Nếu xem khoa học là một ngôn ngữ

You are currently viewing Nếu xem khoa học là một ngôn ngữ

Mở đầu

Một tình tiết hài thường thấy trong nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng xảy ra như này: một nhà khoa học/kỹ sư nói điều gì đó có vẻ phức tạp nhưng rất quan trọng. Các nhân vật khác nghe xong mặt đần ra một tích tắc rồi mỉa mai vặn lại: “Chú nói lại bằng tiếng Anh giùm cái đi.”

Đó là cách công chúng hay yêu cầu nhà khoa học sử dụng ngôn ngữ “bình dân” khi nói về phát hiện của họ. Kiến thức khoa học kỹ thuật thường được coi là quá phức tạp với ai không trong khối ngành STEM.

Ngược lại, chuyện đùa này dấy lên trong mình một câu hỏi: nếu người dạy coi khoa học là một ngôn ngữ thì có tạo ra những quan điểm mới trong dạy-học khoa học không?


Tóm tắt nếu bạn không muốn đọc dài

Hiểu biết về khía cạnh ngôn ngữ của khoa học giúp được gì? 

Thứ nhất, mình thấy tò mò và vui khi nhìn khoa học ở góc cạnh này.
Thứ hai, nó khiến mình dựng lại trong đầu rất nhiều thứ trước nay không để ý trong quá trình dạy – học khoa học. Ví dụ: Học sinh không hiểu bài là không hiểu cái gì của bài? Mất căn bản là mất cái gì?
Thứ ba, có nhiều hướng nghiên cứu và dạy học kết hợp giữa đọc-ngôn ngữ và khoa học. Chắc thú vị lắm đây.

Bài viết này cung cấp cho bạn một số khái niệm cơ bản về khía cạnh ngôn ngữ trong khoa học.


Biết đọc là tối quan trọng

Trước tiên, ta đều đã biết, việc đọc-viết nói riêng, và sử dụng ngôn ngữ nói chung, là tối quan trọng trong giáo dục. Gì thì gì, xoá mù chữ trước đã.

Nhiều khung kỹ năng cần thiết cho thanh thiếu niên trong thế kỷ 21 vẫn đề cập đến việc đọc như một kỹ năng cốt lõi cần phát triển. Ví dụ, Trilling và Fadel (2010) đề xuất “Đọc” là một trong ba môn học quan trọng nhất. Mô hình này cũng chỉ ra các kỹ năng cốt lõi khác có thể được phát huy trong quá trình học đọc. 

Theo quan điểm LINK trong giáo dục khoa học, ngôn ngữ là một trong bốn khía cạnh người học khoa học cần được tiếp xúc.

Ngôn ngữ có nhiều điểm giao với khoa học. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thực hành ngôn ngữ hỗ trợ tư duy phản biện, xây dựng lập luận và lời giải thích các hiện tượng, thúc đẩy việc học khoa học, nhất là đối với học sinh ở lứa tuổi nhỏ từ mẫu giáo tới lớp 5.

Vậy thì, nếu coi khoa học như học một ngôn ngữ, để đọc được khoa học, học sinh cần phải làm quen với các mức độ đọc-hiểu của ngôn ngữ đó. 


Các mức độ đọc-hiểu khoa học

Trước tiên, người học cần hiểu từ vựng khoa học và các ý nghĩa đại diện, chẳng hạn như các kí tự, công thức, hình vẽ hoặc bảng biểu trong văn bản khoa học. Đây là mức cơ bản nhất. 

Thứ hai, cần phân biệt giữa các câu mô tả đơn thuần, câu diễn tả mối quan hệ tương quan và mối quan hệ nhân quả qua việc tự giải thích lại các ý tưởng cốt lõi trong văn bản đọc được.

Thứ ba, người học cần hiểu biết về quy trình thu thập dữ liệu và bằng chứng để trả lời câu hỏi nghiên cứu. 

Thứ tư, cần hiểu quá trình xây dựng lời giải thích (explanation) từ bằng chứng thông qua lập luận. 


Nghỉ giải lao.

Ngay ở bốn dòng trên thôi, chúng ta cũng có thể thấy rõ tầm quan trọng của ngôn ngữ.
Thử tự hỏi lại mình: lập luận, mối quan hệ tương quan và nhân quả, các ý nghĩa đại diện là gì? Mình đã thực sự hiểu những từ này chưa? 

Đi tiếp. 


Từ vựng khoa học (thuật ngữ khoa học)

Bốn loại thuật ngữ được sử dụng trong khoa học (scientific terminology).

Loại đầu tiên bao gồm danh từ mô tả các vật thể quen thuộc (ví dụ: thực vật, động vật, danh từ mô tả các vật thể mới (ví dụ: phân tử, photon), và danh từ mới xuất hiện gần đây trong khoa học (ví dụ: CRISPR, GMO). 

Loại thứ hai là những từ minh họa một quá trình (process words). Nó bao gồm các quá trình có thể quan sát được (ví dụ, bay hơi, sự sôi), các quá trình không thể quan sát trực tiếp được (ví dụ: sự tiến hóa), hoặc quá trình được định dạng lại một cách ẩn dụ như danh từ để trở thành một hiện tượng trừu tượng hơn (ví dụ: cân bằng) (Jalilifar et al., 2017).

Loại thứ ba là những từ-khái-niệm (concept words). Đây là loại từ chỉ khái niệm về trải nghiệm cảm giác được (ví dụ: lực), từ được lấy ra trong cuộc sống hàng ngày (ví dụ: áp lực – pressure), hoặc từ gọi tên một cấu trúc lí thuyết (ví dụ: sự oxi hóa). 

Loại thứ tư là ký hiệu, bao gồm công thức vật lí, hoá học (ví dụ: F = ma), ký hiệu toán học (ví dụ: delta ∆), hoặc kí hiệu qui đổi (ví dụ: km, m, kg, g). 

Biết để làm gì?

Biết được sự khác biệt giữa các cấp độ văn bản và các loại từ vựng khoa học, chúng ta có thêm những căn cứ và quan điểm khác nhau để quan sát và đánh giá việc dạy-học.

Ví dụ, đối với những học sinh không hiểu, không nhớ định luật I Newton, giáo viên có thể sử dụng các cấp độ trên để kiểm tra lỗ hổng kiến thức nằm ở đâu: ý nghĩa của biểu tượng F, danh từ “lực” hay “quán tính”, hay toàn bộ hiện tượng?


Câu/Mệnh đề khoa học

Ở quy mô lớn hơn, chúng ta có nhiều loại câu hay mệnh đề khoa học. Hiểu được bản chất của chúng có thể giúp người dạy và người học để ý sơ về độ tin cậy và chắc chắn của một mệnh đề bất kì. 

Một mệnh đề mô tả (description) là câu định nghĩa hoặc mô tả một hiện tượng gì trông như thế nào.

Một mệnh đề giải thích (explanation) cho người đọc biết lí do tại sao một hiện tượng lại xảy ra.

Một mệnh đề trình tự (procedure) thì cho thấy thứ tự hoặc quá trình xảy ra hiện .

Một luận cứ (argument) là để thuyết phục người đọc tin một số thông tin được đưa ra.

Chưa kể chúng ta còn có lý thuyết (theory), giả thuyết (hypothesis) và ý kiến (opinion). 


Văn bản khoa học

Văn bản khoa học có thể đến từ nhiều nguồn. Yarden (2009) đã liệt kê những nguồn văn bản có thể dùng trong dạy-học khoa học. Điểm phân biệt các loại văn bản này nằm ở mức độ phức tạp của nội dung, cấu trúc văn bảnsự không chắc chắn trong việc trình bày kiến thức khoa học.

Có các loại văn bản khoa học sau: Văn bản khoa học gốc (Primary Scientific Literature), văn bản phỏng theo các nghiên cứu khoa học gốc (Adapted Primary Literature), văn bản khoa học thường thức được viết bằng người không làm khoa học (Journalistic Reported Version). Cuối cùng là sách giáo khoa được biên soạn dùng để dạy khoa học trong trường học.

Sự khác biệt giữa chúng được phản ánh trong bảng dưới đây.

Biết để làm gì?

Nếu học sinh chỉ biết về khoa học từ sách giáo khoa, rất có thể hình ảnh về khoa học trong các em sẽ là những sự kiện thuần túy mang tính chắc chắn … tuyệt đối. Vì vậy, nếu giáo viên muốn người học tiếp xúc với khoa học theo những hướng khác nhau, họ cần sử dụng các văn bản khoa học từ nhiều nguồn khác.


Kết luận

Khả năng gọi tên một thứ gì đó được giúp con người phát triển nền văn minh của mình vượt bậc. Cũng như vậy, việc nhìn quá trình dạy-học khoa học dưới nhiều lăng kính khác nhau cho phép mình gọi tên, mô tả những khó khăn gặp phải tốt hơn. Từ đó có thể tìm cách khắc phục.

Nếu chỉ chấp nhận giải thích một người kém hiểu biết khoa học là dốt, là chậm hiểu, do mất căn bản, do người dạy dở thì nhiều khi chúng ta không đi xa được. Mà có đi xa được thì cũng không vui.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết,

The Too Blue Scientist

Bài viết này được tổng hợp từ ghi chú của mình về bài giảng Learn to read science and read to learn science của giáo sư Sung-Tao Lee, khoa Giáo dục khoa học ứng dụng, trường NTCU.


This Post Has 2 Comments

Leave a Reply