Làm sao để làm việc bạn thích? (How to do what you love?)

You are currently viewing Làm sao để làm việc bạn thích? (How to do what you love?)
Tác phẩm của @danielmackie

Bài viết này rất dài và khó đọc. Nhưng mình thấy nó rất thú vị và có ích nên dịch ra tiếng Việt. À, tác giả của bài viết là Paul Graham. Ông nổi tiếng trong giới khởi nghiệp công nghệ vì lập ra Y Combinator, một nơi ươm mầm start-up. Thanks to Paul!

Bài viết gốc ở đây: http://www.paulgraham.com/love.html


Để làm một việc gì đó giỏi bạn phải thích nó. Ý tưởng này chả mới mẻ gì đâu. Chúng ta hay được nghe ngắn gọn bốn chữ: “Làm việc bạn thích.” Nhưng chỉ nói thế thôi thì không đủ. “Làm việc bạn thích” phức tạp hơn như vậy nhiều.

Khi còn nhỏ, chúng ta hoàn toàn lạ lẫm với ý tưởng trên. Khi tôi còn là một đứa nhóc, rõ ràng là “công việc” và “niềm vui” là hai thứ khác nhau một trời một vực. Cuộc sống có hai trạng thái: đôi khi người lớn bắt bạn làm một số việc, và đó gọi là “công việc”; phần thời gian còn lại bạn được làm thứ bạn muốn, và đó gọi là “vui chơi”. Đôi khi những việc người lớn bắt bạn làm thì vui, tương tự như đôi khi, chơi lại chả vui như bạn tưởng vì bị té ngã hay tự làm đau mình. Nhưng ngoại trừ mấy trường hợp đặc biệt ra thì “công việc” gần như được định nghĩa là “không vui”.

Và điều này không phải ngẫu nhiên. Trường học hay được xem là tẻ nhạt vì nó được ngầm hiểu là sự chuẩn bị cho “công việc” của người trưởng thành.

Thế giới bèn bị chia tách ra làm hai nhóm, người lớn và trẻ con. Người lớn, như bị dính lời nguyền, phải làm việc. Trẻ con thì không, nhưng tụi nó phải đi đến trường học, vốn dĩ là một phiên bản nhẹ hơn của công việc để giúp chúng chuẩn bị cho những thứ “ngoài đời”. Nhiều đứa trẻ rất không thích đến trường, nhưng người lớn đều cho rằng công việc họ làm đã chán rồi, nên so với như này thì đi học là sướng rồi, muốn gì nữa.

Đặc biệt, các giáo viên đều tin rằng đã là công việc thì không vui. Điều này thì không ngạc nhiên lắm: công việc của họ (làm giáo viên) vốn không vui vẻ gì với chính họ. Tại sao lũ trẻ phải ngồi học nhớ tên thủ phủ các bang thay vì đi chơi bóng ném? Còn giáo viên lại phải trông trẻ thay vì nằm phơi nắng trên bãi biển. Rõ ràng bạn không được làm cái mình muốn mà.

Tôi không nói là chúng ta nên để mặc lũ trẻ làm bất cứ việc gì chúng muốn. Chúng có vẻ được sinh ra để làm một số thứ nhất định (1). Nhưng nếu chúng ta cứ ép lũ trẻ làm những việc chán ngắt, có lẽ sẽ khôn ngoan hơn nếu ta nói với chúng rằng sự tẻ nhạt không định nghĩa chất lượng của một công việc, mà thật ra là chuyện chúng phải làm những việc chán ngắt bây giờ là để có thể làm những thứ thú vị hơn sau này. Còn bây giờ chúng ta đang làm ngược lại: khi bắt bọn trẻ làm những công việc chán ngắt, như giải bài tập đại số chẳng hạn, thay vì thẳng thắn thừa nhận là nó chán, chúng ta lại cố ngụy trang nó bằng những thứ trang trí hời hợt (2).

Một lần, vào lúc tôi 9 hay 10 tuổi, cha tôi bảo tôi rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn khi lớn lên, miễn là tôi yêu thích (enjoy) nó. Tôi nhớ điều này một cách chính xác vì nghe rất dị thường. Lúc ấy tôi không hề nghĩ ý cha tôi bảo là công việc có thể vui, vui như chơi vậy. Phải mất hàng năm trời để tôi nhận ra điều đó.

Việc làm

Đến cấp 3, viễn cảnh về một công việc thực sự ở ngay kia thôi. Thỉnh thoảng sẽ có vài người lớn đến nói chuyện với chúng tôi về việc họ làm, hoặc chúng tôi đến tận nơi nhìn họ làm việc. Mấy chuyến viếng thăm này hình thành trong đầu tụi tôi suy nghĩ rằng họ yêu thích (enjoy) những việc họ làm. Nhưng giờ ngồi đây hồi tưởng lại, tôi nghĩ chắc chỉ có một người thực sự có hứng thú thôi: bác phi công máy bay nọ. Tôi không nghĩ rằng vị giám đốc ngân hàng kia thật sự cảm thấy như vậy.

Lí do chính mà họ đều làm ra vẻ như thể họ yêu thích (enjoy) công việc của của mình có lẽ là quy ước của tầng lớp trung lưu mà bạn phải thực hiện. Sẽ vừa bị cho là giả tạo, lại vừa không ổn cho sự nghiệp của bạn nếu chính bạn nói ra rằng bạn coi thường công việc mình làm.

Tại sao chuyện giả vờ thích những gì bạn làm lại là một lẽ bình thường? Câu đầu tiên của bài viết này giải thích điều đó. Nếu bạn phải thích một việc để làm việc đó tốt, thì những người thành công nhất đều sẽ thích những gì họ làm. Những người khác muốn “bắt chước thái độ” của những người đã làm nên những điều tuyệt vời.

Thật là một công thức mắc cười. Cho đến khi tụi trẻ con đến tuổi phải nghĩ về thứ mà chúng muốn làm, hầu hết chúng nó hoàn toàn hiểu sai về ý tưởng “yêu thích công việc”. Trường học đã luyện cho chúng nhìn công việc như là một trách nhiệm không mấy thú vị. Và “công việc làm” còn bị cho là nặng nề hơn “việc học ở trường”. Vả lại, tất cả người lớn đều tuyên bố rằng họ thích công việc của họ. Bạn không thể trách lũ trẻ khi chúng nghĩ “Mình không giống những người này, mình không phù hợp với thế giới này.”

Thực ra, lũ trẻ được nghe ba lời nói dối cơ: 1. thứ mà chúng được dạy là “công việc” trong trường học không phải công việc ngoài đời; 2. công việc của người lớn không tệ như việc học ở trường; và 3. nhiều người lớn quanh chúng đều nói là họ thích những gì họ làm.

Những kẻ nói dối nguy hiểm nhất có thể chính là cha mẹ của trẻ. Nếu bạn đảm nhận một công việc chán ngắt để đảm bảo mức sống cao cho gia đình, như nhiều người đang làm, bạn có thể tiêm nhiễm vào đầu tụi nhỏ ý tưởng rằng “mọi công việc đều chán ngắt”. Hoặc có lẽ sẽ tốt hơn cho trẻ nếu ba mẹ không quá ích kỉ như một ông bố tôi biết. Ảnh bảo rằng anh ấy nói yêu thích công việc chỉ là một lí do để tránh phải ở nhà vào thứ 7.

Phải đến tận khi học đại học thì ý tưởng về công việc trong tôi mới được giải phóng khỏi chuyện kiếm sống. Rồi thế là câu hỏi quan trọng không phải là làm sao để kiếm tiền, mà là nên bắt đầu làm cái gì. Lý tưởng nhất thì hai điều này trùng nhau, nhưng trong nhiều trường hợp thì không. Như Einstein làm việc ở văn phòng bằng sáng chế chẳng hạn.

Định nghĩa “công việc’ trong tôi bấy giờ có nghĩa là có một đóng góp gì đó cho thế giới, và trong quá trình đó thì không bị chết đói. Nhưng vì thói quen sau nhiều năm, ý tưởng “công việc” vẫn bị đóng đinh vào một phần rất lớn của nỗi đau. Công việc vẫn yêu cầu kỉ luật, vì chỉ có những chuyện khó khăn mới dẫn đến thắng lợi lớn, mà những chuyện khó khăn thì lại chẳng vui tẹo nào. Nên ta phải ép buộc mình xử lí chúng.

Giới hạn

Bạn phải thích việc mình làm bao nhiêu mới đủ? Trừ khi bạn biết nó là gì thôi, chứ bạn sẽ không biết khi nào phải ngừng tìm kiếm (3). Và nếu, như nhiều người khác, bạn không xem trọng quá trình này, bạn sẽ có xu hướng dừng tìm kiếm từ quá sớm. Cuối cùng bạn lại sẽ làm những thứ được chọn sẵn cho mình bởi cha mẹ, hoặc được lái theo ham muốn kiếm tiền, hay danh vọng.

Cho nên đây là một cái giới hạn trên (cho việc tìm kiếm): Làm việc gì bạn thích không có nghĩa là làm cái việc mà bạn muốn làm ngay lúc này. Ngay cả Einstein chắc cũng có những muốn ngồi làm ly cafe nhưng tự dặn lòng mình phải đợi đến khi làm xong công việc đang dang dở. Tôi hay thấy bối rối khi đọc được những mẩu chuyện về những người mà yêu thích công việc của mình làm khủng khiếp tới mức họ thà chẳng làm việc nào khác. Nhưng dường như là chẳng có công việc nào mà tôi yêu thích đến mức như vậy cả. Nếu tôi có hai lựa chọn: (a) dành một tiếng sắp tới làm tác vụ gì đó cho công việc hoặc (b) dịch chuyển tức thời tới Rome và có một tiếng đi vòng quanh thành phố, liệu tôi có làm công việc a không. Thật lòng nha, không hề.

Nhưng sự thật là hầu hết mọi người tại mọi thời điểm, thà đi tắm biển Carribbean, hay quan hệ tình dục (dịch nghe khoa học ghê =))) , hay ăn đồ ăn ngon, hơn là làm việc gì đó khó nhọc. Câu “làm việc bạn thích” có hàm ý giả định về một lượng thời gian nhất định. Nó không có nghĩa là làm điều gì bạn thấy vui vẻ sung sướng nhất vào ngay thời điểm này, mà làm gì sẽ khiến bạn vui vẻ, sung sướng nhất trong một khoảng thời gian dài hơn, một tuần hay một tháng chẳng hạn.

Mấy việc nhàn hạ mà không có nhiều ý nghĩa (unproductive pleasure) cuối cùng kiểu gì cũng biến mất. Sau một lúc thì bạn sẽ thấy mỏi lừ khi nằm ườn trên bãi biển thôi. Nếu bạn muốn duy trì trạng thái vui vẻ, bạn phải làm một việc gì đó.

Như một cái giới hạn dưới, bạn phải thích công việc của bạn nhiều hơn những việc nhàn hạ đó. Bạn phải thích thứ bạn làm đủ nhiều để cái ý tưởng đợi “thời gian rảnh” bị lung lay. Tôi không nói là bạn phải dành hết thời gian để làm việc nha. Bạn chỉ có thể làm việc nhiều tới mức thấy mệt lả và bắt đầu không chịu được nữa. Và bạn bắt đầu muốn làm một thứ gì khác, kể cả một vài điều không dùng tới não. Nhưng bạn không được cho rằng “thời gian rảnh” là phần thưởng, và “thời gian làm việc” là nỗi đau mà bạn phải hứng chịu để nhận được phần thưởng kia.

Tôi đặt cái giới hạn dưới vì một vài lí do thực tế. Nếu công việc không phải thứ bạn yêu thích, bạn sẽ gặp cực nhiều vấn đề tồi tệ với sự trì hoãn (procrastination hay lười). Bạn sẽ phải ép buộc chính bản thân mình làm việc, và khi ép buộc mình, kết quả đạt được chắc chắn sẽ tệ.

Để hạnh phúc, tôi nghĩ bạn phải làm việc gì bạn không những thấy hứng thú, mà còn ngưỡng mộ. Bạn phải có thể nói ra rằng, cuối cùng, “chời mẹ ơi việc mình làm cool ngầu quá”. Điều này không có nghĩa là bạn phải tạo nên điều gì đó. Nếu bạn học dù lượn, học nói một ngôn ngữ trôi chảy, thì những điều này đã đủ để làm bạn phải nói “chời mẹ ơi, mình ngầu quá” rồi. Cần có một bài kiểm tra để xác định chuyện này.

Một thứ mập mờ cho tiêu chuẩn vừa nhắc đến ở trên là chuyện đọc sách. Ngoại trừ những cuốn sách khó nhằn như Toán hoặc Khoa học, chẳng có một bài kiểm tra nào cho bạn biết bạn đọc mấy cuốn sách ấy tốt đến mức nào, và đó là lí do chỉ đọc sách đơn thuần không phải một công việc. Bạn phải làm gì đó khi đọc để thì bạn mới cảm thấy hiệu quả (productive) được.

Tôi nghĩ bài kiểm tra chuẩn nhất là thứ mà Gino Lee dạy tôi: cố gắng làm những thứ khiến bạn bè của bạn nói “WOW”. Nhưng điều này chắc khó đạt được cho đến năm cỡ 22 tuổi trở lên, vì trước đó mỗi người không có đủ nhiều bạn bè để nhờ họ nhận xét.

Tiên chim Sirens (5)

Tôi nghĩ những gì bạn không nên làm là lo lắng về ý kiến của ai đó vượt quá khỏi vòng bạn bè của bạn. Bạn không nên lo lắng về danh tiếng. Danh tiếng là nhận xét của phần còn lại của thế giới. Khi bạn có thể hỏi ý kiến từ những người mà bạn tôn trọng, thì lời của những kẻ mà bạn còn không biết mặt đâu đáng quan tâm. Tôi không nói rằng bạn bè nên là khán giả/khách hàng duy nhất của bạn. Bạn giúp được càng nhiều người thì càng tốt. Nhưng bạn bè có thể là kim chỉ nam của bạn.

Cho lời khuyên dễ ợt. Cái khó là làm theo lời khuyên, nhất là khi bạn còn trẻ và non nớt. Danh tiếng là một cái nam châm mạnh mẽ có thể hút cả niềm tin của bạn về những thứ bạn nghĩ mình thích (4). Nó khiến bạn không chọn làm thứ bạn thích, mà chọn làm thứ bạn muốn bạn thích (what you’d like to like).

Đó là điều lái người ta viết tiểu thuyết, chẳng hạn. Họ thích đọc tiểu thuyết. Họ thấy những người viết tiểu thuyết có thể thắng giải này giải nọ. Còn điều gì tuyệt vời hơn nữa ngoài chuyện làm một tiểu thuyết gia cơ chứ? Họ nghĩ thế. Nhưng việc thích cái ý tưởng trở thành một tiểu thuyết gia thôi là chưa đủ, bạn phải yêu thích cả cái công việc ngồi viết tiểu thuyết. Bạn phải viết, phải viết để giỏi, và phải liên kết nhiều lời nói dối (những sự kiện không có thật chẳng hạn) lại với nhau.

Danh tiếng chỉ là một cái nguồn cảm hứng “hóa thạch” (vì dễ cạn kiệt). Nếu bạn làm bất cứ điều gì đủ tốt, bạn sẽ biến nó thành danh tiếng. Rất nhiều thứ chúng ta coi là uy tín và xịn xò bây giờ đã từng chẳng là gì lúc ban đầu. Nhạc Jazz tự tìm đến đầu người nghe, như hầu hết những hình thức nghệ thuật khác. Cho nên là hãy làm việc bạn thích, và để danh tiếng tự lo cho nó.

Danh tiếng cực kì nguy hiểm cho những người có tham vọng. Nếu bạn muốn làm những người tham vọng tốn thời gian, hãy dùng uy danh để móc lấy họ. Đây là công thức để mời mọi người nói chuyện (give talks), viết lời tựa cho sách, vào hội đồng nào đó, hoặc làm trưởng bộ phận nào đó. Có thể nên có một cái mẹo nhỏ đơn giản là từ chối hết những nhiệm vụ gì đó gắn với “danh”. Nếu nó không dở, thì họ đã chẳng làm nó thành có danh hiệu.

Cũng tương tự, một thế lực khác dẫn mọi người lạc đường là tiền. Tiền thì tự nó không nguy hiểm. Khi việc gì đó trả lương cao nhưng hay bị coi thường, như bán hàng qua điện thoại, những người tham vọng không màng đến chúng. Những công việc như thế cuối cùng dành phần cho những người “đang phải kiếm sống.” Sự nguy hiểm đến khi tiền kết hợp với uy danh, như dược phẩm hoặc luật doanh nghiệp. Một sự nghiệp an toàn, thịnh vượng và với một cái uy danh đi kèm nho nhỏ cũng đủ lôi cuốn những người trẻ tuổi, chưa suy nghĩ nhiều về những gì họ thực sự thích.

Bài kiểm tra để xác định xem người ta có thích việc họ làm hay không là liệu họ có làm việc đó ngay khi không được trả công, hay thậm chí còn làm việc khác đồng thời để kiếm sống. Bao nhiêu luật sư cho các doanh nghiệp sẽ làm công việc hiện tại nếu họ phải làm miễn phí, hay phải làm vào cuối tuần, hoặc phải kiếm sống bằng việc chạy bàn?

Bài kiểm tra này sẽ cực hữu ích để quyết định những công việc khác nhau trong giới học thuật vì những ngành khác nhau sẽ rất khác nhau. Hầu hết những nhà toán học vẫn sẽ làm toán ngay khi không có vị trí nào cho giảng viên Toán. Trong khi ở lĩnh vực khác, vị trí trống để được nhận vào dạy là thứ quyết định. Người ta thà làm giảng viên dạy tiếng Anh thay vì làm cho công ty quảng cáo, và đăng bài nghiên cứu là một cách để cạnh tranh cho những vị trí giảng viên đó. Toán học vẫn sẽ diễn ra mà không cần khoa Toán, nhưng tiếng Anh và nghề giảng viên dạy tiếng Anh (trong trường đại học) là lí do xuất hiện hàng loạt những bài nghiên cứu về giới tính và nhân dạng trong tiểu thuyết của Conrad. Chả ai làm những việc đó (nghiên cứu những đề tài có tên khó đọc :v) làm niềm vui cả.

Lời khuyên của cha mẹ hay mắc sai lầm về mặt tiền bạc. Chắc là sẽ ổn nếu nói: CÓ NHIỀU sinh viên đại học muốn trở thành tiểu thuyết gia nhưng cha mẹ muốn chúng làm bác sĩ HƠN LÀ những sinh viên muốn làm bác sĩ nhưng cha mẹ muốn chúng làm tiểu thuyết gia. Tụi nhỏ cứ nghĩ cha mẹ chúng “vật chất”. Không nhất thiết đâu. Các bậc cha mẹ muốn bảo đảm an toàn cho con họ đơn giản là vì họ phải hứng chịu hậu quả nhiều hơn là được tưởng thưởng. Nếu đứa con trai 8 tuổi của bạn trèo cây cao, hoặc đứa con gái tuổi teen muốn hẹn hò với thằng trai hư trong xóm, bạn sẽ không được chia sẻ niềm vui nào cả. Nhưng con bạn ngã, hay phải mang thai ngoài ý muốn, bạn sẽ phải xử lí hậu quả.

Kỉ luật

Những thế lực mạnh mẽ kể trên dẫn chúng ta đi lạc, chẳng ngạc nhiên mấy khi ta thấy cực kì khó khăn để tìm ra điều ta thích làm. Hầu hết mọi người bị gạt để phải chấp nhận rằng công việc = nỗi đau. Những ai vượt ra khỏi điều này lại bị cuốn hút bằng danh tiếng hoặc tiền bạc. Có bao nhiêu người khám phá ra được điều gì mà bạn thích làm? Chắc vài trăm ngàn trong số vài tỉ.

Thật khó để tìm thấy công việc gì mà bạn thích; phải khó chứ, chả mấy ai làm được mà. Vậy nên đừng đánh giá thấp chuyện tìm kiếm. Và đừng cảm thấy mình dở nếu vẫn chưa tìm thấy. Thực ra, nếu bạn chấp nhận với chính mình là bạn đang không hài lòng thì bạn đang bước trước khối người rồi, những người vẫn còn chưa chấp nhận được. Nếu bạn đang được vây quanh bởi những đồng nghiệp đang nói là họ yêu thích cái công việc mà bạn thấy khó chịu, rất có thể là họ đang nói dối chính họ. Không nhất thiết là vậy, nhưng có thể lắm.

Mặc dù làm đúng việc bạn yêu thích cần ít kỉ luật hơn – vì bạn không cần phải bắt mình làm việc đó – để tìm thấy công việc bạn thích lại thường cần tới kỉ luật. Một số người may mắn đến nỗi họ biết mình muốn làm gì vào năm 12 tuổi, và chỉ phải cuốn theo chiều gió thôi. Nhưng đây dường như là ngoại lệ. Phần đông người khác làm được những điều tuyệt vời có sự nghiệp với đường đi của một trái bóng bàn. Họ đến trường để học A, nghỉ giữa chừng để làm B, và nổi tiếng vì một công việc bên lề C.

Đôi khi nhảy việc là một dấu hiệu của việc tràn trề năng lượng, đôi khi nó lại là lười biếng. Bạn đang bỏ cuộc, hay máu mê tìm lấy một con đường riêng cho mình? Đôi khi bạn không thể tự phân biệt được. Rất nhiều người làm được chuyện gì đó tuyệt vời sau này đã từng là nỗi thất vọng lớn khi bắt đầu, khi họ còn đang cố gắng kiếm tìm điều thích hợp.

Liệu có bài kiểm tra nào giúp bạn thành thật với chính mình? Một là có gắng làm thật tốt công việc mà bạn đang làm, ngay cả khi bạn không thích nó. Sau đó ít nhất bạn cũng sẽ biết được mình không dùng sự không hài lòng với công việc để bào chữa cho sự lười biếng. Có lẽ quan trọng hơn cả, bạn sẽ có được cái thói quen làm việc đến nơi đến chốn.

Một bài kiểm tra nữa bạn có thể dùng là: luôn luôn tạo ra cái gì đó. Ví dụ, nếu bạn có một công việc ban ngày mà bạn không coi trọng lắm vì bạn muốn trở thành một tiểu thuyết gia, bạn có đang tạo ra cái gì đó không? Bạn có đang viết nên những trang tiểu thuyết, dù có dở tệ đi nữa? Miễn là bạn còn đang tạo ra một thứ gì đó, bạn sẽ biết bạn không hề là kiểu người sử dụng cái tầm nhìn mơ hồ, viển vông về cuốn tiểu thuyết vĩ đại bạn định viết như một liều thuốc phiện. Tầm nhìn về nó (cuốn tiểu thuyết to bự ý) sẽ bị che khuất dần bởi tất cả những sai sót rõ ràng xuất hiện khi bạn thực sự bắt tay vào viết.

“Luôn tạo ra điều gì đó” cũng là một cách giúp bạn tìm thấy công việc bạn yêu thích. Nếu bạn chịu được sự ràng buộc đó, nó sẽ tự động đẩy bạn ra khỏi những điều bạn nghĩ bạn phải làm, tới thứ mà bạn thật sự thích. “Luôn tạo ra điều gì đó” sẽ khám phá công việc của đời bạn như cái cách mà trọng lực Trái đất làm để kéo nước mưa rơi xuống qua lỗ hổng trên trần nhà.

Tất nhiên là, tìm ra việc bạn thích làm không có nghĩa là bạn được bắt tay vào làm nó. Đó là một câu hỏi khác. Và nếu có tham vọng, bạn phải nỗ lực giữ chúng rời nhau: ý tưởng về thứ bạn muốn làm không bị dính với những gì trông có thể làm được.

Ừ giữ hai thứ này tách biệt khó lắm chứ. Nên hầu hết mọi người đều sẽ hạ thấp kì vọng của mình. Ví dụ, nếu bạn hỏi một người lạ mặt trên đường xem họ có thể vẽ như Leonardo (da Vinci) không, chắc bạn sẽ nghe thấy nhiều câu đại loại là, “Ây dà, tôi còn chẳng thể vẽ được ý chứ.” Đây là một lời tự nhận xét hơn là sự thật. Nó có nghĩa là “tôi sẽ không thử vẽ đâu”. Và sự thật là, nếu bạn, bằng cách nào đó, khiến người lạ mặt đó làm việc không biết mệt mỏi trong nghiệp vẽ trong 20 năm tới, họ chắc chắn sẽ tiến xa một cách đáng kinh ngạc. Nhưng điều này sẽ cần một nỗ lực kinh khủng; như kiểu nhìn chằm chằm vào thất bại mỗi ngày trong hàng năm trời. Và thế đấy, người ta bảo vệ mình bằng cách nói “tôi không thể làm chuyện đó.”

Một câu khác bạn hay nghe là không phải ai cũng có thể được làm công việc họ thích, thế thì chắc chắn phải có ai đó đang làm những công việc chả mấy hay ho. Thật vậy ư? Làm sao bạn bắt họ làm những công việc ấy? Trong nước Mỹ, cơ chế duy nhất buộc mọi người phải làm công việc không thú vị chỉ là dự thảo, và điều này đã không được viện dẫn hơn 30 năm qua. Tất cả những gì ta có thể làm là khuyến khích mọi người làm những công việc không thú vị, bằng tiền và uy danh.

Nếu có công việc gì mà mọi người không chịu làm, thì xã hội vẫn sẽ vận hành mà không có nó. Đây là điều xảy ra với người hầu gia đình (domestic servants). Hàng thiên niên kỉ qua, đây là ví dụ điển hình về công việc “ai đó phải làm” nè. Tuy nhiên, vào giữa thế kỉ XX, những người hầu đã biến mất ở các nước giàu, và người giàu thì phải vận hành được mà không có họ thôi.

Vậy nên, trong khi vẫn có một số công việc mà một số người buộc phải làm, nhiều khả năng ai đó nói thế về một nghề nghiệp cụ thể nào đều mắc sai lầm. Những công việc khó chịu hoặc là sẽ được tự động hóa, hoặc biến mất nếu chẳng ai sẵn lòng làm chúng nữa.

Hai con đường

Tuy nhiên, có một nghĩa nữa trong câu “không phải ai cũng được làm công việc họ thích” rất đúng. Người ta phải kiếm sống, và đúng là phải rất chật vật để kiếm được tiền từ công việc bạn yêu thích. Cho nên, có hai con đường để đi tới đích:

  • Con đường tự nhiên: khi bạn trở nên xịn/siêu quần/nổi tiếng, có tiếng nói, từ từ nâng phần việc bạn thích lên thay cho phần việc bạn không thích.
  • Con đường hai việc: làm công việc bạn không thích để kiếm tiền làm những công việc bạn thích.

Con đường tự nhiên kia phổ biến hơn. Nó diễn ra tự nhiên với những người làm những công việc tốt. Một kiến trúc sư trẻ phải làm bất kể việc gì mà anh ta được nhận vào, nhưng nếu ảnh làm việc đó tốt, dần dần rồi sẽ đến lúc anh ấy được ở một vị trí có thể lựa chọn dự án muốn làm. Điểm bất lợi của con đường này là nó chậm và không chắc chắn. Ngay cả vào biên chế cũng không phải là tự do thực sự.

Con đường hai việc thì tùy xem bạn làm việc vì tiền bao lâu một ngày. Trên một mũi tên hai đầu, ở đầu này là “công việc ban ngày”, nơi bạn sẽ làm việc như giờ bình thường để kiếm tiền, và làm việc bạn thích trong thời gian rảnh. Ở đầu còn lại, bạn làm tới khi đủ dư giả tiền nong để không phải làm việc vì tiền nữa.

Con đường hai việc ít phổ biến hơn, vì cần lựa chọn và cũng nguy hiểm hơn. Cuộc sống (tiêu pha) sẽ càng đắt đỏ khi bạn về già, nên rất dễ bị hút vào công việc kiếm tiền lâu hơn bạn tưởng. Tệ hơn, công việc bạn làm sẽ thay đổi bạn. Nếu bạn làm một công việc tệ quá lâu, nó sẽ làm mục ruỗng trí não bạn. Và công việc trả càng nhiều lại càng nguy hiểm, vì nó đòi hỏi sự toàn tâm toàn ý của bạn.

Lợi thế của con đường hai việc là nó để bạn vượt qua nhiều rào cản. Con đường sự nghiệp của những ngành nghề bạn làm được không bằng phẳng gì, có tường cao tường thấp tùy việc. Ở con đường tự nhiên, những điều bạn học được ở ngành kiến trúc cùng lắm sẽ giúp bạn trong ngành thiết kế sản phẩm, nhưng có lẽ không phải ngành âm nhạc. Trên con đường hai việc, nếu bạn kiếm tiền bằng một việc rồi làm việc khác, bạn sẽ có nhiều tự do để lựa chọn hơn.

Vậy bạn nên đi con đường nào? Tùy xem bạn chắc chắn về thứ mình muốn làm cỡ nào, bạn nghe người khác chỉ đạo được không, chịu được rủi ro lơn hay nhỏ và có ai đó trả giá để bạn làm cái bạn muốn không. Nếu đã chắc chắn về lĩnh vực chung mà bạn muốn làm việc trong đó và có người trả tiền cho bạn để làm việc đó, thì bạn nên chọn đi con đường đầu tiên. Nhưng nếu bạn không hề biết mình muốn làm gì, không thích nhận lệnh từ người khác, bạn chắc sẽ muốn đi con đường hai việc, nếu có thể chấp nhận rủi ro.

Đừng quyết định quá sớm. Tụi trẻ con, những đứa mà biết ngay từ sớm nó muốn làm gì trông thì có vẻ ấn tượng đấy, như thể chúng có đáp án cho môn Toán trước những đứa khác. Ừ, có thể chúng có câu trả lời, chắc chắn rồi, nhưng có khả năng là nó sai.

Một người bạn của tôi là một bác sĩ khá nổi tiếng từng phàn nàn miết về công việc của cô ấy. Khi mọi người nộp đơn nhập học trường Y xin cô ấy cho lời khuyên, cô ấy muốn gào vào mặt họ “Đừng nộp vào đấy!!!!” (Nhưng cô ấy chả bao giờ làm thế.) Vậy làm thế nào mà cô ấy vào đó được? Ở trường cấp 3, cô ấy đã luôn biết mình muốn làm bác sĩ. Và cô ấy cực kì tham vọng, cực kiên gan bền chí để vượt qua mọi khó khăn để vào đó, kể cả việc cô ý không thích nó.

Giờ cô ấy đã có cuộc sống được chọn sẵn cho cô bởi một đứa trẻ cấp ba.

Khi bạn còn trẻ, bạn chắc mẩm rằng bạn sẽ có đủ thông tin để đưa ra từng lựa chọn trước cả khi bạn cần ra quyết định. Nhưng điều này chắc chắn không đúng với chọn công việc. Khi bạn quyết định việc bạn làm, bạn phải xử lí dựa trên một mẩu tí ti thông tin. Ngay cả khi trong trường đại học bạn cũng chẳng có mấy ý niệm về hàng tá các công việc thực ngoài đời trông ra sao. Họa may bạn được tham gia vài kì thực tập, nhưng không phải công việc nào cũng giống thực tập, và nếu có giống thì cũng không dạy bạn được bao nhiêu.

Trong bản thiết kế của cuộc đời, như các bản thiết kế của những thứ khác, bạn sẽ đạt được kết quả tốt hơn nếu bạn sử dụng nhiều phương tiện. Cho nên trừ phi bạn đã khá chắc chắn về thứ mình muốn làm, phương án tốt nhất bạn có thể đặt cược là chọn loại công việc mà có thể chuyển sang một trong hai con đường: tự nhiên hoặc hai việc ở trên. Đó có lẽ là một phần lí do tôi chọn máy tính. Bạn có thể làm giáo sư, hoặc kiếm đống tiền, hoặc tích hợp nó vào các thể loại công việc khác.

Cũng sẽ rất tốt nếu bạn tìm một công việc khiến bạn làm được nhiều thứ khác nhau, để bạn có thể học hỏi nhanh hơn xem những việc khác ra sao. Ngược lại, phiên bản cực đoan của con đường hai việc sẽ nguy hiểm vì nó dạy bạn rất ít về những việc bạn thích. Nếu bạn là nhân viên môi giới trái phiếu và làm việc chăm chỉ trong 10 năm, nghĩ rằng bạn sẽ bỏ việc và viết tiểu thuyết khi có đủ tiền, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn phát hiện ra bạn không thích viết tiểu thuyết?

Hầu hết mọi người sẽ chấp nhận vấn đề này. Đưa tôi một triệu đô đây rồi tôi sẽ tìm ra thứ để làm với nó. Nhưng khó đó nha. Những giới hạn sẽ nặn nên hình thù cuộc sống của bạn. Loại bỏ giới hạn đi thì hầu hết mọi người sẽ chẳng có ý tưởng gì cả: hãy nhìn những người trúng số độc đắc hoặc được thừa hưởng gia tài bạc tỉ thì thấy. Hầu hết mọi người nghĩ họ muốn an toàn về tài chính, nhưng những người hạnh phúc nhất lại không có nó, họ thích việc họ làm. Cho nên, một kế hoạch hứa hẹn tự do để đổi lấy chuyện không biết làm gì với cái tự do ấy cũng chẳng tốt đẹp gì mấy đâu.

Dù bạn chọn con đường nào đi nữa, hãy chờ khó khăn xuất hiện. Tìm thấy một công việc bạn yêu thích khó vãi ra. Hầu hết mọi người đều sẽ thất bại. Kể cả khi bạn thành công, hiếm khi bạn được tự do làm được điều gì đó bạn muốn cho tới khi bạn 30 – 40 tuổi. Nhưng nếu bạn có một điểm đến trong tầm mắt, bạn sẽ có nhiều khả năng đi tới được nó. Nếu biết rằng bạn có thể yêu một công việc, bạn đang ở trong đoạn đường cuối rồi. Và nếu bạn biết công việc bạn yêu thích là gì, thực ra là bạn đang làm nó rồi.

Cảm ơn Trevor Blackwell, Dan Friedman, Sarah Harlin, Jessica Livingston, Jackie McDonough, Robert Morris, Peter Norvig, David Sloo, and Aaron Swartz đã đọc bản nháp của bài viết này.

Paul Graham

Thank you again, Paul.

Hình minh họa, tác phẩm của @danielmackie


Chú thích của mình

  1. ý này chắc ngầm giả định về định mệnh, số, hay gì đó.
  2. bối cảnh của một thứ phải học
  3. điều này làm mình nhớ đến ứng dụng hẹn hò gì đó có slogan là: Download. Swipe. Delete. khi tìm thấy người nào đó rồi thì bạn sẽ hông cần phải Swipe thêm nữa.
  4. ý nói họ làm việc đó để lấy số bài báo đăng tạp chí, và để duy trì việc dạy trong trường đại học.
  5. Tiên chim (https://en.wikipedia.org/wiki/Siren_(mythology)) kẻ quyến rũ thủy thủ khiến tàu họ bị chìm.

Leave a Reply