Học như leo cầu thang bộ

You are currently viewing Học như leo cầu thang bộ

Chuyện học như leo cầu thang bộ. Để đi lên, bạn sẽ mất nhiều năng lượng và thấy mệt hơn nhiều so với khi đi xuống. Đó là quy luật tự nhiên về bảo toàn năng lượng. Nếu đang muốn đi lên mà thấy mình không mệt đi chút nào thì nhìn lại thử xem, có khi bạn đang đi đường bằng hoặc thậm chí đi xuống.

Chuyện học cũng như chơi game theo level. Level sau khó hơn level trước. Nếu level sau dễ hơn thì bạn chán và cóc thèm chơi nữa rồi.

Bạn học để nâng cao năng lực. Chừng nào bạn còn thấy khó thì chứng tỏ bạn đang “chơi” để lên level cho mình. Khó đấy, nhưng năng lực của bạn đang tăng dần. Nếu bạn thường xuyên thấy dễ thì bạn đang không học gì cả, việc học không còn giá trị nữa. Thà làm việc khác, đừng mất thời gian.

Chắc các bạn tân sinh viên đang học những môn khó với những cách học mới. Và chắc là bạn đang rất cố gắng để xoay sở và dũng cảm khi chọn đi học, đi kiểm tra mỗi ngày trên trường.

Vì vậy mà nhiệm vụ thứ nhất của giảng viên là tạo ra những thử thách, những bậc thang vừa sức, để không quá khó hay quá dễ với bạn. Khó quá bạn nản, dễ quá bạn chán.

Rất tiếc, nhiệm vụ thứ hai của giảng viên không phải là xây thang máy, thang cuốn, hay chơi game giúp để bạn qua màn. Làm như vậy thì coi thường tiềm năng của bạn quá, và bạn cũng không phát triển thêm được gì. Nhiệm vụ của họ là đưa ra phản hồi, để chính bạn xem bạn đang ở đâu trên cầu thang hay trong bản đồ game của mình. Nhận phản hồi này, bạn chỉnh sửa để cải thiện năng lực của bạn.

Yêu đơn phương là một cảm giác không hạnh phúc. Sẽ có những giảng viên không muốn để việc dạy-học với bạn là “yêu đơn phương”, khi chỉ có sự nỗ lực cố gắng từ phía họ. Những giảng viên ấy đã và sẽ tạo mọi điều kiện có thể trong khả năng của mình: đưa email cho bạn hỏi, tạo giờ Office Hour để gặp bạn trực tiếp, dù theo nhóm hay 1:1, hay hỗ trợ sửa bài luận. Và giờ thì họ cần bạn cũng bỏ công sức ra để hai bên hiểu nhau. Và đây cũng là Quyền của bạn khi học đại học.

Để giảng viên đưa ra phản hồi thì bạn cần đưa dữ liệu, cần đặt câu hỏi cho họ. Bạn gặp khó khăn gì, đang không hiểu chỗ nào, bế tắc ở đoạn nào? Tư duy phản biện là em vẫn chưa hiểu? Chủ đề của em như này thì lập dàn ý thế nào? Dàn ý của em thế này đã hợp lý chưa? Hoặc bạn đang sợ, đang chán, đang buồn chỗ nào? Giảng viên có thể giúp gì cho bạn?

Ai làm việc của người nấy là hạnh phúc của cả hai. Giảng viên làm việc của người thầy rồi. Mời bạn làm việc của bạn. Ai làm đúng việc của người đó và cùng hạnh phúc nào. 

Leave a Reply