Hôm vừa rồi học trò gửi kết quả thí nghiệm làm từ hai tháng trước mà bạn ấy kiên trì chăm sóc tới tận bây giờ cho xem, bỗng thấy nhớ tụi nhỏ quá đi. Đi dạy và hợp tác tổ chức sự kiện khoa học cả chính thống lẫn ngoài lề (formal và informal) được khoảng 3, 4 năm, những “lớp học” của mình đã diễn ra theo rất nhiều kiểu. Nó có thể là ngoài đường tại một đất nước khác, cũng có thể là một buổi nói chuyện khoa học, hoặc là …
Những lớp học "khác"

Nó có thể là bàn học với với phấn trắng bảng xanh, học sinh ai ngồi chỗ nấy. Hoặc cũng có thể là cái lớp học ấy nhưng chả đứa nào thèm ngồi trên ghế mà bò khắp phòng học để đo đo đạc đạc. Nếu chán rồi thì có thể ào ra sân trường và dùng học cụ là … những đám mây.


Có khi mình soạn giáo án rất rõ ràng: ghi mục tiêu theo thang Bloom với động từ hết sức cụ thể, ghi chi tiết lời dẫn giảng của giáo viên, hoạt động của học sinh, … đủ cả. Nhưng cũng nhiều lúc mình chỉ “tung chiêu” tóm một chút sự chú ý của tụi nhỏ thôi rồi dựa hoàn toàn theo hứng thú đấy mà lái bài học đi đâu đâu. Có khi mình còn kích thích tụi nó hỏi tới mức đưa phần thưởng bất ngờ, không đứa nào biết mình sẽ tặng lúc nào, khiến giờ học mỗi lúc một hào hứng theo cách “rất khó hiểu”.


Một chút về việc đánh giá

Mình không biết mình làm có tròn vai không vì thật ra còn tùy vào mục tiêu, cách đánh giá. Người ngoài nhìn vào có thể thấy không có hệ thống gì, nhưng nó có thể không có hệ thống gì thật. Gần đây khi học lớp Qualitative Research Methods (Những phương pháp nghiên cứu định tính), mình hơi ngộ ra một tí về cách mình đánh giá chất lượng một bài dạy.
Logic thông thường thế này: tùy theo yêu cầu của khung chương trình về kiến thức – kỹ năng – phẩm chất – năng lực, giáo viên liệt kê ra những thành tố rồi chuyển thành mục tiêu mà học sinh cần đạt được sau khi học xong. Từ mục tiêu ấy mới dẫn tới thiết kế các hoạt động, câu hỏi, bài tập để học sinh đạt được. Còn giáo viên kiểm tra xem học sinh có đạt được không. Mục tiêu phải SMART (cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, mang tính thực tế và dựa vào thời gian cụ thể) và kết hợp với thang tư duy Bloom để đo lường được từng mức độ tư duy của học sinh qua từng bài mà mình dạy.
Kết quả của tiến trình này trả lời cho giáo viên câu hỏi: Làm sao biết người học thực sự học được cái gì? Mình dạy như thế học sinh tiếp thu đến mức nào? Đấy là một cách. Nó không trả lời cho câu hỏi: Cảm giác, tinh thần của người học như thế nào khi học? Có thích học hay không, có vui vẻ hay không? Có … hạnh phúc không? Muốn đánh giá được cái này thì phải dùng cách khác và không chắc gì các thang đo (định lượng) làm được. Có vẻ mình thật sự thiếu sót khi tập huấn giáo viên rồi.

Dù bạn có làm trong ngành hay không, mình chỉ muốn nói với bạn là lớp học bây giờ khác ngày xưa nhiều rồi. Bạn có suy nghĩ gì về sự thay đổi này?
Cảm ơn bạn đã đọc bài.
Hải Nguyễn