Phần Lan: Học sinh vắng học liên quan tới mức độ dùng Internet và vận động thể chất

You are currently viewing Phần Lan: Học sinh vắng học liên quan tới mức độ dùng Internet và vận động thể chất

Chắc bạn còn nhớ hồi đi học, lớp trưởng lớp phó hay điểm danh và ghi sĩ số lớp lên góc phải của chiếc bảng xanh chống bụi để giám thị vòng vòng kiểm tra? Nghiên cứu dưới đây tìm lời giải cho việc tại sao học sinh nghỉ học không phép hoặc có phép (vắng học). Mời bạn đọc xem đúng với mình không nhé. 

Tại Phần Lan, một nghiên cứu trên hơn 86000 học sinh mới được công bố cho thấy tình trạng vắng học có thể liên quan tới thời lượng sử dụng Internet, thời lượng ngủ, mức độ hoạt động thể chất của các em.

Để thành công trong trường học, việc đầu tiên học sinh cần làm là … đi học. Vắng học thường xuyên, hay thậm chí nghỉ học luôn, có thể là dấu hiệu của những vấn đề tiềm ẩn mà nếu không được giải quyết sẽ cản trở khả năng phát triển của các em. Để hỗ trợ kịp thời, người lớn cần hiểu rõ nguyên nhân giục các em vắng học.

Trước đây, nhiều nghiên cứu đã phát hiện tương quan rằng học sinh thiếu ngủ thì nhiều khả năng vắng học thường xuyên. Tuy nhiên trong thời đại số, các nhà nghiên cứu nghi ngờ việc sử dụng Internet và hoạt động thể chất cũng liên quan tới mức độ chuyên cần của học sinh. Nghiên cứu mới này đăng trên Tạp chí Bệnh học Nhi khoa tìm hiểu lối sống hiện đại ảnh hưởng đến việc vắng học ra sao.

Năm 2019, nhóm nhà nghiên cứu người Phần Lan đã tiến hành một nghiên cứu cắt ngang, tức là thu thập tất cả dữ liệu trong một thời điểm nhất định chứ không thu dài kỳ theo thời gian, từ dự án Thúc đẩy sức khỏe học đường tại Phần Lan. Họ khảo sát 86.270 học sinh lớp 8 và 9 với các câu hỏi về thời lượng sử dụng Internet, thời lượng ngủ, hoạt động thể chất, trình độ học vấn của cha mẹ và mối quan hệ với cha mẹ.

Thói quen sử dụng Internet được khai thác qua Thang đo Sử dụng Internet quá mức, bao gồm các câu khảo sát như “Em đã cố gắng dành ít thời gian hơn trên mạng nhưng không làm được” và “Em bỏ qua bữa ăn hoặc giấc ngủ vì đang lên mạng.” Thời lượng ngủ thì được tính toán dựa trên thời gian đi ngủ và thức dậy vào các ngày trong tuần và cuối tuần. Mức độ hoạt động thể chất được đánh giá qua hoạt động thể thao của các em trong tuần trước khi khảo sát. Nghiên cứu còn hỏi về tần suất các em chia sẻ những điều mình quan tâm với cha mẹ để xác định mức độ gần gũi với gia đình.

Kết quả cho thấy có sự liên hệ đáng kể giữa việc sử dụng Internet quá mức, mức độ thiếu ngủ vào các ngày trong tuần, và mức độ hoạt động thể chất thấp với việc vắng học của học sinh. Học sinh nữ (chiếm gần một nửa số học sinh được khảo sát) sử dụng Internet quá mức nhiều hơn so với học sinh nam. Ngoài ra, học sinh có thời gian ngủ hàng ngày dài hơn và mức độ hoạt động thể chất cao hơn xem chừng ít vắng học hơn. Nhóm nghiên cứu còn phát hiện thấy những học sinh thường xuyên tiết lộ mối bận tâm của mình với cha mẹ có tỷ lệ vắng học thấp hơn đáng kể.

Khi diễn giải kết quả trên, nhóm nghiên cứu cho rằng lối sống lành mạnh rõ ràng có ảnh hưởng tới chuyên cần và sức khỏe của học sinh. Họ còn nhấn mạnh mối quan hệ cởi mở giữa cha mẹ và trẻ vị thành niên là yếu tố giúp giảm việc vắng học.

Nếu bạn đọc đọc đến đây và thấy sao kết luận gì mà không chắc chắn vậy, thì bởi vì nghiên cứu này có những hạn chế:
– Nghiên cứu dựa trên dữ liệu tự báo cáo của người tham gia nên có thể chủ quan và thiếu thực tế, dù với số lượng mẫu lớn.
– Thiết kế nghiên cứu cắt ngang (cross-sectional study) không thể trả lời cho câu hỏi: thật sự thì học sinh dùng nhiều Internet quá mức thì hay nghỉ học không?
– Nghiên cứu được thực hiện tại Phần Lan nên có thể không dùng để giải thích cho khu vực khác. Chẳng hạn, ở Việt Nam, tình trạng vắng học còn phản ánh những bất bình đẳng kinh tế-xã hội vô hình mà học sinh phải chịu, như học sinh nghỉ học vì không có ai đưa đón, hoặc phải đi làm phụ giúp gia đình. 

Nhìn chung, nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dựa vào các yếu tố thuộc về lối sống như thói sử dụng Internet, thói quen ngủ, hoạt động thể chất và sự chia sẻ trong gia đình để cải thiện sức khỏe và chuyên cần của học sinh. 

Nghiên cứu: Kosola S, Kullberg M, Melander K, et al. Associations of excessive internet use, sleep duration and physical activity with school absences: a cross-sectional, population-based study of adolescents in years 8 and 9. Archives of Disease in Childhood. Published Online First: 16 April 2024. https://doi.org/10.1136/archdischild-2023-326331 

Hình ảnh: Một giảng viên người Đài Loan đang hướng dẫn học sinh chơi một boardgame khoa học.

Leave a Reply