Thức dậy muốn tới trường: Mang Vòng tròn vào lớp học

You are currently viewing Thức dậy muốn tới trường: Mang Vòng tròn vào lớp học
vẽ: mayl.

Chung Sống 22 giới thiệu Vòng tròn

Xưởng thực hành Đưa phương pháp Vòng tròn vào trường học của bác Joe Provisor là một phiên đặc biệt trong Chung Sống 22. Năm nay, chương trình Chung Sống mong giới thiệu tới người tham gia nhiều thực hành mới mẻ. Chúng có tiềm năng gìn giữ và nuôi dưỡng những kết nối sinh ra từ mâu thuẫn trong mối quan hệ của chúng ta với nhau.

Từ “thực hành” được dịch từ từ tiếng Anh “practice”, được hiểu là cách thức thực hiện một việc của một nhóm người. Xưởng của bác Joe đặc biệt vì nó dành riêng cho khán giả hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Một sáng chủ nhật cuối tháng 10, hơn 30 giáo viên, nhà quản lý giáo dục, và người làm việc thường xuyên với trẻ đã tới xưởng để tham dự Vòng tròn do bác Joe điều phối.

Bài viết này tóm tắt những điều đáng chú ý trong xưởng, được thu thập và kể lại từ góc nhìn của một nhà giáo dục còn trẻ.

Ai từng không muốn tới trường?

Nền giáo dục trường học hiện đại tồn tại nhiều mâu thuẫn trông thấy với những người trong ngành. Chúng ta, nếu may mắn từng được đi học, đều có chung hình dung về một lớp học mẫu mực. Một thầy cô giáo đứng trước lớp, gần bảng đen và bàn giáo viên to. Vài chục học sinh, theo từng hàng bàn hàng ghế ngăn nắp, ngay ngắn hướng về giáo viên. Các em được kì vọng sẽ chăm chú thu lấy từng dòng kiến thức quý giá. Hãy gọi hình thái lớp học này là Hình Tam giác vì kiến thức phát ra từ đỉnh cao nhất xuống dưới.

Cũng chính chúng ta từng là người học, sau nhiều năm mài bóng cả mét vuông quần trên ghế nhà trường, nhớ rõ mình đã ít nhất một lần cảm thấy chán nản và bất bình, vô nghĩa và thất vọng nhường nào. Vì nhiều khó khăn không được lắng nghe, nhiều ý tưởng không được ghi nhận, và những nhu cầu không được tôn trọng. Cảm giác là khi chạm vào thì lề thói của nhà trường cứng và nặng như dãy bàn ghế theo hàng lối ấy.

Cũng chính chúng ta từng là người dạy, đứng trước hàng chục, hàng trăm học sinh mà toát mồ hôi vì khẩu hiệu “dạy học cá thể” hoặc chán nản vì “lấy học sinh làm trung tâm” lặp đi lặp lại hoài nhưng mù mờ về cách thực hiện.

Dù mang vai trò gì và đứng ở lớp lang nào trong “hệ thống” giáo dục, ta đều từng muốn làm gì khác đi với nhiều câu hỏi đau đáu. Cái gì đang được tập trung nhất trên trường học? Tri thức ư, liệu đã đủ ổn? Tôi đang làm đúng không? Tôi cần hỗ trợ thì gọi ai? Thậm chí ta tự thắc mắc về cả cách gọi tên giáo dục. Nếu giáo dục không phải là một “bộ máy” toàn những chi tiết theo khuôn mẫu, vô hồn và dễ dàng bị thay thế thì sao? Nếu giáo dục là một “hệ sinh thái” gồm nhiều cá thể có tiềm năng phát triển đa dạng, giữ nhiều vai trò, và có mùa phát triển khác nhau thì sao? Và cuối cùng, liệu có một hình thái trường lớp hơi khác?

Thay đổi môi trường trước đã

Nhà tâm lý học Kurt Lewin tiên phong cho tâm lý học xã hội và tổ chức từng đưa ra một công thức minh hoạ mà sau này được gọi bằng chính tên ông. Công thức Lewin được viết như này: B = f(PE). Theo tiếng Việt thì là: H = f(NM). Hành vi (H) của một người phụ thuộc vào chính con người (N) và môi trường (M) mà người đó ở trong (Lewin, 1936). Môi trường bao gồm các cá nhân và tương tác giữa họ và với các sự việc. Dùng công thức này, ta có thể đoán là để thay đổi hành vi của người dạy và người học, trước khi vội đụng đến phẩm chất hay thái độ của họ, ta có thể thay đổi môi trường hay cách tương tác giữa họ trước. Xưởng của bác Joe tập trung vào đây: tìm cách cải thiện tương tác giữa thầy – trò, thầy – thầy, trò – trò, và nhà quản lý – thầy. Trước khi quy kết có gì đó sai với một người hoặc một nhóm trong tập thể và đòi thay đổi họ, ta thử đổi cách kết cấu của tổ chức và tương tác giữa mọi người xem sao. Đây là giả thuyết mà bác Joe đặt ra cho mọi người hôm ấy.

Thay đổi cách tương tác trong lớp là việc đủ nhỏ để cá nhân giáo viên có thể thực hiện. Nếu nhà quản lý giáo dục cũng muốn thay đổi cách tương tác trong môi trường mà mình phụ trách thì còn tạo ra ảnh hưởng lớn hơn nữa.

Mà làm sao để thay đổi cách thức tương tác bây giờ? Xưởng của bác Joe giới thiệu tới mọi người một phương pháp: Vòng tròn.

Ppvongtron

Vòng tròn là gì?

Vòng tròn được dịch từ tiếng Anh Circle hoặc Council. Hơn 30 năm qua, bác Joe cùng cộng sự đã mang được Vòng tròn vào nhiều tổ chức giáo dục trường học (Provisor, 2021; Weigensberg et al., 2019) và y tế (Weigensberg et al., 2018). Nhưng nguồn gốc và cảm hứng cho Vòng tròn thì xuất hiện đã lâu, từ thời ông cha loài người còn tụ quanh đống lửa ấm cúng mỗi phiên họp bộ lạc. Có thể loài người hiện đại đã quên nhưng thực hành này vẫn là một nét văn hoá của nhiều dân tộc bản địa. Nhiều cộng đồng người vốn sẵn có những truyền thống như Vòng tròn. Và thực hành Vòng tròn cũng tồn tại dưới nhiều cái tên: Shuugo 集合 (tiếng Nhật), Daré (tiếng Zimbabwe), Panchayat (tiếng Ấn), Ding (tiếng Đức), …

Vậy Vòng tròn là gì? Ta có thể tạm chia thực hành này làm hai phần: “phần cứng” bao gồm các nghi thức, hình thức tổ chức và “phần mềm” bao gồm triết lý và tinh thần đằng sau phương pháp. Hiểu cả hai phần để ta biết liệu thiếu phần nào thì vẫn có thể tạo thành Vòng tròn.

Về “phần cứng”, đơn giản thì chúng ta cần không gian cho một nhóm người cùng quây quần thành vòng tròn quanh một trung tâm. Cổ điển nhất là vòng tròn quanh đống lửa trại. Còn trong các buổi trò chuyện thảo luận, trung tâm chính là chủ đề, vấn đề hoặc ý định chung mà cả nhóm muốn nói về. Ngoài ra, ta có thể dùng một món đồ làm Vật Nói với mong muốn cả vòng tròn cần lắng nghe người đang cầm nó trên tay. Phần cứng chỉ vậy thôi, nhưng thứ bao phủ lên và thấm vào nó mới thực sự tạo ra đặc trưng của Vòng tròn.

Chính “phần mềm” mới quyết định cuộc gặp có phải Vòng tròn không. Vòng tròn là khi chúng ta làm gì, nói gì cũng có một ý thức cao về sự có mặt và tập trung với bên trong bản thân ta và những người quanh ta. Cụ thể, chúng ta tham dự Vòng tròn với lòng Chú tâm và Hưởng ứng, dành cho những người đang ở cùng mình và cho Ý định chung hay “ngọn lửa trại” kia. Một người mẹ đang bế con mình, hai mẹ con chăm chú nhìn nhau, cười vì người kia cười, buồn vì người kia đau. Hai người thôi vẫn làm thành một Vòng tròn vì có sự Chú tâm và Hưởng ứng thường trực.

Để giữ sự Chú tâm và Hưởng ứng, Vòng tròn mời người tham gia thực hiện những thoả ước chung. Một là bày tỏ chân thật. Hai là không ngắt lời người đang nói, kể cả bằng ý nghĩ của mình. Ba là Vòng tròn sẽ bền chắc hơn nếu ta mang vào sự Phấn khởi cho tương tác. Vì thế mà trong Vòng tròn khi đến lượt mình cầm Vật Nói, bạn có thể nói hoặc không. Hãy làm điều bạn cảm thấy phấn khởi chứ không phải vì bị bắt ép. Ấy là cơ hội để lòng đồng cảm nhóm lên.

Đến đây hẳn bạn đọc đã thấy, việc mọi người ngồi thành vòng tròn chưa đảm bảo nhóm đang thực hành … phương pháp Vòng tròn. Và chắc bạn cũng hiểu là nếu thiếu “phần cứng”, Vòng tròn vẫn có thể xuất hiện, miễn là “phần mềm” được bảo đảm. Vì vậy, từ đây trở về sau, khi nhắc tới “Vòng tròn” (viết hoa), người viết đang có hàm ý nhắc đến phương pháp Vòng tròn đủ đầy, để phân biệt với hình thức ngồi theo vòng tròn đơn thuần (viết thường).

Ở Việt Nam, không ít đội nhóm đã sinh hoạt theo hình thức vòng tròn. Nhất là trong các chương trình ngoại khoá, ngoài giờ và ít mang tính học thuật. Nếu đã từng tham gia chúng, bạn đọc có thể ngẫm lại xem mình đã thực sự ở trong một … Vòng tròn nào chưa? Bạn đã được lắng nghe, được yên tâm bày tỏ từ đáy lòng, và được tôn trọng chứ?

Còn tới giờ chắc bạn đọc đang tò mò xem một hình thái lớp học theo Vòng tròn sẽ học ra sao và mọi người sẽ nói gì bên trong?

Việc học trong Vòng tròn diễn ra thế nào?

Vòng tròn có thể dùng để điều phối dạy – học mọi thứ. Tạm chia thành ba mảng sau: học thuật (academics), học tập kĩ năng cảm xúc – xã hội (social emotional learning), và những câu hỏi to – khó về bản thân và cuộc đời (big questions about the hearts). Dù với bất kì mảng nào, Vòng tròn cho phép những tri giác thông qua cảm xúc và cơ thể tồn tại song song với kiến thức từ nhận thức. Tức là, ngoài định nghĩa hay suy luận, người ta có quyền nói thêm về cảm xúc, cảm giác của mình. Khác với hình thái lớp học Tam giác, lớp học theo Vòng tròn mời sự đóng góp kinh nghiệm sống và kiến thức của người tham gia về chủ đề trung tâm. Thứ mọi người thu được sẽ không chỉ là kiến thức hay định nghĩa từ một người có uy, mà là một trí khôn tập thể.

Trong xưởng, bác Joe mời người tham gia thực hành một Vòng tròn ảo để cùng hiểu về khoảnh khắc mà mọi người cảm thấy được yêu thương. Qua Zoom thôi nhưng mọi người vẫn được hưởng một Vòng tròn nguyên vẹn khi lần lượt kể về những hành động yêu thương dù nhỏ nhặt mà mình nhận được gần đây. Từ những câu chuyện ngắn về những trải nghiệm sống thật, một bức tranh lớn vẽ bởi lòng biết ơn được thu hoạch. Đây có thể là một buổi học về tình yêu hay lòng biết ơn thú vị mà không bắt đầu một định nghĩa từ đỉnh Tam giác: “Tình yêu là …”

Chủ đề được lấy ví dụ thuộc hai mảng cuối và người viết thấy nó phù hợp trong các tiết sinh hoạt hoặc ngoại khoá trên lớp. Tiếc là thời gian của xưởng lần này không đủ để bác Joe điều phối một Vòng tròn về học thuật hoặc hàn gắn mâu thuẫn học đường. Điều này cũng khiến khán giả càng tò mò về tiềm năng của phương pháp này trong việc dạy-học nội dung kiến thức và nuôi dưỡng tương tác phi bạo lực trong nhà trường.

Một điểm đáng lưu ý khác là Vòng tròn chỉ là một trạm trong Hành trình học tập và suy ngẫm của người học. Hãy coi Vòng tròn là nơi mọi người chứng kiến chia sẻ của người tham gia. Trước đó, mỗi người cần có trải nghiệm và suy ngẫm riêng. Sau khi thu lượm câu chuyện của người khác qua Vòng tròn, họ cần thu hoạch và diễn giải để có được kiến thức cho mình. Việc học không bắt đầu hay kết thúc tại trong Vòng tròn mà tiếp diễn thông qua Vòng tròn.

Bên cạnh nội dung thì lứa tuổi nào phù hợp với Vòng tròn cũng được người tham gia quan tâm. Lo ngại lớn nhất của người làm việc với trẻ nhỏ là liệu các bạn tinh nghịch, luôn tay luôn chân này có đủ tập trung và biết nhường nhịn để ngồi trong Vòng tròn không. Bác Joe, bằng kinh nghiệm dày dặn, kể về những bức tranh và bài luận, được vẽ/viết ra bằng nỗ lực tập thể của các em nhỏ mình từng làm việc cùng. Hoá ra, giống như các phương pháp mới, Vòng tròn cũng cần được hướng dẫn và ví dụ (scaffolding). Thành công của Vòng tròn nhỏ tuổi đã có. Không ít ví dụ về Vòng tròn hội đồng học sinh để điều hành trường học (School Circle) có sự tham gia của các bạn nhỏ.

“Cả đứa trẻ 6 tuổi cũng có sự thông thái.” – bác Joe nói.

Làm Vòng tròn sẽ gặp khó khăn gì?

Chắc hẳn bạn đọc, cũng giống như người viết, đã kịp nghĩ tới những khó khăn về không – thời gian phải đối mặt khi thực hiện Vòng tròn trong trường lớp. Dưới này, người viết gạch đầu dòng một số cái khó đi kèm với cách khắc phục do bác Joe gợi ý:

  • Lớp học có bàn ghế theo hàng lối cứng nhắc: Tạo Vòng tròn “ảo” từ danh sách tên học sinh và đi lần lượt theo danh sách ấy để mời các em; hoặc lâu lâu làm một Vòng tròn thật ngoài trời cho đỡ thèm.
  • Lớp học quá đông học sinh: Tạo thành 2 Vòng tròn đồng tâm hoặc một Vòng xoắn từ trong ra nếu muốn làm theo cả lớp, hoặc tạo nhiều Vòng tròn theo nhóm sau khi truyền đạt đủ “phần cứng” và “phần mềm” cho các nhóm.
  • Có ít thời gian cho Vòng tròn: Không nhất thiết dành toàn thời gian lớp học cho Vòng tròn, có thể làm Vòng tròn ở vài giai đoạn trong giờ học. Hoặc làm những Vòng tròn tốc độ, câu hỏi đơn giản để nói nhanh, chuyền nhanh.

Kết

Một quan niệm về cách tổ chức hệ thống và triết lý giáo dục bất kỳ sẽ định hình tương tác và hành vi trong nhà trường. Từ tương tác giữa nhà quản lý với giáo viên, giáo viên – giáo viên, giáo viên – học sinh, cho tới học sinh với học sinh. Vậy thì mặc cho triết lý hiện tại đang là gì, liệu thay đổi cách thức tương tác giữa ấy qua một thực hành giao tiếp mới có tạo ra hành vi, thái độ khác trong môi trường giáo dục? BTC Chung Sống 22 có niềm tin mãnh liệt này khi giới thiệu những thực hành mới, trong đó có Vòng tròn.

Tuy tập trung mô tả Vòng tròn cho học sinh, nhưng bài viết cũng muốn khuyến khích các buổi gặp mặt, họp hành của tập thể Giáo viên và Quản lý giáo dục cũng sử dụng Vòng tròn với những nguyên lý tương tự. 

Vòng tròn tạo nên một không gian an toàn và bình đẳng, cho mỗi người cơ hội nói lên mối quan tâm của mình, đồng thời trân trọng câu chuyện của những người ngồi trong vòng tròn. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy tác dụng của phương pháp Vòng tròn trong việc tạo tương tác giàu ý nghĩa cho những đối tượng đang cần, từ thanh thiếu niên, học sinh đa sắc tộc, cho tới các bệnh nhân trong môi trường y tế. 

Để tóm lại bài viết đã dài, người viết chia sẻ vài lời kể của các học sinh và giáo viên trong một phóng sự về Vòng tròn.

“Khi thực hành Vòng tròn thường xuyên, học sinh luôn háo hức muốn đến trường.”

“Con nghĩ nếu trường mình không có Vòng tròn thì chắc con chả có cơ hội hiểu về các bạn và thầy cô như này. Và nếu vậy thì tụi con đã không thân thiết như bây giờ.”

Bé Joel mới lớp 2, mỉm cười để lộ hàm răng sún, bẽn lẽn nói: “Mấy bạn sẽ hiểu con nếu họ lắng nghe con. Có bạn thấy con trong sân trường, vui mừng la lên “Ê Joel ơi, tớ biết nhiều về cậu lắm nha. Tớ từng học lớp 2 với cậu và có nghe cậu phát biểu trong Vòng tròn đó.””

Bạn Victoria lớp 8 kể, mỗi khi tụi con làm vòng tròn, mấy bạn hay chia sẻ những điều con chưa biết. Tụi con từ từ thân nhau hơn khi nghe chuyện của nhau. Con thích được như vậy. Con từng ở trong mấy vòng tròn mọi người xúc động đến phát khóc khi nghe câu chuyện của các bạn khác. Con nghĩ vì tụi con đang cùng nói về một thứ, cùng ngắm nhìn nó, và cùng cảm thấy xúc động.”

Hãy để học sinh, giáo viên, nhân viên, nhà quản lý giáo dục thức dậy muốn đến trường.

Tài liệu tham khảo

Lewin, K. (1936). Principles of topological psychology. New York: McGraw-Hill.

Provisor, J. (2021). Circle-Based Pedagogy in a Multiethnic Environment. Pedagogika71(4).

Weigensberg MJ, Vigen C, Sequeira P, et al. Diabetes Empowerment Council: Integrative Pilot Intervention for Transitioning Young Adults With Type 1 Diabetes. Global Advances in Health and Medicine. 2018;7. doi:10.1177/2164956118761808

Weigensberg MJ, Provisor J, Spruijt-Metz D, et al. Guided Imagery Council: Feasibility, Acceptability, and Preliminary Effects of a Novel Group-Based Lifestyle Intervention in Predominantly Latino Adolescents. Global Advances in Health and Medicine. 2019;8. doi:10.1177/216495611984447

Leave a Reply