Mình đọc Mùa hè năm ấy vì cần một trạm dừng chân ở cột mốc một phần ba trong cuộc phiêu lưu với cuốn For the love of Physics. Phải nói là hình ảnh minh họa tuyệt đối dễ thương.
Khi vừa thấy tựa sách và review của MC Quốc Khánh, mình biết chắc sẽ đồng cảm với tác giả ghê lắm. Thật vậy.
Mai Anh trải nghiệm năm tuần học tập và sinh sống ở một bang nghe nói là nghèo nhất nước Mỹ. Thành phố vắng người, còn trường đại học gần gũi với thiên nhiên, như Mie ấy. Một không gian tuyệt vời chứa đầy cảm hứng cho việc học tập và nghiên cứu khi có khuôn viên rộng rãi, có hồ Cá Hồi hay căn nhà gỗ trong rừng. Tác giả tả cảnh Mỹ còn não mình thì hiện lên hình ảnh và bầu không khí ở Mie.
Mùa hè năm ấy không phải tác phẩm văn học mà giống một cuốn nhật ký hơn. Hình như, nó không có nhân vật mà toàn người thật, việc thật. Mình đoán tác giả là người thật thà vì từng chi tiết của chuyến đi được ghi chép vào bằng giọng văn trẻ con, ngây thơ cho thấy cô thật sự muốn lưu lại tất cả khỏanh khắc, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Chuyện ai ngủ gục, ai nói xấu ai, ai thích ai, ghét ai…mọi người đều biết. Nếu hồi ở Mie mà mình ghi chép thay vì chụp ảnh chắc cũng có sách xuất bản :p.
Trong suốt câu chuyện của Mai Anh, mình thấy hình ảnh bản thân vài tháng trước xuất hiện nhiều lần. Cô kể thời gian học tập và sinh hoạt “có chút lặp lại nhưng luôn cảm thấy hứng khởi”. Ban đầu, MA ngại phát biểu (bằng tiếng Anh) nhưng vì nghĩ “được người ta cho đi học như vậy thì phải làm gì cho xứng đáng”, “thể hiện sao cho người ta không đánh giá Việt Nam” nên dần dần cô cũng chủ động hỏi sau mỗi bài giảng. Có lẽ, hồi ấy trong đoàn mình ai cũng nghĩ vậy. 😀
Nếu là tác phẩm văn học, Mai Anh sẽ tìm cách khắc hoạ những ngày ở family host theo cách khác. Một chuyến đi hẳn là đáng thất vọng với toàn thức ăn đóng hộp, siêu thị rồi TV. Nhưng không. Cô tường thuật chân thực về gia đình người Mỹ nhận đón mình. Martha, một nhân viên văn phòng thuộc tầng lớp nghèo trong xã hội, sống với người mẹ của bà. Sau một ngày làm việc ở văn phòng, cô Martha to lớn vừa cầm đồ hộp ăn vừa ngồi xem truyền hình thực tế được thu sẵn. Một Martha có quá khứ hoành tráng, khi mấy chục năm trước ngao du khắp thế giới, giờ bằng lòng với cuộc sống hiện tại để chăm sóc bà mẹ hay nói những chuyện xảy ra từ năm 1980. Về cơ bản, cô với mẹ mình không khác nhau là mấy, cả hai đều sống trong quá khứ. Có thể những bạn khác trong đoàn được trải nghiệm nhiều hoạt động hơn, vui nhộn hơn. Còn Mai Anh, qua nội tâm sâu sắc của mình, cô đã cho độc giả cảm nhận được ý nghĩa của chuyến đi đến family host đó, đồng thời thấy được một nước Mỹ đa dạng và thực tế hơn.
Đọc hết nhật ký, mình thấy Mai Anh trưởng thành rõ rệt trong suy nghĩ sau năm tuần ở Mỹ. Có thể những chuyến đi ngắn hạn như vậy cho mọi người một bước ngoặt gấp gáp, làm thay đổi quán tính của họ với những thứ “tất nhiên”, những “vùng an toàn” mà họ đã quen từ bé.
Không hề dễ để làm được điều này nếu không có những chuyến đi.
Mỗi chúng ta, ai cũng có một mùa hè, mà sau đó, mình thay đổi.
Mai Anh D.