Truyện kể về những người Indian sống trên nước Mỹ – những người Ấn Độ thành lập nên một cộng đồng của riêng mình. Họ chia sẻ, ăn ở với nhau và hỗ trợ nhau ra sao để có một cuộc sống tốt đẹp hơn như thế nào, chúng ta hãy cùng đọc review nhé.
Ủa, không phải.
Bỗng nhận ra rằng mình đang là một Columbus thứ hai, nhầm lẫn họ với những người Ấn Độ.
Không phải. Indian ở đây, dịch ra tiếng Việt là Anh Điêng. Mình tra Wikipedia thì có những tên gọi như Native Americans, Red Skin, … Hóa ra họ không những không phải dân nhập cư, mà họ là con ruột của đất châu Mỹ này, những người bản xứ.
Họ sống trên đất của ông cha mình với tập tính di canh, di cư. Ở đâu có cây cối ngon lành, động vật nhiều, dễ trồng trọt thì tới. Đất tạm thời hết dùng được thì họ không thèm cải tạo mà đi tìm một nơi ở mới. Có điều tập tính “quý báu” đầy lãng tử, phong trần, nay đây mai đó này lại bị thay đổi với sự xuất hiện của người da trắng.
Jr. ấm ức kể tụi da trắng ăn nhờ ở đậu đất của mình xây nên bao nhiêu thứ hiện đại, còn mình phải ở khu khỉ ho cò gày này. Dân tộc cậu đã đánh mất tất cả, đất đai, ngôn ngữ, phong tục, điệu nhảy, bài hát. Chẳng còn gì cả.
Trước thời của Jr., ông bà cha mẹ anh chị em họ hàng không còn di canh di cư nữa, mà ngược lại, họ ở lì một chỗ và có cộng đồng của riêng mình. Họ không thích chơi với người da trắng. Nếu có đi ra ngoài thì họ cũng chỉ đến những khu biệt lập của những người da đỏ khác mà thôi.
Quán tính của cả một cộng đồng đã hình thành thế rồi, bạn làm sao mà thoát ra được, đúng không?
Đúng, trừ khi bạn tình cờ học lại đúng cuốn sách rách nát của mẹ bạn từ mấy chục năm trước và tức giận mà ném thẳng cuốn sách vào mặt ông thầy hay đi trễ và thường xuyên mặc đồ ngủ lên lớp.
Nếu ông đuổi học thì đời bạn cũng thế thôi, nhưng ổng khóc nức nở rồi lại khen bạn, khen chị bạn, chê mình, chê cả cộng đồng. Bảo bạn, mày phải đi ra chỗ khác, mày còn ở đây là tao giết mày. Mày có năng lực và mày dám ném sách vào mặt tao tức là mày muốn thay đổi một cách mạnh mẽ nên mày xứng đáng được hơn như thế này. Mày đi đi. Tao tin mày làm được. Nói đoạn ổng khóc tiếp.
Jr. phân vân lắm. Nhà không ai đi, giờ mình đi có kỳ không? Mình rủ bạn thân chí cốt xem nó có đi không? Không, lại còn bị nó đấm sưng mặt. Không có một dòng nào miêu tả về Rowdy mà làm người đọc yên lòng cả. Đụng tới thằng đó là chỉ có đánh, chửi, chửi, đánh. Vậy mà hay làm sao bạn đọc nào cũng thương, cũng mến.
What’s wrong with you?!
Everything!
Chi tiết đinh của truyện là hai trận bóng rổ của đội bóng mới và cũ. Sau khi bị Rowdy làm cho bất tỉnh Jr. quyết tâm phục thù một cách ghê gớm.
Từ trận thắng đội bóng da đỏ cũ của chính mình, Jr. mới bàng hoàng nhận ra chính cậu lại làm quân mình thua người da trắng. Hối hận và buồn thảm, cậu khóc những giọt nước mắt không phải vì chiến thắng.
Rowdy và Jr. đều có thật. Cái kết truyện cũng có thật. Chính Rowdy là người động viên Jr., sau khi cả hai trở lại làm bạn, phải đi để khám phá thế giới và tiếp tục thực hiện con đường nay đây mai đó của người da đỏ hay chính ước mơ của mình. Rowdy tin Jr. có thể làm được. Rowdy chọn ở lại khu biệt lập này, chờ postcard của Jr. gửi về.
Tác giả đã không gửi postcard nào cho người bạn của mình. Ông viết hẳn một tiểu thuyết về anh ấy. Dưới đây là những lời mà ông nói khi phát biểu ở đám tang của bạn mình, Randy-Rowdy.
I am a stroryteller because you listened to me.I am alive because you lived.
Tác phẩm là một nhật ký hài hước, những đoạn cần buồn thì tác giả làm cho chính ổng cười rồi người đọc cười theo.
Những đoạn xúc động mình cứ đọc đi đọc lại hoài. Niềm tin của người thầy vào Jr. làm cậu dám thay đổi.
Niềm tin của chính Jr. giúp cậu sống sót qua sự coi thường, phân biệt chủng tộc và giành được sự tôn trọng của đám bạn.
Còn niềm tin của Rowdy vào Jr. đưa cậu trải qua thời điểm khó khăn nhất của mình, để trở thành một kể chuyện xuất sắc.
The Too Blue Scientist
Pingback: Sách đọc tháng Bảy | The Too Blue Scientist