Nhà khoa học 7 tuổi aka nghịch dại

You are currently viewing Nhà khoa học 7 tuổi aka nghịch dại
Hình chụp từ series Dickinson

Trẻ con hay hỏi nhiều, nghĩ ngắn và thích làm đại. Nhiều lúc tự nhiên ngồi nhớ lại những trò nghịch dại hồi xưa mà hết hồn, nghĩ sao mình còn bé mà đã có máu khoa học như thế. May còn nguyên vẹn tới giờ. Nhiều chuyện chắc không ai ngoài mình biết cả.

Thử nghiệm độ bền vật liệu

Mình cận thị từ hè năm lớp Một, giờ thêm cả loạn thị. Trong gần 20 năm ấy số kính đeo qua dễ nhiều hơn cả số ngón trên hai bàn tay. Nhớ có lần đi lắp kính ở viện Mắt thấy người ta có bán cái gọng kính gập được. Đi nhìn lướt qua thôi mà thấy ấn tượng vô cùng. Vậy mà bố mẹ lại lắp cho cái kính thường thường hết cỡ. Tối ấy lúc ngồi đi vệ sinh :)) , mình tự hỏi làm sao họ có thể gập cái kính ấy lại được nhỉ? Có phải cái kính đó dẻo bất thường không? Kính của mình gập được không nhỉ?

Rồi chả biết thế nào tháo kính ra cầm trên hai tay, rồi bẻ một phát. Cái kính mới mua buổi sáng đến tối thành hai cái kính một mắt. Chỗ nối hai tròng kính tuy dẻo thật nhưng có giới hạn. Sợ quá ngồi lì trong WC không dám ra cho đến khi bố gõ cửa hỏi làm sao đấy :)). Biết nói thế nào đây.

Khám phá nhiệt năng

Chiều đấy vác vợt đi đánh cầu lông. Ở khu tập thể (giống y Đài Loan bây giờ) ngày ấy người ta hay nấu bếp than tổ ong ngoài đường để chia sẻ khí thải với cả khu, thơm lắm. Một hồi đánh chán chê xong cũng là lúc người ta dừng nấu và đổ than vụn ra ngoài. Cục nào cục đấy bột bám ngoài trắng như mấy thanh kẹo chè lam dẻo quẹo mới lấy ra khỏi gói. Một thằng hàng xóm cầm cái cây hất cục than trắng vào cây vợt cầu lông. Chỗ đấy chảy ngay ra và cục than rơi xuống.

Quái lạ, sao lại thế nhỉ? Cục này làm bằng gì mà hay vậy? Một lần nữa, không biết nghĩ gì, mình mạnh mẽ cuộn 3 ngón tay cuối của bàn tay phải lại. Giơ thẳng ngón trỏ và ngón cái ra. Nhanh chóng nhặt cục than vừa nãy lên. Trời ạ, nóng. Dù thả xuống ngay nhưng chỗ tiếp xúc đã kịp sưng to. Ba chân bốn cẳng chạy như Usain Bolt về nhà vớ lấy hộp mỡ trăn (xin lỗi WWF) nhúng ngập ngón tay vào. Kể từ đó mình biết rằng than rất nóng.

bãi biển đá cuội ở Hualien

Mùa khô dễ cháy

Hồi chuyển vào miền Nam mới biết thế nào là mùa khô. Mấy khu đất trống gần nhà toàn cỏ bông lau cao vượt đầu, rậm rạp lắm. Người lớn rất thích đốt những cây cỏ bông lau này, chắc là để ngăn rắn ngừa muỗi chăng? Trẻ con có tính hay bắt chước, nên người lớn à, trước khi trách trẻ thì tự trách mình đi nhé.

Đợt đấy trước nhà mình có bụi cỏ khô như thế. Mẹ dặn mình đốt một tí rồi dập ngay. Vốn học sinh giỏi nên thường cố gắng làm hơn sức bình thường. Khi đám cỏ cháy gần hết, cạnh đó có cái săm (ruột) xe đạp. Mình để ý nó cháy thì chảy nhựa ra thành những giọt li ti rồi rơi xuống giống như bom trong phim ý. Thế là mình vớ được cành cây khô cầm nó lên chơi trò máy bay thả bom. Ê mấy giọt này rơi xuống vẫn cháy tiếp thì phải? Nếu rơi vào cỏ thì có cháy không nhỉ? Mà cỏ nhà cháy hết rồi, sao đây? Mình “lái máy bay” sang bãi cỏ khô lớn đối diện, rộng gấp 20 lần bãi trước nhà.

Chỉ “thả bom” phía trước tí thôi. Nó cháy thật. Mất vài giây cháy xong bãi cỏ giống nhà mình và vài phút sau cả một vùng cỏ khô đang nóng bừng bừng. Lửa bốc cao lắm. Mình đứng đó mặt tái mét. Mẹ huy động bao nhiêu xô chậu của hàng xóm ra để giúp lửa nhỏ lại. Cũng may là hết cỏ và cạnh đó không có cái gì dễ cháy. Phù.

Tomo – Trải nghiệm – Hậu quả – Giáo dục Mới

Theo lời bào chữa của chính mình, có vẻ mình hoàn toàn không có ý đồ phá phách. Những trò nghịch dại này là để trả lời cho những câu hỏi diễn ra trong đầu mình. Mình thấy được hậu quả nên có cho tiền cũng không dám làm lần hai. Sự can thiệp bằng roi vọt hay la mắng có thể không cần thiết, nhỉ? Cần hay không? Tuy vậy, tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm trong an toàn rất nên được quan tâm.

Trẻ em sinh ra đã có bản tính tò mò, sẵn sàng khám phá. Học tập không chính thống hay informal learning diễn ra mọi nơi mọi lúc. Trẻ em tiếp nhận thông tin qua nhiều kênh: người lớn, tập thể người lớn, TV, tranh ảnh và sách báo. Chả cần lớp học, chả cần thầy cô. Môi trường xung quanh có ảnh hưởng không nhỏ đến sự học của các em (quan điểm phát triển nhận thức thông qua xã hội – social development theory – của Vygosky).

Quan điểm “trẻ em như tờ giấy trắng” và sử dụng một kiểu hướng dẫn từ trên đưa xuống áp đặt khi mang trẻ vào một môi trường quy củ và khuôn phép hơn chắc chắn gây khó khăn cho trẻ, thậm chí phản tác dụng. Quan điểm giáo dục Mới là khai thác những gì trẻ đã có bên trong trước rồi xây dựng từ đó (ví dụ: KI, 5E, bàn tay nặn bột, KWL, POE, Montessori, Reggio Emilia, Freinet, …)

Còn bạn, có từng nghịch dại chưa?

Cảm ơn bạn đã đọc bài,

The Too Blue Scientist

Leave a Reply