(Bài dịch) Cuộc chiến giành lại sự chú tâm – Bản đầy đủ

You are currently viewing (Bài dịch) Cuộc chiến giành lại sự chú tâm – Bản đầy đủ
Tranh minh hoạ của Brian Rea.

Đây là bản dịch của The Too Blue Scientist. Đây là lý do mình dịch bài này. Bạn có thể đọc bài viết gốc tại địa chỉ: https://www.newyorker.com/magazine/2024/05/06/the-battle-for-attention . Tranh minh hoạ 1 của Brian Rea.

Cách đây không lâu, trên một chuyến tàu điện, tôi có một trải nghiệm quen thuộc và đáng ngại khi đứng sau lưng một hành khách và theo dõi những điều cô ấy làm trên điện thoại. Lúc ấy đúng giờ cao điểm, trong ánh đèn lờ mờ, con tàu điện cổ nhất thành phố New York chật ních người. Điện thoại cô sáng choang, những đoạn video liên tục “chảy” qua như một dòng thác. Xem mỗi video chừng bốn, năm giây, cô đẩy nó đi bằng một cú vuốt của ngón tay cái. Rồi cô mở sang ứng dụng tin nhắn, chẳng để làm gì, và vuốt quay lại. Lúc này, màn hình hiện ra vài người ăn vận chỉn chu làm trò trên khuôn mặt dí sát vào máy ảnh như những diễn viên kịch câm. Trông như họ đang thèm khát một thứ mà ngay cô không thể cho được: sự chú ý. Tôi ngượng chín người khi nhớ ra chính mình vẫn hay làm thế ở cả hai phía màn hình. 

Bao năm qua, chúng ta nghe ra rả các lý do khiến khả năng chú tâm của con người suy giảm. Công nghệ – một công viên giải trí sôi động nằm ngay trong chiếc màn hình bỏ túi – đeo bám lấy chúng ta. Nhịp sống hiện đại náo động và vụn vỡ hất sự tập trung sang một bên. Tưởng chừng nỗi lo đã biến mất khi nhiều nghiên cứu chất lượng về chủ đề này đã được công bố từ những năm 40 của thế kỷ trước, khi vô tuyến truyền hình cũng từng được coi là kẻ thù của sự chú tâm.

Nhưng những hồi chuông báo động mới đang khẩn thiết hơn bao giờ hết. Năm 2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế [OECD, lời người dịch] báo cáo rằng trong một thập kỷ trở lại đây, kết quả học tập các môn Ngôn ngữ, Toán, và Khoa học của học sinh tuổi 15 trên toàn cầu đã sa sút đáng kể. Một phần ba nghiên cứu giải thích việc này đều coi sự xao nhãng do công nghệ số là nguyên nhân chính. Số ca nghiên cứu lâm sàng về các vấn đề về sự chú ý – tập trung tăng đột biến. (Gần đây, công ty phần mềm y khoa Epic công bố dữ liệu cho thấy từ năm 2010 đến năm 2022 số ca chẩn đoán mắc A.D.H.D-hội chứng tăng động giảm chú ý-đã tăng gấp ba lần, tăng cao nhất ở lứa tuổi trẻ tiểu học). Sinh viên đại học thì, theo lời của các giảng viên, ngày càng gặp nhiều khó khăn khi đọc giáo trình. Thậm chí, chính giảng viên cũng thật thà thừa nhận khó khăn tương tự. Trong điện ảnh, nhịp độ phim tăng lên, độ dài một cảnh quay trung bình giảm xuống. Trong âm nhạc, độ dài trung bình của những bài nhạc pop giảm đi một phút từ các năm 1990 tới 2020. Trong một nghiên cứu vào năm 2004, nhà tâm lý học Gloria Mark cho biết, khán giả tập trung vào màn hình trung bình khoảng hai phút rưỡi trước khi quay đi chỗ khác. Còn bây giờ, bà nói, họ chỉ có thể chú tâm vào màn hình trong khoảng 47 giây thôi. 

“Tụi trẻ không coi trọng tập trung lắm đâu.” Jac Mullen, một nhà văn và giáo viên trung học ở thành phố New Haven [bang Connecticut, Hoa Kỳ], gần đây đã nói vậy với tôi: “Cần nhiều điều để chứng tỏ sự chú tâm ảnh hưởng đến kết quả nhưng tôi đành nhắc học sinh thế này: nếu em tập trung vào một việc thay vì xao nhãng vào thứ khác, việc em nghĩ là khó sẽ dễ dàng hơn nhiều.” Jac không nghĩ đây là lỗi của học sinh, vì sự đa nhiệm và cụm từ “quản lý thời gian” giờ đã thành một mục tiêu giáo dục. Đầu năm nay, kỳ thi SAT đã được thiết kế lại để rút ngắn hơn 45 phút, với nhiều đoạn văn đọc-hiểu được rút gọn còn hai hoặc ba câu. Nhiều giáo sư các trường Ivy League [các trường đại học nổi tiếng tốt nhất nước Mỹ] đã được khuyến nghị thay đổi hoạt động trên lớp sau mỗi mười phút, tránh để người học lạc trôi. Vậy thì biết đâu, điều ta coi là cuộc khủng hoảng về sự chú tâm lại do chính góc nhìn hạn hẹp của chúng ta: khủng hoảng ở lĩnh vực nào và với mục tiêu nào?

“Làm sao để được chú ý? – đây là câu hỏi kinh điển nhất trong ngành quảng cáo”, một người điều hành tên Joanne Leong nói thế với tôi trong một buổi chiều tại căn phòng họp tầng 13, văn phòng công ty Dentsu. Chúng tôi đang nói về một thị trường mới dành cho sự chú tâm. Slides trình chiếu trên tường, và những mẩu đối thoại râm ran dọc hành lang bên ngoài. Hàng thập kỷ qua, chưa ai hiểu được mối liên hệ giữa quảng cáo và khán giả: sự chú tâm là gì và làm sao để lượng hóa nó? “Nhưng giờ có công nghệ đo đạc rồi,” Leong nói. 

Dentsu là một trong những doanh nghiệp quảng cáo hàng đầu thế giới, với những khách hàng như Heineken, Hilton, Kraft Heinz, Microsoft, Subway, và nhiều tập đoàn toàn cầu khác. Năm 2019, agency này bắt đầu sử dụng công nghệ số để thu thập dữ liệu cho thấy bao nhiêu người xem quảng cáo của họ và trong trường hợp nào. Những thông tin này dùng để tìm ra một đơn vị tính có thể đại diện cho giá trị của sự chú tâm. Năm 1997, chuyên gia công nghệ Michael Goldhaber đã tiên đoán về một thế giới mà sự chú tâm chiếm chỗ tiền pháp định để trở thành đồng tiền chính. (“Nếu bạn có đủ sự chú tâm, bạn có thể có được bất cứ thứ gì bạn muốn”, Goldhaber tuyên bố.) Từ đó, ngành quảng cáo nhập cuộc buôn bán này.

Leong kể: “Câu hỏi của sáu năm trước là: ‘Liệu có thể đo được sự chú tâm không?'” Còn bây giờ, đề tài này nhộn nhịp không thua gì gánh xiếc. “Nhiều công ty sử dụng phương pháp theo dõi chuyển động mắt. Những công ty khác sử dụng mã hóa khuôn mặt”- đọc vị cảm xúc dựa vào những biểu hiện vi tế trên khuôn mặt. “Đây không còn là chuyện cố thuyết phục các tập đoàn dùng nữa, mà là dùng như thế nào.”

Từ lâu, một niềm tin phổ biến là sự chú tâm mang giá trị nội tại. Trong tiếng Anh, sự chú tâm là những gì chúng ta phải “trả” [pay attention]. Trong một nghiên cứu về thời đại kỹ thuật số có tên “Hệ sinh thái của sự chú tâm”, nhà nghiên cứu văn học Thụy Sĩ Yves Citton không ủng hộ việc đánh đồng khái niệm “sự chú tâm” với các thuật ngữ kinh tế. Từ xưa, một thứ được cho là có giá trị vì nó có khả năng mang lại giá trị. Ông nói, “Bằng cách chú ý đến một điều như thể nó thú vị lắm, bạn sẽ khiến nó trở nên thú vị. Bằng cách đánh giá nó, bạn đang định giá nó rồi.” Ông nghĩ rằng nếu coi sự tập trung như một loại tiền tệ đơn thuần thì ta đang định giá thấp hơn những gì nó có thể làm được.

Mối quan tâm của các nhà quảng cáo dành cho sự chú tâm như một thang đo càng trở nên rõ ràng hơn khi cuốn “Nền kinh tế của sự chú tâm” (2001) của Thomas H. Davenport và John C. Beck ra mắt. Một lý thuyết trong sách cho rằng, sự chú tâm là khởi đầu cho hành động: chúng ta sẽ chú tâm trước khi làm gì (hoặc mua gì). Trước đó cũng đã có nhiều quan điểm khác nhau. Nhà thần kinh học Karl Friston cho rằng sự chú tâm là một cách ưu tiên và điều chỉnh các dữ liệu cảm giác. Simone Weil, một trong những triết gia gạo cội về sự chú tâm, cũng phản đối ý tưởng dùng nó để đo lường kinh tế.

Tại văn phòng Dentsu, Leong, với cột mái tóc đuôi gà gọn gàng và mặc một chiếc áo len sọc ngang đơn giản, ngồi cạnh người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và đo lường của công ty, Celeste Castle. Chị là giám đốc điều hành giám sát những phép toán đằng sau câu trả lời của chính Dentsu cho câu hỏi về giá trị của sự chú tâm: “chi phí chú tâm có hiệu quả [effective attention cost] trên một nghìn lần” hiển thị [impression]. Các phép đo cũ sử dụng trong ngành quảng cáo đều dựa trên cơ hội được nhìn thấy. Leong nói: “Một lần hiển thị chỉ là thước đo cho thấy quảng cáo đã được phát tán. Nhưng gần đây, dữ liệu cho thấy ngay cả với những quảng cáo “dễ xem” cũng không được xem. Raja Rajamannar, giám đốc tiếp thị của Mastercard, một khách hàng của Dentsu, nói với tôi: “Khoảng thời gian chú ý của người tiêu dùng giờ chỉ chưa đến 8 giây, còn kém hơn khả năng tập trung của cá vàng.”

Dentsu cũng như các agency khác, có mục tiêu tối cao là tận thu từ những “mảnh đất đang bị thu hẹp” này— không khác gì “fracking”, quá trình ép các túi nhiên liệu hóa thạch còn sót lại ra khỏi Trái Đất. Khi tôi hỏi liệu những nỗ lực này có làm tiêu tán sự tập trung của mọi người hơn nữa không, Castle cho biết, càng được tối ưu, quảng cáo thậm chí càng thu hút chính xác khán giả hơn. Cô nói: “Khi hoàn thiện việc đo lường sự chú tâm, những thứ không phù hợp sẽ bị đào thải và chúng ta sẽ bỏ được một số lãng phí cho tâm trí”.

Tuyển tập tiểu luận “Tình cảnh của sự chú tâm” do D. Graham Burnett và Justin Smith-Ruiu biên tập, thách thức quan điểm “khoảng thời gian tập trung suy giảm do phát triển công nghệ”. Đúng là công cụ nhanh và cuộc sống náo nhiệt hơn, nhưng khẳng định sự đổi mới là nguyên nhân thì lạc hậu quá: “Chính con người tạo ra công nghệ, trong bối cảnh người khác đang cần mà”. Chẳng phải sau hàng thiên niên kỷ vò đầu bứt tai, con người đột nhiên “phát hiện ra” động cơ hơi nước, máy quay sợi, máy điện báo ư? Hiện đại hóa cứ thế tiếp diễn thôi. Mà đúng hơn, ưu tiên của con người đã thay đổi khi thời hiện đại bắt đầu đề cao tính hiệu quả, đo lường khách quan và các mục tiêu khác khiến những phát minh trên trở nên đáng giá. Theo nghĩa đó, nhịp sống tăng lên không phải là điều tất yếu mà là một kết quả mang tính ý thức hệ.

Burnett, một sử gia khoa học tại trường đại học Princeton, là tác giả của năm cuốn sách về các chủ đề từ chế tạo thấu kính thế kỷ XVII đến hệ thống tư pháp của New York. Anh đã nghiên cứu lịch sử về sự chú tâm trong nhiều năm qua. Một ngày nọ, tôi đến trụ sở của Thư viện Công cộng New York để nghe anh phát biểu theo lời mời của Viện Nhân văn New York. Burnett nói: “Chính các ngành khoa học đã cắt nhỏ đời sống ý thức và giác quan của chúng ta để thị trường có thể định giá”.

Là một học giả, Burnett mang một diện mạo gây tò mò. Anh ấy cao, bộ râu bụi bặm và mái tóc nâu nhạt búi cao. Anh đeo mười sáu chiếc nhẫn bạc, sơn móng tay màu xám đậm và bộ trang phục với áo phông, áo len cổ chữ V, quần leo núi, toàn màu xám nhạt. Trông anh như thể một miếng kim loại được hàn trong một căn gác xép bỏ hoang. Anh cho rằng các mô hình khoa học về sự chú tâm cũng là sản phẩm mang tính thời đại. Chẳng hạn, trong những năm sau Thế chiến thứ hai, những nghiên cứu về cảm giác “cảnh giác” vốn định nghĩa sự chú tâm theo phương diện nhận thức tỉnh táo. Điều này trùng với lúc càng có nhiều công việc đơn điệu như ngồi bảng điều khiển. Khi những người lính bắt đầu phải xử lý nhiều chỉ thị qua điện đàm, các nghiên cứu về sự chú tâm bỗng quan tâm tới chuyện đa nhiệm.

Chả mấy chốc mà tới thời kỳ các quảng cáo cố gắng gây chú ý. Từng dùng biển quảng cáo và in quảng cáo để thu hút công chúng, giờ đây, các công ty nhắm đến chúng ta ngay cả trong những khoảnh khắc riêng tư nhất. Trong cuốn sách “Buôn bán sự chú tâm”, học giả luật Tim Wu lưu ý: “Làm gì có đồng thuận đâu. Hầu hết chúng ta đều thụ động, sẵn lòng để sự chú tâm bị khai thác cho mục đích thương mại mọi lúc, mọi nơi”. Dễ hiểu cho những người trẻ gặp khó khăn trong việc học. Trong một bài xã luận cho tờ Times vào mùa thu năm ngoái, Burnett cho rằng thay vì chỉ mong đợi học sinh chú tâm, các trường học nên dạy các em cách chú tâm.

Tôi đến thăm Burnett vào một buổi chiều ở Washington Heights, nơi anh sống cùng vợ, nhà làm phim Alyssa Loh, và hai đứa con tuổi thiếu niên. Cửa sổ phòng khách nhà anh đón những cơn gió thổi từ sông Hudson làm những dải cờ xoắn ốc màu bạc xoay tròn treo trên trần nhà. Chiếc tủ ly trưng bày một quả trứng đà điểu, trên đó khắc hình tinh xảo bộ xương của một con chim–món quà sinh viên tặng anh.

“Món ấy là hình chụp X-quang của con chim kết hợp với kỹ thuật khắc hơi bị đỉnh đấy.” Burnett nói vọng ra từ bếp. Anh ấy đang thái củ cải cho món salad.

Phần còn lại của phòng khách được bố trí khá kiểu cách, như thể bày ra để khách tham quan. Một tấm thảm sàn họa tiết đã bạc màu, một chiếc bàn ăn được làm từ nguyên một thân cây. Ở một góc, một thứ trông như bàn thờ đặt những đồ vật đặc biệt: một chiếc cung và mũi tên viền lông vũ từ Guyana; một bộ xương chim; và một chồng sách cũ bọc da. Trong đó có ấn bản tiếng Anh đầu tiên của cuốn “L’Oiseau” (“Con chim”), một nghiên cứu về các loài chim vào thế kỷ XIX của sử gia Jules Michelet, và cuốn “Chim hoàng yến và Chim trong lồng” của nhà điểu học George H. Holden. Tôi mở cuốn sách ấy ra, một trang viết: “Các bài giảng nền tảng cho chương này đã được công bố dưới sự bảo trợ [auspices] từ một trong những câu lạc bộ chơi chim của chúng tôi, vì từ auspices xuất phát từ tiếng Latin avis—con chim,—và spicere— nhìn vào.”

Dòng chữ này làm tôi sực nhớ tới một chuyện. Nhiều năm trước, tôi đã nghe nói về một thứ gọi là Hội Đệ Tam Điểu [Order of the Third Bird]. Đây là một hội đồng quốc tế bí ẩn, thành lập từ nhiều thế kỷ trước, dành cho các nghệ sĩ, tác giả, người bán sách, giảng viên và những người tiên phong. Thành viên của Hội sẽ tập hợp theo kiểu flash-mob tại các viện bảo tàng, cùng nhìn chăm chú vào một tác phẩm nghệ thuật trong nửa giờ và rồi biến mất, hoàn tất nhiệm vụ để tâm trí đắm chìm vào tác phẩm. (Tên của Hội ám chỉ câu chuyện kể về ba con chim đối đầu với một bức tranh của họa sĩ cổ đại Zeuxis: con đầu tiên sợ hãi bỏ chạy, con thứ hai đến gần để ăn trái cây trong hình vẽ, và con thứ ba chỉ đứng nhìn.) Lúc ấy, tôi đã cố gắng liên hệ với Hội nhưng chẳng đi đến đâu. Sau này, có người giải thích rất nghiêm túc với tôi, rằng: “Đó là một tổ chức kiểu như Fight Club, quy tắc đầu tiên của Hội Chim là bạn không được nói về Hội Chim.” Tôi tự hỏi liệu Burnett có liên quan hay không.

Burnett thừa nhận mình là một Điểu viên lâu năm. Anh nói, thực hành của Hội phức tạp hơn những gì người ta tưởng. Vì một số Điểu viên sợ loài người có thể đánh mất sự chú tâm nên họ sẵn sàng thảo luận về hoạt động của Hội cởi mở hơn trước đây. Trong nhiều năm hoạt động, Hội luôn tập trung cho chủ đề: sự chú tâm là gì, nó có thể làm gì, làm sao để điều khiển nó. Với sự giúp đỡ của Burnett, tôi thử gửi đi một tín hiệu nữa đến Hội dù không hi vọng sẽ nhận được hồi âm. Nhưng không.

Tác phẩm They Did Not Expect Him của Ilya Repin.

Buổi sáng Chủ nhật nọ, tôi nhận được tin nhắn khó hiểu từ Stevie Knauss, một nghệ sĩ biểu diễn tôi không quen: “Anh tới khu vực này trong bản đồ mình gặp nhau chút đi.” Tin nhắn đính kèm hình ảnh vệ tinh Google khu vực xung quanh Phố 155 và Broadway, với một mũi tên màu đỏ chỉ vào Thư viện & Bảo tàng Xã hội Mỹ Latin.

Ngồi trên tàu điện, tôi nhận thêm một định vị bằng tính năng Find My iPhone từ Knauss. Lần theo dấu chỉ, ngang qua Audubon Terrace– quảng trường được đặt theo tên một nghệ sĩ và nhà điểu học thế kỷ XIX– tôi vào phòng trưng bày của Hiệp hội Mỹ Latin. Mất một lúc để mắt tôi tự điều chỉnh. Điện thoại báo Knauss đang ở đây. Một phụ nữ trẻ, mặc áo phông đen, ngồi trên băng ghế quay lưng về phía tôi đang chăm chú ngắm một bức tranh. Tôi đến ngồi cạnh cô ấy. “Chị phải Stevie không?” Tôi hỏi.

Cô ấy mặc chiếc quần Dickies ống thụng màu xanh lá cây, đôi bốt da cao cổ buộc dây và đôi khuyên tai bất đối xứng lủng lẳng. Cô quay lại nhìn tôi rồi tiếp tục ngắm tranh.

Knauss tự nhận mình là sứ giả của Hội Đệ Tam Điểu và bắt đầu kể về cách Hội hoạt động: “Thực hành này kéo dài 28 phút – gồm bốn phần, mỗi phần bảy phút. Một tiếng chuông sẽ báo hiệu chuyển từ phần này sang phần khác.”

Knauss kể, những Điểu viên được triệu tập có thể chưa từng gặp nhau trước đây. Các đề bài được gửi qua email từ các tài khoản bí danh—chính cô cũng nghe phổ biến từ một người nhận mình là “Chim Vẹo Mỏ [Wrybill] Wrybillius”. Bất kỳ Điểu viên nào cũng có thể gợi ý đề bài; Hội không phân quyền và không có ai quản lý. Những Điểu viên hiện tại tự quyết định mời thêm người mới. Bằng cách này, Hội từ từ kết nạp thêm thành viên vào các chi hội địa phương, gọi là volées. Không ai biết chắc có bao nhiêu Điểu viên trên thế giới – nghe đồn riêng New York thôi đã có hàng trăm volées chồng chập lên nhau. Nhiều hoạt động của Hội đã diễn ra ở những nơi xa xôi như Hàn Quốc, Galápagos [Ecuador] hay Kansas [Hoa Kỳ].

Knauss để mắt tới vài người đi ngang qua. Cô nói: “Giai đoạn bảy phút đầu tiên gọi là Gặp gỡ [Encounter]. Giống khi vừa đến một buổi tiệc, người ta hay nhìn quanh.” Điều đầu tiên khi các Điểu viên đến địa điểm thực hiện bài tập là lượn quanh. Chủ thể của bài tập hiếm khi được xác định trước, nhưng thường thì đó là tác phẩm trông có vẻ hẩm hiu nhất trong tầm mắt. (“Trong bảo tàng, chủ thể rất có khi là một bức tranh đặt cạnh nhà vệ sinh hoặc treo trên bức tường đối diện với ‘Mona Lisa’,” Burnett từng nói.) Trong email thường không nhắc tên tác phẩm để các Điểu viên phải chú tâm mới thấy. Những người không tìm được tác phẩm thì cứ đi theo đàn vậy.

Tiếng chuông đầu tiên vang lên báo hiệu đến giai đoạn tiếp theo, Chú tâm [Attending]. Knauss giải thích: “Nếu đi dự tiệc thì chắc lúc này anh đang bắt chuyện với người khác đây.” Tập trung trước tác phẩm, các Điểu viên đứng gần nhau thành từng cụm. Trong bảy phút, họ im lặng và hoàn toàn tập trung vào tác phẩm. Knauss dặn tôi ba điều không nên làm lúc này. “Một là kiểu chúng tôi hay gọi là studium–phân tích tác phẩm theo các nghiên cứu.” Hai là diễn giải tác phẩm và ba là phán xét. Nếu một Điểu viên khó chịu với tác phẩm (hoặc tác phẩm quá xấu đi), họ sẽ tạm đặt phản ứng đó sang một bên. Alyssa Loh, vợ Burnett và là một Điểu viên, nghĩ các nguyên tắc này giúp bảo vệ sự chú tâm của cô: “Một câu hỏi quen thuộc về các tác phẩm nghệ thuật là: Cái này có mục đích gì và người ta làm được gì với nó? Trong thực hành của Hội, chúng tôi chủ yếu trả lời theo kiểu phủ nhận—anh không thể hiểu nó hoàn toàn, không biết chắc nó có gì đẹp, không thể xác định chính xác nguồn gốc của nó, kiểu đây là tác phẩm đặc trưng cho thế kỷ nào đó không biết.” Anh cứ chú tâm thôi.

Tiếng chuông thứ hai báo bắt đầu pha Vô hiệu [Negation]. Giai đoạn này, các Điểu viên cố gắng xóa đối tượng khỏi tâm trí mình. Vài người tìm chỗ nằm xuống; vài người nhắm mắt lại. Bảy phút sau, ở tiếng chuông thứ ba, họ tập hợp lại theo cụm cho pha Chứng ngộ [Realizing].

Knauss nói, “Một cách để suy nghĩ ở pha Chứng ngộ là câu hỏi: Tác phẩm này cần thêm điều gì?” Trong một số trường hợp, câu trả lời rất cụ thể, như kiểu nên chuyển nó sang bức tường bên cạnh, nhưng thường thì các câu trả lời trừu tượng hơn. Chẳng hạn, một tác phẩm điêu khắc có khi cần một đứa bé leo lên. Hoặc như Knauss gợi ý, “tác phẩm có thể muốn anh nghe nó hát.” Khi tiếng chuông cuối cùng vang lên, các Điểu viên tản ra. Knauss nói: “Rời khỏi điểm hẹn, anh tìm một nơi yên tĩnh ngồi và viết ra trải nghiệm của mình trong bốn giai đoạn trước”.

Một lúc sau, các Điểu viên sẽ gặp ở đâu đó, thường là một quán cà phê cho pha Thảo luận [Colloquy]. Lúc này, lần lượt từng người mô tả lại những gì họ trải qua, những điều gây mất tập trung, hay đại loại thế. Một số Điểu viên coi Thảo luận là giai đoạn quan trọng nhất, phân biệt thực hành của Hội với các thực hành “chánh niệm” [Mindfulness] và những hoạt động chiêm nghiệm cá nhân khác. Colloquy thường mang lại nhiều điều thú vị. “Ở rất lâu trong một nhóm nhỏ để xem xét kĩ lưỡng một thứ đã lạ lắm rồi, thì nán lại để nói về những ấn tượng vi tế của mình và những liên tưởng chúng tạo ra thì còn bất thường hơn nữa,” Điểu viên Adam Jasper, một giáo sư lịch sử kiến ​​trúc tại Đại học Trung Hoa Hong Kong nói với tôi. “Qua mấy dịp gặp lại vài người từng ngắm tranh cùng mình, tôi đã hiểu hơn cách họ xử lý cảm xúc và tư duy.” Nhà văn Brad Fox thì mô tả trải nghiệm này là “nhìn thấy mọi người trong trạng thái tốt nhất của họ”.

Knauss đột nhiên vội vàng kiểm tra điện thoại. “Tôi sắp phải đi rồi,” cô nói. “Nhưng trước hết, theo truyền thống thì tôi cần truyền cho anh cái này.” Cô rút một mảnh vải màu vàng nghệ tây từ một con đỉa thắt lưng, xé một dải ra đưa cho tôi. Đây là cách các Điểu viên nhận ra nhau.

“Sau khi tôi đi, anh hãy bước qua cánh cửa bên tay trái, ra quảng trường rẽ phải.” Cô đứng dậy. “Tác phẩm sẽ ở bên trái anh.”

“Làm sao tôi biết đó là cái nào?” Tôi hỏi.

“Anh sẽ biết thôi,” Knauss bước đi.

Bên ngoài trời nắng chang chang, một bà mẹ chơi đùa với hai đứa con trong một tác phẩm sắp đặt màu vàng của Jesús Rafael Soto: đây không phải Điểu viên rồi. Một người đàn ông lớn tuổi đang ngồi trên ghế: có thể, nhưng chắc không phải đâu. Rồi tôi nhìn thấy họ: một người đàn ông cao gầy và một phụ nữ mang thai đang băng qua quảng trường. Trông họ không có gì đặc biệt, ngoại trừ dải màu nghệ tây giống của tôi. Những Điểu viên đây rồi.


Bất chấp những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hiện đại, hàng thế kỷ qua, sự chú tâm vẫn là con đường trao đổi văn minh nhân loại. Các triết gia khắc kỷ viết về prosochē–sự tỉnh giác, như một điều kiện tiên quyết của ý thức đạo đức. Nhà phân tâm học Freud gọi phương thức làm việc của ông là gleichschwebende Aufmerksamkeit, “sự chú tâm đồng đều”. Burnett thường trích dẫn biểu tượng của sự chú tâm theo Henry James trong tiểu thuyết “Đôi cánh bồ câu”, là một “chiếc cốc lớn rỗng không” đặt trên chiếc bàn ngăn cách vị bác sĩ bận rộn và người bệnh đau đớn. Burnettt mô tả sự chú tâm là “đâu đó ở giữa sự cống hiến và sự sẵn sàng chấp nhận.”

Nhiều người coi William James, anh trai của Henry James, là người đầu tiên đưa ra mô hình chú tâm toàn diện ở Mỹ. Trong một chương của cuốn “Các nguyên tắc tâm lý học” (1890), James miêu tả sự chú tâm như một tiến trình không ngừng. Khi ta đinh ninh mình đang nắm giữ nó, tâm trí đã kịp lao đi đến tận đâu rồi quay về. Sự chú tâm bền vững được tạo bởi một dòng chảy từng khoảnh khắc ta để tâm. Vì vậy, bất chấp sự phức tạp và đa dạng của thế giới, “chưa bao giờ nhiều ý tưởng đồng thời tồn tại trong tâm trí cả.” (Góc nhìn sâu sắc này đã định hình nền tảng triết học của James.) Khi ta nhìn một bức tượng, khối đá ấy có thay đổi đâu, nhưng tác phẩm nghệ thuật ta đang thấy thì có vì ta liên tục nhận ra những điều mới mẻ. Mô hình của James phản đối quan điểm cho rằng sự chú tâm chỉ đơn thuần là thứ bạn chi ra, độc lập khỏi những suy nghĩ lan man và mộng tưởng riêng mình.

Góc nhìn của James còn ẩn chứa một định nghĩa về nghệ thuật. Khách quan mà nói, bức tranh “Đêm đầy sao” của van Gogh chỉ là những vệt sơn trên canvas. Nếu không có khán giả, đem tranh lên mặt trăng chẳng hạn, nó chỉ là đồ đồng nát. Chỉ khi tôi dành sự chú tâm cho bức tranh (mang theo quá khứ của tôi, kiến ​​thức, thế giới quan, cách suy nghĩ và góc nhìn của tôi) thì nó mới trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Đây không có nghĩa là van Gogh bất tài, hay tôi tự phóng chiếu cái thiên tài của mình. Nó chỉ có nghĩa là một tác phẩm nghệ thuật không đơn thuần chỉ là một vật thể ngoại lai hay chỉ là hình ảnh tâm thức của người xem, mà là một thứ gì đó ở giữa, được tạo ra trong không gian chú tâm. Nhà phê bình nghệ thuật và nhà hoạt động chính trị người Brazil Mário Pedrosa đã viết về trải nghiệm này như một cuộc đối thoại giữa hình thức và nhận thức.

“Cái này dễ hiểu mà,” Len Nalencz, một Điểu viên khác nói với tôi. “Các Điểu viên sử dụng sự chú tâm như một nguyên liệu – y chang đất sét, đá cẩm thạch, sơn dầu, hay từ ngữ thôi. Anh sử dụng sự chú tâm của mình để tạo ra cái gì đó, nhưng chỉ anh mới nhìn thấy thứ mình làm ra. Và vì vậy, anh phải chuyển nó thành lời để chia sẻ.”

Nalencz làm trong công đoàn vài năm, còn hiện tại ông là giáo sư tiếng Anh tại Đại học Mount St. Vincent ở Bronx. Nhiều Điểu viên tôi gặp đều là học giả. Vài người trong số họ thất vọng vì dù đã thấu đáo lĩnh vực mình nghiên cứu nhưng lại dậm chân tại chỗ với nghệ thuật, thứ họ từng một thời hứng thú. Joanna Fiduccia, giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Yale, nói với tôi, “Sử gia nghệ thuật Michael Ann Holly từng viết về nỗi u sầu mà các sử gia nghệ thuật đều rõ, rằng chúng ta sẽ không bao giờ thực sự hiểu được thứ thu hút mình. Rồi Hội Đệ Tam Điểu đến với tôi. Đây là cách để hoà mình vào tác phẩm nghệ thuật với tập thể hân hoan mà ý thức chủ quan và trải nghiệm cá nhân vẫn đơm nở.”

Điểu viên Jeff Dolven, giáo sư người Anh tại Princeton, cho biết: “Chúng tôi gặp một vấn đề là làm sao để hiện diện chú tâm trước một tác phẩm nghệ thuật? Gặp nhau rồi đây, giờ làm gì?” Giống kiểu ngại ngùng của tình yêu gà bông tuổi teen: ai cũng cảm thấy khác khác nhưng nếu không tìm được cách nào lên tiếng, ta sẽ chỉ im ỉm giả vờ bận bịu làm bài tập. Vì vậy, ai cần thì Hội sẽ cung cấp khung hướng dẫn, in trên giấy theo phong cách biểu tượng thường thấy ở những bộ bài tarot. “Hồi đầu tôi hơi khó chịu – kiểu đọc mấy font chữ cổ này không mệt à?” Gabriel Pérez-Barreiro, là một giảm tuyển, nói với tôi. “Nhưng sau nhiều năm thực hành chú tâm, tôi quan sát là càng được hướng dẫn kỹ thì trải nghiệm càng tự do hơn.”

Với thói quen khó bỏ của giới học thuật, một nhóm Điểu viên nhỏ đã lập nên một ấn bản kỳ lạ. Đầu thập kỷ trước, Burnett cùng vài đồng nghiệp bắt đầu viết và nhờ góp ý cho các bài báo cho một tạp chí bình duyệt giả tưởng, chuyên nghiên cứu về các Điểu viên. Lúc đầu, dự án để chia sẻ ý tưởng về Hội Đệ Tam Điểu mà không cần viết trực tiếp về nó. (Cũng như các Điểu viên khác, tôi được phép tham gia vào các bài tập của Hội chỉ khi tôi không đem những trải nghiệm đó lên báo. “Tớ lo sợ là,” một Điểu viên lâu năm nửa đùa nửa thật với tôi, “mọi người sẽ nhầm lẫn cái mô tả của sự vật với chính sự vật đó.”) Nhiều người thích viết cho tạp chí giả tưởng này, có khi còn thích hơn công việc chính của họ. Tạp chí này là phát ngôn của tổ chức gọi là Hiệp hội Thẩm mỹ về Chứng ngộ Siêu việt và Ứng dụng (hiện đã hợp nhất với Hiệp hội Chứng ngộ Thẩm mỹ)— viết tắt là ESTAR(SER). Năm 2021, Burnett cùng hai biên tập viên khác tuyển chọn các bài viết và hoàn thành một cuốn sách dài hơn 750 trang.

Cuốn sách “Truy tìm con chim thứ ba” được thể hiện bằng giọng văn của những nhà nghiên cứu kém may mắn đang cố gắng truy lùng Hội Đệ Tam Điểu bí ẩn. Các bài báo không hẳn là hư cấu thuần túy—do chứa đựng nhiều nghiên cứu có thật về sự tập trung—nhưng chúng cũng không hoàn toàn khách quan. Các dữ kiện lịch sử giả định [counterfactual histories] được thêm vào, chồng chéo lẫn nhau. Một số bài do các học giả thực sự viết, nhưng nhiều bài khác do những tác giả có bút danh … chim chóc (“Hải Âu [Molly] Gottstauk”) kèm tiểu sử rất phi lý đứng tên. Justin Smith-Ruiu, một nhà văn và giáo sư tại Đại học Paris Cité, đồng thời là một biên tập viên của cuốn sách, giới thiệu với tôi “định hướng tạo dựng thế giới” của nó. Smith-Ruiu nói: “Ý tưởng của chúng tôi là biến thực hành nghiên cứu học thuật thành một loại hình nghệ thuật”.

Chính nhiều thành viên trong Hội Đệ Tam Điểu còn nghĩ những ấn phẩm của ESTAR(SER) là hơi hào nhoáng. “Làm cuốn sách này tốn công kinh khủng, nhưng hiệu ứng của nó, ừ thì, cũng chẳng là bao.” Adam Jasper nói. “Điều này lại phù hợp với đặc trưng của Hội, không quá quan trọng đầu vào và đầu ra.” Song, thật kỳ lạ khi trang web ESTAR(SER)— từ viết tắt này là hai dạng của động từ “to be” trong tiếng Tây Ban Nha, rất khó tìm thấy trên Google—lại trở thành cổng thông tin công khai của Hội Đệ Tam Điểu, thu hút lời mời giảng và triển lãm trên khắp cả nước [Hoa Kỳ]. (Năm ngoái, hiệp hội có một triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Frye ở Seattle; mùa xuân năm nay thì tại Phòng trưng bày Tribeca.) Sự kỳ lạ này là có chủ đích. Catherine L. Hansen, giáo sư Đại học Tokyo và là biên tập viên còn lại của cuốn sách, gọi dự án là màn trình diễn thách thức giới hạn học thuật của các ngành nhân văn thế kỷ XXI – khi ngành này cố gắng giải mã óc tưởng tượng của con người với tiêu chuẩn khách quan của khoa học.

“Quan sát thế giới hiện giờ, tôi cảm thấy có thứ gì đó đang dần mất đi hoặc bị ngấm ngầm phá hoại,” Catherine nói với tôi. “Có khi là sự chú tâm. Có khi là trí tưởng tượng.” Cô nghĩ một lúc rồi nói tiếp. “Đôi khi lại là cảm giác thứ tôi mong muốn khi theo đuổi ngành Ngôn ngữ Anh, thứ gì đó nửa mơ nửa thực mà tôi đã nghĩ mình sẽ trở thành. Dù là gì đi nữa, nó đang bị tấn công.”

Một chiều nọ, tôi ghé vào một cửa hàng Apple để thử chiếc kính tăng cường thực tế ảo Apple Vision Pro. Tôi đã thấy trên YouTube nhiều người đi lang thang trong thế giới của kính, tương tác với các vật thể vô hình bằng đôi tay và những cử chỉ kì quái. Khi đeo kính vào, dưới sự hỗ trợ của một nhân viên, tôi thấy mình mắc kẹt trong một thế giới mà sự chú tâm vừa thụ động vừa chủ động hơn mức bình thường. Thế giới trong chiếc kính dường như đã được bày sẵn để tôi khám phá: tôi được mang từ Iceland đầy tuyết đến bờ hồ gần Núi Hood. Phong cảnh yên tĩnh và hoàn hảo với không một sinh vật nào khác trong tầm nhìn. Các phong cảnh đến và đi theo ý tôi điều khiển bằng một nút ở gần mắt. Tới đoạn video 3D cảnh một cô gái thổi nến trên chiếc bánh sinh nhật, lòng tôi tan nát vì cảm giác cô đơn. Tôi cảm thấy như thể mình là con người cuối cùng trên Trái Đất.

Tiếp đó, bất cứ khi nào tôi đảo mắt, thứ gì đó sẽ xảy ra. Tôi mở Microsoft Word, một bàn phím nổi lên. Bạn nhân viên nói tôi thử gõ bằng mắt. Tôi ĐÃ, à không, Đ-Ã đưa ánh mắt mình chạy từ chữ cái này sang chữ cái khác. Ai từng gõ bàn phím cảm ứng trong khi nhìn quanh nhà thì cảm giác đắm chìm trong mỗi con chữ như này siêu thực lắm, chắc giống như ngồi lái xe máy từ chỗ trục cam động cơ vậy.

Ý tưởng theo dõi sự chú tâm trực quan qua chuyển động của đôi mắt xuất phát từ hơn một thế kỷ trước. Từ những năm 1870, Louis émile Javal, một bác sĩ nhãn khoa người Pháp mắc bệnh tăng nhãn áp, bắt đầu nghiên cứu các chuyển động vi tế của mắt để hiểu về cách người ta đọc chữ. Louis gọi chuyển động giật cục của mắt là “saccades”, từ mô tả chuyển động giật của con ngựa khi bị ghì cương. Giữa thế kỷ XX, nhà tâm lý học Liên Xô Alfred Yarbus né Kraćkowski dùng những cặp kính áp tròng đặc biệt ghi lại chuyển động của mắt người tham gia và dõi theo cách đôi mắt họ ngắm một bức tranh. Bí ẩn đằng sau cách người ta chú tâm đến tác phẩm nghệ thuật là điều khoa học chưa từng để mắt đến trước đó. Trong thí nghiệm nổi tiếng nhất của mình, Yarbus sử dụng bức tranh “Họ không nghĩ anh sẽ về” của danh hoạ Ilya Repin, một bức tranh hiện thực mô tả một nhà cách mạng Nga đoàn tụ với gia đình mình. Người xem được yêu cầu ngắm bức tranh theo hai cách: ngắm tự do và theo gợi ý. Theo đó, quá trình chú tâm của họ liên tục thay đổi. [Những gợi ý khác nhau -> chú tâm vào nơi khác nhau -> mắt di chuyển khác nhau]. Ở Liên Xô, kết quả thí nghiệm này có thể dùng để nói lên sức mạnh của giáo dục xã hội. Còn ở phương Tây bấy giờ, quan niệm về sự chú tâm của mắt bắt đầu gây chú ý trong thương mại. Những thập kỷ gần đây, các nhà nghiên cứu và công ty quảng cáo đã cải tiến kỹ thuật Yarbus, thay vì dùng kính áp tròng, họ chuyển sang theo dõi mắt bằng công nghệ tia hồng ngoại, thứ cũng có trong kính Apple Vision Pro.

Nhưng người ta sẽ nhìn thấy những gì họ đang tìm kiếm. Một giả thuyết về cuộc khủng hoảng chú tâm cho rằng đây thực ra là cuộc khủng hoảng về mặt đo lường. Vì ta tập trung vào những manh mối liên quan tới mắt thì phạm vi hiểu biết về sự chú tâm chỉ xác định tới đó. Nếu “sự chú tâm” khơi mào một cuộc chiến giành lấy ánh nhìn tức thời của chúng ta, thì ánh nhìn ấy trở thành một mặt hàng có giá trị, hơn hẳn một tâm trí lăn tăn chầm chậm.

“Khi coi sự chú tâm như một đối tượng trao đổi giữa người với người thì nền tảng khoa học ta dùng đều nhắm tới đo lường đối tượng này,” Mike Follett nói với tôi. Anh là giám đốc điều hành của Lumen Research, công ty tuyên bố nắm giữ bộ dữ liệu theo dõi mắt lớn nhất thế giới. Trong thập kỷ qua, hơn nửa triệu người đã tham gia vào các nghiên cứu của Lumen (họ được trả tiền). Chính Lumen cung cấp phần lớn dữ liệu thô về sự chú tâm sử dụng trong các mô hình của Dentsu. Ban đầu, Lumen gửi bộ dụng cụ hồng ngoại theo dõi chuyển động mắt tới tay người tham gia, nhưng quá trình này rất phiền phức. Vì vậy, họ tạo ra một ứng dụng dùng camera trên điện thoại thông minh để đo ánh sáng phản chiếu lóe lên từ mắt. Follett nói: “Giờ thì chúng tôi có thể huy động hàng nghìn người thực hiện một dự án nghiên cứu chỉ trong một buổi chiều. Chúng tôi quan sát được có bao nhiêu người đã xem quảng cáo trong bao lâu, ai nhấp vào quảng cáo, và nếu nhấp vào thì họ có mua hàng không.”

Tuy nhiên, Follett nói, tâm trí không đơn thuần chỉ có đôi mắt. “Theo dõi mắt không phải là theo dõi sự chú tâm. Anh có thể nhìn mà không thấy và thấy mà không cần nhìn đấy thôi.”

Các ngôn ngữ cơ thể khác thể hiện sự chú tâm theo nhiều cách khác nhau. Người ta xem TV với tư thế khác với khi dùng điện thoại hoặc máy tính xách tay, đọc một bài báo dài kỳ khác với khi tìm kiếm chuyến bay đến Paris. Càng nhiều loại dữ liệu được đưa vào khoa học thì bức tranh về sự chú tâm càng bí ẩn và ngạc nhiên. Theo nhiều phép đo, Follett cho biết, một trong những môi trường quảng cáo kém nhất là mạng xã hội: “Người ta cuộn trang quá nhanh, y như máy đánh bạc ở Vegas—chẳng lạ gì khi không ai xem quảng cáo trên đấy.” Theo dữ liệu Follett có, một trong những không gian quảng cáo giá trị nhất lại nằm trong những bài báo dài và hấp dẫn, do các nhà xuất bản đáng tin cậy đăng tải.

Anh giải thích: “Hóa ra sự chú tâm đến quảng cáo phụ thuộc vào sự chú tâm đến nội dung”. Tập hợp những nội dung dở có thể gây ra ảo giác sự chú tâm bị rút ngắn. “Có thể người ta không có thời gian xem một quảng cáo dài 36 giây—hoặc họ chỉ không xem nó trên Facebook,” anh tiếp tục. “Nên Facebook phản ứng bằng cách phát triển các sản phẩm quảng cáo cố gây chú ý, dài chừng năm tới sáu giây.” Theo cách này, các nền tảng tự tạo ra cho mình một hệ sinh thái càng khan hiếm sự chú tâm. “Tôi không biết đây là con gà hay quả trứng nữa,” Follett nói.


Đối với hầu hết mọi người, chú tâm không hẳn là tập trung vào một điểm nhìn. Nó giống làn gió thoảng qua cửa sổ và phảng phất hương thơm hơn. Ta cảm nhận được sức mạnh của sự chú tâm khi đọc một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, hay khi lần đầu viếng thăm một nơi chốn lạ, tò mò quan sát mọi vật thể bên trong. Đối với Maurice Merleau-Ponty, nhà hiện tượng học ở những năm 1950, sự chú tâm là thứ khó hiểu đối với thời hiện đại. Nó là cội nguồn để giải thích tại sao khoa học thực chứng và lý lẽ đơn thuần lại thất bại trong việc ghi nhận thế giới ở mức bản chất. Thời hiện đại coi trọng đo lường khách quan và truyền bá kiến thức hơn là trải nghiệm, nhưng mà hàng thiên niên kỷ qua, chính trải nghiệm lại gắn chặt với kiến thức: đã có thời kỳ người cao tuổi từng trải được coi là thánh nhân của các tộc người đấy thôi.

“Có được tính khách quan là một thành công lớn đấy. Nhưng chỉ trọng tính khách quan thì lại thiêu rụi mảnh đất của những trải nghiệm màu mỡ và hạ cấp chúng xuống chỉ còn là ‘ý kiến cá nhân’,” Burnett thừa nhận như thế trong một bữa ăn ở Southampton, New York, nơi một nhóm Điểu viên đang nhận hỗ trợ lưu trú từ nghệ sĩ Robert Wilson. Phòng ăn nhỏ có các Điểu viên là Loh, Fox, và vài người khác. “Nếu môn ‘Hiện tượng học’ mà biết nói năng, chắc nó sẽ gào lên ‘Ê sao không quay về với trải nghiệm đơn thuần đi, đừng chia ra khách quan với chủ quan nữa. Chứ cứ để như bây giờ thì chủ quan sẽ luôn bị coi là yếu thế thôi.” Burnett bàn luận. “Liệu chúng ta có thể quay về với trải nghiệm tự thân mà vẫn tạo ra được một thứ hoàn toàn có thực, bên cạnh cảm xúc không?”

Chiều đó, tôi đi dạo với Loh, người tự tìm ra Hội Đệ Tam Điểu trước khi gặp Burnett. “Mọi thứ tôi gặp trong cuộc sống đều chứng tỏ rằng thế giới thực thú vị hơn nhiều so với hình ảnh của nó trong đầu tôi.” Nguyên tắc của Hội nhằm tránh diễn giải và phán xét một tác phẩm dường như cũng áp dụng cho con người. “Không nên nghĩ là bạn thực sự hiểu người khác,” Loh nói. “Tôn trọng một người là làm gì? Tôi nghĩ là chú tâm thôi. Bạn chú tâm vào họ.”

Đối với một số người, thực hành chú tâm cùng nhau không chỉ liên quan đến đạo đức mà còn cả chính trị. Kristin Lawler, giáo sư xã hội học tại Mount St. Vincent và là tác giả của một sách chuyên khảo về môn lướt sóng, hứng thú khi nghĩ về Hội Đệ Tam Điểu như là “những người đang cùng nhau tạo ra thế giới của riêng mỗi người.” Cô còn nói, “‘Dòng thác’ hình ảnh (ý chỉ các ứng dụng mạng xã hội hình ảnh – n.d) ập tới hàng ngày hàng giờ đang phá hủy tính chủ quan của chúng ta.” Nó khiến mỗi cá nhân, nhất là những người trẻ, càng có ít không gian để tự khám phá điều thu hút mình. Theo lẽ đó thì việc đoạt lại sự chú tâm chắc chắn là một động thái cách mạng.

Trong cuốn sách “Một thế hệ âu lo”, nhà xã hội học và chuyên gia Jonathan Haidt liên kết công nghệ điện thoại thông minh với tình trạng trầm cảm ngày càng gia tăng và các ảnh hưởng xấu khác ở thanh thiếu niên. “Gen Z là . . . đối tượng thử nghiệm cho một cách trưởng thành hoàn toàn mới, khác xa với tương tác trong thế giới thực của các cộng đồng nhỏ trước đây,” ông viết. “Họ cứ như là thế hệ đầu tiên lớn lên trên sao Hỏa vậy.”

Để tìm kiếm câu trả lời, Lawler, Len Nalencz và những người khác bắt đầu giảng dạy ở một tổ chức chính họ đã giúp thành lập, Trường Chú tâm Cấp tiến Strother. (Ngôi trường được đặt theo tên của Matthew Strother, một Điểu viên trẻ đã qua đời năm ngoái vì ung thư.) Ngôi trường này do một tổ chức có tên Làm bạn với sự chú tâm điều hành. Nơi đây tổ chức các buổi hội thảo tại các trường phổ thông công lập ở New York. Họ cũng tổ chức các khóa học buổi tối dành cho người lớn và workshop “Phòng thí nghiệm chú tâm” miễn phí vào mỗi cuối tuần. “Không nhất thiết phải là Điểu viên mới có thể trải nghiệm những hiệu ứng tương tự,” Burnett nói.

Vào một buổi chiều thứ Bảy, tôi ghé thăm một buổi hội thảo dành cho người lớn của trường Strother tại một nhà văn hóa ở Lower East Side. Khoảng năm mươi người tham dự, nhiều người trong số đó dưới ba mươi tuổi. Peter Schmidt, giám đốc chương trình sáng lập trường, và cựu học viên của Burnett kể: “Những người trẻ, trong đó có nhiều người tôi biết mặt và ngưỡng mộ, đến đây bày tỏ: ‘Tôi muốn làm việc hiệu quả hơn’. Tuy nhiên, khi vào hội thảo rồi, chúng tôi tạo điều kiện cho cả những trải nghiệm không hữu hình xuất hiện.”

Chúng tôi ngồi trên ghế, trong một vòng tròn lớn; ánh sáng chiếu qua dãy cửa kính trải suốt từ trần nhà đến sàn.

“Trong ít phút nữa, tôi mời bạn chọn một vị trí bất kỳ trong căn phòng này mà bạn có thể tập trung để tâm vào,” Schmidt nói. “Mời bạn hãy chú ý đến điều gì đó nằm ở rìa tầm nhìn của mình.”

Anh ấy đợi mười giây trong khi chúng tôi làm bài tập, rồi rung chuông.

“Khi đã hướng mắt về một điểm rồi mà trong tầm nhìn của bạn vẫn có một phần khác đang dịch chuyển. Phần đó là gì? Cái gì trong bạn đã chuyển động?” Tất nhiên là sự chú tâm. Bài tập của Schmidt cho thấy sự khác biệt giữa chuyển động của tâm trí và chuyển động của mắt.

Trong hai giờ tiếp theo, có những bài thực hành ngắn khác để người học cô lập và trau dồi sự chú tâm. Nhà sản xuất âm nhạc và D.J. Troy (Bachtroy) Mitchell, đôi mắt có lông mi dài và mặc chiếc áo nỉ màu xanh lá chanh, chơi một bản nhạc thử nghiệm trong bốn lần, hướng dẫn những người tham gia nghe theo một cách khác nhau sau mỗi lần chơi. Loh và một đồng nghiệp thì đưa một nhóm người lên ban công để nghiên cứu cảnh quan thành phố theo bốn cách: nhìn trực tiếp, qua chế độ selfie, nhìn phản chiếu (trong mặt gương của màn hình điện thoại đã tắt) và nhắm mắt hoàn toàn. Sau đó, họ tập hợp thành một vòng tròn nhỏ, giống của Hội Đệ Tam Điểu, để kể lại trải nghiệm của mình.

Nalencz kể cho tôi nghe về nguồn gốc của ngôi trường dạy Chú tâm đặc biệt này. “Tôi đã gặp những con người tuyệt vời ở Hội Đệ Tam Điểu, nhưng họ là ai? Học giả này, nghệ sĩ này, chủ yếu là người da trắng,” ông nói. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng nạn nhân lớn nhất của “nạn săn bắt” sự chú tâm là những người trẻ tuổi từ các cộng đồng có nguồn lực hạn chế. Giống như các sinh viên của ông, những người tiếp cận văn hóa công cộng chủ yếu qua điện thoại. “Tôi nghĩ cần phải cố gắng tiếp cận những sinh viên thực sự thông minh nhưng (a) sẽ không đến bảo tàng vì bận học và (b) chỉ có điện thoại chứ không có sách.”

Jahony Germosen, sinh viên của Nalencz, năm cuối chuyên ngành tiếng Anh sinh ra ở Cộng hòa Dominica và lớn lên ở Bronx. Mặc dù đạt điểm A trong các lớp ông dạy nhưng cô không đi học đều. Nalencz động viên cô khắc phục bằng nhiều cách khác nhau.

“Thầy Nalencz nói, ‘Tôi là thành viên của tổ chức phi lợi nhuận này. . . . Em có muốn đến thử không?,” Germosen kể lại. Cô làm theo và trải nghiệm ở trường Dạy Chú tâm Strother khiến cô cảm động. “Em không biết diễn tả cảm giác đó như thế nào. Đôi khi em cảm thấy thế giới tạo ra mọi thứ và có vẻ mọi người đều có thể bị thay thế, như thể em chẳng có giá trị cá nhân nào cả. Nhưng khi đến đây, dường như mọi thứ đều quan trọng. Em quan trọng. Tòa nhà này quan trọng.” Khi biết người hướng dẫn trẻ nhất ở Trường Chú tâm Strother chỉ tầm hai mươi bảy tuổi, Germosen đã xin gia nhập đội ngũ nhân viên luôn. Cuối buổi, Germosen nhanh chóng trở thành người dọn dẹp cho workshop.

Không phải mọi Điểu viên đều thấy thoải mái khi Hội Đệ Tam Điểu trở nên có tiếng. Dorothea von Moltke, chủ cửa hàng Labyrinth Books, bang New Jersey, giãi bày: “Tôi ngừng tham gia Hội mấy năm rồi. Tôi có bao giờ quan tâm tới những thứ phô trương đâu, thứ tôi thích ở Hội là sự bí ẩn và bất cần cơ.” Tuy nhiên, một đội ngũ tiên phong mới đang hình thành trong Hội. “Tôi thấy những thực hành của Hội quan trọng ở chỗ chúng cởi mở và mọi người có toàn quyền tự do sáng tạo và điều chỉnh,” một người xưng là Daphne và từng làm việc tại một tổ chức hỗ trợ cộng đồng xuyên quốc gia ở Montréal chia sẻ. “Cách tôi đang luyện tập với mọi người ở Montréal bây giờ rất khác với cách tôi từng được giới thiệu.”

Những người cùng thực hành phương pháp của Hội với Daphne ở Montreal phần lớn là các cô gái mại dâm. Daphne kể: “Mối quan hệ của họ với thành phố gắn liền với lịch sử sử dụng vũ lực triệt phá ổ mại dâm ở khu đèn đỏ.” Hồi lâu, một đợt triệt phá xoáy vào mặt tiền của một câu lạc bộ thoát y đã ngừng hoạt động. Vài tuần sau, chỗ ấy bị thiêu rụi luôn. Daphne tin đấy là một vụ cố ý phá hoại: với họ, một phần thế giới đã bị xóa bỏ. Daphne cảm thấy sự chú tâm của mọi người ở đây có một ý nghĩa nhất định. “Sẽ rất khác nếu tôi và các cô gái này tập trung vào một tác phẩm của nghệ sỹ nổi tiếng nào đó chả liên quan,” cô nói.

Một buổi chiều mưa, tôi tới theo dõi hoạt động do một Điểu viên New York khởi xướng ở Bảo tàng Mới. Khi tiếng chuông đầu tiên vang lên, từ trong đám đông bốn Điểu viên tụ tập thành cụm trước tác phẩm “The Giantess (Người bảo vệ quả trứng)” của Leonora Carrington—một bức tranh siêu thực về một người phụ nữ bị đàn chim vây quanh. Nhóm gồm hai thanh niên rụt rè và hai phụ nữ mặc áo mưa, trông cũng vô hại thôi, nhưng khi chuông báo pha Nhận thức vang lên thì các anh bảo vệ xung quanh cảnh giác hơn, ngó quanh các bức tường và báo tin cho nhau. Những du khách có mặt ở đó thì sửng sốt, như thể bị mê hoặc bởi cái gì thì không rõ. Phản ứng kiểu đó thì bình thường rồi.

 Bức tranh The Giantess của Leonora Carrington.  https://www.arthistoryproject.com/artists/leonora-carrington/the-giantess

Bức tranh The Giantess của Leonora Carrington. https://www.arthistoryproject.com/artists/leonora-carrington/the-giantess

“Ngay cả những nơi dành cho nghệ thuật như viện bảo tàng cũng không được thiết kế để người ta ngắm một bức tranh nhiều hơn 15 giây tiêu chuẩn,” Burnett nói. Những vụ phá hoại nghệ thuật gần đây dẫn đến việc thắt chặt an ninh, nhưng từ trước tới giờ luôn có áp lực. (Trong số các chi hội Đệ Tam Điểu địa phương ở New York, Guggenheim là nơi tự do nhất.) Vào năm 2014, Nalencz khởi xướng đề bài là một bức tranh tường của Julie Mehretu tại sảnh của tòa nhà Goldman Sachs ở khu Hạ Manhattan. Công ty thực hiện triển lãm nói là tác phẩm được trưng bày công khai, người qua đường có thể nhìn thấy nó qua cửa sổ lớn ở sảnh. Nhưng ngay khi các Điểu viên bắt đầu tụ tập trên vỉa hè, bảo vệ đã yêu cầu họ rời đi. Nalencz vẫn điều phối các Điểu viên tiếp tục xem bức tranh tường qua cửa sổ ấy. Vài phút sau thì cảnh sát đến.

“Các anh cho tôi hỏi đây có phải vỉa hè công cộng không?” Nalencz nói với các sĩ quan. “Chúng tôi chỉ đang xem bức tranh kia, nó được trưng bày công khai mà.”

“Nhưng không ai trong các anh đang nhìn tranh cả,” một sĩ quan chỉ ra. Thì đúng như vậy: giai đoạn Phủ định đang diễn ra mà. Một Điểu viên đang quan sát bụi cây. Một người khác hình như đã ngồi ngủ gục.

“Đây rõ ràng là một phần trình diễn,” một sĩ quan quả quyết. “Các anh có giấy phép không?”

Thoạt Nalencz nhìn viên sĩ quan, rồi quay sang những Điểu viên xung quanh, rồi lại tới viên sĩ quan. Nalencz hơi nghiêng người về phía trước, nói nhỏ như thể một bí mật. “Tôi không thấy nó giống một màn trình diễn lắm đâu, anh thấy có đúng không?”

Tác phẩm tranh tường của Julie Mehretu: https://www.flickr.com/photos/sixteen-miles/4516600528

Cấu trúc tôi học được từ Knauss—Gặp gỡ, Chú tâm, Vô hiệu, Chứng ngộ—là Giao thức Chuẩn trong Hội. Có nhiều biến thể khác nữa. Có Giao thức Vetiver dành cho việc chú tâm tới nước hoa. Có Giao thức Cảnh giác biển, dành để chú tâm dưới nước. (Bước cuối của giao thức này là “Nổi lên; thả lỏng ‘mang’ ra.”) Một số biến thể sớm bị bỏ quên, còn lại những cái thành công nhất. Đối với các Điểu viên ở Thượng Hải và Beirut, hai nơi mà người tham gia tụ tập công cộng có thể gặp phải rủi ro thực sự, Burnett đã giúp phát triển Giao thức Doppler để Điểu viên chú tâm trong khi đi bộ. Trong đó, pha Chú tâm diễn ra trên đường tới gần với tác phẩm; pha Phủ định là ngay tại thời điểm tiếp cận được tác phẩm; và pha Chứng ngộ diễn ra khi rời đi khỏi tác phẩm. “Chúng tôi gọi nó là Chứng ngộ Orpheus” (Orpheus là một thi sĩ trong thần thoại Hy Lạp. Người phải hứa không được ngoái đầu nhìn lại vợ mình để bảo toàn tính mạng cho nàng, n.d.) Trở lại New York, Burnett thử nghiệm Giao thức này với bức tượng Christopher Columbus ở Vòng xoay Columbus, với các Điểu viên đi theo Đại lộ số 8.

Một trong những giao thức có ảnh hưởng nhất là Prosphorion, dành cho các tác phẩm quan trọng nhưng không thể tiếp cận được. Trong giao thức này, một trong những người tham gia “trở thành” chính tác phẩm đó. Nalencz từng đóng vai làm “Vòng cung nghiêng”, tác phẩm điêu khắc của Richard Serra được lắp đặt ở Quảng trường Foley và bị dỡ bỏ vào năm 1989 sau nhiều tranh cãi. Một lần nữa, Nalencz bị một người bảo vệ bắt gặp. Lần này, Nalencz kêu lên “Tôi là một tác phẩm điêu khắc!” và đứng đó hiên ngang đúng kiểu “Vòng cung nghiêng”. (Người bảo vệ nói “Okay,” rồi đi tiếp.)

Tôi chưa từng chứng kiến Giao thức Prosphorion. Nhưng một số Điểu viên nói với tôi rằng giao thức này mang tới sức nặng cảm xúc bất ngờ. Trong pha cuối cùng, tác phẩm vắng mặt nhưng lại “tham dự cùng bạn.” Catherine Hansen nói: “Nhiều người đã khóc hoặc bần thần luôn. Thật khó để không nghĩ đến những thứ bạn đã đánh mất hoặc đang thiếu sót.” Caitlin Sweeney, giám đốc ấn phẩm kỹ thuật số của Viện Wildenstein Plattner, nơi sản xuất các catalogue raisonné, đã rất xúc động sau buổi chú tâm dành cho “Vòng cung nghiêng” ấy. Xúc động đến mức Caitlin viết một bài cảm thụ gửi cho người bạn đang làm việc cho chính tác giả Richard Serra. Chính cô cũng ngạc nhiên khi nhận lại phản hồi nhiệt tình từ vợ của Serra, và bài viết này đã được thêm vào hồ sơ tác phẩm điêu khắc của studio Serra. Đây là sự kiện đưa một tác phẩm nghệ thuật về sự chú tâm của Hội Đệ Tam Điểu trở thành một phần trong các tác phẩm khét tiếng nhất của Serra.

Tác phẩm Tilted Arc của Richard Serra https://www.sartle.com/artwork/tilted-arc-richard-serra.

Bằng chứng như vậy về tầm ảnh hưởng của Hội Đệ Tam Điểu khiến tôi càng thắc mắc về nguồn gốc của nó. Sweeney không chắc Hội đến từ đâu. Adam Jasper nói, “Tôi nghi lắm mà đâu dám kết luận. Xém nữa tôi đã cho rằng chính Graham Burnett là người đã phát minh ra phương pháp này.” Còn Burnett thì nói, “Tôi luôn nghĩ nó mang màu phong cách Pháp.”

Tôi tới kho lưu trữ các bài viết chưa được xuất bản về các hoạt động của Hội Điểu. Vì những lý do bí ẩn nào đó, chúng được đặt trong một chiếc rương lớn ở một góc văn phòng của Cody Upton, giám đốc điều hành Học viện Nghệ thuật và Thư từ Hoa Kỳ. Xem xét kỹ các tài liệu, tôi nhận thấy không có hồ sơ nào về các hoạt động của Hội trước năm 2010 cả. Hansen gợi ý: “Hay anh nói chuyện với Jeff Dolven và Sal Randolph xem sao. Họ rất có thể là những người chứng kiến ‘vụ nổ lớn.’”

Khi tôi hỏi thì Dolven cười. “Khi bắt đầu luyện tập, tôi không để ý lắm tới các hoạt động khác của Hội,” anh nói một cách mơ hồ. “Lúc ấy có tôi, Graham và Sal Randolph. . . Thế anh nói chuyện với Sal chưa?”

Randolph, một nghệ sĩ và tác giả cuốn sách “Công dụng của nghệ thuật”, hẹn gặp tôi tại quán Think Coffee ở Manhattan. Tóc cô cắt ngắn và nhuộm màu xanh dương đậm. Cô bắt đầu quan tâm đến sự chú tâm vào cuối những năm 90 khi làm nghệ thuật ở Provincetown. “Tôi dành cả mùa đông để tạo ra một loạt tác phẩm, sau đó đem trưng bày chúng trong hai tuần mùa hè.” Cô quan sát, “Khi xem tranh, mọi người hay ‘nhảy’ một điệu quen thuộc này: Tôi tiếp cận một tác phẩm, tôi nghiêng đầu một chút, gật đầu nhẹ và bước sang tác phẩm tiếp theo. Thời gian cho mỗi lần chừng hai hoặc ba giây.” Sau nhiều tháng liên tục vẽ tranh, phản hồi như vậy ít ỏi một cách phi lý quá. “Tôi cảm thấy nghệ thuật, thơ ca, và các công trình văn hóa đang bị lãng phí với tốc độ chóng mặt.”

Năm 2010, Randolph gặp Burnett trong một hội thảo. Anh ta đang làm việc với Dolven và ba người họ bắt đầu trò chuyện. Cô tường thuật: “Chúng tôi nghĩ đến những tác phẩm nghệ thuật cần được quan tâm nhiều hơn so với tình hình hiện tại.” Tôi nói với Randolph là trước 2010 tôi không tìm thấy tài liệu nào về Hội Đệ Tam Điểu cả, cô có biết gì về nguồn gốc của Hội không? Cô ấy im lặng. “Cảm giác khi vào Hội giống như là gặp một nhóm người quen thuộc thôi,” cuối cùng cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi. “Nhưng cái Hội này thì thực sự đã lâu đời rồi.”

Lần cuối cùng đến thăm Burnett, tôi thấy anh đang có tâm trạng hưng phấn. Anh bảo tối đấy sẽ có một đề bài nữa của Hội – “một ca cần sự chú tâm tới mức y chang các y bác sĩ cấp cứu luôn”. Lần này, tác phẩm là bức điêu khắc công cộng của Peter Lundberg, được bao quanh bởi đoạn đường nối lên cầu George Washington cách đó không xa. Các Điểu viên để mắt đến nó đã nhiều năm. Đi ô tô thì có thể thoáng thấy nó bên vệ đường, nhưng trước đây thì không có cách nào để dừng lại quan sát. Năm ngoái, Cảng vụ mở lại lối đi bộ về phía bắc đã lâu không hoạt động của cầu, giờ người đi bộ có thể nhìn thấy đoạn đường này.

Tác phẩm điêu khắc của Peter Lundberg https://www.flickr.com/photos/jag9889/38343527434

Tôi đến hiện trường sớm. Gần tới nơi, tôi đi ngang qua Brad Fox đang ngồi trên băng ghế ở trạm xe buýt trong chiếc áo mưa màu hải quân; theo phong cách vốn dĩ của Hội, anh ấy chả buồn bộc lộ mình là một Điểu viên. Lối đi được lót hai bên bởi hàng rào mắt xích và đường ray màu xanh lá cây. Vài người đi xe đạp cắt ngang các khúc cua. Trên mặt đất gồ ghề, gần một chiếc xe tải đang đỗ, có một tác phẩm điêu khắc bằng thép và bê tông trang nhã, như thể ai đó đặt nó xuống bên đường và quên nhặt lại. Tôi nhận thấy một bóng người quen thuộc trên lối đi: Burnett, với chiếc áo hoodie màu xám kéo qua đầu.

Một phút sau, Nalencz đi tới, mặc áo khoác đen và đội mũ thể thao có dòng chữ “PILSNER”. Tôi cũng nhìn thấy Loh, rồi Fox, rồi Kristin Lawler. Cuối cùng cả nhóm tụ lại thành một cụm ở phía bắc của lối đi. Một người đàn ông tóc bạc tham gia cùng họ một lúc, cố gắng nhìn xem họ đang thấy gì. Khi tiếng chuông báo hiệu pha Vô hiệu vang lên, những Điểu viên di chuyển ra khỏi đội hình. Burnett tò mò nhìn một tấm lưới thoát nước. Fox nằm xuống một thảm cỏ yên tĩnh.

Một cơn gió thổi đến. Nước sông Hudson chuyển màu xám ủ rũ. Lối đi tạo thành hình móng ngựa xung quanh tác phẩm điêu khắc. Cao hứng, Nalencz rung chuông báo pha Chứng ngộ khi dẫn nhóm đến phía còn lại của khúc cua. Họ tập trung thành một cụm mới theo chiều ngược lại: năm người đang cống hiến mọi sức chú tâm mà mình có cho một tác phẩm nghệ thuật lặng lẽ nằm đây bao năm qua. Có khi chính tôi đang tưởng tượng, nhưng tôi thấy rõ khung sườn thép của tác phẩm điêu khắc này đang lóe lên với tầm quan trọng hoàn toàn mới, do chính sự chú tâm của năm người họ mang lại.

Hoàng hôn buông xuống, một sợi dây vàng mỏng vắt ngang đường chân trời New Jersey. Tôi đã quan sát những con người vận dụng sức mạnh kỳ lạ của mình lên các tác phẩm nghệ thuật. Đây là một trong những điều chân thực nhất mà tôi từng chứng kiến.

Leave a Reply