Factfulness: Có những điều mình không biết mình không biết

You are currently viewing Factfulness: Có những điều mình không biết mình không biết
Where's my data?

Bạn và một chú tinh tinh, ai hiểu biết về thế giới ngày nay hơn? Tại sao lời nói của Greta Thunberg và những nhà hoạt động khác có thể bị phản tác dụng?

Hãy làm khảo sát

Cuốn sách Factfulness lần lượt giới thiệu qua 13 câu hỏi thống kê về tình hình thế giới khoảng vài chục năm trở lại đây. Đây là những thước đo sự phát triển trong nhiều mảng khác của các quốc gia, bên cạnh chỉ số GDP thần thánh về kinh tế.

Hans Rosling đã dùng 13 câu hỏi này để khảo sát người dân ở hàng chục quốc gia. Thậm chí, ông còn mang tới Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để hỏi những vị lãnh đạo. Đôi khi, ngay cả những người nắm trong tay quyền quyết định có ảnh hưởng tới nhiều người khác còn không hiểu biết về thế giới nhiều hơn một chú tinh tinh.

Trước khi đọc tiếp, bạn có thể vào trang web sau (có cả tiếng Việt) để tiến hành kiểm tra xem trình độ hiểu biết thế giới của mình đến đâu: forms.gapminder.org/s3/test-2018

Chiến đấu bằng lá chắn “dữ liệu”

Hans Rosling, một bác sỹ và một nhà thống kê người Thụy Điển, là một con người mạnh mẽ và đầy năng lượng. Ông có không dưới 3 bài TED Talks. Trên Internet, người ta thường thấy Hans hay đứng cạnh những con số hoặc biểu đồ to đùng. Cuốn sách này được viết vào những năm tháng cuối đời khi Hans phải đối mặt với căn bệnh ung thư.

Kết quả hình ảnh cho hans rosling
Hans Rosling. Nguồn: https://www.ted.com/talks/hans_rosling_insights_on_hiv_in_stunning_data_visuals

Hans từng đến nhiều quốc gia kém phát triển để cùng người dân chiến đấu với những đại dịch của thế giới. Ngoài ra, ông còn “một chiến trường khác”. Ông muốn dùng dữ liệu để chiến đấu với những quan điểm sai lệch về thế giới đang tồn tại ở rất nhiều người.

Ví dụ, chương đầu tiên tác giả dựa vào số liệu để nói về kiểu tư duy cũ mèm “chúng ta và họ”. Dựa vào thu nhập, dân số thế giới hiện nay nên được chia làm 4, chứ không phải 2 cực: đang phát triển và phát triển nữa. Hay trong chương 2, liệu tiến bộ y học làm giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh có dẫn tới việc dân số loài người bùng nổ khiến Trái đất không thể kham nổi không?

Sử dụng lá chắn này ra sao?

Hiện nay, ai cũng có khả năng lan truyền những điều mình muốn nói. Mỗi ngày, mỗi cá nhân phải đối mặt với quá nhiều thông tin đầu vào từ nhiều nguồn: truyền thông, báo chí và mạng xã hội. Góc nhìn của mỗi cá nhân về thế giới vì thế mà bị ảnh hưởng đáng kể. Nhiều khi, chúng ta nhìn thế giới theo hướng bi-kịch-hóa, rằng: thế là hết, xác định rồi. Đây là lúc mà mọi người phải tự trang bị cho mình một thứ lưới lọc.

Cuốn sách giới thiệu 10 bản năng … khá sai lầm của con người và đưa ra 10 cái lưới để lọc bớt thông tin nhiễu đi.

10 điều cần nhớ về Factfulness
10 điều cần nhớ về Factfulness. Nguồn: https://www.gapminder.org/factfulness/
  1. Có tồn tại một khoảng cách (VD: giàu – nghèo) không? Ngoài những kẻ “xuất chúng” thì phần đông dân số đang ở đâu?
  2. Chúng ta luôn dễ thấy tin xấu hơn. Làm sao để nhiều người cùng biết đến những điều đang được cải thiện?
  3. Không phải mọi thứ lúc nào tuyến tính.
  4. Liệu lan truyền nỗi sợ hãi có phải là cách duy nhất để nâng cao nhận thức không? Hãy dựa vào bằng chứng.
  5. Con số đứng một mình, dù lớn hay nhỏ, có thể sẽ gây ấn tượng mạnh (100 triệu/tháng). Nhưng nó sẽ giàu ý nghĩa hơn nếu được đem ra so sánh.
  6. Khái quát hóa cần phải để ý. 51% có phải là tất cả mọi người không?
  7. Việc này có cải thiện (dù chậm) không?
  8. Liệu có giải pháp khác không?
  9. Sai lầm này có phải được gây ra chỉ bằng một người hay một lý do đơn giản nào không? Ngưng đổ lỗi (một cách quá đơn giản).
  10. Đừng để sự cấp bách che mờ đôi mắt và sự sáng suốt.

Hay ngắn gọn hơn, đứng trước thông tin nào, hãy dùng câu thần chú: Bằng chứng đâu? Dữ liệu đâu? Khi nói mọi thứ đang tốt hơn so với hồi xưa (better) không có nghĩa là lạc quan hay làm ngơ với những cái xấu hiện tại (the bad), chỉ là mọi người hãy bình tĩnh lại, nhìn rộng ra.

Có những điều …

Trong trường hè khoa học VSSS 2016, mình được nghe các anh chị giảng viên nói về ba câu này:

Có những điều mình biết rằng mình biết
Có những điều mình biết rằng mình không biết
Và có những điều mình không biết rằng mình không biết.

Cầu chúc cho thế giới tràn ngập những số liệu trung thực và minh bạch. Cầu cho những bộ não xử lý thông tin thật kỹ trước khi phát biểu. Đọc những cuốn sách tốt là cách để chúng ta mở rộng lòng mình với những điều khác biệt.

Chúc bạn đọc vui,

The Too Blue Scientist

Leave a Reply