Cây xanh đứng đâu trong một hệ sinh thái nhân tạo?

You are currently viewing Cây xanh đứng đâu trong một hệ sinh thái nhân tạo?

(Một phần bài viết được đăng trên chuyên mục Chính sách (quao, mình không cố ý), báo Khoa học & Phát triển số ra tuần này.)

Tôi rời Hà Nội hai ngày thì bão Yagi bắt đầu tiến vào vùng biển Đông. Hôm trước còn chụp ảnh cho mẹ ở hàng cây Phan Đình Phùng xanh rợp trời thì mấy ngày sau đã tan hoang hết cả.

Khi cơn bão quét qua miền Bắc, hàng chục ngàn cây xanh ở các thành phố lớn ngã đổ, rất nhiều cây bật trơ gốc rễ. Lúc ấy, trên mạng xã hội và báo chí, nhiều tranh luận nảy lửa diễn ra trong cơn xót xa và bất mãn, bộc lộ một tình yêu phổ quát với cây xanh, lẫn với niềm tin rằng cây là một giải pháp thiết yếu cho đô thị. Liệu niềm tin này có hợp lý không? Và có điều gì ta cần đánh đổi để duy trì mảng xanh tại thành phố mình, nhất là trong tình trạng khí hậu biến đổi?

Các đô thị đang nóng hơn

Trong khoảng 250,000 năm lịch sử loài người thì chỉ từ 20 – 50 năm gần đây, số lượng người sinh sống ở các thành thị mới bắt đầu nhiều hơn các miền quê (1). Bạn có để ý về sự thật hiển nhiên này không: Các thành phố hiện nay đều là những hệ sinh thái … nhân tạo. Qua nhiều năm, chúng được định hình, thiết kế, xây dựng và chỉnh trang để rất nhiều người đổ về chung sống. 

Đưa dân số vào những khu vực nhỏ hơn có thể có lợi vì tận dụng được quỹ đất và các nguồn tài nguyên khác. Tuy vậy, một thách thức lớn là làm sao để thiết kế và xây dựng các thành phố cho hiệu quả và bền vững. Chúng ta đang chơi trò của Đấng Sáng tạo với chính mình, và có nhiều hệ quả cho chuyện này.

Ví dụ, hiện tại, nền nhiệt ở các đô thị thường nóng hơn nhiều so với các khu vực xung quanh. Đây gọi là hiệu ứng ốc đảo nhiệt. Lý do là các công trình đường sá hay tòa nhà giữ lại nhiều nhiệt năng từ mặt trời hơn các khu vực có nhiều cây xanh và những vùng có nước ở ngoài thành phố. Lượng lớn khí thải phát ra do sử dụng năng lượng nhiều cũng góp phẩn đẩy nhiệt độ trung bình của các thành phố lên cao. Dưới đây là hình ảnh nền nhiệt ở thành phố Hồ Chí Minh được ghi lại vào năm 2020 (2). Bạn có thể thấy vùng trung tâm của thành phố nóng hơn hẳn phần còn lại (vùng màu đỏ đậm) và càng xa thì màu đỏ nhạt dần. Vùng rừng ngập mặn Cần Giờ có nhiệt độ thấp hơn (màu xanh đậm).

Hiệu ứng ốc đảo nhiệt bật mở một vòng xoáy nóng bỏng. Chẳng hạn, tôi thấy nóng không chịu được, tôi mở máy lạnh, nhiều người giống tôi thì nhu cầu dùng điện cao và thành phố tăng sản xuất điện, sinh ra nhiều khí thải và bụi hơn, làm khí hậu lại càng nóng hơn. Người cao tuổi, trẻ em và người lao động trong điều kiện khắc nghiệt sẽ chịu thiệt nhiều nhất về sức khỏe. Ngoài ra, nước mưa đô thị chảy qua mái nhà hay bê tông cũng nóng hơn. Khi ra tới sông suối thì làm khối nước ở đây nóng lên, ảnh hưởng tới hệ sinh thái nước (3). Từ lâu, ta biết nhiệt độ nước tác động tới sức khỏe của sinh vật thủy sinh, chẳng hạn như dòng di cư, khả năng kháng bệnh, tăng trưởng và thậm chí gây chết cá hàng loạt.

Tiếp theo, chỉ với một diện tích nhất định thì các đô thị vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ lên chu trình sinh địa hóa của một khu vực địa lý rộng lớn. Bình thường, khi vận hành trơn tru, các chu trình tự nhiên như của carbon, nitrogen, hay nước sẽ luân chuyển điều hòa các hợp chất giữa các phần của Trái Đất. Nhưng với chỉ một khu đất vì xây dựng nhiều mà suy thoái khoáng chất thì có thể ảnh hưởng đến môi trường nước, không khí, và cả hệ vi sinh vật ở nhiều nơi khác. Trong một mạng lưới liên kết hỗn loạn, ta khó lòng hiểu được tường tận hậu quả.

Để đối phó với hệ quả của đô thị hóa, các mảng xanh thành phố được xem là một giải pháp quan trọng. Có thể tôi và bạn đều có chung niềm tin: thành phố có càng nhiều cây thì càng tốt. Tuy vậy, giải pháp này không đơn giản như chúng ta nghĩ.

Mang cây vào đô thị: lợi ích và chi phí

Theo lịch sử đô thị thế giới, cây xanh đô thị bắt đầu được nhắc tới trong các tài liệu từ khoảng năm 1500, bắt đầu là trong hình hài những khu vườn thượng uyển của giới quý tộc, tài phiệt. Dần dần, nó xuất hiện ở các quảng trường, đại lộ và khu vực công cộng. Mãi tới những năm 1900 thì khái niệm “lâm nghiệp đô thị” mới trở thành một giải pháp được nghiên cứu cẩn thận hơn (4). 

Ở Châu Á, các chính sách “lâm nghiệp đô thị” được thảo luận rộng rãi từ những năm 1970. Vào năm 2001, chính phủ Trung Quốc, quốc gia thống khổ vì ô nhiễm môi trường, đưa ra các chính sách phát triển một số thành phố rừng ở cấp quốc gia, đặt mục tiêu tới năm 2010 sẽ phủ xanh tới 40% diện tích thành phố và tỉ lệ 10 m2 xanh trên mỗi đầu người. Ngày 21/05 năm nay, chính quyền Bắc Kinh thông báo tỉ lệ phủ xanh của họ đã đạt 44.9% (khoảng 16.9 m2 / người). Để bạn đọc tiện hình dung, tỷ lệ này của Hà Nội đang là khoảng 6% (2 m2 / người) (5, 6). Về mặt lịch sử mà nói, bình thường chúng ta đã không có nhiều kinh nghiệm trong việc … tự mình trồng cây ở một vùng đất mới như ở một thành phố nhân tạo, chứ chưa nói gì đến bối cảnh khí hậu biến đổi khó lường.

Nhìn chung, trên lý thuyết, cây xanh có thể điều hòa khí hậu thành phố bằng cách cô lập carbon. Thân cây tích trữ sinh khối, trở thành một bể trữ carbon tự nhiên. Cây có thể loại bỏ trực tiếp khí carbon dioxide, sulfur dioxide hay các hạt vật chất khỏi khí quyển, bù đắp cho lượng khí thải nhà kính và nâng cao chất lượng không khí. Ngoài ra, tán xanh làm mát cục bộ và gia tăng sự thoát hơi nước ở những vùng khí hậu ấm áp. Vì vậy, mảng xanh thành phố được hi vọng là có thể làm giảm hiệu ứng ốc đảo nhiệt, giữ cho thời tiết ở đây bớt cực đoan. Và nếu có bão lũ lớn, mảng xanh có tán và rễ cây lớn có thể làm giảm lũ quét và sạt lở đất. Ngoài ra, mảng xanh còn hỗ trợ cải thiện sức khỏe thể chất, giúp bạn giảm căng thẳng và lên tinh thần do có cộng đồng vui chơi ngoài trời nhiều hơn. 

Tuy nhiên, cây xanh đô thị là một giải pháp phức tạp. Nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng cô lập carbon của cây xanh đô thị chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu (7). Hơn nữa, để cây “phục vụ” được những “tính năng” kể trên thì khi đưa vào đô thị, ở bất kỳ giai đoạn nào, cây cũng cần được chăm sóc cẩn thận: trồng và chăm cây non, kiểm tra thường xuyên các cây trưởng thành để cắt tỉa và loại bỏ khi không phù hợp. Nhưng như rất nhiều ý kiến đã đưa ra, môi trường đô thị có không gian chật hẹp, nên cây xanh gặp nhiều trắc trở để phát triển. Khi không khỏe như cây rừng thì “tính năng” điều hòa khí hậu mà ta mong đợi càng không phù hợp. Vì cây có xu hướng “giữ lại” carbon trong thân gỗ, cây không có điều kiện phát triển tốt thì không thể cô lập carbon tốt. Khoảng 25% cây trồng ở đô thị chết trong năm năm đầu và 50% cây sẽ
chết trong vòng 40 năm. Để phục vụ mục đích này, giống cây trồng trong đô thị phải là loại có khả năng sinh tồn cao trong áp lực đô thị. Hơn nữa, ngoài tiền, các hoạt động trồng, chăm sóc, tưới tiêu, cắt tỉa đều tốn năng lượng, nước và cũng phát thải khí nhà kính. Khi nào thì lượng hấp thu carbon và phát thải mới trung hòa? Khi cây hàng chục năm tuổi. Vậy nên, tính ra chi phí cho giải pháp cây xanh cho biến đổi khí hậu là cao và đòi hỏi thời gian lâu dài mới “hòa vốn.”

Tuy cây xanh đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, nhưng không thể đơn giản hóa tới mức kết luận cứ cây xanh là ‘tốt’ được. Tùy cây trồng tùy nơi mà có thể làm giảm chất lượng không khí, gây bệnh hen suyễn hay dị ứng do qua phấn hoa và ô nhiễm do phát thải hữu cơ tạo ra ozone trên mặt đất. Ví dụ: do trồng chỉ một loại cây bạch dương (là một loài ngoại lai) mà một số khu đô thị ở Đan Mạch có nồng độ phấn hoa cao, gây ra dị ứng cho người dân vốn sinh sống nhiều năm tại đó. Một ví dụ khác: vào mùa hè, cây cối ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan, sẽ tiết ra nhiều chất hữu cơ isoprene (là một cơ chế phòng vệ của thực vật trước côn trùng). Isoprene tương tác với khí NO2 trong không khí đã sẵn ô nhiễm vì khí thải phương tiện, tạo ra khí ozone, ảnh hưởng không tốt đến người và các loài động xung quanh. Cuối cùng, “hạ tầng xanh” có thể làm hư hỏng “hạ tầng xám” (công trình xây dựng) hoặc gây thương tích cho người như trong cơn bão Yagi.

Từ trước cơn bão Yagi, một kiến trúc sư cảnh quan cho tôi biết: Cây đường phố nên chọn lựa cây thấp vừa thì tỷ lệ cho bóng mát mới tốt. Hiện tại, có nhiều cây ở nhiều trục đường hiện đã rất cao, có thể gây tai nạn, cần phải di dời thay cây. Giữ cây nhỏ đủ che mát, dù có đổ ngã cũng không sao.

Trồng cây là bài về kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, và môi trường. Nhiều nghiên cứu cho thấy yếu tố quan trọng nhất của giải pháp cây xanh là trồng đúng loài cây ở đúng nơi. Chúng ta cần trả lời được một số câu hỏi quan trọng: Trồng cây trong đô thị để làm gì? Cho cảnh quan đẹp, cho bóng mát, hay giảm nhẹ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu? Về mặt lịch sử, loại cây nào là loài bản địa hoặc phù hợp với khí hậu ở đây? Loại cây nào nên trồng trên vỉa hè đường phố, trong công viên thường, và trong công viên rừng? Trong lịch sử “lâm nghiệp đô thị” từng ghi nhận xu hướng trồng cây cao to cho bóng mát lớn dọc các đường phố mà rõ ràng là không còn phù hợp trong thời điểm khí hậu cực đoan và khó lường hiện nay (9). Trong tất cả câu hỏi trên, ta cần cộng thêm tính toán về biến đổi khí hậu vào và đánh giá thận trọng những nguy hại có thể xảy ra. 

Trong các tranh luận trên mạng xã hội và báo chí, khi đám người lớn khốn khổ cãi nhau về bọc bầu của những cái cây trơ rễ chùm yếu ớt thì điều chúng ta đang thực sự làm là tranh luận về một thành phố mình cùng sẻ chia, trước một hiện tượng mà cả cộng đồng chưa có nhiều kinh nghiệm. Nếu coi cơn bão Yagi là một thử nghiệm cho giải pháp trồng cây đô thị hiện nay trước biến đổi khí hậu, ta có thể thấy cách thức này không ổn. Chúng ta cần cách khác.

Tài liệu tham khảo

  1. https://ourworldindata.org/urbanization#:~:text=Using%20these%20definitions%2C%20it%20reports,on%20the%20fringes%20of%20cities
  2. https://iopscience.iop.org/article/10.1088/1755-1315/1170/1/012016/pdf 
  3. https://www.epa.gov/heatislands/heat-island-impacts
  4. https://drive.google.com/file/d/12sErFxsXkIX_sqUowhPgkUf2Glb1vOdS/view
  5. https://english.beijing.gov.cn/latest/news/202405/t20240524_3693299.html 
  6. https://vnexpress.net/ha-noi-muon-nang-ty-le-cay-xanh-len-8-10-m2-mot-nguoi-4689734.html 
  7. Chang, Z. and Sander, H. A. (2015). Quantifying and mapping the supply of and demand for carbon storage and sequestration service from urban trees. Plos One, 10(8), e0136392. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0136392 
  8. Vogt J, Hauer RJ, Fischer BC. The costs of maintaining and not maintaining the urban forest: A review of the urban forestry and arboriculture literature. Arboriculture & Urban Forestry. 2015;41:293–323.
  9. Dean J. “Said tree is a veritable nuisance”: Ottawa’s street trees 1869-1939. Urban History Review. 2005;34:46–47.

Leave a Reply