Phải khoe, cách đây vài ngày là lần đầu tiên mình được ngồi trên một chiếc xe bus điện ở Hà Nội. Trong cái tít vít êm ái khác hẳn với sự rung bần bật và cót két của dàn xe bus cũ, mình được yên tĩnh suy ngẫm về chiếc xe điện và loài người.
Loài người là một loài quyền lực. Chúng ta có đủ sức để làm nóng lên cả một hành tinh nhưng lại chưa đủ sức để làm nó hạ nhiệt. Một nguyên nhân chính dẫn đến việc biến đổi khí hậu xuất phát từ hoạt động của con người là khí thải gây hiệu ứng nhà kính, như carbon dioxide (CO2), methane (CH4), và nhiều nhiều nữa.
Điện hoá máy móc và các hoạt động của con người là một cách tốt, vừa tăng hiệu suất của năng lượng, vừa làm giảm khí thải. Ta có thể không cần đốt xăng hay dầu khí để di chuyển hay ăn uống nữa. Những chuyển biến theo hướng này ngày càng rõ rệt. Bếp điện, xe đạp điện, xe máy điện đã có từ lâu. Giờ ta có thêm ô tô, thậm chí là ô tô tải, xe bus, hay tàu chạy bằng điện.
Công cuộc điện hoá này sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai làm nhu cầu về năng lượng điện của con người sẽ càng lớn. Nhưng trong trường hợp tất cả đồ vật ta đang dùng đều chạy bằng điện, vấn đề sẽ vẫn tồn tại nếu ta bỏ sót một thứ khá đương nhiên là … điện. Bao nhiêu điện cho đủ? Và chúng đến từ đâu?
Hồi cuối năm ngoái, hội nghị TED Countdown 2021 dành riêng cho biến đổi khí hậu có một bài thuyết trình của Solomon Goldstein-Rose về vấn đề này khiến mình để ý. Solomon là một nhà hoạt động vì môi trường và một chính trị gia trẻ, cỡ tuổi mình thôi. Từ năm 11 tuổi, cậu đứng ra tổ chức một chiến dịch kiến nghị đòi Quốc hội Hoa Kì không chấp thuận cho khai thác dầu mỏ ở khu vực bảo tồn động vật hoang dã vùng cực. Năm 2015 khi mới 22 tuổi, Solomon được bầu vào Ban Lập pháp của bang Massachusetts, Hoa Kỳ, ở mảng chính sách cho biến đổi khí hậu và giáo dục. Solomon, với nền tảng về cả kĩ thuật lẫn chính sách công, đã góp phần ban hành nhiều đạo luật liên quan. Năm 2018, cậu bỏ ngang việc tái tranh cử và tập trung toàn thời gian để hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở Hoa Kì và trên thế giới.
Quay lại, để công cuộc điện hoá có ý nghĩa, ta cần tìm cách sản xuất nhiều điện “sạch”. “Sạch” ở đây được hiểu là quá trình chuyển hoá các dạng năng lượng khác sang năng lượng điện mà không sản sinh ra khí thải nhà kính. Nói cách khác, ta cần làm sao để không phải đốt than, đốt dầu mỏ hay khí tự nhiên để tạo ra điện. Điện sạch có thể đến từ thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân, hay địa nhiệt. Tất nhiên, nhưng loại điện này đều có vấn đề đi kèm và sẽ cần khắc phục dần dần dọc đường phát triển.
Một điều đáng chú ý là bài viết này dựa trên quan điểm rằng chúng ta có thể tìm cách tác động lên công nghệ chứ không phải thay đổi cách sống (lifestyle) của mình. Nếu điện hoá cuộc sống và cố gắng sản xuất nhiều điện sạch thuận lợi, có chút ít hi vọng cho việc loài người không phải bỏ đi sự tiện nghi ta đang tận hưởng mà không gây sức ép quá lớn lên hệ sinh thái chúng ta đang phụ thuộc vào.
Theo kĩ sư-chính trị gia Solomon tính toán, hiện tại một phần ba sản lượng điện do con người sản xuất được là điện sạch. Còn ở Việt Nam đến năm 2020, theo mình tham khảo, tuy 50% hệ thống sản xuất điện được lắp đặt là cho điện sạch, hơn 60% sản lượng điện vẫn đến từ nhiệt điện, từ đốt than và dầu khí.
Hiện giờ, con người sản xuất được 10 petawatt-giờ (10 tỉ kWh) điện sạch trên khắp thế giới. Khi sản xuất được gấp 2,5 lần sản lượng trên, ta có thể hoàn toàn thay thế được điện từ các nguồn tài nguyên hoá thạch khác.
Nhưng Solomon cho rằng chúng ta không nên dừng ở đó vì 02 vấn đề sau.
Một là còn nhiều người vẫn chưa có điện. Trên Trái đất, vẫn có tới 759 triệu người đang sinh sống mà không có một nguồn điện ổn định. Họ đang sống trong nghèo khó, thiếu thốn, không được chăm sóc y tế đầy đủ, không được giáo dục đàng hoàng. Có thể làm bạn ngạc nhiên, nhưng hoá ra tới 40% dân số thế giới còn không xuất hiện trên Internet. Chúng ta cần phải sản xuất cả điện sạch vươn tới họ nữa.
Hai là để trừ hao vào những chỗ vẫn phát ra khí thải nhà kính. Chúng ta đang muốn tổng lượng khí thải nhà kính bằng 0 vào năm 2050 (net zero emission). Loài người vẫn sẽ tạo ra khí thải do không phải tất cả máy móc hay quá trình đều có thể được điện hoá. Xăng và dầu khí vẫn cần cho máy báy, tàu thuỷ, hay những nhà máy điện ở các nước chậm phát triển công nghệ.
Và ngoài ngành năng lượng, nông nghiệp hay chăn nuôi cũng phát thải nhà kính. Chúng ta muốn giảm lượng khí thải nhà kính được tạo mới, đồng thời “bắt giữ” phần khí thải đang có sẵn. Các công nghệ thu khí thải nhà kính như Carbon Capture and Storage cũng cần điện. Vì vậy, ta sẽ càng cần nhiều điện sạch hơn.
Tóm lại, theo Solomon, nếu lấy toàn bộ lượng điện do con người đang sản xuất được làm mốc, ta cần sản xuất ra gấp 5 lần điện sạch. Còn nếu lấy sản lượng điện sạch hiện tại làm mốc, ta cần sản xuất gấp 12 lần như thế.
Để làm được điều này, chỉ cải cách là không đủ. Ta sẽ cần thay thế cả hệ thống. Và những tranh cãi xung quanh việc nguồn điện nào xanh nhất, sạch nhất; hay tranh cãi rằng nên áp dụng công nghệ mới hay thay đổi lối sống thực ra là không cần thiết. Vì để sinh tồn, loài người sẽ cần tất cả giải pháp khả dĩ. (Cũng giống chuyện ta không thể chỉ có một người bạn được vậy.)
Xe đến trạm trung chuyển, anh tiếp viên nói to câu lần đầu mình nghe thấy trên xe bus mà không qua băng thu âm: Xe bus xin cám ơn quý khách!
Hình ảnh chụp bởi Giáo sư Lin của mình tại cánh đồng điện tái tạo ở Changhua, Taiwan.
- TED Talks: https://www.youtube.com/watch?v=WDaa6wBrDLo
- Báo cáo của EVN: https://www.evn.com.vn/userfile/User/tcdl/files/EVNAnnualReport2021%20final%2022_10_2021.pdf
- Báo cáo của WorldBank: https://tinyurl.com/y3wjx62x