Khoa học bản địa và biến đổi khí hậu

You are currently viewing Khoa học bản địa và biến đổi khí hậu

Đây có thể là những ghi chép sớm nhất về Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu: Khả năng phục hồi bản địa và Hệ thống kiến thức địa phương. (International Conference on Climate Change: Indigenous Resilience & Local Knowledge Systems). Bài viết này là tổng hợp của mình khi nghe Keynote I của giáo sư Fikret Berkes. Tựa đề Indigenous and Local Knowledge for Building Resiliience in the Context of Climate Change.

Mình nghĩ đây là cách tốt nhất để mình “tiêu hóa” những gì học hỏi được. Có đi hội nghị “không liên quan lắm” tới ngành học mới thấy thiếu vốn từ trầm trọng. Nhiều cụm mình không hiểu nên phải dịch rất thô. Google thì đằng sau chúng là cả một nền tảng. Ví dụ: social learning, adaptive governance, adaptive management, capacity, … Mong nhận được trao đổi từ các bạn. Mình sẽ còn viết về hội nghị này nữa.

Tiếng nói của dân tộc thiểu số

Hội nghị này gây ấn tượng với mình vì nó bắt đầu với một bài hát dân tộc. Rất nhiều ngôn ngữ địa phương cũng đã lên tiếng. Tập hợp những chuyên gia hàng đầu thế giới về khoa học bản địa (indigenous science), khoa học bền vững (sustainability sciences), biến đổi khí hậu (climate change), khoa học môi trường (environmental science), nhân chủng học (anthropology), những nhà làm chính sách Đài Loan. Đặc biệt là sự có mặt của các cộng đồng dân tộc thiểu số Đài Loan trong một hội nghị khoa học. Họ cùng chia sẻ những điều đã và đang thực hiện để thích ứng với sự biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu

Đã qua rồi thời “chống hay ngăn chặn” biến đổi khí hậu vì nó đã và đang xảy ra. Bằng chứng của khoa học phương Tây và quan sát bản địa (local observation) đều xác nhận điều này. Cái chúng ta cần làm bây giờ là làm sao thích nghi với sự biến đổi này tốt nhất có thể. Cái gì hay ho thì đem ra chia sẻ, học hỏi lẫn nhau và cùng kết hợp lại. Biết đâu con người có thể thích ứng với sự thay đổi này tốt hơn.

Kiến thức bản địa

Những cộng đồng thiểu số tồn tại qua nhiều thế hệ ở một vùng đất, đối mặt với nhiều thiên tai khắc nghiệt là minh chứng cho việc họ có những phương cách tồn tại riêng. Kiến thức và quan sát bản địa cho thấy những biểu hiện dù nhỏ nhất của biến đổi khí hậu ở các vùng địa hình khác nhau (ví dụ: từ dưới thung lũng đến núi cao). Đã có cộng đồng thiểu số tận dụng biến đổi khí hậu để phát triển cho thấy khả năng thích ứng của họ.

Những mô hình ứng phó với biển đổi khí hậu cấp khu vực hay toàn cầu quá to tát và xa xôi. Chi phí nghiên cứu, lấy dữ liệu của giới khoa học có hạn. Quan sát địa phương (local observation) sẽ cho ta những thông tin đó. Chính phủ Norway đã nhờ cộng đồng thiểu số Saami ở vùng cực (Bắc Âu) lấy dữ liệu về nhiệt độ và độ sâu của tuyết. Đây là sự đồng-xây-dựng kiến thức (co-producing knowledge).

Cộng đồng Saami này có một cuộc sống và nền văn hóa gắn liền với tuần lộc. Mỗi khi đàn tuần lộc di cư, họ lại đi theo để giúp chúng tìm được vùng đất mới. Qua mỗi vùng đất, họ sẽ kiểm tra nhiều biến số, trong đó có các mảng tuyết để đảm bảo có đủ địa y tuần lộc (lichen) để chúng được no bụng. Video clip về cộng đồng này mình để ở cuối bài viết.

Cộng đồng Saami
Nguồn: Colorado College

Kết nối khoa học bản địa và khoa học phương Tây

Khác với nghiên cứu khoa học tự nhiên phương Tây thường tập trung vào số lượng biến số nhỏ để dễ kiểm soát. Ví dụ: tìm ảnh hưởng của thay đổi nhiệt độ lên sự phát triển của cây. Cách ghi nhận kiến thức của cộng đồng thiểu số thì khác: bắt nguồn từ quan sát trong thời gian dài (có khi qua nhiều thế hệ), để ý nhiều yếu tố có thể có tác động lên đối tượng. Ví dụ: nắng, gió, tuyết, thực vật, côn trùng, chim chóc, …

Vì hai nền khoa học này dựa trên niềm tin, thế giới quan khác nhau nên không thể sử dụng một nền tảng này để kiểm tra cái kia. Cũng không thể trộn lẫn chúng được.

Quan sát thấy sự biến đổi khí hậu được thực hiện bởi cộng đồng thiểu số, địa phương. Đây là những trường hợp được cộng đồng quốc tế ghi nhận lại, trong thực tế có thể còn nhiều hơn.
https://www.nature.com/articles/nclimate2958/figures/3

Quan sát địa phương sẽ bổ sung thêm những dữ liệu thực tế, sát sao cho những mô hình thích nghi với biến đổi khí hậu ở cấp khu vực và toàn cầu, không phải thay thế hoàn toàn chúng.

Adaptive Governance/Management – Social Learning

Tại sao ta cần các cộng đồng địa phương vào cuộc để tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu? Vì đây là một việc khó với những hiện tượng hay sự kiện không thể lường trước được. Nó (hơi bị) nằm ngoài khả năng của các chính phủ. Cần một mô hình quản trị bản địa dễ thích ứng, nhanh nhẹn (adaptive governance) cùng vào cuộc.

Việc ứng phó với những mối nguy không thể lường trước đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên (participatory và collaboration). Chia sẻ trách nhiệm và quyền hạn (co-management) để tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực hơn. Điều này cần một sự nỗ lực học hỏi từ và với nhiều người, nhiều cộng đồng (social learning).

Hi vọng bài viết gợi ý thêm nhiều điều thú vị về khoa học và biến đổi khí hậu cho bạn đọc.

Hải Nguyễn

Leave a Reply