Đây là bài đầu tiên mang tính chất chia sẻ những nguồn tham khảo dạy học khoa học theo chủ đề, đi kèm với ý tưởng và cách mình gắn kết những thí nghiệm đơn lẻ từ nhiều nguồn thành một mạch logic xuyên suốt. Việc này cũng là một trong những mục tiêu của mình khi tiến hành viết trang này một cách nghiêm túc.
Tính chất lớp học mình đã áp dụng chủ đề này như sau:
- Có nhiều nhất 6 và ít nhất 2 học sinh lớp 4 – 5 tham gia trong một buổi;
- Chủ đề (theo tháng) gồm 5 buổi và mỗi buổi dài 1 tiếng;
- Phòng học được trang bị một số những đồ điện cơ bản.
Mục tiêu chủ đề
Vì có giới hạn về thời gian và trình độ hiểu biết của học sinh (tiểu học), cộng với việc chủ đề học thay đổi theo tháng, nên trước khi soạn bài, mình phải đề ra những mục tiêu mà mình mong muốn các em đạt được sau khi học xong một chủ đề.
Cụ thể qua chủ đề lần này, mình mong muốn học sinh sẽ
- liệt kê được những yếu tố cơ bản của một mạch điện;
- phân biệt được tính chất của mạch điện nối tiếp và mạch điện song song;
- đọc hiểu được sơ đồ mạch điện đơn giản;
- lắp ráp được những mạch điện đơn giản (từ một tới ba bóng đèn);
- nêu được một số kiến thức liên quan tới đèn LED (tên gọi, hai cực, hiệu điện thế, lắp đúng chiều, nhiều màu sắc);
- sử dụng thành thạo một số công cụ điện, biết trong trường hợp nào nên dùng cái gì (kìm, mỏ hàn);
- chế tạo được một số đồ chơi sử dụng điện theo hướng dẫn.
Nếu đối chiếu với S.T.E.M thì có thể thấy mục tiêu mình chỉ đảm bảo được nhiều nhất là S và E, T ít hơn và M ít nhất. Mình chấp nhận điều này do bối cảnh lớp học.
Dụng cụ cơ bản
Kìm cắt, kìm điện, kìm tuốt dây, bộ mỏ hàn thiếc, băng keo điện, …
Dụng cụ bảo hộ như găng tay, kính và khẩu trang.
Buổi 1
Mục tiêu
- Liệt kê được những yếu tố cơ bản của một mạch điện;
- Phân biệt được tính chất của mạch điện nối tiếp và mạch điện song song;
- Đọc hiểu được sơ đồ mạch điện đơn giản;
- Lắp ráp được những mạch điện đơn giản (từ một tới ba bóng đèn).
Mình mở bài về vai trò quan trọng của điện đối với đời sống bằng cách hỏi đáp, thi kể tên thiết bị điện hoặc yêu cầu học sinh tưởng tượng về một thế giới không có điện. Sau đó, mình liệt kê những yếu tố cần có để một đồ dụng điện hoạt động hay chính là một mạch điện: nguồn điện, dây dẫn điện, công tắc điện và đồ dùng điện.

Tiếp theo, mình giới thiệu về sơ đồ một mạch điện đơn giản và hướng dẫn học sinh lắp theo từng chi tiết trên mạch điện để đảm bảo các em nhớ tên các bộ phận và ký hiệu đi kèm. Từ đó, mình hỏi đáp để hình thành khái niệm mạch điện kín – hở cho học sinh.
Trên nền tảng đó, phần còn lại của buổi học là lắp ráp mạch điện nối tiếp, song song theo sơ đồ và phân biệt tính chất hai loại mạch điện.
Buổi 2
Mục tiêu:
- Sử dụng được kìm cắt, kìm điện, kìm uốn, kìm tuốt dây điện đúng thao tác;
- Nêu được nguyên lý hoạt động của trò chơi; mạch điện kín – mạch điện hở;
- Thực hành nối dây điện và sử dụng băng keo điện;
- Đọc hiểu được sơ đồ mạch điện liên quan tới trò chơi và chế tạo thành công dựa trên sơ đồ đó.
Đặt vấn đề bằng trích đoạn phim Mr. Bean sau:
[youtube https://www.youtube.com/watch?v=bRpUauseTVw&w=560&h=315]
Sau khi xem xong, mình yêu cầu học sinh phân tích chuyện gì đã diễn ra bằng một số câu hỏi định hướng như: trò đó chơi ra sao?, làm sao biết thắng – thua?, vì sao chuông kêu – không kêu?, Mr. Bean làm gì để chuông không kêu?.

Dựa trên câu trả lời từ học sinh, mình sẽ phân tích sơ đồ mạch điện của trò chơi đó dựa trên mạch điện đơn giản đã vẽ từ hôm trước. Thay công tắc bằng vòng dây đồng xoắn nối với nguồn điện và thêm vào một tay cầm uốn từ đây đồng ở đầu còn lại của bóng đèn. Từ đó, học sinh thấy được dụng cụ cần phải có và những việc phải làm.


Nguồn tham khảo: leftbraincraftbrain.com
Cảm ơn bạn đã đọc tới đây. Hi vọng bạn thấy bài viết có ích. Hôm khác mình sẽ update tiếp phần 2.
Mình rất mong nhận được những ý kiến phản hồi của bạn để hoàn thiện nội dung hơn.
Chúc bạn đọc vui,
Hải Nguyễn
Pingback: Dòng điện quyền năng (P.2) – The Too Blue Scientist