Hai ngày cuối tuần đi mây về gió, 9h tối có mặt ở Tây Ninh, 9h30 sáng đã lên xe rời khỏi. Trong 24h ấy, mình đi về hơn 200 km mất khoảng 5 tiếng đồng hồ, không kịp ngửi mùi lúa mới, chẳng kịp leo núi Bà Đen. Tuy hơi tiếc nhưng không sao, mình về đây để xem triển lãm ảnh Tây Ninh trong em là được tổ chức bởi Teach For Vietnam (Giảng dạy vì Việt Nam).
Teach For Vietnam (TFV) là một trong những từ khóa quen thuộc trong ngành (đối với mình) trong vài năm trở lại đây. Theo mình được biết, TFV là một doanh nghiệp xã hội đang triển khai các hoạt động giáo dục tiếng Anh và STEM tại nhiều trường học công lập tại các huyện thị ở Tây Ninh. Họ giải quyết những vấn đề giáo dục ở đây bằng những giải pháp mang tính địa phương, qua việc kết nối 5 nhà: nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và cá nhân mỗi học sinh.
Biết đến chương trình từ trước, chính sự hào hứng với ý tưởng này đã thôi thúc mình về đây xem triển lãm để vừa thỏa mãn sở thích ngắm nhìn tranh ảnh đẹp, vừa để học hỏi cách thực hiện một dự án lớn. Và chuyến đi này quả thực rất đáng.
Trước hết, mình nhận xét dự án dưới góc nhìn giáo dục. Dự án được thực hiện dựa trên việc nghiên cứu (a research-based project) nhằm giải quyết một vấn đề khá nhức nhối. Theo lời kể của các giáo viên khởi xướng, bắt nguồn từ việc quan sát thấy sự thiếu hiểu biết và thiếu trải nghiệm của học sinh về những địa danh nổi tiếng trong tỉnh (như núi Bà Đen), họ đã khảo sát trên các học sinh của hai trường học với những câu hỏi sau (mình diễn tả lại):
- Trong một tuần, trung bình mỗi học sinh dành thời gian của mình làm gì và ở đâu? Kết quả là thời gian đi học trên trường, ở nhà, đi học thêm chiếm phần lớn. Còn thời lượng ít hơn các em dành cho các việc khác, như đi trà sữa chẳng hạn.
- Học sinh tự đánh giá các kỹ năng thiết yếu của mình (VD: tiếng Anh, tổ chức và điều phối hoạt động, tư duy phản biện, giao tiếp, làm việc nhóm, …)
Dựa trên kết quả khảo sát, giáo viên nhận định rằng: thực tế, các học sinh chưa có nhiều trải nghiệm đối với danh lam thắng cảnh hay những nét độc đáo ngay tại quê nhà. Ngoài ra, nhận thức của học sinh về các kỹ năng được đánh giá là cơ bản của thế kỷ XXI chưa cao. Tuy không biết điều kiện và tiến trình thực hiện khảo sát ra sao, cũng không bàn đến chất lượng bảng khảo sát, mình cho rằng đây là tình trạng chung của học sinh nhiều nơi.
Lấy cảm hứng từ Humans of New York và My Day – Ngày của em, giáo viên quyết định sử dụng công cụ là nhiếp ảnh và Photovoice như phương tiện để học sinh bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình đối với những sự việc, con người thân thuộc xoay quanh cuộc sống thường ngày của các em. Ngoài ra, các em sẽ được học hỏi và có điều kiện sử dụng nhiều kỹ năng ở trên.
Dự án được chia làm hai pha. Đầu tiên, 70 học sinh của 04 trường học tham gia dự án được tập huấn một số kỹ năng cần thiết như: chụp ảnh, phỏng vấn nhân vật, kể chuyện. Sau đó, các em vận dụng những kỹ năng này vào chuyến đi thực tế tại địa phương để “ghi nhận” câu chuyện, khoảnh khắc mình muốn truyền tải. Những tấm ảnh tâm đắc nhất của các em sẽ tham gia triển lãm.
Một điều nữa khiến mình ấn tượng là việc giáo viên điều phối kết nối các khối công lẫn tư để hỗ trợ triển khai dự án. Theo mình, nhờ mối liên kết này mà dự án tăng thêm ý nghĩa khi không bị giới hạn ở chỉ một ngôi trường mà được lan tỏa rộng rãi hơn, tuần lễ triển lãm vì vậy mà cũng được nhiều người biết tới. Cuối cùng, 20 em học sinh có khả năng nhất sẽ được tập huấn để trở thành những Đại sứ của tỉnh, trước mắt là qua việc tự quản lý fanpage dự án.
Mình hơi tiếc khi không có nhiều người lớn (giáo viên, phụ huynh,…) tham dự buổi khai mạc triển lãm. Khi họ hiểu được tâm huyết và ý nghĩa của dự án thì có thể con em họ sẽ được lợi hơn.
Về chất lượng ảnh thì sao? Mình ấn tượng với rất nhiều bức trong triển lãm, về cả bố cục, kỹ thuật chụp lẫn lời bình. Nhiều câu văn ngây thơ của đám học sinh cấp 2 khi “áp” cho người lớn mình thấy dễ thương vô cùng. :)) Những bức hình cho mình thấy dự án hoàn toàn có thể thúc đẩy phát triển du lịch nếu được truyền thông tốt. Trên đường rời khỏi Tây Ninh, mình nhận ra xe đi ngang qua những địa danh vốn đã thấy trên hình, cảm giác đó rất thích thú. “Ơ, tòa thánh kìa.” “Ơ, đây là đồng lúa cậu bé trong ảnh đứng nè.”
Cuối cùng, mình nghĩ đây là một dự án tích hợp mang tính thực tế và địa phương hóa cao. Học sinh khi tham gia phải tìm hiểu về nền tảng thiên nhiên (núi rừng, cây cối), lịch sử, văn hóa (tôn giáo); tình hình kinh tế (lao động), xã hội (công việc thiện nguyện), giáo dục (trường lớp), con người (em bé, người già) ở Tây Ninh. Bên cạnh đó, các em được học và vận dụng kỹ thuật chụp hình, các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, … Mô hình của Tây Ninh trong em là rất đáng để áp dụng cho các địa phương khác.
Cảm ơn bạn đã đọc bài. Xin tặng bạn một số hình ảnh mà mình thích nhất dưới đây.
Hải Nguyễn