Ứng Dụng Thay Đổi Cách Mình Ghi Chú: Roam Research

You are currently viewing Ứng Dụng Thay Đổi Cách Mình Ghi Chú: Roam Research

Mình thấy ghi chú giống như trò chuyện với tâm trí vậy. Bộ lạc sách MindTriibe, bài viết, nghiên cứu thành hình dần dần qua những mẩu giấy Post-it dán khắp bàn làm việc hay các ứng dụng ghi chú trong điện thoại của mình. Những ý tưởng, suy nghĩ hay câu nói đáng quote nào của bạn bè đều đáng được lưu lại. Nên mình ngày càng thích ghi chú hơn.

Bạn có thích ghi chép không? High-five! 🙌 Nếu bạn cũng thích thú với việc này như mình thì bài viết sẽ dành cho cả bạn nữa.

Mình đã dùng qua rất-rất-rất nhiều ứng dụng ghi chú dành cho iOs/Mac và Windows. Nhưng ứng dụng mà mình dành thời gian và nhiệt tình ra để giới thiệu thì rất ít và sẽ rất đặc biệt. Nó là Roam Research, còn mới lắm, khoảng nửa năm trở lại đây thôi. Trong bài này, mình sẽ kể tội mấy ứng dụng kia rồi chỉ ra điểm khác biệt và giới thiệu tính năng của Roam. Mình không làm hay quảng cảo cho Roam, nhưng mình hi vọng là nhiều người sử dụng nó để start-up này có tiền và làm tiếp cho mình chơi. Mình đang rất thương start-up.

Keywords sẽ gặp nhiều: note (ghi chú), link (đường dẫn/dẫn), page (trang), hashtag #

Notes không nhìn thấy nhau

Cá lớn nuốt Cá bé

Một số ứng dụng có thể ghi chú mình từng dùng qua nhiều lần: Libre/Word, TexStudio (LaTex), OneNote, Evernote, Draft, Bear, Notepad++, Notion, Trello, Note (của iPhone), Workflowy, Zettlr, …

Những ứng dụng này có một đặc điểm là kiểu phân chia theo hạng mục Lớn tới Nhỏ (Hierachy). Ví dụ:
– OneNote có 3 cấp: Notebook > Section > Page. (Thực sự ghét OneNote!).
– EverNote có 2 cấp (có thể nhiều hơn): (Stack) > Notebook > Note
– Notion có thể tạo vô số cấp, nhưng nhìn chung vẫn là Lớn > Nhỏ: Page Lớn > Page Nhỏ > Page Nhỏ hơn > Page Nhỏ hơn nữa…
– Workflowy cũng vậy: Node Lớn > Node Nhỏ > Node Nhỏ hơn …
– Ngay cả “ứng dụng” cổ điển nhất là Tập Vở cũng có 2 cấp: Cuốn tập > Trang giấy.

Để tìm được một note riêng biệt, mình chỉ có 3 cách: 1) dễ nhất là tìm bằng mắt, 2) ấn vào thanh tìm kiếm và gõ, 3) đi theo đường dẫn đó. Nói về cách cuối cùng. Ví dụ: để tìm note “3A” trong thư mục 2A nằm trong thư mục 1A, mình phải đi theo một đường duy nhất: 1A > 2A > “3A”.

Cách sắp xếp này quá trật tự đi! Và nó gây khó khăn cho cả khi tạo note, sắp xếp note, tìm kiếm note và đọc lại note. Làm sao biết note này nên ở trong hạng mục này? Muốn link thông tin trong note này với thông tin ở trong note kia thì gần như là chuyện không thể.

Dân dần, các ứng dụng này có thêm chức năng dán nhãn (Label) và gắn hashtag #tag.

Gắn nhãn cũng có vấn đề

Như một cái phễu, nhãn và hashtag sẽ lọc ra những note liên quan do được gán cùng cái tag đó. Tuy nhiên, cách lưu này không cho mình cách nhìn để nối tụi nó lại với nhau.

Ví dụ:
Note 3A lưu ở thư mục 2A được gắn tag #ăn-kem. Để tìm được note 3A, ta có thể đi theo thư mục 2A hoặc tìm theo tag #ăn-kem.
Còn note 3B lưu ở thư mục 2B, đang gắn tag #trước-cổng.
Nhưng nếu 3A và 3B có thông tin gì đó link với nhau, để thấy tụi nó đi chung, mình sẽ phải thêm tag mới vào một trong hai.

Tuy nhiên, nếu bạn đã dùng qua mấy phần mềm trên đủ lâu, bạn sẽ nhận thấy rằng tụi nó không-thể-quản-lý-hashtag. Không gian cho tag rất giới hạn, chỉ cần 10 tag là mỏi mắt.

Tóm lại, ứng dụng Roam Research giải quyết mượt mà mấy vấn đề mình gặp phải.

Roam: notes bình đẳng, liên kết, không có nhà và ở đâu cũng được

Cơ bản nhất, một note trong Roam gồm một page (trang) là danh sách vô hạn các bullet point (điểm tròn tròn ý). Mỗi đoạn text bạn viết ra được cho vào một bullet point.

Mỗi note trong Roam bình đẳng, ngang cấp với nhau, không có note nào nằm trong note nào. Vừa tồn tại độc lập, chả thuộc về thư mục nào, lại vừa có thể nằm ở mọi nơi. Được vậy là nhờ tính năng tạo liên kết hai chiều. [[Đây là tính năng đắt nhất của Roam.]]

Tất cả những notes này sống trong một mối liên kết rất “tùy hứng” nhưng lại có hệ thống, và mình là người lập ra hệ thống đó. Mình muốn sắp xếp, link note này với note kia thế nào cũng được. Và khi mình rờ tới note này, mình biết được nó có liên hệ với note kia, thế là mình lần theo.

Ví dụ: Trong note bài Chuyển kênh dưới đây, mình tạo một link là nhóm nhạc [[Ngọt]]. Ngay lập tức, Roam sẽ tạo ra một page Ngọt và … tự động nhắc đến page Chuyển kênh. Kiểu liên kết hai chiều – bidirectional link.

Ví dụ khác: Nếu đang viết note Ngày hôm nay mà thêm đường dẫn [[Ngày mai]], Roam sẽ tự động tạo ra một cái note tên Ngày mai, có đường dẫn ngược lại về [[Ngày hôm nay]].

Tiếp tục, mỗi bullet point cấp Nhỏ vẫn có thể Phóng to, cứ ấn vào cái nút tròn ý. Như dưới đây mình sẽ phóng vào “Ôi mấy năm nay!”.

Tính năng của Roam Research

Đây là những thứ mình đã nhận thấy khi dùng và sẽ khám phá thêm.

Ngôn ngữ viết note Markdown

Đây là ngôn ngữ viết mà cả máy tính và người có thể hiểu được. Wikipedia Markdown. Khi sử dụng ngôn ngữ này, mình hoàn toàn vừa định dạng, vừa viết mà không cần dùng chuột.

Hơn nữa, Markdown cũng phổ biến lắm. Ít nhất mình biết nó có ở Bear, Draft, Zettlr, Trello và Notion. Nó cũng được sử dụng bởi rất nhiều phần mềm mã nguồn mở khác. Cách ghi rất dễ cũng được. **in đậm** _in nghiêng_ Trong những ứng dụng khác, bạn sẽ phải chơi với context menu, nhấn chuột, giữ chuột, ấn vào nút ba chấm … phiền lắm.

Tạo link hai chiều – bidirectional link

Muốn tạo link, hãy ấn [[ và đánh vào đây ]]. Nếu có Note này từ trước, Roam sẽ gọi ra. Nếu chưa, Roam sẽ tạo cái mới cho bạn.

Hashtag là Page, Page là hashtag

Khi bạn tạo [[cái này]] hoặc #cái-này Roam đều hiểu đây là một trang mới. Bạn có thể ấn vào.

Link [[Ngọt]] và #Ngọt là giống nhau, đều tạo ra và dẫn đến page Ngọt. Mỗi hiển thị khác nhau thôi.

Tạo Page/Note thoải mái

Bạn thích tạo là tạo thôi, không cần nghĩ nhiều. Tạo xong page có thể để đó, không ghi gì ngoài để làm Mục lục cũng được.

Ví dụ, mình có mình có một Note là Academic Writing, trong đó có nhiều link tới những note khác, vì trước đó mình đã link tụi nó với nhau.

Nhưng notes được liên kết trong Academic Writing không có nghĩa là tụi nó cứ thuộc về con cá lớn đó. Tụi nó có thể vừa thuộc Academic Writing, vừa thuộc một note khác.

Đổi tên Page thì gộp nội dung

Ví dụ, mình tạo page [[The Too Blue Scientist]] và page [[toobluescientist]]. Khi muốn sửa tên page sau thành page đầu tiên cho đẹp, mình chỉ cần sửa tên page sau thôi. Ừ, và Roam sẽ hỏi mình có muốn gộp tất cả nội dung của 2 page vào không?

Đáng sợ chưa :))))? Mấy ứng dụng kia chắc sẽ khó lắm.

Hình ảnh, link, YouTube: thoải mái đê

Bạn có thể chèn vào hết.

Tính năng Lọc Tự Động Tùy Biến

Bạn còn nhớ mình nhắc về label và hashtag ở trên không? Trong khi những ứng dụng khác gặp khó thì Roam hay lắmmmmmmm!

Nó sẽ được tùy biến tùy vào cái note mà bạn ấn nó. Ví dụ: Ở page Academic Writing, filter chỉ hiện ra tùy chọn những pages có link tới Academic Writing thôi.

Chia 2, 3, 4, 5 notes trên một màn hình

Workspace của Roam có thể chia làm 2. Bên trái là Note A chính. Bên phải gọi là sidebar chứa các notes B, C, D liên quan tới A bạn chọn mở. Chỉ cần ấn Shift + click vào link.

Mỗi ngày là một Page

Mỗi ngày, Roam sẽ tự động sinh ra một Page mới mang tên ngày đó. Mình có thể sử dụng nó để ghi chú hoặc dùng để nhắc về nó. Ví dụ khi học Academic Writing, mình ghi /Today, thì khi ấn vào ngày hôm nay, nó sẽ liệt kê ra những gì mình đã ghi chép.

Xuất ra file để bảo quản

Nhờ tính năng này mà mình yên tâm dùng Roam hơn, không lo bị lock-in vào một hệ thống. Mình có thể export từ Roam ra thành đống file Markdown *.md ôm về và cho vào một số trình biên soạn file *.md như Zettlr để nó tạo thành file .docx của Word hay *.pdf như ai kia. Và nếu muốn biến nó thành bài báo, có trích dẫn đàng hoàng của APA hay Chicago thì cũng đều có thể.

Sáng tạo thêm bởi cộng đồng

Có rất nhiều ý tưởng đang diễn ra trong cộng đồng dùng Roam. Take note sách, ghi chú nghiên cứu (academic), Cornell Note, làm flashcard để thực hiện spaced repetition (kĩ thuật học giãn cách thời gian), làm journal, viết sách.

Cuối cùng, đắt thứ nhì … của Roam là tính năng này

Tự tạo mạng lưới note. Đây là mạng lưới note của mình tạm thời. Và kết nối này có thật, bạn ấn vào một node, nó sẽ link các node lại với nhau. Bạn sẽ biết được, bằng hình ảnh, note nào đang link với note nào.

Điểm yếu và cách mình khắc phục

Roam chưa có app điện thoại, chỉ có nền tảng web. Mình không dùng Roam để ghi chú nhanh trên điện thoại. Mình dùng Draft (chắc không có quick capture nào được như Draft đâu).

Roam là sản phẩm của một start-up, vẫn beta và chưa ổn định. Có một dấu chấm xanh/cam bên góc phải báo hiệu là note bạn soạn có được đồng bộ chưa. Bạn để ý nhé. Mình sẽ chủ động backup thủ công bằng tính năng Export All về và cập nhật vào hệ thống file markdown của mình.

Kết,

Khi biết tới Roam Research, mình cũng mò ra thêm được một số cộng đồng về Knowledge Management (Quản lý tri thức) khác. Và mình rất hứng thú, trời ơi!!, với khái niệm này và sẽ tiếp tục tìm hiểu. Khi có thời gian sẽ giới thiệu thêm.

Nếu [[bạn]] có dùng Roam, hãy link (kết nối) với [[mình]] nhé.

The Too Blue Scientist

Leave a Reply