Ở bài viết So Sánh Bảo Tàng Khoa Học ở Việt Nam và Taiwan, mình đã chia sẻ về chủ đề và những bộ sưu tập mà hai bảo tàng trưng bày.
Sáng hôm 25 Tết vừa rồi đi bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Ngoài hai anh em mình ra còn có thêm một số vị khách. Đặc điểm chung của họ đều là bố, mẹ dẫn theo các con. Trẻ con phản ứng như thế nào về những bộ sưu tập của bảo tàng? Bố mẹ tham gia và tương tác cùng con ra sao? Bài này kể lại hoạt động của những vị khách trong bảo tàng qua quan sát của mình. *
Chuyến tham quan 10 phút
Nhóm khách thứ nhất là ông bố và đứa con tuổi tiểu học.
Hoạt động của hai bố con đơn thuần là đi ngang qua những tủ kính xem những mẫu vật và không có tương tác nhiều với chúng. Từ từ đi một vòng khu trưng bày, ông bố hỏi con thích ở lại không thì bé lắc đầu.
Trẻ tự xem vs. Mẹ làm hướng dẫn viên
Nhóm khách thứ hai là một gia đình có 6 người. Đám trẻ có độ tuổi rất khác nhau, nhỏ nhất còn được bế, lớn hơn có thể đã học cấp 2. Họ dành khá nhiều thời gian ở đây.
Đứa trẻ lớn nhất có thể tự đọc tự xem hình nên đã tách ra khỏi “đoàn”. Đi ngang qua các tủ trưng bày, em đọc một số nhãn tên và xem những đoạn phim chiếu trên màn hình. Em dừng lâu nhất ở những mô hình về người tối cổ lông lá. Sau đó em ra ngoài trước cả nhà.
Hai bạn nhỏ hơn sẽ đọc to thành tiếng vài bảng tên chúng đọc được. Khi chúng cần sự giúp đỡ, người mẹ đóng vai trò như là một hướng dẫn viên thực thụ của bảo tàng. Chị giúp con nhận biết các loài động vật, nấm, thực vật qua các mẫu vật được trưng bày bằng cách chỉ tay vào và đọc lên tên của chúng. Một số con vật mà trẻ chưa biết chị dạy chúng gọi: “Đà điểu. Đà điểu.” Hai đứa bé tự đi được cứ nhìn theo hướng tay của mẹ chỉ minh họa.
Ông bố vì phải bế con nhỏ nên thỉnh thoảng hướng bé vào tủ kính cho bé chú ý nhìn theo. Chị có thốt lên với anh: “Xem mấy này nhớ lại hồi xưa học Sinh [học] nhỉ!?”
Thời gian tham quan và sự tương tác
Nếu chỉ phân tích phản ứng của trẻ con thì mình nhìn thấy một mối liên hệ giữa thời gian tham quan và tương tác trẻ nhận được. Trong trường hợp của gia đình thứ hai, những em nhỏ đi cùng cha mẹ được nhận nhiều thông tin từ hình ảnh và hoạt động hỏi – đáp – gọi tên từ người lớn. Chúng duy trì được nhiều sự chú ý dành cho các mẫu vật hơn. Còn đứa trẻ lớn nhất và bé ở nhóm thứ 2 có thể không nhận được nhiều tương tác nên sự chú ý không bền.
Độ tuổi cũng góp phần ảnh hưởng chăng? Khi đứa trẻ lớn nhất có thể đã biết hết tất cả mẫu vật được trưng bày ở đây tới một mức độ nào đó. Có lẽ chưa sâu nhưng cộng với việc không nhận được tương tác tương xứng nên chưa hình thành nhu cầu muốn tìm hiểu thêm.
Làm sao để trẻ thích bảo tàng? **
Trong bài trước, ta có thể thấy một số mẫu vật ở Việt Nam và Taiwan tương tự nhau. Thậm chí bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam có số mẫu vật thật nhiều hơn.
Như vậy, tạm chưa nói đến việc học được gì từ bảo tàng. Muốn trẻ duy trì sự chú ý và hứng thú trước thì cần có sự tương tác giữa chúng và mô hình. Tương tác thụ động có thể là bảng tên mẫu vật – trẻ đọc, TV chiếu đoạn phim khoa học – trẻ xem, hướng dẫn viên nói – trẻ nghe. Tương tác chủ động có thể là trẻ hỏi – mẹ trả lời, …
Để những chuyến đi bảo tàng thu hút hơn, cần tạo ra nhiều tương tác giữa trẻ và những mẫu vật và cho trẻ có cơ hội chủ động hoạt động hơn nữa.
Bài viết tiếp theo mình sẽ kể lại những hình thức tương tác ở bảo tàng của Taiwan. Stay tuned.
The Too Blue Scientist
* Hình vẽ được sử dụng để không vi phạm quyền riêng tư.
** Việc phân tích mang ý kiến cá nhân, không dựa trên một lý thuyết nào về bảo tàng.
*** Mọi vấn đề liên quan tới quyền riêng tư, mời bạn đọc liên hệ với mình qua email: thetoobluescientist@gmail.com