Tuy có tự học để chạy MindTriibe và blog The Too Blue Scientist, mình RẤT không phải chuyên gia về kinh tế gì ráo. Bài viết này chia sẻ về góc nhìn của mình đối với mảnh đất Internet có đào bới bấy lâu.
Làm gì trên Internet cũng mất phí
Có đủ loại chi phí cần tới khi mình “trao đổi” để ai đó làm gì giúp mình. Thấp nhất và gần nhất thì là mất phí Internet. Khoản này bạn trả để nhà cung cấp dịch vụ tới cắm cáp vào modem của bạn. Từ đây bạn có Internet.
Còn để làm việc trên Internet, bạn cần công cụ lao động: máy tính, phần mềm, máy ảnh, tên miền, hosting, hay nhờ người thiết kế website, …
Tuy có nhiều nhiều cách để giảm thiểu tối đa chi phí vận hành (dùng tên miền miễn phí, dùng nền tảng có sẵn, có gì dùng đó, tự học – tự làm) thì người ta phải mua thời gian. Nói cách khác, thời gian mình ngồi gõ dòng này được đánh đổi bằng thời gian mình làm việc khác để ra tiền.
Vậy những dự án chạy trên Internet lấy đâu ra tiền để chạy? Dự án ở đây có thể là blog, kênh youtube, podcast, thậm chí viết bài dài dài trên facebook.
07 business models để có nguồn thu chạy dự án trên Internet
Những models này vừa có thể coi là những giai đoạn của một dự án, vừa là loại hình hoạt động của những business khác nhau.
1. Người sáng lập tự bỏ tiền ra để chạy
Trong thời gian đầu của một dự án nào đó, trên Internet rất hay có kiểu này. Đa phần vì founders không biết chắc ý tưởng của mình có được chấp nhận hay không. Chuyện một dự án đang thai nghén có tồn tại lâu hay không phụ thuộc vào nguồn tiền mà founder huy động được từ chỗ khác.
2. Người dùng trả tiền để sử dụng
Điều này đồng nghĩa với chuyện sẽ có paywall, một rào chắn chọn lọc người dùng. Họ cần trả tiền để tiếp cận nội dung. Đây là hình thức kinh điển của nhiều business: mở lớp dạy học, mở phòng khám bệnh, cộng đồng online (như MindTriibe), viết blog và chỉ cho thành viên đọc (như Medium hay Substack), …
3. Người dùng mua đồ lưu niệm hoặc ủng hộ trực tiếp cho người sản xuất
Phần lớn nội dung của người sản xuất đều miễn phí, tức là người dùng không phải trả tiền để tiếp cận như trên. Người dùng có thể mua cái áo, cái nón có in biểu tượng của một thương hiệu, hoặc ủng hộ cho người sáng tạo nội dung. (Chủ kênh YouTube nào đó, hoạ sĩ vẽ, hay ứng dụng quản lí ebook Calibre, hay blog The Present Writer, blog The Too Blue Scientist.)
4. Quảng cáo tự động
Rất nhiều ứng dụng web bây giờ trông thì miễn phí với người dùng nhưng đều sẽ lấy tiền bằng quảng cáo do bên thứ ba trả. Facebook, Google, Twitter, YouTube, Reddit.
Kiểu model này thường hay được coi là ác quỉ vì lập luận là để có quảng cáo thì người ta thường cần tìm cách cải tiến hệ thống để giữ chân người dùng càng lâu càng tốt. (Đây là một lập luận mình không ưng lắm, vì ai chả muốn giữ chân khách hàng?!) Nhưng mà, sự thật là thuật toán của những bộ máy trên thường sẽ ưu tiên và tập trung vào nội dung có khả năng nhiều view, chứ không chắc là cái hay nhất, đúng nhất.
5. Người dùng mua đồ gián tiếp / Quảng cáo cho nhãn hàng
Người sản xuất nội dung sẽ đưa ra một số món đồ của người khác, từ những trang khác. Nếu người dùng mua đồ theo đường link của họ thì người sản xuất sẽ được nhận tiền. Ngoài ra, còn có kiểu quảng cáo cho nhãn hàng/nhà tài trợ thay vì bán một những mẩu quảng cáo tự động nhỏ nhỏ. TV truyền hình cũng chạy bằng quảng cáo.
6. Gây quỹ cộng đồng
Nhiều dự án có sản phẩm đầu ra hoặc đích đến cuối cùng thường sử dụng kiểu này. Thế giới có Kickstarter, Indigogo; ở TW có vài trang; ở VN có Comicola.)
7. Tổng hợp
Model cuối cùng thường là tập hợp của một vài kiểu ở trên. Như mấy kênh podcast Brains On, YouTube Sci Show/Crash Course sẽ nhờ người hâm mộ đóng góp, sẽ có quảng cáo bởi một nhãn hàng nào đó tài trợ, sẽ có bán đồ có thương hiệu của chính họ nữa. Hoặc nhiều phần mềm cho dùng free với giới hạn tính năng, cần trả tiền để tới những tính năng khác.
Ảnh hưởng của các ông lớn trên Internet lên Internet
Những ông lớn công nghệ như Facebook, Google chiếm một lượng lớn doanh thu CỦA TOÀN INTERNET nhờ quảng cáo. Điều này làm ảnh hưởng tới một vài điều. À, khi nói tới “ông lớn” thì họ lớn vì có nhà đầu tư, bỏ tiền vào và mong lấy được tiền ra.
Một, người dùng thích và quen với “miễn phí”. Tuy nhiên, họ không nhận ra là chính mình hoặc ai đó đã trả giúp để họ sử dụng dịch vụ.
Hai, xuất hiện nhiều subscription-based hơn thay vì trả tiền một lần như trước. Microsoft Office chẳng hạn, bạn từng có thể mua một lần dùng mãi, giờ có kèm theo gói thuê bao trả tiền hàng năm hàng tháng. Giờ rất nhiều phần mềm, ứng dụng đi theo hướng này.
Ba, nhiều indie-based business hay lập trình viên tự bỏ vốn mất công việc. Cái này lan từ hiệu sách ngoài đời tới ứng dụng trên máy tính. Có những ứng dụng Apple hay Microsoft tích hợp sẵn vào máy tính, bí bo, người làm ứng dụng đó đầu tiên coi như thất thoát nguồn thu.
Bốn, các nền tảng và định dạng đóng. Thay vì mở, chỉ cần dẫn link là được, những nền tảng này từng đóng cửa để chơi với nhau. Chia sẻ từ bên này qua bên kia khó. Chẳng hạn, rất lằng nhằng để lấy được nội dung viết bên trong Facebook ra ngoài.
Năm, dữ liệu, dữ liệu, dữ liệu. Vì quảng cáo, cho quảng cáo, không ai biết được dữ liệu mình đăng tải, dòng chữ mình tìm kiếm, tung tích mình lướt web, sẽ bị sử dụng làm gì.
Sáu, mấy trang mạng lớn giống như … trang vàng trong cuốn danh bạ điện thoại. Nó là một danh mục hay là cổng để người ta biết tới một nghiên cứu, một business, một bệnh viện, một cuốn sách hay, hay đơn giản là bạn bè. Nếu không có các ông lớn, hay thực chất là A WEB of CONNECTIONs OF THE WEB thì mọi thứ sẽ khó chạm tới hơn.
Vân vân.
Kết nối và Bền vững và Độc lập
Vậy mình viết bài này để làm gì?
Chúng ta 1. đều là social animals cần lắm kết nối và 2. đều mong cái giúp ích cho mình sẽ sống bền vững để mình còn được nhờ. Nếu Google mất thì tìm kiếm vào đâu, nếu YouTube mất thì xem vlogbrothers kiểu gì, nếu Facebook mất thì bạn bè, công ăn việc làm, khán giả, … mất theo.
Tuy nhiên, mình muốn nhắc bạn đọc nhớ: mảnh đất Internet không chỉ có các tập đoàn triệu – tỉ đô mà còn có những người sáng tạo/kinh doanh độc lập nhỏ lẻ. Đừng quên sự tồn tại của họ. Chính những chuyển động ở tầng thấp hơn, như việc sáng tạo không tập trung (bottom up và decentralized) sẽ tạo nên những bước ngoặt mới.
Để tự an ủi và nhắc mình, rằng MindTriibe và The Too Blue Scientist cần tìm cách để bền vững được.
Và cuối cùng, để cổ vũ nhiều người viết blog cá nhân. Nhiều người hơn nữa nên viết (hơn nữa).
cảm ơn bài viết của anh!
cảm ơn bài viết của anh!