“Ma” đại dương và cách tìm ra chúng

You are currently viewing “Ma” đại dương và cách tìm ra chúng

(Đây là bài viết bản Writer’s Cut của bản chính được đăng trên tờ Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 9/7/2023, có mặt ở mọi sạp báo nếu bạn tìm thấy. Link bài viết Tuổi trẻ Cuối tuần Online.)

Năm 2018, trong chuyến thám hiểm ở một hang động ở ven biển Đông Hàn Quốc, các nhà khảo cổ học tìm thấy vài ngư cụ là bằng chứng cho thấy loài người đã biết sử dụng các kĩ thuật phức tạp để đánh bắt thủy hải sản từ tận 29000 năm trước (1). Bạn đoán thử xem chúng là gì? Móc câu? Giáo mác nhọn? Lưới?

Thứ được tìm thấy là những viên đá. Người tiền sử lấy đá chọi cá ư? Không. Những viên đá nằm vừa lòng bàn tay có chung đặc điểm: chúng được khắc sâu ở phần giữa. Đoàn thám hiểm dự đoán người xưa sử dụng những hòn đá này buộc vào những tấm lưới bắt cá. Khi quăng lưới xuống những vùng nước nông, đá nặng giữ lưới ở dưới đáy, không cho cá thoát ra ngoài. Tuy được chấp nhận nhưng giả thuyết này chưa chắc chắn vì không tìm thấy mảnh lưới nào sót lại cả. Họ cho rằng lưới được đan bằng vật liệu hữu cơ nên bị phân hủy hết rồi.



Tháng 12 năm 2020, tôi đang ở Đài Loan tham gia Hội thảo quốc tế về các vấn đề môi trường và giáo dục do Ủy ban Bảo vệ môi trường Đài tổ chức. Trong chương trình có một buổi đi dọn rác trên bãi biển đảo Penghu. Xen giữa lớp cát nâu vàng và đám cây mình dây mọc lan khắp là rất nhiều mảnh rác lấp ló. Chẳng phải nhà khảo cổ học phân tích định tuổi carbon-14, bằng mắt thường chúng tôi vẫn đoán với nhau quá khứ và hành trình của các mảnh rác dựa vào ngôn ngữ và ngày tháng in trên bao bì. Hầu như tất cả đều đến từ xa.

Đang mải nhặt rác trong suy tư thì tôi bị đánh động bởi đám đông các bạn khác đang xúm lại. Năm bảy người chung tay gắng kéo lên khỏi lớp cát ẩm một đống bùi nhùi nào là lưới và dây thừng nylon đánh cá. Người bới cát, người ghì chân ra sức kéo, phải cả mươi phút sau mấy đứa chúng tôi mới kéo được nó lên. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một con ma. Đúng hơn là ngư cụ ma.

(Ảnh người viết cung cấp)

Ngư cụ ma (còn gọi là ghost gear) là những thiết bị công nghiệp đánh bắt thủy hải sản bị rơi mất hoặc thả bỏ ở biển. Chúng bao gồm lưới, dây thừng, phao, mỏ neo, bẫy cua, cá, tôm hùm chẳng hạn. Các nhà khoa học ước tính ngư cụ ma chiếm 46% tới lượng rác thải trôi nổi trên biển nói chung và 20% lượng nhựa trên biển. Ngư cụ ngày nay không còn là sỏi đá hay cây dây leo nữa mà được nâng cấp bằng các vật liệu bền chắc, giỏi chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt, và tất nhiên là không dễ bị phân hủy. Những “con ma” càng ngày càng sống dai.

Tổ chức Lương – Nông FAO tuyên bố ngư cụ ma là thứ rác thải biển nguy hiểm nhất (2). Không như hạt vi nhựa, tác hại của ngư cụ ma là trực tiếp và ngay lập tức. Chúng là sát thủ vô hình “ám” lên sự sống của các sinh vật biển dù không còn được sử dụng bởi con người (3). Một trong những ngư cụ ma nguy hiểm nhất là lưới rê. Đây là loại lưới đánh bắt cá thụ động. Sâu từ 3 – 15 mét và có thể dài tới 3km, lưới được treo dựng đứng chắn ngang dòng nước biển và đợi những con cá bơi ngang, đầu lọt nhưng mình thì không. Tôi không muốn bạn tưởng tượng ra thảm cảnh tấm lưới khổng lồ vẫn trôi lơ lửng trên biển và đánh bẫy những sinh vật bơi qua đây, kẹt lại từ từ tới chết.

Ngư cụ ma đe dọa sự sống của khoảng 66% loài động vật dưới biển. Thậm chí chúng còn tạo nên những “mồ chôn tập thể” dưới biển. Ví dụ, khi một con tôm hùm đi vào bẫy mà không thể thoát ra, lần lượt các con tôm hùm khác cũng sẽ bò vào không gian đặt bẫy. Ngoài ra, nếu cứ để những cái bẫy bằng sắt chìm dưới đáy, chắc chắn hệ sinh thái đáy biển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. World Bank ước tính 90% trữ lượng các loài cá đã bị khai thác (4). Sinh vật biển có thể tái tạo nhưng tốc độ khai thác nhanh hơn tốc độ tái tạo thì cầm chắc khả năng cạn kiệt. Để lại ngư cụ ma dưới biển là chúng ta đang lãng phí tài nguyên biển vô cớ. Không chỉ tác quái ở dưới biển, ngư cụ ma cũng có thể bị trôi dạt lên bãi biển, trở thành mối nguy hiểm cho 50% các loài chim và các loài ven biển khác, hay cho chính an toàn của người đi biển. Không ít trường hợp ngư cụ ma vướng vào bánh lái hoặc động cơ tàu thuyền.


Ra khơi với nắng gió đã cực sẵn rồi, ngư dân đâu hề muốn ngư cụ của mình biến thành ma vì như vậy khác gì mất tiền. Có những cái bẫy từ vài trăm đến cả triệu đồng chứ không ít. Nhiều lý do ngoài ý muốn như đánh bắt trong điều kiện trời giông bão, hoặc ngư cụ bị vướng vào đá dưới đáy biển, vào các bãi đắm tàu.

Đôi khi ngư cụ thành ma cũng vì ngư dân lưu trữ ngư cụ bất cẩn hay đánh bắt trong các tình huống mạo hiểm, “được ăn cả, vướng thành ma”. Như khi các tàu thuyền đánh bắt gần nhau quá hoặc hoạt động ở những vùng bị cấm như ở phía trên rặng san hô làm ngư cụ vướng không thể gỡ. Cũng có trường hợp ngư dân cố tình vứt bỏ ngư cụ ngoài biển. Chuyện này thường xảy ra ở những quốc gia đang phát triển khi vừa thiếu phương thức thu gom và xử lý ngư cụ hết vòng đời, mà kiến thức – ý thức của người sử dụng ngư cụ còn chưa cao. Bạn nghĩ mình sẽ làm gì với khối lưới nặng 400 kg tới vài tấn ở cuối vòng đời của nó?


Ngư cụ ma đang bị “truy nã” rộng rãi bởi khắp thế giới. Rơi rớt thì nhặt lại, có gì đâu mà căng? Căng chứ, vì đúng là mò kim đáy bể theo nghĩa đen. Cái khó đầu tiên là tìm ra chúng, không dễ và miễn phí như dùng GPS định hướng trên đất liền. Ở dưới biển, cách thô sơ là dùng đầu dò như mấy cái mỏ neo móc vào thuyền để dò dưới đáy biển. Cách này chắc chắn gây tổn hại đến hệ sinh thái đáy biển (6). Cách nữa là có thể cho con người lặn xuống những vùng khả nghi để tìm kiếm nhưng dễ có nguy cơ dính bẫy. Hiện đại nhất là sử dụng công nghệ định vị bằng sóng âm sonar để dò tìm “ma” nhưng chi phí không hề rẻ. Chưa kể “con ma” có thể di chuyển liên tục theo dòng biển, vị trí xác định có thể không còn chính xác khi thu hồi (7).

https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fmars.2022.981840/full
Minh họa về sự khác biệt giữa sóng âm chùm đa, chùm đơn xuất phát từ thuyền và từ đầu dò phát chạy bên dưới thuyền (Vicki Gazzola). https://storymaps.arcgis.com/stories/b8c3829050244053a546464e98b09f11

Khi nhiều bên chung tay, việc “bắt ma” sẽ dễ dàng hơn. Chẳng hạn chính phủ Canada, Đài Loan yêu cầu ngư dân báo cáo khi mất ngư cụ và đánh dấu vị trí ban đầu để dễ tìm lại (8, 9). Một số tổ chức như Global Ghost Gear Initiative và Coastal Action có làm các ứng dụng nền web để ngư dân và công ty khai thác thủy hải sản ghi nhận chi tiết về ngư cụ bị mất hoặc nhờ người dân phát hiện giúp (6). Như khi kéo lên được “con ma” trên bờ biển Đài Loan, chúng tôi đã chụp lại bức hình và đánh dấu vị trí của nó. Việc lập được một bản đồ sớm và chi tiết của những con ma sẽ giúp việc trục vớt và thu gom dễ hơn rất nhiều.

Ta còn cần thêm các chương trình tạo thêm động lực cho ngư dân thu gom ngư cụ ma. Ở bang Mississippi, Hoa Kì, một cái bẫy cua tìm thấy sẽ được mua lại với giá 5 USD. Ba năm triển khai chương trình đổi tiền lấy bẫy này đã có 3000 cái bẫy được vớt lên (10). Thu lại được rồi thì làm gì? Các chương trình tái chế ngư cụ đã qua sử dụng cũng cần được thúc đẩy. Nhiều start-up và các nghệ sĩ không coi đây là rác mà là tài nguyên. Những tấm lưới nylon có thêm một mạng sống mới, bên trong chiếc xô chậu, ván trượt, bàn ghế, hay tác phẩm nghệ thuật và các nghệ sĩ kiếm khối tiền từ đây (11).

Nhưng tốt hơn hết là ta cần ngăn chặn những con ma sinh sôi ngay từ đầu. Để đề phòng mất ngư cụ do điều kiện bên ngoài, các ngư dân có thể cần thận trọng hơn khi dong thuyền ra khơi. Né những điều kiện thời tiết cực đoan dù bối cảnh biến đổi khí hậu làm khó dự đoán thời tiết hơn.

Ngoài cậy vào sự cẩn thận của ngư dân thì các cơ quan chính sách và các nhà thiết kế, cung cấp ngư cụ cũng cần được vận động nghiên cứu sáng tạo ra các ngư cụ kiểu mới. Đã có thời kì mà các ngư cụ đánh cá từng được sử dụng bằng các sợi tự nhiên như sợi lanh, vỏ cây đay-gai, quả bông hoặc từ động vật như tơ tằm. Chúng thân thiện với môi trường, dai và có độ đàn hồi tốt nhưng là dễ bị mục nát và thời gian sử dụng ngắn. Khi Thế chiến thứ Hai nổ ra, nhu cầu cho một loại sợi bền chắc tăng cao(12). Lưới làm từ sợi nylon sẽ ít hút ẩm, bền hơn, nhẹ hơn sợi tự nhiên nhưng chỉ vài chục năm sau đã trở thành thảm họa ở biển. Nhiều dự án phát triển các ngư cụ bằng vật liệu tự hủy sinh học đang được ưu tiên triển khai, tuy thời gian phân hủy hoàn toàn cũng lên tới hai năm (13). Bên cạnh đó, nếu ngư cụ được gắn định vị ngay từ đầu thì sẽ giảm thời gian và chi phí để thu hồi khi chẳng may biến mất.



Vào nửa cuối thế kỉ XIX, ngành khảo cổ học chuẩn bị khai mở một bí mật của nhân loại. Ở một số vùng ven biển, ven sông trên khắp thế giới từ Đan Mạch, Canada tới Nhật, Philippines,… chôn vùi dấu tích của các nền văn minh hàng thiên niên kỉ trước Công nguyên: những đống rác. Dưới độ sâu 10 mét dưới lớp cát và đá vôi, những đống rác này chứa chất thải của người, xương cá nhỏ, xương động vật, và nhiều nhất là vỏ cứng của các loài nhuyễn thể họ hàng của sò, nghêu ta biết thời nay. Nhìn vào rác là nhìn vào quá khứ. Đây là kho chứa dữ liệu để các nhà khảo cổ học nghiên cứu hành vi, chế độ ăn và thậm chí là thói quen của các xã hội từng có mặt trên Trái đất. Dựa vào đây, họ nhận định rằng ngư nghiệp là một trong những ngành nghề lao động cổ xưa nhất trong lịch sử loài người (14).

Vào những năm thứ 20 của thế kỉ thứ XXI, chúng ta không cần đào bờ biển sâu đến 10 mét để trông thấy rác. Tính từ Thế chiến thứ Hai, chúng ta đã có nhiều cơ hội để quan sát chính lối sống, lối canh tác và khai thác không bền vững của loài mình.

Để ngư cụ biến thành “ma” là không thể tránh khỏi khi còn khai thác tài nguyên sinh vật biển. Chúng ta cần các giải pháp bền vững, lớn lẫn nhỏ mà hiệu quả để phòng ngừa và giảm thiểu “ma” trong đại dương.

Leave a Reply