(Bài dịch) Cuộc chiến giành lại sự chú tâm – Phần cuối

You are currently viewing (Bài dịch) Cuộc chiến giành lại sự chú tâm – Phần cuối

Đối với hầu hết mọi người, chú tâm không hẳn là tập trung vào một điểm nhìn. Nó giống làn gió thoảng qua cửa sổ và phảng phất hương thơm hơn. Ta cảm nhận được sức mạnh của sự chú tâm khi đọc một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, hay khi lần đầu viếng thăm một nơi chốn lạ, tò mò quan sát mọi vật thể bên trong. Đối với Maurice Merleau-Ponty, nhà hiện tượng học ở những năm 1950, sự chú tâm là thứ khó hiểu đối với thời hiện đại. Nó là cội nguồn để giải thích tại sao khoa học thực chứng và lý lẽ đơn thuần lại thất bại trong việc ghi nhận thế giới ở mức bản chất. Thời hiện đại coi trọng đo lường khách quan và truyền bá kiến thức hơn là trải nghiệm, nhưng mà hàng thiên niên kỷ qua, chính trải nghiệm lại gắn chặt với kiến thức: đã có thời kỳ người cao tuổi từng trải được coi là thánh nhân của các tộc người đấy thôi.

“Có được tính khách quan là một thành công lớn đấy. Nhưng chỉ trọng tính khách quan thì lại thiêu rụi mảnh đất của những trải nghiệm màu mỡ và hạ cấp chúng xuống chỉ còn là ‘ý kiến cá nhân’,” Burnett thừa nhận như thế trong một bữa ăn ở Southampton, New York, nơi một nhóm Điểu viên đang nhận hỗ trợ lưu trú từ nghệ sĩ Robert Wilson. Phòng ăn nhỏ có các Điểu viên là Loh, Fox, và vài người khác. “Nếu môn ‘Hiện tượng học’ mà biết nói năng, chắc nó sẽ gào lên ‘Ê sao không quay về với trải nghiệm đơn thuần đi, đừng chia ra khách quan với chủ quan nữa. Chứ cứ để như bây giờ thì chủ quan sẽ luôn bị coi là yếu thế thôi.” Burnett bàn luận. “Liệu chúng ta có thể quay về với trải nghiệm tự thân mà vẫn tạo ra được một thứ hoàn toàn có thực, bên cạnh cảm xúc không?”

Chiều đó, tôi đi dạo với Loh, người tự tìm ra Hội Đệ Tam Điểu trước khi gặp Burnett. “Mọi thứ tôi gặp trong cuộc sống đều chứng tỏ rằng thế giới thực thú vị hơn nhiều so với hình ảnh của nó trong đầu tôi.” Nguyên tắc của Hội nhằm tránh diễn giải và phán xét một tác phẩm dường như cũng áp dụng cho con người. “Không nên nghĩ là bạn thực sự hiểu người khác,” Loh nói. “Tôn trọng một người là làm gì? Tôi nghĩ là chú tâm thôi. Bạn chú tâm vào họ.”

Đối với một số người, thực hành chú tâm cùng nhau không chỉ liên quan đến đạo đức mà còn cả chính trị. Kristin Lawler, giáo sư xã hội học tại Mount St. Vincent và là tác giả của một sách chuyên khảo về môn lướt sóng, hứng thú khi nghĩ về Hội Đệ Tam Điểu như là “những người đang cùng nhau tạo ra thế giới của riêng mỗi người.” Cô còn nói, “‘Dòng thác’ hình ảnh (ý chỉ các ứng dụng mạng xã hội hình ảnh – n.d) ập tới hàng ngày hàng giờ đang phá hủy tính chủ quan của chúng ta.” Nó khiến mỗi cá nhân, nhất là những người trẻ, càng có ít không gian để tự khám phá điều thu hút mình. Theo lẽ đó thì việc đoạt lại sự chú tâm chắc chắn là một động thái cách mạng.

Trong cuốn sách “Một thế hệ âu lo”, nhà xã hội học và chuyên gia Jonathan Haidt liên kết công nghệ điện thoại thông minh với tình trạng trầm cảm ngày càng gia tăng và các ảnh hưởng xấu khác ở thanh thiếu niên. “Gen Z là . . . đối tượng thử nghiệm cho một cách trưởng thành hoàn toàn mới, khác xa với tương tác trong thế giới thực của các cộng đồng nhỏ trước đây,” ông viết. “Họ cứ như là thế hệ đầu tiên lớn lên trên sao Hỏa vậy.”

Để tìm kiếm câu trả lời, Lawler, Len Nalencz và những người khác bắt đầu giảng dạy ở một tổ chức chính họ đã giúp thành lập, Trường Chú tâm Cấp tiến Strother. (Ngôi trường được đặt theo tên của Matthew Strother, một Điểu viên trẻ đã qua đời năm ngoái vì ung thư.) Ngôi trường này do một tổ chức có tên Làm bạn với sự chú tâm điều hành. Nơi đây tổ chức các buổi hội thảo tại các trường phổ thông công lập ở New York. Họ cũng tổ chức các khóa học buổi tối dành cho người lớn và workshop “Phòng thí nghiệm chú tâm” miễn phí vào mỗi cuối tuần. “Không nhất thiết phải là Điểu viên mới có thể trải nghiệm những hiệu ứng tương tự,” Burnett nói.

Vào một buổi chiều thứ Bảy, tôi ghé thăm một buổi hội thảo dành cho người lớn của trường Strother tại một nhà văn hóa ở Lower East Side. Khoảng năm mươi người tham dự, nhiều người trong số đó dưới ba mươi tuổi. Peter Schmidt, giám đốc chương trình sáng lập trường, và cựu học viên của Burnett kể: “Những người trẻ, trong đó có nhiều người tôi biết mặt và ngưỡng mộ, đến đây bày tỏ: ‘Tôi muốn làm việc hiệu quả hơn’. Tuy nhiên, khi vào hội thảo rồi, chúng tôi tạo điều kiện cho cả những trải nghiệm không hữu hình xuất hiện.”

Chúng tôi ngồi trên ghế, trong một vòng tròn lớn; ánh sáng chiếu qua dãy cửa kính trải suốt từ trần nhà đến sàn.

“Trong ít phút nữa, tôi mời bạn chọn một vị trí bất kỳ trong căn phòng này mà bạn có thể tập trung để tâm vào,” Schmidt nói. “Mời bạn hãy chú ý đến điều gì đó nằm ở rìa tầm nhìn của mình.”

Anh ấy đợi mười giây trong khi chúng tôi làm bài tập, rồi rung chuông.

“Khi đã hướng mắt về một điểm rồi mà trong tầm nhìn của bạn vẫn có một phần khác đang dịch chuyển. Phần đó là gì? Cái gì trong bạn đã chuyển động?” Tất nhiên là sự chú tâm. Bài tập của Schmidt cho thấy sự khác biệt giữa chuyển động của tâm trí và chuyển động của mắt.

Trong hai giờ tiếp theo, có những bài thực hành ngắn khác để người học cô lập và trau dồi sự chú tâm. Nhà sản xuất âm nhạc và D.J. Troy (Bachtroy) Mitchell, đôi mắt có lông mi dài và mặc chiếc áo nỉ màu xanh lá chanh, chơi một bản nhạc thử nghiệm trong bốn lần, hướng dẫn những người tham gia nghe theo một cách khác nhau sau mỗi lần chơi. Loh và một đồng nghiệp thì đưa một nhóm người lên ban công để nghiên cứu cảnh quan thành phố theo bốn cách: nhìn trực tiếp, qua chế độ selfie, nhìn phản chiếu (trong mặt gương của màn hình điện thoại đã tắt) và nhắm mắt hoàn toàn. Sau đó, họ tập hợp thành một vòng tròn nhỏ, giống của Hội Đệ Tam Điểu, để kể lại trải nghiệm của mình.

Nalencz kể cho tôi nghe về nguồn gốc của ngôi trường dạy Chú tâm đặc biệt này. “Tôi đã gặp những con người tuyệt vời ở Hội Đệ Tam Điểu, nhưng họ là ai? Học giả này, nghệ sĩ này, chủ yếu là người da trắng,” ông nói. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng nạn nhân lớn nhất của “nạn săn bắt” sự chú tâm là những người trẻ tuổi từ các cộng đồng có nguồn lực hạn chế. Giống như các sinh viên của ông, những người tiếp cận văn hóa công cộng chủ yếu qua điện thoại. “Tôi nghĩ cần phải cố gắng tiếp cận những sinh viên thực sự thông minh nhưng (a) sẽ không đến bảo tàng vì bận học và (b) chỉ có điện thoại chứ không có sách.”

Jahony Germosen, sinh viên của Nalencz, năm cuối chuyên ngành tiếng Anh sinh ra ở Cộng hòa Dominica và lớn lên ở Bronx. Mặc dù đạt điểm A trong các lớp ông dạy nhưng cô không đi học đều. Nalencz động viên cô khắc phục bằng nhiều cách khác nhau.

“Thầy Nalencz nói, ‘Tôi là thành viên của tổ chức phi lợi nhuận này. . . . Em có muốn đến thử không?,” Germosen kể lại. Cô làm theo và trải nghiệm ở trường Dạy Chú tâm Strother khiến cô cảm động. “Em không biết diễn tả cảm giác đó như thế nào. Đôi khi em cảm thấy thế giới tạo ra mọi thứ và có vẻ mọi người đều có thể bị thay thế, như thể em chẳng có giá trị cá nhân nào cả. Nhưng khi đến đây, dường như mọi thứ đều quan trọng. Em quan trọng. Tòa nhà này quan trọng.” Khi biết người hướng dẫn trẻ nhất ở Trường Chú tâm Strother chỉ tầm hai mươi bảy tuổi, Germosen đã xin gia nhập đội ngũ nhân viên luôn. Cuối buổi, Germosen nhanh chóng trở thành người dọn dẹp cho workshop.

Không phải mọi Điểu viên đều thấy thoải mái khi Hội Đệ Tam Điểu trở nên có tiếng. Dorothea von Moltke, chủ cửa hàng Labyrinth Books, bang New Jersey, giãi bày: “Tôi ngừng tham gia Hội mấy năm rồi. Tôi có bao giờ quan tâm tới những thứ phô trương đâu, thứ tôi thích ở Hội là sự bí ẩn và bất cần cơ.” Tuy nhiên, một đội ngũ tiên phong mới đang hình thành trong Hội. “Tôi thấy những thực hành của Hội quan trọng ở chỗ chúng cởi mở và mọi người có toàn quyền tự do sáng tạo và điều chỉnh,” một người xưng là Daphne và từng làm việc tại một tổ chức hỗ trợ cộng đồng xuyên quốc gia ở Montréal chia sẻ. “Cách tôi đang luyện tập với mọi người ở Montréal bây giờ rất khác với cách tôi từng được giới thiệu.”

Những người cùng thực hành phương pháp của Hội với Daphne ở Montreal phần lớn là các cô gái mại dâm. Daphne kể: “Mối quan hệ của họ với thành phố gắn liền với lịch sử sử dụng vũ lực triệt phá ổ mại dâm ở khu đèn đỏ.” Hồi lâu, một đợt triệt phá xoáy vào mặt tiền của một câu lạc bộ thoát y đã ngừng hoạt động. Vài tuần sau, chỗ ấy bị thiêu rụi luôn. Daphne tin đấy là một vụ cố ý phá hoại: với họ, một phần thế giới đã bị xóa bỏ. Daphne cảm thấy sự chú tâm của mọi người ở đây có một ý nghĩa nhất định. “Sẽ rất khác nếu tôi và các cô gái này tập trung vào một tác phẩm của nghệ sỹ nổi tiếng nào đó chả liên quan,” cô nói.

Một buổi chiều mưa, tôi tới theo dõi hoạt động do một Điểu viên New York khởi xướng ở Bảo tàng Mới. Khi tiếng chuông đầu tiên vang lên, từ trong đám đông bốn Điểu viên tụ tập thành cụm trước tác phẩm “The Giantess (Người bảo vệ quả trứng)” của Leonora Carrington—một bức tranh siêu thực về một người phụ nữ bị đàn chim vây quanh. Nhóm gồm hai thanh niên rụt rè và hai phụ nữ mặc áo mưa, trông cũng vô hại thôi, nhưng khi chuông báo pha Nhận thức vang lên thì các anh bảo vệ xung quanh cảnh giác hơn, ngó quanh các bức tường và báo tin cho nhau. Những du khách có mặt ở đó thì sửng sốt, như thể bị mê hoặc bởi cái gì thì không rõ. Phản ứng kiểu đó thì bình thường rồi.

 Bức tranh The Giantess của Leonora Carrington.  https://www.arthistoryproject.com/artists/leonora-carrington/the-giantess

Bức tranh The Giantess của Leonora Carrington. https://www.arthistoryproject.com/artists/leonora-carrington/the-giantess

“Ngay cả những nơi dành cho nghệ thuật như viện bảo tàng cũng không được thiết kế để người ta ngắm một bức tranh nhiều hơn 15 giây tiêu chuẩn,” Burnett nói. Những vụ phá hoại nghệ thuật gần đây dẫn đến việc thắt chặt an ninh, nhưng từ trước tới giờ luôn có áp lực. (Trong số các chi hội Đệ Tam Điểu địa phương ở New York, Guggenheim là nơi tự do nhất.) Vào năm 2014, Nalencz khởi xướng đề bài là một bức tranh tường của Julie Mehretu tại sảnh của tòa nhà Goldman Sachs ở khu Hạ Manhattan. Công ty thực hiện triển lãm nói là tác phẩm được trưng bày công khai, người qua đường có thể nhìn thấy nó qua cửa sổ lớn ở sảnh. Nhưng ngay khi các Điểu viên bắt đầu tụ tập trên vỉa hè, bảo vệ đã yêu cầu họ rời đi. Nalencz vẫn điều phối các Điểu viên tiếp tục xem bức tranh tường qua cửa sổ ấy. Vài phút sau thì cảnh sát đến.

“Các anh cho tôi hỏi đây có phải vỉa hè công cộng không?” Nalencz nói với các sĩ quan. “Chúng tôi chỉ đang xem bức tranh kia, nó được trưng bày công khai mà.”

“Nhưng không ai trong các anh đang nhìn tranh cả,” một sĩ quan chỉ ra. Thì đúng như vậy: giai đoạn Phủ định đang diễn ra mà. Một Điểu viên đang quan sát bụi cây. Một người khác hình như đã ngồi ngủ gục.

“Đây rõ ràng là một phần trình diễn,” một sĩ quan quả quyết. “Các anh có giấy phép không?”

Thoạt Nalencz nhìn viên sĩ quan, rồi quay sang những Điểu viên xung quanh, rồi lại tới viên sĩ quan. Nalencz hơi nghiêng người về phía trước, nói nhỏ như thể một bí mật. “Tôi không thấy nó giống một màn trình diễn lắm đâu, anh thấy có đúng không?”

Tác phẩm tranh tường của Julie Mehretu: https://www.flickr.com/photos/sixteen-miles/4516600528

Cấu trúc tôi học được từ Knauss—Gặp gỡ, Chú tâm, Vô hiệu, Chứng ngộ—là Giao thức Chuẩn trong Hội. Có nhiều biến thể khác nữa. Có Giao thức Vetiver dành cho việc chú tâm tới nước hoa. Có Giao thức Cảnh giác biển, dành để chú tâm dưới nước. (Bước cuối của giao thức này là “Nổi lên; thả lỏng ‘mang’ ra.”) Một số biến thể sớm bị bỏ quên, còn lại những cái thành công nhất. Đối với các Điểu viên ở Thượng Hải và Beirut, hai nơi mà người tham gia tụ tập công cộng có thể gặp phải rủi ro thực sự, Burnett đã giúp phát triển Giao thức Doppler để Điểu viên chú tâm trong khi đi bộ. Trong đó, pha Chú tâm diễn ra trên đường tới gần với tác phẩm; pha Phủ định là ngay tại thời điểm tiếp cận được tác phẩm; và pha Chứng ngộ diễn ra khi rời đi khỏi tác phẩm. “Chúng tôi gọi nó là Chứng ngộ Orpheus” (Orpheus là một thi sĩ trong thần thoại Hy Lạp. Người phải hứa không được ngoái đầu nhìn lại vợ mình để bảo toàn tính mạng cho nàng, n.d.) Trở lại New York, Burnett thử nghiệm Giao thức này với bức tượng Christopher Columbus ở Vòng xoay Columbus, với các Điểu viên đi theo Đại lộ số 8.

Một trong những giao thức có ảnh hưởng nhất là Prosphorion, dành cho các tác phẩm quan trọng nhưng không thể tiếp cận được. Trong giao thức này, một trong những người tham gia “trở thành” chính tác phẩm đó. Nalencz từng đóng vai làm “Vòng cung nghiêng”, tác phẩm điêu khắc của Richard Serra được lắp đặt ở Quảng trường Foley và bị dỡ bỏ vào năm 1989 sau nhiều tranh cãi. Một lần nữa, Nalencz bị một người bảo vệ bắt gặp. Lần này, Nalencz kêu lên “Tôi là một tác phẩm điêu khắc!” và đứng đó hiên ngang đúng kiểu “Vòng cung nghiêng”. (Người bảo vệ nói “Okay,” rồi đi tiếp.)

Tôi chưa từng chứng kiến Giao thức Prosphorion. Nhưng một số Điểu viên nói với tôi rằng giao thức này mang tới sức nặng cảm xúc bất ngờ. Trong pha cuối cùng, tác phẩm vắng mặt nhưng lại “tham dự cùng bạn.” Catherine Hansen nói: “Nhiều người đã khóc hoặc bần thần luôn. Thật khó để không nghĩ đến những thứ bạn đã đánh mất hoặc đang thiếu sót.” Caitlin Sweeney, giám đốc ấn phẩm kỹ thuật số của Viện Wildenstein Plattner, nơi sản xuất các catalogue raisonné, đã rất xúc động sau buổi chú tâm dành cho “Vòng cung nghiêng” ấy. Xúc động đến mức Caitlin viết một bài cảm thụ gửi cho người bạn đang làm việc cho chính tác giả Richard Serra. Chính cô cũng ngạc nhiên khi nhận lại phản hồi nhiệt tình từ vợ của Serra, và bài viết này đã được thêm vào hồ sơ tác phẩm điêu khắc của studio Serra. Đây là sự kiện đưa một tác phẩm nghệ thuật về sự chú tâm của Hội Đệ Tam Điểu trở thành một phần trong các tác phẩm khét tiếng nhất của Serra.

Tác phẩm Tilted Arc của Richard Serra https://www.sartle.com/artwork/tilted-arc-richard-serra.

Bằng chứng như vậy về tầm ảnh hưởng của Hội Đệ Tam Điểu khiến tôi càng thắc mắc về nguồn gốc của nó. Sweeney không chắc Hội đến từ đâu. Adam Jasper nói, “Tôi nghi lắm mà đâu dám kết luận. Xém nữa tôi đã cho rằng chính Graham Burnett là người đã phát minh ra phương pháp này.” Còn Burnett thì nói, “Tôi luôn nghĩ nó mang màu phong cách Pháp.”

Tôi tới kho lưu trữ các bài viết chưa được xuất bản về các hoạt động của Hội Điểu. Vì những lý do bí ẩn nào đó, chúng được đặt trong một chiếc rương lớn ở một góc văn phòng của Cody Upton, giám đốc điều hành Học viện Nghệ thuật và Thư từ Hoa Kỳ. Xem xét kỹ các tài liệu, tôi nhận thấy không có hồ sơ nào về các hoạt động của Hội trước năm 2010 cả. Hansen gợi ý: “Hay anh nói chuyện với Jeff Dolven và Sal Randolph xem sao. Họ rất có thể là những người chứng kiến ‘vụ nổ lớn.’”

Khi tôi hỏi thì Dolven cười. “Khi bắt đầu luyện tập, tôi không để ý lắm tới các hoạt động khác của Hội,” anh nói một cách mơ hồ. “Lúc ấy có tôi, Graham và Sal Randolph. . . Thế anh nói chuyện với Sal chưa?”

Randolph, một nghệ sĩ và tác giả cuốn sách “Công dụng của nghệ thuật”, hẹn gặp tôi tại quán Think Coffee ở Manhattan. Tóc cô cắt ngắn và nhuộm màu xanh dương đậm. Cô bắt đầu quan tâm đến sự chú tâm vào cuối những năm 90 khi làm nghệ thuật ở Provincetown. “Tôi dành cả mùa đông để tạo ra một loạt tác phẩm, sau đó đem trưng bày chúng trong hai tuần mùa hè.” Cô quan sát, “Khi xem tranh, mọi người hay ‘nhảy’ một điệu quen thuộc này: Tôi tiếp cận một tác phẩm, tôi nghiêng đầu một chút, gật đầu nhẹ và bước sang tác phẩm tiếp theo. Thời gian cho mỗi lần chừng hai hoặc ba giây.” Sau nhiều tháng liên tục vẽ tranh, phản hồi như vậy ít ỏi một cách phi lý quá. “Tôi cảm thấy nghệ thuật, thơ ca, và các công trình văn hóa đang bị lãng phí với tốc độ chóng mặt.”

Năm 2010, Randolph gặp Burnett trong một hội thảo. Anh ta đang làm việc với Dolven và ba người họ bắt đầu trò chuyện. Cô tường thuật: “Chúng tôi nghĩ đến những tác phẩm nghệ thuật cần được quan tâm nhiều hơn so với tình hình hiện tại.” Tôi nói với Randolph là trước 2010 tôi không tìm thấy tài liệu nào về Hội Đệ Tam Điểu cả, cô có biết gì về nguồn gốc của Hội không? Cô ấy im lặng. “Cảm giác khi vào Hội giống như là gặp một nhóm người quen thuộc thôi,” cuối cùng cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi. “Nhưng cái Hội này thì thực sự đã lâu đời rồi.”

Lần cuối cùng đến thăm Burnett, tôi thấy anh đang có tâm trạng hưng phấn. Anh bảo tối đấy sẽ có một đề bài nữa của Hội – “một ca cần sự chú tâm tới mức y chang các y bác sĩ cấp cứu luôn”. Lần này, tác phẩm là bức điêu khắc công cộng của Peter Lundberg, được bao quanh bởi đoạn đường nối lên cầu George Washington cách đó không xa. Các Điểu viên để mắt đến nó đã nhiều năm. Đi ô tô thì có thể thoáng thấy nó bên vệ đường, nhưng trước đây thì không có cách nào để dừng lại quan sát. Năm ngoái, Cảng vụ mở lại lối đi bộ về phía bắc đã lâu không hoạt động của cầu, giờ người đi bộ có thể nhìn thấy đoạn đường này.

Tác phẩm điêu khắc của Peter Lundberg https://www.flickr.com/photos/jag9889/38343527434

Tôi đến hiện trường sớm. Gần tới nơi, tôi đi ngang qua Brad Fox đang ngồi trên băng ghế ở trạm xe buýt trong chiếc áo mưa màu hải quân; theo phong cách vốn dĩ của Hội, anh ấy chả buồn bộc lộ mình là một Điểu viên. Lối đi được lót hai bên bởi hàng rào mắt xích và đường ray màu xanh lá cây. Vài người đi xe đạp cắt ngang các khúc cua. Trên mặt đất gồ ghề, gần một chiếc xe tải đang đỗ, có một tác phẩm điêu khắc bằng thép và bê tông trang nhã, như thể ai đó đặt nó xuống bên đường và quên nhặt lại. Tôi nhận thấy một bóng người quen thuộc trên lối đi: Burnett, với chiếc áo hoodie màu xám kéo qua đầu.

Một phút sau, Nalencz đi tới, mặc áo khoác đen và đội mũ thể thao có dòng chữ “PILSNER”. Tôi cũng nhìn thấy Loh, rồi Fox, rồi Kristin Lawler. Cuối cùng cả nhóm tụ lại thành một cụm ở phía bắc của lối đi. Một người đàn ông tóc bạc tham gia cùng họ một lúc, cố gắng nhìn xem họ đang thấy gì. Khi tiếng chuông báo hiệu pha Vô hiệu vang lên, những Điểu viên di chuyển ra khỏi đội hình. Burnett tò mò nhìn một tấm lưới thoát nước. Fox nằm xuống một thảm cỏ yên tĩnh.

Một cơn gió thổi đến. Nước sông Hudson chuyển màu xám ủ rũ. Lối đi tạo thành hình móng ngựa xung quanh tác phẩm điêu khắc. Cao hứng, Nalencz rung chuông báo pha Chứng ngộ khi dẫn nhóm đến phía còn lại của khúc cua. Họ tập trung thành một cụm mới theo chiều ngược lại: năm người đang cống hiến mọi sức chú tâm mà mình có cho một tác phẩm nghệ thuật lặng lẽ nằm đây bao năm qua. Có khi chính tôi đang tưởng tượng, nhưng tôi thấy rõ khung sườn thép của tác phẩm điêu khắc này đang lóe lên với tầm quan trọng hoàn toàn mới, do chính sự chú tâm của năm người họ mang lại.

Hoàng hôn buông xuống, một sợi dây vàng mỏng vắt ngang đường chân trời New Jersey. Tôi đã quan sát những con người vận dụng sức mạnh kỳ lạ của mình lên các tác phẩm nghệ thuật. Đây là một trong những điều chân thực nhất mà tôi từng chứng kiến.

Leave a Reply