Bài này viết gì?
Khai blog đầu năm thôi. Trong năm mới này, một trong những điều mà mình mong muốn nhất và có mục tiêu tương đối cụ thể là có một nền tài chính cá nhân “khỏe mạnh”.
Thế là thế nào? Nếu bạn muốn tìm hiểu thì đọc tiếp nhé 😀
Những tháng đầu mới bắt đầu đi làm mình cũng có kế hoạch chi tiêu nhưng không cụ thể. Thu nhập ít hay nhiều cũng đều lo lắng mong đến ngày có lương, thực sự mệt mỏi. Tiết kiệm được một ít thì lại có việc phải dùng hết. Từ lúc đó mình đã ý thức được rằng do mình không được dạy về quản lý tài chính nên mới xảy ra cơ sự như thế. Do đó, mình phải bắt đầu tự học.
Một chuyên gia, một mentor có nhiều ảnh hưởng tới mình đã giới thiệu cuốn sách Rich Dad, Poor Dad huyền thoại, là cuốn hay nhất trong series của Robert Kyosaki. Qua cuốn sách, mình gọi tên được cách mà mình hay được giáo dục về tiền bạc trong gia đình khi còn nhỏ: tiền là xấu, đừng có cố gắng kiếm tiền, dù nó là vấn đề hay được nhắc đến với thái độ “không vui vẻ” nhất.
Cuốn sách cuối cùng của năm Đinh Dậu mà mình đọc có tên là You Need A Budget. Đây có thể coi là sách hướng dẫn sử dụng hay phương pháp của nền tảng ứng dụng quản lý tài chính cùng tên, phát triển bởi Jesse Mecham. Nếu Rich Dad, Poor Dad giúp bạn có nền tảng cho việc kiếm thêm nhiều tiền hơn thì YNAB có thể giúp bạn quản lý tốt số tiền đang có và sắp có.
Cụ thể, phương pháp của YNAB có bốn ý chính như sau:
Give Every Dollar A Job – Cho mỗi đồng tiền một công việc
Mỗi khi nhận được thu nhập hoặc có thêm tiền từ bất kỳ nguồn nào, bạn hãy dành thời gian để phân chia ngay công việc cho nó. Không để khoản tiền nào gọi là nhàn rỗi, dù nó có nhàn rỗi thật.
Để phân chia thì bạn cần lập ra danh sách ưu tiên. Ghi hết những thứ thường phải chi tiêu ra và sắp xếp nó theo thứ tự. Không nhiều lắm đâu!
Khoản nào là quan trọng nhất mà bạn phải trả đúng hạn để đảm bảo cuộc sống? Thiếu chúng thì cuộc sống của bạn sẽ gặp nhiều khó khăn: Trả nợ, tiền thuê nhà, tiền ăn uống, tiền đi lại. Khoản nào tăng thêm sự tiện nghi cho cuộc sống, giúp bạn thoải mái hơn nhưng không có cũng không sao? Khoản nào bạn hoàn toàn không cần?
Khi liệt kê và phân việc cho phần chi tiêu xong mà vẫn dư thì bạn cần làm gì? Bạn phải tiết kiệm. Nhưng nói thế là rất chung chung nên mới cần tới bước thứ hai.
Embrace Your True Expense – Lường trước những khoản chi trong tương lai
Nếu chỉ đơn giản để riêng tiền ra, bạn sẽ gặp phải một số tình huống khó chịu. Có những việc phải chi tiêu mà bạn biết chắc thời hạn: đóng bảo hiểm, đóng học phí, khám sức khỏe định kỳ, mua sắm vào dịp cuối năm, đám cưới :). Có những việc bạn biết chắc là sẽ phải có dù không có hạn trước: sinh nhật người thân, đám cưới bạn bè, biếu quà Tết …
Hãy có tầm nhìn xa một tí và chia nhỏ những khoản chi tiêu đó ra thành những tháng nhỏ để bạn tránh phải bất ngờ khi những việc đó xảy đến. Ví dụ mình cần mua cái máy ảnh, đùng một cái làm gì có tiền. Nhưng nếu chia nhỏ ra thành từng tháng thì nếu mỗi tháng để ra 1 triệu (với mục tiêu mua máy ảnh) thì đầu năm sau là mình có máy để đi vòng vòng chụp ảnh đường phố rồi.
Roll With The Punches – Thay đổi ngân sách
Để giảm thiểu tác động từ những cú đánh, những tay đấm bốc thường di chuyển theo chiều của cú đấm của đối phương để làm giảm vận tốc tương đối giữa khuôn mặt xinh đẹp của mình và nắm đấm. Ý nghĩa của nguyên tắc này là bạn hãy thoải mái tăng giảm những budgets mình đã lập ra qua hai nguyên tắc trước.
Có một lý thuyết phân chia tiền bạc theo sáu chiếc lọ (six jars) tương đương với sáu khoản tiền tương đương với mức thu nhập. Mình đã thực hiện nó được vài tháng và thấy rất bí bách do những hạng mục được phân chia cố định và thấy tội lỗi khi mình tiêu quá tay một hạng mục nào đó.
Nếu bạn có thể lỡ ăn nhà hàng quá nhiều thì hãy chịu khó đi bus đi làm thay vì đi Uber. 🙂
Age Your Money – Kéo dài thời gian sử dụng tiền
Đây là cách đánh giá xem bạn thực hiện những nguyên tắc kia hiệu quả tới mức nào. Càng kéo dài thời gian sử dụng tiền từ khi bạn nhận được nó càng lâu càng tốt. Một khoản an toàn để bạn tiết kiệm là 6 tháng số tiền phải chi tiêu hàng tháng. Sau đó, bạn có thể thoải mái và dành nhiều hơn để đầu tư vào việc khác.
Ngoài ra, cuốn sách còn có hai chương liên quan tới việc quản lý tiền khi đang mắc nợ và giáo dục con cái về tiền bạc. Mời bạn đọc thêm cuốn sách You Need A Budget.
Chúc bạn một năm mới dồi dào sức khỏe và có một đời sống tài chính cá nhân “khỏe mạnh” không kém.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết,
Hải Nguyễn