“Vì không nói được Xin chào, anh đành cúp máy” – Những điều bạn chưa biết về tật nói lắp

You are currently viewing “Vì không nói được Xin chào, anh đành cúp máy” – Những điều bạn chưa biết về tật nói lắp

Anh

Chừng mười lăm năm trước, khi mạng internet cáp đồng vẫn còn phổ biến, nhà tôi đấu mạng chung với hàng xóm. Hai nhà cách nhau mảnh đất trống tầm 5-6 mét ngang, dây kéo từ modem nhà họ sang găm vào chiếc máy bàn chạy Windows ME của tôi. Ngày nào mưa gió lớn một tí thì mạng lại “rớt”.

Ở miền Nam, một khi vào mùa mưa rồi thì bạn chỉ đoán được hôm nay trời sẽ mưa to hay rất to thôi. Một hôm ấy mưa giông, mạng nhà rớt tiếp. Anh trai sai tôi sang nhờ hàng xóm kiểm tra, rút ra gắn lại. Hừm, ngu gì. Một đoạn đường thôi nhưng chưa trải nhựa ướt nhẹp, sình lầy bì bõm, ngồi nhà đọc truyện sướng hơn chứ. Tôi hỏi sao anh không tự qua đi mà phải nhờ em. Tôi chúa ghét bị nhờ vả mấy chuyện nhỏ nhặt, nhất là lúc đang có việc riêng. Sao phải phiền nhau như thế, tôi nghĩ. Vốn máu tự giác, tôi nghĩ người khác cũng nên tự chủ đi chứ. 

Anh không giải thích mà nằng nặc đòi tôi qua. 
Không là không, ai dùng thì đi mà qua. 
Đi! 
Đã bảo là không mà! 

Lời qua tiếng lại trong phút chốc xong tôi bị đánh vài cú đau điếng. Tôi khóc tu tu, chửi thề. Xong anh bỏ đi, cũng chửi thề. 

Nhiều tình huống như thế từng xảy ra để lại cho tôi những ngơ ngác. Tôi không hiểu anh, cũng không biết mình nên làm gì. Những mâu thuẫn nới rộng khoảng cách giữa hai anh em đủ để điền vào sự im lặng mỗi khi gặp mặt. Phải mất nhiều năm để tôi nhận ra có thể sự hiểu biết có thể giúp ích điều gì đó và bài viết này ghi lại kết quả hành trình tìm hiểu gần đây của tôi về cách anh xử sự.

À, tôi chưa kể, anh tôi mắc phải tật nói lắp.

1% dân số và phần còn lại

Trên thế giới cứ khoảng 100 người thì có tám người người mắc tật nói lắp từ nhỏ. Trong số ấy, bảy người sẽ hết hẳn khi tới tuổi trưởng thành, nhưng một người vẫn nói lắp mãi không hết (1). Chỉ 1% thôi. Mấy con số thống kê thường giỏi kéo người ta ra khỏi vấn đề đang được đong đếm. Chỉ khi sống cùng với người thân mắc tật này mười mấy năm cuộc đời, tôi mới thấy được sự khổ sở của họ. Ấy vậy mà trong 3 tháng nghiên cứu cho bài viết bạn đang đọc, tôi nhận ra cái mình thấy chỉ là một phần rất nhỏ bên trong những người mắc tật này.


Chúng ta đều biết, hoặc ít nhất là nghĩ mình biết, nói lắp (miền Nam gọi là cà lăm) trông ra sao. Thỉnh thoảng, các nhân vật có tật này xuất hiện trong phim ảnh và kịch nghệ với vẻ sợ sệt, ngượng ngùng và lép vế. Khi nói, họ cố gắng diễn tả sự ngập ngừng, lặp đi lặp lại một vài âm thanh. Nhiều nỗ lực biến người nói lắp thành một biểu tượng bêu rếu để ép lấy hài hước (“tao vừa ăn vừa đợi mày nói hết câu nha”) chẳng nhân văn mấy. Những chi tiết khắc họa trên thường là rập khuôn và phóng đại chứ không phản ánh đúng sự thật.

Tôi bất ngờ khi phát hiện ra điều này từ một cuốn sách khảo cứu về tật nói lắp. Hoá ra, nói lắp có rất nhiều loại. Kiểu “Chặn họng” (Block) là khi người nói không thể bắt đầu phát ra tiếng nói mặc dù có ý định nói hoặc đã tạo sẵn khẩu hình miệng (ví dụ: ### cái quần). Kiểu “Kéo dài” (Prolongation) là khi một âm tiết nào đó trong từ được kéo dài trước khi phần còn lại được nói (v.d. Khô-ô-ô-ông phải). Kiểu “Lặp lại” (repeating) là khi một tiếng được lặp lại nhiều lần trước khi người nói nói được hết (v.d.: cái – cái – cái quần). Kiểu “Bẻ từ” (Phonological fragment) xảy ra khi người nói thấy một từ khó quá, chấp nhận đi đường vòng thay vì đường thẳng, chấp nhận nói từ khác (v.d.: mua qu-qu-áo). (1) Bạn có hình dung ra cảnh biết mình cần nói gì và rất muốn nói nhưng lại không thể cất tiếng không?


Những mô tả từ các nhân vật hài kịch không cung cấp thêm tí hiểu biết nào cho chúng ta về tật nói lắp ngoài định kiến và hiểu lầm. Không biết bao lần tôi đã nghe mọi người cho anh lời khuyên, kiểu nhét sỏi vào miệng để tập nói; ra biển một mình la hét thật to; hay thậm chí tự-vả-vào-mặt-mình khi nói lắp (!?). Hay nếu ai đó chỉ biết triết lý Phật giáo ở mức độ nông nông chắc sẽ nói: người nói lắp vướng phải một cái Nghiệp từ những kiếp trước và đang phải trả, cần tìm cách tích lũy trong “ngân hàng” Phước Báu nhanh nhanh để có thể dứt nó sớm. Nhớ lại những lời này mà tôi vẫn giận và sợ tới rùng mình. Thử tưởng tượng khi mình không thể nói thành lời mà người ta lại phản hồi “lần sau bị nữa thì tự tát vào mặt đi”, chắc tôi, ở tuổi thiếu niên với không lá chắn tâm lý che thân, sẽ thù ghét chính mình và lời nói vô cùng. 

Những lời khuyên đơn giản hóa vấn đề thường rất không ổn khi người chia sẻ nom rất chắc chắn về chúng. Nếu bạn còn nói lắp thì là do chưa luyện tập, chưa kỉ luật đủ nhiều. Lỗi nằm ở chính người nói lắp. 

Niềm tin tiêu cực của xã hội dành cho những người mắc nói lắp thường bắt đầu từ những năm đầu đời hoặc niên thiếu, khi họ nhen nhóm dấu hiệu của tật này và theo họ mãi về sau. Sự phân biệt này ảnh hưởng lên đời sống, công việc, học tập và giao tiếp xã hội của những người nói lắp. Họ cảm thấy bị gia đình, bạn học, đồng nghiệp coi nhẹ. Dù không liên quan nhưng khi đi làm, họ thường bị đánh giá là thiếu năng lực so với người nói năng trôi chảy, hoặc có khi tới mức bị sa thải (3).

Một lý do cho những niềm tin và lời khuyên ở trên có thể xuất phát từ những hiểu lầm về tật nói lắp. Nghiên cứu cho thấy thái độ của chúng ta dành cho những người nói lắp phụ thuộc một phần vào niềm tin về nguyên nhân gây ra tật này. Chẳng hạn, nếu bạn nghĩ một người nói lắp là do yếu tố tâm lý hay tính cách, như lo lắng giận dữ gây ra, thì nhiều khả năng bạn sẽ lảng tránh và nhìn nhận tiêu cực về họ. Hoặc nếu tin rằng căng thẳng dẫn đến nói lắp, người nghe sẽ sốt ruột bảo người nói lắp những câu tưởng hữu ích nhưng lại chí mạng: “bình tĩnh đi”, “hít sâu một hơi rồi hãy nói.”

Trong một thí nghiệm xã hội, các nhà nghiên cứu cho một nhóm người nói năng bình thường đọc một số mẩu tin về các nguyên nhân có thể gây ra tật nói lắp, bao gồm “yếu tố tâm lý”, “yếu tố di truyền” và “chưa rõ nguyên nhân”. Những người đọc mẩu thông tin rằng nói lắp gây ra vì “tâm lý” sẽ không mấy sẵn sàng giao tiếp với người mắc tật trong nhiều tình huống (2). 
Bạn có cho họ thuê nhà không? Bạn có cho họ công việc không? 
Không, tui không sẵn sàng.
Hai nhóm kia được đọc mẩu thông tin còn lại đã lựa chọn cởi mở giao tiếp hơn. Thậm chí, với nhóm được biết tật nói lắp “chưa rõ nguyên nhân” thì người ta cư xử với người nói lắp như người bình thường.

Một trong những lí do khiến tôi viết bài này, hay viết về khoa học nói chung, là suy nghĩ: thiếu hiểu biết là nguyên nhân số một gây khổ người, khổ mình. Trong Phật giáo có từ “quán chiếu”, nghĩa đơn giản là nhìn thật sâu để hiểu. Khi viết bài này, tôi mong có thể dùng khoa học và các nghiên cứu để “quán chiếu” lên tật nói lắp xem sao.

Nguyên nhân dẫn tới nói lắp là gì?

Đào bới tài liệu ngược dòng thời gian, tôi thấy được rằng tật nói lắp đã được ghi nhận từ ít nhất cách đây 4000 năm. Hồi ấy, tất nhiên là chỉ có những người rất nổi tiếng mới được ghi vào sử sách. Nhờ đó, ta biết được có thể nhà tiên tri Moses trong Kinh Cựu Ước, Hoàng đế La Mã Claudius, nhà hùng biện Demothenes hay Hoàng đế Pháp Louis Đệ Nhị mắc tật này. Những nỗ lực giải mã và tìm cách khắc phục tật cũng xuất hiện từ đây. Vài giả thuyết về nguyên nhân thường tập trung ở một vài nhóm cơ, gân trong miệng và trên mặt, kéo theo những cách chữa trị rợn người như cắt bỏ một phần lưỡi hay một phần cơ mắt (vì người ta nhận thấy những người nói lắp cũng hay nheo mắt.) Và chắc bạn đọc cũng đoán được, những cách chữa trị này đều thất bại một cách chết người. (6)

Tôi đoán khó nghiên cứu tật nói lắp tới nơi tới chốn vì nó xuất hiện và biến mất một cách bí ẩn. Chẳng hạn, một số người lớn nói lắp bỗng trôi chảy khi tự nói chuyện một mình ở nơi không người hoặc khi hát. Một số người chỉ nói lắp khi đọc theo sách còn trôi chảy khi nói chuyện và ngược lại. Một số giả thuyết cho rằng người nói lắp ngập ngừng khi nhận thức được sự xuất hiện của người nghe, dù trong tưởng tượng hay thực tế. Sự kì lạ này dẫn tới hiểu lầm tật nói lắp có nguồn cơn từ tâm lý. Nhưng không. Những năm 1990, nhận thức của chúng ta về tật này có những bước tiến vượt bậc khi công nghệ quét hình ảnh não hiện đại ra đời. Hóa ra, tật nói lắp không đơn giản chút nào.


Để hiểu hơn về tật này, ta cần biết rằng nói năng trôi chảy là một trong những hành vi phức tạp nhất của loài người khi đòi hỏi sự kết hợp của nhiều cơ quan với độ chính xác lên tới mỗi phần nghìn giây. Đứa đứng ra chỉ đạo các hoạt động này không ai khác là não bộ. Cụ thể hơn, đó là “ban nhạc” của vỏ đại não-hạch nền-đồi thị (cortico-basal-ganglia-thalamocortical loop, viết tắt là Cortico-BG) nằm một phần lớn bên bán cầu não trái. Trong đó, đồi thị tiếp nhận tín hiệu từ các giác quan; hạch nền “phân luồng” hành vi của các cơ quan như lưỡi, môi và hơi; còn vỏ đại não đảm bảo ta nhận thức được các tín hiệu cảm giác và cử động. 

Đem so sánh hình ảnh chụp hệ thần kinh của cả trẻ em và người lớn nói lắp với những người không bị, các nhà khoa học tìm ra điểm khác nhau tại vùng mạng não bộ nơi “ban nhạc” này “biểu diễn”. Khi họ sử dụng tín hiệu điện kích hoạt hoặc vô hiệu hóa vài vùng liên quan được nhắc tới ở trên, những người nói năng trôi chảy bỗng nói lắp và ngưng khi kết thúc thí nghiệm.(5) Tạm kết luận là những bất thường trong cách chơi của “ban nhạc” Cortico-BG có thể làm ngắt quãng lời nói. Cụ thể ra sao?

Cách chơi của “ban nhạc” Lời Nói ở người nói lắp

Đầu tiên, hạch nền (basal ganglia) hoạt động như một “lưới lọc”, một nhạc trưởng đích thực. Dù không trực tiếp “ra lệnh” cho hành vi nói diễn ra nhưng nó giúp não chọn lựa đúng cử động miệng phù hợp với hoàn cảnh và ngăn ta thực hiện những cử động sai. Khi tín hiệu bị gián đoạn bên trong hạch nền, người mắc nói lắp gặp khó khi bắt đầu hay duy trì tiếng nói.

Để dễ hiểu hơn, chúng ta cùng hình dung qua ví dụ về một người trưởng thành nói năng trôi chảy muốn nói từ “chó”. Khi lưỡi của họ đang chạm vào đỉnh vòm miệng để tạo âm “ch”, hạch nền gửi một tín hiệu tới vỏ đại não yêu cầu dừng âm “ch” và bắt đầu tạo âm “o” kế tiếp. Khi các chức năng phối hợp ổn thỏa, người này có thể phát âm từ “chó” một cách mượt mà. Khi một đứa trẻ đang học nói phát âm từ “chó”, não của chúng cần nhiều công sức hơn để làm đúng thứ tự, không phải “ó” hay “c-ó” hay “c-hó”. Càng luyện tập thì hạch nền sẽ càng lọc lựa cử động mượt mà để bé nói từ “chó” không cần nhiều suy nghĩ.

Với một người nói lắp, vùng này có thể không hoạt động như người nói năng trôi chảy, não không nhận ra thời điểm cần ngưng một âm và bắt đầu âm tiếp theo, và dẫn đến các kiểu nói lắp khác nhau. Kiểu “Kéo dài” xảy ra khi phát âm nhưng không biết lúc nào nên dừng. Kiểu “Chặn họng” xảy ra khi người đó không nhận ra hoàn cảnh cần phát ra một âm mới. Rồi khi một âm được nói lên nhưng lại bị dừng quá sớm khiến người nói phải phát lại nhiều lần, tạo thành kiểu “Lặp lại”.

Các nhà khoa học cho rằng một nguyên nhân khiến “lưới lọc” hạch nền hoạt động thiếu chuẩn xác là do khu vực này chứa quá nhiều hormone dopamine. Vì vậy, một số loại thuốc làm hạn chế tác động của dopamine ở đây đang được thử nghiệm, dù được cảnh báo những tác dụng phụ khá nguy hiểm. (1)

Ngoài vấn đề ở “nhạc trưởng” và kết nối với các thành viên còn lại, hình ảnh quét não còn cho thấy “ban nhạc” này ít hoạt động ở khu vực bán cầu não trái – nơi chịu trách nhiệm tạo ra tiếng nói – mà hoạt động nhiều hơn ở bên não phải so với người trưởng thành không nói lắp. 

Tóm lại, những kết quả ở trên cho thấy sự khác biệt giữa não bộ của người nói năng trôi chảy và người nói lắp. Tuy vậy, vẫn chưa rõ là não khác thường nên xuất hiện tật nói lắp hay một người nói lắp khiến não thay đổi theo. Hơn nữa, ngoài góc nhìn về mặt khoa học thần kinh, các nhà khoa học vẫn tiếp tục nỗ lực để thực sự hiểu hết cơ chế của tật này. Cần cả một ngôi làng khoa học để nâng cao hiểu biết của chúng ta về vấn đề của 1% dân số và cần nhiều hơn một bài viết 4000 chữ để ghi lại quá trình khám phá này. Dù vậy, đến đây ta đã biết, nói lắp là một vấn đề mang cấp độ hệ thống hơn là kết quả của sự khác thường tại chỉ một cơ quan hoặc một đường thần kinh cụ thể. 

Cuối cùng, nếu chỉ coi nói lắp là một sự kiện rời rạc và cô lập thì hiểu biết ta có được sẽ đơn giản tới mức tàn nhẫn, giống như những lời khuyên và niềm tin ở trên kia. Tật nói lắp ở người lớn không hề là dấu đỏ xác nhận họ thiếu kỉ luật cá nhân hay yếu kém về mặt đạo đức.

Có gì trong lòng người mắc tật nói lắp?

Nếu nhìn vẻ bề ngoài thì mô tả về người nói lắp sát nhất mà tôi từng thấy lại đến từ một danh họa thời Phục hưng mấy trăm năm trước: Jan van Eyck (6). Trong hình, van Eyck vẽ một người đàn ông tên Lannoy đang mặc một bộ trang phục quý, được Hoàng tử ban tặng nhờ đã làm mai thành công cho chàng. Khác với những bức chân dung khác khi người được họa thường nhìn ngang cơ, Lannoy đưa ánh mắt nhìn lên trên vì muốn hạn chế giao tiếp bằng mắt với người xem tranh. Lông mày ông ta hơi nhíu và miệng hơi bụm lại, trong khi tay phải nắm chặt một cây gậy. Cái thiên tài của Jan van Eyck thể hiện ở đây: đặc tả Lannoy chính lúc ông ta đang nói lắp kiểu “Chặn họng”. Những người mắc tật này thường mượn một cử chỉ bên ngoài để hỗ trợ họ kiểm soát lời nói, vuốt tóc, gãi mắt hay nắm chặt đồ vật trong tay.

Nhưng dù thiên tài tới mấy thì van Eyck cũng là người ngoài cuộc giống tôi, chỉ thấy được tật nói lắp qua các hành vi bề mặt. Đây chỉ mới là phần nổi của tảng băng trôi khổng lồ. Lịch sử nghiên cứu tật này cũng từng bế tắc khi các phát hiện thường được nhìn từ góc của người ngoài. Còn người nói lắp thực sự cảm thấy ra sao? 

Tiến sĩ Joseph Sheehan là một nhà nghiên cứu và trị liệu nói lắp đầu ngành … vì ông cũng nói lắp (8). Năm 1970, ông đề xuất mô hình tảng băng trôi mô tả tâm lý và hành vi của người mắc tật này. Người ngoài dễ thấy hành vi nói lắp “bề nổi” có các diễn tiến vật lý như căng cơ, phát âm ngắt quãng và không kiểm soát được lời nói. Còn phía dưới tảng băng, tuy vô hình với người ngoài nhưng lại sừng sững với người mắc. Về mặt cảm xúc, ngay tại khoảnh khắc không nói lên lời, họ sẽ cạn kiệt cảm xúc, xấu hổ, sợ khi sắp phải nói, và lo lắng khi lường trước mình chắc chắn sẽ nói lắp. Thậm chí nhiều người còn cảm thấy tội lỗi và xấu hổ. Không mấy người thấy thoải mái và tự chủ những lúc ấy (7). Một yếu tố khác cũng chạy ngầm là mục tiêu của người nói lắp. Có người đặt mục tiêu nói trôi chảy và không lắp bắp. Có người lại muốn mình thoải mái với tật này, lắp thì lắp, sợ gì. Những điều này thì ảnh hưởng gì?

Các cảm xúc và mục tiêu khiến họ có thêm những hành vi âm thầm mà người ngoài không hay biết. Chẳng hạn, nếu có mục tiêu không nói lắp, họ có thể sẽ dùng nhiều từ đệm, thậm chí chửi thề, sử dụng tay chân nhiều hơn. Nhưng hoặc là, họ thà chọn giữ im lặng, thậm chí xoá mình khỏi cuộc hội thoại trong nhiều tình huống dù muốn lên tiếng. Chắc bạn biết Samuel L. Jackson, diễn viên vào vai Nick Fury trong phim Avengers đã từng chọn không lên tiếng khi đến trường hồi bé. Nhưng có thể bạn không biết ông nổi tiếng với cụm *&##@&$*@& trên khắp màn ảnh là để đối phó với tật nói lắp của chính mình.

Người mắc tật này cũng lường trước những từ mình có thể vấp và tìm cách thay đổi câu nói. Đây là lúc họ nói lắp kiểu “Bẻ từ”, nghe có vẻ trôi chảy nhưng họ không thực sự nói lên được ý muốn ban đầu của mình. Cuối cùng, người nói lắp có thể nhờ người khác lên tiếng thay cho mình. Như trong trường hợp xích mích giữa anh và tôi, rất có thể không phải anh không muốn tự chủ khi đòi tôi nói giúp với người khác nhưng anh không biết cách nào khác.

Tuy chưa đủ bằng chứng để khẳng định căng thẳng lo âu dẫn tới nói lắp, nhưng ngược lại có thể đúng. Do hay nhận được những phân biệt đối xử mà những người nói lắp thường mang trong mình cảm giác lảng tránh, e dè, ngượng ngạo, thậm chí là xấu hổ và tội lỗi (2). Các nghiên cứu tâm lý trên đối tượng này cho thấy khoảng hơn một nửa người lớn mắc tật nói lắp có bị rối loạn căng thẳng xã hội. Cứ ba trong bốn người mắc tật này được chẩn đoán là mắc ít nhất một loại rối loạn tâm lý. Và dù yếu tố tâm lý không gây ra nói lắp, nó có thể làm tình hình tồi tệ hơn. Khi người nghe tỏ vẻ thiếu kiên nhẫn, giục giã, ngắt lời, đoán phần tiếp theo câu, hoặc gợi ý giữ bình tĩnh đều có thể góp phần khiến nói lắp xảy ra nhiều hơn. 

Hiểu biết về tâm lý của người nói lắp có thể giúp ích ra sao? Nhận ra được sự khó khăn cho cảm xúc và tinh thần mà tật này gây ra, Sheehan cho rằng càng kiềm chế nói lắp thì “phần chìm của tảng băng” càng lớn. Ông phát triển một phương pháp trị liệu nói lắp bằng cách khai thác và chấp nhận những gì phía dưới tảng băng, nhằm giảm thiểu vòng xoáy tiêu cực kéo tinh thần người mắc đi xuống. Sheehan định nghĩa thêm, chuyện “khỏi” tật này không chỉ dừng lại ở mức người nói giảm nói lắp, mà họ còn chấp nhận và cởi mở hơn với tình trạng nói lắp của mình. 

Các nghiên cứu cũng cho thấy nếu việc trị liệu tập trung quá nhiều vào rèn sự lưu loát cho người nói lắp có thể làm gia tăng cảm xúc khó của người nói lắp. Thay vào đó, việc sinh hoạt với cộng đồng những người nói lắp có khả năng làm giảm số lần nói lắp và một số cảm xúc tiêu cực khác do tạo được một “vòng tròn” an toàn và dung chứa mỗi người bên trong (7).

Xã hội có chỗ cho người nói lắp không?

Chúng ta đang sống trong những xã hội ưu ái sự trôi chảy. Nói năng lưu loát và dễ hiểu là một lợi thế, dù bạn làm nghề gì đi nữa, bạn sẽ được trao nhiều cơ hội tốt hơn. “Vì vậy, để cạnh tranh trong cuộc sống, bạn cần phải nói được, to và rõ.” Lý lẽ kiểu này này không lạ. Thử hỏi bao nhiêu người tới từ mọi miền Việt Nam chủ động đổi tiếng nói của mình để dễ hòa nhập hơn với xã hội ở Sài Gòn hay Hà Nội?

Người nói lắp thì không có được sự thay đổi ấy một cách dễ dàng. Không có một cái công tắc bật-tắt chế trôi chảy-lắp bắp trong đầu họ. Tật nói lắp vẫn ở đó, dù họ có nói hay không. Vậy mà rất nhiều nguồn thông tin về tật này mà tôi tìm được bằng tiếng Việt đều kết thúc bằng gợi ý dành cho người nói lắp. Tôi muốn làm khác đi. Bài viết này khẳng định nỗ lực cá nhân sẵn có ở những người lớn nói lắp chỉ để kiểm soát và nói lên suy nghĩ của mình. Còn xã hội có chỗ cho người nói lắp không? 

Người mắc tật nói lắp không phải một video trên YouTube cho chúng ta click đúp để tua nhanh. Truyền thông là công việc hai chiều có sự tham gia của người nói và người nghe. Khi ghi nhận được khó khăn và cố gắng của họ rồi, những người nói lắp cần được lắng nghe và cho họ biết là ta đang lắng nghe. Nhìn vào mắt họ khi họ nói. Không cần nhắc họ hít thở hay giữ bình tĩnh, vì những điều này không giúp ích gì. Để yên cho họ nói hết câu. Đừng điền lời nói của mình vào chỗ trống, hãy điền sự kiên nhẫn vào.

Tôi

Cuộc trò chuyện gần nhất của tôi và anh diễn ra trong khi bài viết này được “muối”. Nhờ hành trình tìm hiểu, tôi nhận ra rằng mình chưa bao giờ hoàn thành vai trò của một người nghe đơn thuần khi cuộc hội thoại diễn ra. Anh không cần tôi tìm giúp những nơi chữa trị tật nói lắp, hay điền từ vào chỗ trống giúp trong lúc ngập ngừng. Anh cần tôi lắng nghe anh nói hết. 

Đấy là lần đầu, tôi lắng nghe anh nói hết.

“Vì anh không thể nói…”

Ở cuối phần giới thiệu bản thân trên website của mình, sau  khi liệt kê nhiều tác phẩm và giải thưởng được trao tặng, nhà thơ Adam Giannelli ghi: “Tôi là một người nói lắp.” Tôi không biết Adam đã vượt qua sự xấu hổ và bế tắc chưa, nhưng tôi đoán chắc anh ấy đã rất tự hào. Adam nói rằng tật này giúp anh trở nên nhaỵ cảm với ngôn từ, và mở đường cho anh đến với thơ.

Dưới đây là một đoạn trong bài thơ Nói lắp (Stutter) của Adam được tôi, dùng phần sức lực chữ nghĩa còn lại sau bài viết này, chuyển ngữ. Tôi đoán sẽ có gì đó động đậy trong lòng bạn khi đọc xong, lòng đồng cảm chăng?

Bài viết long form này được muối trong suốt 3 tháng và thành sản phẩm được là nhờ sự hỗ trợ của nhiều người thân và bạn bè tôi. Cám ơn Bơ đã chỉ ra lối để bài viết thoát khỏi sự lùng bùng. Cám ơn Phan Nhi vì những artwork minh hoạ có thể nói thay lời bài viết. Cám ơn Ánh Ngân đã giúp kiểm tra lại các thuật ngữ giải phẫu học tiếng Việt.

Cám ơn Anh.

Phụ lục

Những cộng đồng 1% hỗ trợ người nói lắp

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chiến thắng cuộc tranh cử, cộng đồng người nói lắp ở nước này được dịp hân hoan. Báo chí khắp nơi bỗng quan tâm tới cộng đồng của 1% người lớn này khiến nhiều tổ chức âm thầm bên dưới tảng băng bỗng gần với đại chúng hơn. Tôi xin chia sẻ một số cộng đồng mình tìm được. 

Tiếng Anh

https://westutter.org/myths-about-stuttering/

https://www.facebook.com/stutteringhelp

Tiếng Việt: có tìm thấy trên Facebook nhưng có vẻ không hoạt động sôi nổi lắm.

Tài liệu tham khảo

(1) (Bloodstein et al., 2021)

(2) (Boyle et al., 2009)

(3) Here’s what we know about stuttering

(4) (Jackson et al., 2021)

(5) (Chang & Guenther, 2020)

(6) (Brosch & Pirsig, 2001)

(7) (Tichenor & Yaruss, 2019)

(8) Tiểu sử Joseph G. Sheehan

Hình ảnh bức tranh: Baudoin de Lannoy của Jan van Eyck (sơn dầu trên gỗ, 26 × 19.5 cm) thuộc quyền sở hữu của Staatliche Museen zu Berlin Preussischer Kulturbesitz. Được chụp bởi Jörg P. Anders, Berlin. Được đăng trong (6).

Hình Tảng băng trôi được Việt hoá từ hình gốc From INTRO: A Guide to Communication Sciences and Disorders (3rd ed., p. 123), by M. P. Robb, San Diego, CA: Plural Publish-ing. Copyright 2020 Plural Publishing, được đăng trong (1). Người thiết kế bản tiếng Việt: @phannhi

Hình ảnh “ban nhạc” Cortico-BG được thiết kế bởi @phannhi dựa trên hình ảnh giải phẫu não 3D từ https://www.brainfacts.org/3d-brain/

Hình ảnh bìa: @phannhi

Trích đoạn bài thơ Stuttering của tác giả Adam Giannelli được chuyển ngữ bởi The Too Blue Scientist và thiết kế bản tiếng Việt bởi @phannhi

Bài thơ Nói lắp (Stutter) của Adam Giannelli https://poetrysociety.org/poems-essays/in-their-own-words/adam-giannelli-on-stutter

Podcast của nhà khoa học thần kinh Andrew Huberman với TS. Erich Jarvis về tật nói lắp  https://www.youtube.com/watch?v=2Zc4fP9daV4 

This Post Has 13 Comments

  1. Hue Chi

    Cảm ơn em và các bạn hỗ trợ em. Bài viết tuyệt vời Hải ơi ❤

  2. Trần Thị Yến Xuân

    Bài viết hay quá Hải. Đọc xong thấy hiểu hơn, đồng cảm hơn, nhận ra X cũng từng hồn nhiên “điền vào câu” mà ko nghĩ đến sẽ làm người nói khó chịu. Cảm ơn Hải nhiều.

    1. cám ơn Xuân đã đọc bài và phản hồi nha. Đúng là để đồng cảm không hề dễ chút nào á ;( it takes a lot of effort luôn á.

      1. Trần Thị Yến Xuân

        đúng rồi, và muốn v trước hết phải hiểu biết. Nhờ H mà X có thêm hiểu biết để mà đồng cảm hơn á. H đã làm được rất nhiều.

  3. Nguyễn Ngọc Thiên Nhi

    mãi xịnnnnn

      1. Nguyễn Ngọc Thiên Nhi

        tui được nghe H kể về topic này rùi nên comment mang tính xác nhận sự xịn, không cần dài dòng

  4. Nguyễn Thị Vân

    Quá đúng và bài viết hay lắm!

  5. Lương Trung Tiến

    mình TV thì trôi nhưng English bị lắp

Leave a Reply