Như vậy chương trình Cubes in Space 2018 đã qua giai đoạn mà những người tham gia đều mong muốn, đó là nhìn thấy chiếc tên lửa nhỏ nhắn dài 11m Rocksat-C mang theo 80 cubes (chiếc hộp) phóng lên trên trời. Mình có cơ hội tham gia chương trình này với tư cách một người hướng dẫn (Educators) độc lập cùng với hai em học sinh lớp 11 và 12. Lần đầu hướng dẫn học sinh tham gia một chương trình tầm quốc tế mang lại cho mình những trải nghiệm chưa từng có.
Trong bài này, mình sẽ tổng hợp những thông tin chung mà người hướng dẫn và học sinh Việt Nam cần biết về chương trình.
Lý do
Đầu năm nay, khi đọc cuốn Endurance: A Year in Space, A Lifetime of Discovery, mình toàn mơ mộng chuyện trên trời. Dù bé hay lớn thì những câu chuyện về nhiệm vụ ngoài không gian, những anh hùng phi hành gia kiêm nhà khoa học, cả những vụ tai nạn vũ trụ thảm khốc, … đều mang lại cho người ta sự tò mò vượt xa biên giới Trái đất. Chưa có kinh nghiệm hướng dẫn nghiên cứu khoa học nhưng nhờ những like-minded people trợ giúp nên mình đã gặp được hai học sinh tình nguyện làm phiên bản thử nghiệm :)).
Thông tin & Đề tài
Cubes in Space là chương trình STEM do idoodlearnling.inc tổ chức từ năm 2014 dành cho học sinh Mỹ (chiếm phần lớn) và trên toàn cầu. Một điều làm nên tiếng tăm của CiS là mối hợp tác với NASA để sử dụng bóng thám không tại NASA Columbia và tên lửa tại bãi phóng NASA Wallops.
Nếu bạn có ý tưởng nào đó và muốn đưa thí nghiệm lên môi trường gần không trọng lượng và tiếp xúc với bức xạ vũ trụ thì hãy nhét nó vào một cái hộp lập phương cạnh 4 cm rồi gửi cho họ, họ sẽ phóng lên rồi gửi lại cho bạn kết quả. Một trong những sự kiện nổi tiếng về CiS là KalamSat-vệ tinh nhẹ nhất thế giới-được thiết kế bởi một cậu học sinh 18 tuổi ở Ấn Độ. [1] [2]
Năm nay, CiS có hai thử thách khác nhau như sau:
- Bóng thám không Research Balloon (RB-4): Trong vòng 3 – 24h, nó sẽ bay chầm chậm từ dưới đất lên đến tầng bình lưu, tới độ cao khoảng 38 km. Điều kiện ở độ cao này tương đương với áp suất ở khí quyển Sao Hỏa và nhiệt độ thấp nhất vào khoảng -50 độ C. Có một “cửa sổ” để những chiếc hộp đựng thí nghiệm “nhìn” ra ngoài trời, thích ghê.
- Tên lửa Souding Rocket (SR-5) có quỹ đạo bay không đi vòng quanh Trái đất mà chỉ là một đường parabol hạ quỹ đạo trong tổng thời gian bay 7 phút. Trong đó, nó có khoảng 3 phút tiếp xúc với môi trường gần không trọng lượng và mức độ bức xạ cao, tương ứng với độ cao khoảng 110 km. Do bị giới hạn bởi những điều kiện rất ngặt nghèo nên thí nghiệm tham gia thử thách này phải tính toán đến nhiều yếu tố.
Tài liệu hướng dẫn và diễn đàn
Vì Educators (người lớn, không nhất thiết là giáo viên) chịu trách nhiệm phổ biến đề tài, luật lệ của chương trình nên BTC tạo ra hẳn một bộ tài liệu cung cấp những thông tin cần thiết cho họ. Một loạt các thông số chi tiết được đưa ra, ai muốn dùng gì thì dùng. Vì không giới hạn lĩnh vực chuyên môn của Educator nên BTC cũng đính kèm thêm hướng dẫn tổ chức cho học sinh nghiên cứu đề tài, quy trình giải quyết vấn đề và cách viết proposal một cách rất chi tiết. Mình học được nhiều điều từ những tài liệu này.
Một điều mà BTC ban đầu làm rất tốt là việc duy trì liên hệ giữa các Educators. Họ tổ chức một diễn đàn chia làm nhiều module ứng với từng giai đoạn nghiên cứu. Educator hỏi thoải mái những gì họ thắc mắc và chuyên gia của BTC giải đáp nhiệt tình. Mỗi khi có một câu hỏi nào mới hệ thống đều email thông báo cho mọi người để bay vào thảo luận. Về sau không hiểu lý do gì mà mình không được nhận nữa, cả những thông báo quan trọng.
Kích thước cube
Đây là một trong những thông số quan trọng nhất mà BTC lại không công bố cụ thể từ đầu, chỉ khi mình hỏi thẳng thì họ mới đưa ra. Theo thông tin ban đầu cube có hình lập phương với các cạnh 4 cm. Trên thực tế, nó không được đều và đẹp như vậy.
Quy trình & Vị trí địa lý
BTC thông báo rằng qua 5 năm tổ chức, đã có khoảng 20 ngàn học sinh đến từ 57 quốc gia tham dự, tuy nhiên vẫn tập trung đông nhất ở Mỹ với nhiều trường học cùng tham gia.
Sau khi các đội gửi proposal đến, BTC sẽ xem xét và phản hồi để các đội sửa chữa, sau đó mới chọn ra những proposal tiềm năng nhất. Thực tế thì mỗi năm chỉ có 180 cubes được chuyển đi toàn thế giới để các thí sinh đặt thí nghiệm của mình vào và gửi lại cho BTC. Vấn đề bắt đầu xuất hiện do hạn chế về kinh phí.
Ở Việt Nam năm nay, theo mình được biết thì có 3 nhóm tham gia. Đối với các đội nước ngoài, BTC hứa sẽ gửi cube thông qua Đại Sứ quán tại mỗi nước nhưng năm nay họ yêu cầu tự túc gửi thí nghiệm qua bằng DHL hoặc FedEx rồi sẽ giúp mình bỏ vào cube. Không những giá rất đắt mà quy định gửi hàng vượt biên cũng lắm chông gai khiến nhóm mình không theo được dự án tới cùng. Kinh nghiệm là phải hỏi vụ này trước khi công não tìm ý tưởng. Tóm lại: Mình vẫn chưa được nhìn tận mắt cái cube.
Tuy nhiên, ý tưởng của nhóm vẫn được BTC khen ngợi và công nhận. Vì thế, trong bài tiếp theo mình sẽ giới thiệu đề tài của nhóm, những công cụ đã sử dụng, những khó khăn gặp phải và cách khắc phục.
Cảm ơn bạn đã đọc bài và hi vọng nó có ích với bạn,
Hải Nguyễn
[1] https://qz.com/984850/an-18-year-old-indian-just-may-have-designed-the-worlds-lightest-satellite/
[2] https://www.youtube.com/watch?v=m7Oir4reI4E