời gian) sẽ tạo nên một chi phí gộp âm và loại bỏ đi những lợi ích nhỏ mà bạn có thể nhận được.

Luật thứ hai: Tối ưu cách sử dụng công nghệ cần được coi trọng. Chọn một vài công nghệ xứng đáng để tạo ra giá trị cho mình chỉ là bước đầu tiên, hãy nghĩ kỹ và tập sử dụng chúng sao cho được lợi nhiều nhất như mình họa đường cong lợi ích dưới đây.

Luật thứ ba: Sử dụng công nghệ có chủ ý, tức là bạn được chọn để sử dụng hoặc không, chọn kết nối thay vì để mọi thứ tự động diễn ra theo quán tính.

Một vài tips từ Cal Newport và những Digital Minimalist khác

– Chỉ xem Netflix khi có ai đó xem cùng.

– Bookmark trang Notifications của Facebook mà không cần đọc news feed.

– Dùng Instagram để keep track tác phẩm của mình và theo dõi các nghệ sĩ khác lấy cảm hứng.

– Để điện thoại ở nhà khi đi ra ngoài.

– Tập trung cho đối thoại chất lượng cao: gặp mặt, gọi điện, nhắn tin 1-1.

– Dành thời gian và không gian một mình, không có input (ứng dụng, sách vở, podcast, âm nhạc, con người, vân vân) để … suy nghĩ.

– Đi bộ.

– Viết lách cho chính mình đọc.

– Luôn nghĩ về lợi ích và chi phí khi sử dụng công nghệ.

“Use it well”

Khi tặng cho Harry Potter áo choàng tàng hình, cụ Albus Dumbledore có nhắn kèm Use it well (Hãy dùng nó cho thật khéo.)

Chúc bạn dùng công nghệ thật khéo.

Hải Nguyễn

Chà, không biết bài này có lượt view bao nhiêu nhỉ :)))

This Post Has 8 Comments

  1. thuận nguyễn

    chắc chắn nếu ai cũng đủ khả năng nhận thức thói quen sử dụng công nghệ của mình ảnh hưởng tới cuộc sống thì chắc chắn sự sụp đổ của chế độ độc tài số là không xa…

  2. thuận nguyễn

    chắc chắn nếu ai cũng đủ khả năng nhận thức thói quen sử dụng công nghệ của mình ảnh hưởng tới cuộc sống thì chắc chắn sự sụp đổ của chế độ độc tài số là không xa…

  3. vanvi

    thanks for the review, it’s really interesting. keep up the good work.

  4. vanvi

    thanks for the review, it’s really interesting. keep up the good work.

  5. DINH THANH DAT

    Cảm ơn bạn đã giới thiệu quyển sách này. Cũng xin cảm ơn ông Cal Newport.

    1. The Too Blue Scientist

      Cảm ơn Đạt đã đọc bài viết và phản hồi với mình 😉 Chúc bạn dùng công nghệ vui.

  6. DINH THANH DAT

    Cảm ơn bạn đã giới thiệu quyển sách này. Cũng xin cảm ơn ông Cal Newport.

    1. The Too Blue Scientist

      Cảm ơn Đạt đã đọc bài viết và phản hồi với mình 😉 Chúc bạn dùng công nghệ vui.

Leave a Reply