Hành trình ghi chú bắt đầu từ chuyện học. Từ phổ thông đến thạc sĩ, thường thường đúng ngày học, mình cắp cuốn sổ và tài liệu môn A (hoặc các loại máy) lên lớp xem cần ghi gì. Ghi xong để đó, định bụng khi cần thì tra cứu lại. Tra-cứu, thật là một từ lí tưởng, như thể mình chủ động lắm vậy. Nhưng không.
Bước ngoặt xảy ra dạo tháng 3/2020 khi thực sự phải đọc rất rất nhiều tài liệu cho nghiên cứu: mọi thứ lẫn lộn hết cả, vương vãi khắp nơi. Tìm cái mình chưa biết rất dễ, đôi khi google là có được. Tìm cái mình đã biết, đã đọc, đã viết, đã lưu, đã chụp mới khó. Tổng hợp chúng lại là một trải nghiệm mệt mỏi, thậm chí còn nổi giận với chính mình trong quá khứ.
Ê tao không hiểu hồi đó mày nghĩ gì nữa luôn, giờ lưu vào đâu cũng không nhớ. Thua.
Thấy được vấn đề, mình vòng khắp nơi, từ trong cộng đồng học thuật lết qua sáng tạo nội dung, để tìm giải pháp. Cuối cùng thấy từ khoá: Personal Knowledge Management (PKM).
Dần dần, gốc rễ vấn đề trên bắt đầu được khai sáng: tất cả chúng ta, mình và bạn, bị đánh lừa.
Từ nhỏ, ta đã tiếp cận với kiến thức dưới dạng các môn học riêng biệt. Như bị cố định bởi một cái hộp nhiều ngăn vô hình trong tâm trí, ta ngầm cho rằng ghi chú này của môn A, cái kia cho môn B. Đích đến cuối cùng của những ghi chú theo môn này là bài thi-kiểm tra theo môn. Môn A kiểm tra ghi chú A1-An, B từ B1-Bn. Và sau đó, hoặc không đụng tới, hoặc QUÊN là ta đã từng tiếp xúc với nó. Ta không để ý liên kết của A1 và Bn.
Ghi chú dành cho việc nghiên cứu thì khác lắm. Khi đọc một bài nghiên cứu, như chuồn chuồn, ý tưởng của các tác giả bay loạn xạ với ý tưởng của mình về … ý tưởng của họ. Chủ đề A liên kết với B, phương pháp C dính tới D. Phải đọc A để hiểu D. Trong D có Z. Z hỏi F trả lời. Cuối cùng, nghiên cứu gốc là O.
Ngoài đời y chang, trong một phát minh thì chuyện liên ngành, liên chủ đề là mặc định. Một tiểu thuyết sẽ gồm kiến thức sức khoẻ tinh thần, công nghệ, cảm xúc, mối quan hệ, … Một video được dựng nên bởi cách dùng phần mềm, cách viết kịch bản, cách nói năng … Bài blog này bao gồm hình ảnh và những đoạn chữ ghi từ đời nào. Một phát minh giống như cái bánh pizza, bạn phải gắn nhiều thứ khác nhau lại, nếu không nó chỉ là cục bột.
Ghi chú sống dai, sống khoẻ không chỉ nên tồn tại trong bối cảnh của một môn, một lĩnh vực nữa. Chúng cần liên kết với nhau. Nhận ra điều này, mình dùng qua nhiều apps ghi chú (dùng nhiều cực lắm). Bài này ghi lại những để ý của mình về triết lí đằng sau chúng. Những triết lí này đôi khi người dùng không biết hay người phát triển cũng không cố ý nhưng nó vẫn tồn tại ở đó.
Từ đây nhận thấy cú lừa thứ hai: “tính năng”. Một app ghi chú hay được quảng cáo nào là chèn được hình ảnh, nhận diện chữ viết tay, kẻ bảng được, định dạng nhanh, chia sẻ với người khác. Một thứ khác, cũng là tính năng, lại thường xuyên bị bỏ qua và giao phó cho người sử dụng: cách tổ chức ghi chú.
Tớ có nhiều chức năng hay ho lắm. Còn các bạn thừa thông minh và giỏi giang và có đầu óc tổ chức để có thể tự sắp xếp ghi chú cho mình rồi.
Dựa vào cách tổ chức ghi chú, có thể chia ra 04 kiểu ghi chú: kiểu thủ thư thư viện, kiểu kiến trúc sư, kiểu người làm vườn và kiểu nhà kho. Mỗi kiểu tổ chức có một ưu tiên đặc trưng của nó. Đây không hẳn là bốn loại apps ghi chú vì hoàn toàn có thể biến một app từ kiểu này thành kiểu kia. Tuy nhiên, nếu không đúng apps sẽ cực hơn.
Kiểu thủ thư thư viện
Ưu tiên SẮP XẾP NGĂN NẮP. App sắp xếp ghi chú theo bảng chữ cái hoặc thứ tự thời gian. Folder mẹ > Folder con > Ghi chú. Các ghi chú mới sẽ được sắp xếp vào những categories có sẵn. Ghi chú với ý định lưu trữ và không hề tính trước sẽ làm gì với chúng. Đây là kiểu cổ điển và thường thấy nhất ở vô vàn ứng dụng.
- Apple Notes
- Notability: viết tay, $
- Good Notes: viết tay, $
- OneNote: viết tay – đánh máy
- Evernote: ông nội của các phần mềm ghi chú đây.
Kiểu kiến trúc sư
Ưu tiên KẾ HOẠCH của hệ thống ghi chú. Mỗi folder, mỗi database thực ra là một bản thiết kế. Tức là ghi chú nào ở database nào, database này dẫn tới database kia. Người có phong cách này sẽ cần thời gian để thiết kế cho mình một hệ thống trước khi tiến hành. Thiết kế hệ thống đã cực, duy trì hệ thống cũng chẳng kém. Tuy nhiên, bạn lại tuỳ biến hệ thống thành nhiều thứ hay ho theo nhu cầu của mình.
- Notion: mình quản lí nhiều dự án ở đây.
- Airtable: MindTriibe dùng nó để quản lí sách của cư dân.
- Trello
Kiểu người làm vườn
Uu tiên KẾT NỐI ý tưởng. Cũng như trồng cây, gieo hạt giống A xuống còn nó sẽ nảy mầm thành cây trông ra sao không ai biết. Bạn ghi thì cứ ghi, dọc đường chỉnh đốn tỉa tót, nối ý tưởng với nhau, thành hình gì thì không biết được. Bạn có thể kết nối các ghi chú, thậm chí kết nối một đoạn bên trong đó, và hiển thị những liên kết này bằng bản đồ. Đây là triết lí của hộp ghi chú Zettelkasten của Niklas Luhman. Những apps dưới đây được thiết kế để kết nối các ghi chú với nhau và biểu diễn cho mình thấy.
- Roam Research: 15$ (đắtttttt nhưng xắt ra miếng đó, nhưng vẫn đắt). Mình đã review nó ở đây.
- Obsidian: Miễn phí và ngầu không kém Roam. Đây là công cụ ghi chú chính của mình hiện tại.
- RemNote: Ghi chú, liên kết, tạo flash-card. Mình dùng nó để được điểm A+ môn Environmental Science.
- Zettelkasten phiên bản phần mềm của Daniel Lüdecke
Kiểu nhà kho
Uu tiên CẤT NHANH CHO KHUẤT MẮT. Bạn có một không gian mà trong đó cất tất cả những thứ tạm thời không dùng đến và cóc cần một cách sắp xếp nào chứ? Bạn chỉ muốn đẩy những thứ đang có trước mặt hoặc trong đầu ra ngoài ngay.
- Drafts: Không app nào giỏi chuyện này hơn Drafts. Khi mở, thứ hiện lên đầu tiên là bàn phím để sẵn sàng ghi note mới.
- Google Keeps
Bạn phù hợp với kiểu ghi chú nào?
Kiểu nào cũng có lợi thế và phù hợp nhất với một số loại tác vụ khác nhau. Bạn hoàn toàn có thể kết hợp chúng lại nếu muốn.
Còn mình đã trải qua một giai đoạn trầy trật nhưng vui vô cùng tạo nên một hệ thống đơn giản nhưng ngon lành. Tuy vậy, mình vẫn tối ưu nó dọc đường đi.
Bạn đã dành 10 phút cuộc đời để đọc một bài viết về chuyện ghi chú ư? Chúc mừng bạn. Ban đầu, người ta chọn công cụ để phục vụ cho mình. Dần dần, chính công cụ lại gây ảnh hưởng lên họ.
The Too Blue Scientist
Cách đặt tên 4 phong cách tham khảo từ bài How to choose the right note-taking app: https://nesslabs.com/how-to-choose-the-right-note-taking-app
Cảm ơn anh đã chia sẻ ạ. Em đã đọc bài viết của anh về Zettlekasten và bài viết này. Không biết anh có thể chia sẻ thêm về cách anh ghi chú trên Obsidian không ạ? Khi tìm hiểu em thấy có nhiều người dùng Obsidian theo pp Zettlekasten ấy ạ. Ko biết cách anh ghi chú sách, hoặc cách ghi chú các fleeting note, permanent note thế nào và cách anh sử dụng chúng trong quá trình viết/ chuẩn bị viết ạ?
Chào Châu,
Hiện anh cũng dùng Obsidian là bộ não thứ hai của mình. Về cách ghi chú fleeting notes và permanent notes chắc sắp tới anh sẽ … ghi chú một vài bài viết nữa trên đây.
Riêng với sách, anh sử dụng cách đọc với Marginalia: https://thetoobluescientist.com/marginalia/ và app Readwise: https://thetoobluescientist.com/digital-marginalia-quan-ly-highlight-sach-bang-readwise/
Em có thể tham khảo thêm ở đây nhé.
Dạ em cảm ơn anh. Mong chờ bài viết tiếp theo của anh ạ!
Cảm ơn anh đã chia sẻ ạ. Em đã đọc bài viết của anh về Zettlekasten và bài viết này. Không biết anh có thể chia sẻ thêm về cách anh ghi chú trên Obsidian không ạ? Khi tìm hiểu em thấy có nhiều người dùng Obsidian theo pp Zettlekasten ấy ạ. Ko biết cách anh ghi chú sách, hoặc cách ghi chú các fleeting note, permanent note thế nào và cách anh sử dụng chúng trong quá trình viết/ chuẩn bị viết ạ?
Chào Châu,
Hiện anh cũng dùng Obsidian là bộ não thứ hai của mình. Về cách ghi chú fleeting notes và permanent notes chắc sắp tới anh sẽ … ghi chú một vài bài viết nữa trên đây.
Riêng với sách, anh sử dụng cách đọc với Marginalia: https://thetoobluescientist.com/marginalia/ và app Readwise: https://thetoobluescientist.com/digital-marginalia-quan-ly-highlight-sach-bang-readwise/
Em có thể tham khảo thêm ở đây nhé.
Dạ em cảm ơn anh. Mong chờ bài viết tiếp theo của anh ạ!